Trang Bị Nha Kỹ Thuật
Sunday, January 15, 2023
Saturday, January 14, 2023
Friday, November 12, 2021
GIÁN ĐIỆP VÀ BIỆT KÍCH - Kenneth Conboy, Dale Andrade - VDH Chuyển ngữ
Tác phẩm rút ngắn, tác giả: Kenneth Conboy, Dale Andradé
I. LỜI GIỚI THIỆU
Trận chiến Đông Dương không dễ dàng cho người Pháp, sau trận thế chiến thứ Hai. Đến đầu năm 1952, Việt Minh đã kiểm soát gần hết khu vực phía bắc, vùng biên giới với Trung Hoa. Trong khi đó, bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Tổng Thống Truman lo ngại vị thế của người Pháp trong vùng Đông Dương đang suy yếu dần đi. Để mất một quốc gia trong vùng Đông Dương vào tay Cộng Sản sẽ ảnh hưởng uy tín của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế. Chính quyền Truman có vài lựa chọn, người Hoa Kỳ đã giúp đỡ đồng minh Pháp rất nhiều, cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng cho quân đội Pháp ở Đông Dương. Hơn nữa, quân đội Hoa Kỳ đang phải đối phó với trận chiến tranh Triều Tiên (Hàn Quốc, 25 tháng Sáu 1950 – 27 tháng Bẩy 1953), do đó không thể công khai tham chiến (trên một quốc gia khác) trong khu vực Á châu, vì lý do chính trị quốc tế.
Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn còn một lựa chọn khác, các hoạt động bí mật. Cơ quan CIA lúc đó đã hoạt động được 5 năm (hậu thân từ đơn vị OSS - Phòng Dịch Vụ Chiến Lược), được lệnh đặt chân vào khu vực Đông Dương. Cơ quan CIA chọn một sĩ quan trẻ, Donald Gregg, huấn luyện một đơn vị nhỏ (biệt kích) người Việt Nam, rồi cùng với họ nhẩy dù xuống khu vực rừng núi miền bắc Việt Nam. Gregg nhận lệnh, bay qua Thái Lan, chọn 10 người Việt Nam, đưa họ qua căn cứ (bí mật) của cơ quan CIA nằm trong căn cứ Hải Quân (Hoa Kỳ) Yokosuka bên Nhật Bản. Gregg không hài lòng, tin tưởng nơi nhóm người Việt Nam tuyển mộ ở Thái Lan nên trả họ về Thái Lan.
Sau Harry Truman, Tổng Thống mới của Hoa Kỳ là Dwight D. Eisenhower không thích chính sách người Pháp áp dụng ở Việt Nam. Trong một phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) ngày 21 tháng Giêng năm 1954, ông ta cương quyết không để khu vực Đông Dương rơi vào tay khối Cộng Sản, đặt câu hỏi cho các vị cố vấn, làm thế nào để củng cố vị thế của người Pháp.
Trả lời Tổng Thống Eisenhower, giám đốc cơ quan CIA Allen Dulles nói trước hội đồng NSC rằng “chuyên gia bán quân sự” của họ sẵn sàng qua Đông Dương, nhưng người Pháp không đồng ý (sợ mất mặt, mất quyền lợi, tự ái,…). Allen Dulles nói thêm, chiến tranh du kích đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài, sau đó đề nghị, ép buộc người Pháp phải chấp nhận cho chuyên gia “bán quân sự” (CIA) vào Đông Dương để đổi lấy vũ khí viện trợ của Hoa Kỳ. Vị Tổng Thống Hoa Kỳ đồng ý.
Tám ngày sau, Allen Dulles đưa Edward Lansdale vào trình diện Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) nói rằng Lansdale, một Đại Tá Không Quân làm việc cho CIA sẽ là người đầu tiên qua Đông Dương. Lansdale đã để lại “dấu ấn” trong vùng Đông Dương, cố vấn trưởng cho Tổng Thống Philipine Ramon Magsaysay, dẹp tan phong trào nổi loạn cộng sản Hukbalahap (cộng sản Huk ở Phi Luật Tân). Thành tích đó gây tin tưởng nơi Allen Dulles và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Foster. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chấp thuận gửi Lansdale sang Việt Nam.
II. GIÁN ĐIỆP ĐƠN PHƯƠNG (ĐƠN TUYẾN - SINGLETON)
Đầu năm 1955, một danh sách những sự đe dọa (chống đối) Thủ Tướng Ngô Đình Diệm (chưa đắc cử Tổng Thống) và chế độ do ông ta xây dựng trở nên dài thêm ra. Nhiều nơi trong miền nam Việt Nam, các giáo phái, đảng phái quốc gia, kể cả thành phần bất hảo (Tướng cướp… Bẩy Viễn…) đều chống đối ông Diệm để bảo đảm quyền lợi riêng tư của họ. Nhưng đến giữa năm, ông ta làm cho giới quan sát quốc tế ngạc nhiên, thanh toán các thành phần đối lập ra khỏi thành phố Saigon. Được người Hoa Kỷ yểm trợ, trong tháng Mười, ông Diệm mở cuộc tổng tuyển cử, truất phế cựu hoàng Bảo Đại lên làm Tổng Thống, thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Mặc dầu đã thanh toán xong đối lập, Tổng Thống Diệm vẫn tiếp tục “bảo vệ” ông ta chống lại kẻ thù trên thực tế cũng như trong trí tưởng tượng. Ông ta xây xựng bốn cơ quan an ninh tình báo. Cơ quan đầu tiên là Phòng Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội. Đằng sau chức vụ này, Bác Sĩ Trần Kim Tuyến là một người theo đạo Công Giáo (gốc), được sự tín cẩn của Tổng Thống Diệm, ông ta xây dựng một màng lưới tình báo an ninh nội bộ, thâu thập tin tức tình báo các nhóm chống đối chế độ, và cộng sản.
Cơ quan an ninh thứ hai là Nha An Ninh Quân Đội (MSS) được Lansdale giúp đỡ, cố vấn thành lập, dưới quyền Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, trông coi vấn đề an ninh trong quân đội, đề phòng đảo chánh.
Cơ quan an ninh thứ ba đặt dưới quyền Trung Tướng Nguyễn Ngọc Lễ, đó là ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Ông Lễ là người trung thành được ông Diệm tin dùng, trao trách nhiệm trông coi, chỉ huy các điệp viên nằm vùng gài ở lại miền bắc sau hiệp định Genève 1954.
Cuối cùng là Quân Đội VNCH, được trao lại từ người Pháp, ông Diệm cho xây dựng, tổ chức lại Phòng Sáu (6) trong bộ Tổng Tham Mưu. Phòng này trong thời gian người Pháp còn ở Việt Nam lo nhiệm vụ phản gián, phản tình báo. Phòng Sáu được đổi tên thành Phòng Nghiên Cứu Tổng Quát trực thuộc bộ Quốc Phòng. Như ba cơ quan kể trên, Phòng Sáu cũng lo chuyện an ninh nội bộ, theo dõi đảng phái chính trị đối lập.
Năm 1956, tình hình trở nên bết, Tổng Thống Diệm từ chối tổng tuyển cử (Nam-Bắc) theo hiệp định Genève, mở chiến dịch càn quét quân cộng sản nằm vùng ở lại sau năm 1954, bắt giữ hàng ngàn cán bộ cộng sản. Quân cộng sản trả đũa mở chiến dịch khủng bố, ám sát viên chức xã ấp, chính quyền VNCH. Tình báo Hoa Kỳ cũng như VNCH chỉ nghi ngờ miền bắc Việt Nam đã xúi dục, yểm trợ cho các hoạt động cộng sản trong miền nam (Việt Cộng) nhưng vẫn không có bằng chứng, và hoàn toàn không biết chút gì đang xẩy ra nơi miền bắc.
Từ năm 1955, cơ quan CIA đã khuyến khích chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện các hoạt động gián điệp nơi miền bắc Việt Nam. Nói chính xác, CIA muốn cơ quan tình báo dân sự làm đối tác của họ, phòng Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội dưới quyền Bác Sĩ Tuyến thực hiện điều này (gửi điệp viên ra ngoài bắc).
Bác Sĩ Trần Kim Tuyến đồng ý làm việc với người Hoa Kỳ. Qua năm sau 1966, ông ta cho biết đã điều khiển chín (9) đường giây tình báo (điệp viên) hoạt động nơi miền bắc Việt Nam. Washington phấn khởi, cung cấp ngân khoản, tiền bạc cho bác sĩ Tuyên đóng tầu (đánh cá ngụy trang như ngư dân miền bắc) để đưa điệp viên xâm nhập.
Ngoài các hoạt động gián điệp phát xuất từ văn phòng Bác Sĩ Tuyến, chính quyền Eisenhower trong năm 1957 cho xúc tiến chương trình hoạt động bí mật, phối hợp giữa cơ quan CIA và bộ Quốc Phòng, xây dựng một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt cho miền nam Việt Nam đặt tên là liên đoàn Quan Sát số Một (1). Đơn vị này đóng vai trò phòng thủ: thực hiện du kích chiến trường hợp Trung Cộng chỉ huy cuộc xâm lăng (miền nam Việt Nam).
Để bảo mật cho liên đoàn Quan Sát số Một ngoài sự hiểu biết của quân chúng (VNCH), đơn vị LLĐB được đặt nằm trong phòng Nghiên Cứu Tổng Quát bộ Quốc Phòng. Đơn vị LLĐB này có hai thay đổi quan trọng, thứ nhất đổi tên Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, ra khỏi bộ Quốc Phòng đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Tổng Thống Diệm. Thứ hai, cấp chỉ huy mới của phòng này là Trung Tá Lê Quang Tung, một người Huế theo đạo Công Giáo, ăn nói nhỏ nhẹ, đã có kinh nghiệm phục vụ trong ngành an ninh quân đội. Được sự tin tưởng của ông Diệm, ông Tung từ Trung Úy lên Trung Tá trong vòng hai năm.
Đến năm 1957, cơ quan CIA bắt đầu nghi ngờ các đường dây gián điệp nơi miền bắc của Bác Sĩ Tuyến là không có thật (báo cáo láo) “Chúng tôi nhận được các bản báo cáo tương tự tháng này qua tháng khác” theo lời nhân viên CIA David Zogbaum phục vụ ở Việt Nam trong thời điểm đó. Zogbaum tốt nghiệp trường đại học lừng danh Yale, có vợ người Pháp, anh ta để ý những điều khác thường trong các bản báo cáo của Bác Sĩ Tuyến “Tôi báo cáo về bộ chỉ huy (CIA), nghi ngờ các bản báo cáo đó được ‘làm’ trong Saigon”. Sau đó, cơ quan CIA khám phá ra thêm mấy chuyện khác trong các việc làm của Bác Sĩ Tuyến, chiếc thuyền CIA trả tiền để đưa điệp viên xâm nhập miền bắc đã cho một công ty khai thác hải sản Nhật Bản thuê. Cơ quan CIA giảm bớt sự liên hệ làm việc với cơ quan của Bác Sĩ Tuyến, chuyển sang phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống và Trung Tá Lê Quang Tung.
Trong năm 1958, cơ quan CIA ở Saigon thành lập một ban hành động để làm việc (tương xứng, đối tác) với Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống. Đứng đầu ban này có Russell Miller, ông ta làm việc dưới danh xưng ngụy tạo, nhân viên ngoại giao, theo dõi Trung Tá Tung chọn 12 sĩ quan làm việc trong đơn vị mới (liên đoàn Quan Sát số Một). Mười một trong số 12 người là sĩ quan trẻ cấp bậc Thiếu, Trung Úy, trưởng toán là Đại Úy Ngô Thế Linh, quê quán ở Hà Tĩnh, phiá nam của miền bắc Việt Nam, đã có kinh nghiệm làm việc 5 năm ở Đà Nẵng. Cũng như Tổng Thống Diệm và Trung Tá Lê Quang Tung, ông Linh theo đạo Công Giáo.
Trong tháng Mười Một, mười hai sĩ quan trẻ QLVNCH được đưa qua Saipan cho nhân viên CIA huấn luyện kéo dài hai tháng, từ kỹ thuật lấy tin tức tình báo tác chiến, kỹ thuật phá hoại, điều khiển đường dây gián điệp. Trở về Việt Nam, Đại Úy Ngô Thế Linh được bổ nhiệm chính thức chỉ huy (trưởng phòng) một phòng mới thành lập trong phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, tên gọi là “Sở Bắc” hay phòng 45.
Chỉ với 12 sĩ quan khởi thủy, phòng 45 huấn luyện thêm quân nhân trong thời gian mấy tháng kế tiếp. Đến giữa năm 1959, toán thứ hai gồm năm sĩ quan trẻ được đưa sang Saipan huấn luyện (cấp tốc, rút ngắn) còn sáu tuần lễ. Sau đó, cơ quan CIA gửi một nhân viên huấn luyện đến Saigon, huấn luyện đặc biệt hai khóa, mỗi khóa 12 tuần lễ. Lần mới này, họ huấn luyện các sĩ quan trẻ sinh quán nơi miền bắc Việt Nam, hoặc thuộc sắc dân thiểu số nơi miền bắc (dân tộc Tầy, Mường, Thái, Nùng, …).
Trong khi chờ đợi khóa huấn luyện hoàn tất vào cuối năm 1959, phòng 45 (sở Bắc) thảo chương trình, kế hoạch cho hoạt động đầu tiên. Chuyện này “đau đầu” chứ không đơn giản như trước năm 1954, Lansdale đã chôn dấu vũ khí, tuyển mộ điệp viên “nằm lại sau năm 1954” từ trong các đảng phái chống cộng như: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt,… Lần này (năm 1959, 1960), phòng 45 phải đối đầu với một xã hội cộng sản, người dân bị kiểm soát chặt chẽ đã hơn 5 năm (từ năm 1954).
Cơ quan CIA cũng nhìn nhận điều này, xâm nhập một xã hội cộng sản, bị kiểm soát chặt chẽ là một nhiệm vụ quá khó khăn cho tất cả các cơ quan tình báo, phản tình báo. Ngay cả Hoa Kỳ, một quốc gia nhiều nhân lực, vật lực, kinh nghiệm xâm nhập vào các quốc gia cộng sản Á châu (Trung Cộng, Bắc Hàn) đem lại thất bại, ê chề. Trong số 212 điệp viên xâm nhập vào Trung Cộng từ năm 1951 đến năm 1953, một nửa bị giết, nửa còn lại bị bắt… Ngay cả chuyện cho điệp viên xâm nhập vào Bắc Hàn, kết qủa cũng tương tự…
Nhiệm vụ đưa một điệp viên đơn phương (đơn tuyến – singleton) của phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống được trao cho Trung Úy Đỗ Văn Tiên. Một người lớn lên trong thị thành (thành phố), phức tạp, ông ta có bí danh Francoise (tên Anh hoặc Pháp để dễ làm việc với người Hoa Kỳ - CIA). Trung Úy Tiên bắt đầu đường binh nghiệp làm người thông ngôn cho tình báo (phòng Nhì) Pháp, sau đó trở nên hạ sĩ quan trong trung đoàn pháo binh thuộc điạ (người Pháp). Thay vì theo đơn vị (pháp) luân chuyển sang Algeria, ông ta giải ngũ làm sĩ quan tham mưu (VNCH) trong Saigon. Ông Tiên có hai điểm phù hợp với Tổng Thống Diệm, là người Công Giáo và sinh quán ở Huế. Sau đó Francoise (Đỗ Văn Tiên) làm việc cho phòng 45 (sở Bắc).
Người điệp viên đơn phương đầu tiên, được lựa chọn là một người đàn ông rời bỏ hàng ngũ cộng sản tên là Phạm Chuyên. Đã một thời là đảng viên cộng sản trong tỉnh Quảng Ninh. Năm 1958, bà vợ bỏ ông ta đi theo một sĩ quan an ninh (có thể là công an) miền bắc. Tức giận, nổi điên, Phạm Chuyên ròi bỏ hàng ngũ cộng sản, di cư vào miền Nam.
Trong khi chờ đợi, sống trong trại tỵ nạn ở Gia Định gần Saigon, thành tích (việc làm) đã qua của Phạm Chuyên được nhân viên an ninh chế độ (Saigon) để ý. Bác Sĩ Tuyến, trùm gián điệp phòng Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội, mời gia nhập, nhưng Chuyên từ chối. Trung Tá Lê Quang Tung cũng tìm cách thuyết phục người cựu đảng viên cộng sản Phạm Chuyên, ông ta cho một viên sĩ quan trẻ phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống theo dõi Phạm Chuyên sáu tháng, nhưng Chuyên vẫn không nhận lời làm việc cho chế độ Saigon. Không nản chí, Trung Tá Lê Quang Tung ra lệnh Francoise tìm đủ mọi cách thuyết phục Phạm Chuyên. Francoise hợp tác với nhân viên CIA Edward Regan, một người đã làm việc trong miền nam Việt Nam được một năm. Sau đó đích thân ông ta (Francoise - Đỗ Văn Tuyên) đi đến trại tạm cư ở Gia Định gặp Chuyên. “Chuyên là người đàn ông nhỏ con, rất lạnh lùng, cứng rắn (không biểu lộ cảm xúc)” Francoise nhớ lại “Anh ta cũng không nói nhiều” Sau vài lần, Francoise xin phép cấp chỉ huy, đưa Phạm Chuyên ra khỏi trại tạm cư, đi xem ciné. Lần khác vào trung tâm thành phố Saigon, để cho Chuyên nhìn thấy rõ nếp sống phồn thịnh trong miền nam. Cuối cùng, sau gần sáu tháng, Phạm Chuyên nhận lời làm việc với Francoise (ngành tình báo VNCH).
Sau đó, Phạm Chuyên được giới thiệu với nhân viên CIA, Edward Regan, rồi đưa ra Nha Trang khảo sát trắc nghiệm tâm lý. Anh ta đạt điểm tốt, tiếp theo được huấn luyện về truyền tin, thông tin liên lạc trong vòng sáu tháng kế tiếp.
Trong thời gian Chuyên được huấn luyện, Francoise cùng với Regan bận rộn thảo kế hoạch đưa người điệp viên xâm nhập trở lại miền bắc Việt Nam. Họ dự trù đưa Phạm Chuyên trở về làng cũ nơi bờ biển tỉnh Quảng Ninh, nằm vùng lâu dài… Phương tiện tốt nhất cho anh ta xâm nhập bằng đường biển. Để “phóng” đi những điệp viên xâm nhập miền bắc bằng đường biển, phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống cần một căn cứ bí mật ở Đà Nẵng. Bay từ Saigon ra Đà Nẵng, hai người điều khiển đường dây tình báo tìm thuê một biệt thực nhỏ có tường cao (để giữ bí mật, không bị nhòm ngó). Từ đó trở về sau, các hoạt động của họ từ ngôi biệt thự có mật danh là Pacific (Thái Bình Dương).
Cũng như cơ quan CIA đã cung cấp cho Bác Sĩ Tuyến chiếc thuyền để đưa điệp viên xâm nhập miền bắc. Để ngụy trang, phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống cử sĩ quan ra thăm những làng dân đánh cá ở Vũng Tầu, tìm những ngư dân sắc tộc thiểu số Nùng (đã sống ở miền bắc Việt Nam trước 1954), đặt họ đóng chiếc thuyền theo kiểu kiến trúc như những chiếc tầu đánh cá trong hải phận tỉnh Quảng Ninh.
Trong khi đó nơi miền bắc Việt Nam, chính quyền Hà Nội có hai vấn đề phải đối phó. Thứ nhất, ngành an ninh miền bắc bận rộn truy lùng, các đường dây tình báo miền nam gài ở lại nằm vùng. Thứ hai, Hà Nội biết miền nam đã thành lập liên đoàn Quan Sát số Một (1) mà họ tin dùng để tấn công ra miền bắc. Đó là hai vấn đề, chế độ Hà Nội nhận ra trong năm 1958. Qua năm 1959, chế độ Hà Nội càng lo lắng. Ngày 3 tháng Ba, một vị trí súng phòng không ở Thanh Hóa báo cáo, một phi cơ C-47 chở quân vào gần không phận miền bắc. Sau khi được báo cáo, Hà Nội thành lập thêm ba trung đoàn phòng không trang bị radar, cùng với bẩy trung đoàn phòng không đã có sẵn. Ngày 22 tháng Chín, miền bắc ban hành lệnh phòng thủ bờ biển, hải phận miền bắc, bắn hạ tất cả các phi cơ xâm nhập không phận.
Chính quyền Hà Nội tuyên bố, năm 1959 đã bắt được hai mươi (20) điệp viên miền nam băng qua sông Bến Hải, khu phi quân sự, xâm nhập miền bắc, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Nếu thực sự an ninh miền bắc bắt được, đó là những người buôn lậu.
Phòng 45 (sở Bắc) vẫn tiếp tục chuẩn bị cho chuyến đi xâm nhập của Phạm Chuyên. Trước khi Chuyên lên đường, phòng 45 quyết định “phóng” một điệp viên ngắn hạn (tìm hiểu sự phòng thủ nơi miền bắc) băng qua khu vực phi quân sự. Người điệp viên chọn lọc cho nhiệm vụ này cũng theo đạo Công Giáo, quê quán ở Hà Tĩnh, tên là Vũ Công Hồng. Anh ta được huấn luyện nhanh chóng, rồi đưa đến một nhà “an toàn” trong thành phố Huế.
Cùng với Vũ Công Hồng trong căn nhà (biệt thự nhỏ) an toàn ở Huế có hai sĩ quan phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, Phạm Văn Minh và Trần Bá Tuấn, cả hai đã thụ huấn khóa huấn luyện ở Saipan, lúc đó có tên Mỹ là Michel và Brad. Hai người làm việc với nhân viên CIA David Zogbaum. Song song với đường dây Pacific phát xuất từ Đà Nẵng, đường dây phát xuất từ Huế có mật danh là Atlantic (Đại Tây Dương). Vũ Công Hồng mang mật danh là Hirondelle sẽ xâm nhập miền bắc trong tháng Mười Hai bằng cách băng qua khu vực phi quân sự, và bơi qua sông Bến Hải.
Thiếu Tá Trần Khắc Kính, chỉ huy phó phòng Liên Lạc Tổng Thống Phủ hiện diện lúc đưa điệp viên Hirondelle lên đường xâm nhập. “Chúng tôi ra đến bờ sông (Bến Hải) lúc nửa đêm, nhìn anh ta chèo xuồng cao su băng qua sông một cách chậm chạp.” Ông ta nói tiếp “rồi thì nghe tiếng xì hơi, người điệp viên của chúng tôi đã cắt xuồng cao su bằng dao”. Hirondelle dấu chiếc xuồng đã bị xẹp hơi, rồi biến mất vào màn đêm.
Mấy tuần sau, người điệp viên tái xuất hiện trong miền nam Việt Nam. Mặc dầu chỉ cung cấp tin tức về chuyến đi (đường xá), hệ thống an ninh ngoài miền bắc, sự trở về của anh ta làm tăng thêm sự tin tưởng cho các hoạt động của phòng 45.
Hai tháng sau chuyến đi của Hirondelle, Phạm Chuyên đã sẵn sàng lên đường sau một năm huấn luyện. Anh ta sẽ cần tất cả những gì mình đã học hỏi. Không như Hirondelle, chỉ xâm nhập một thời gian ngắn (rất ngắn băng qua sông Bến Hải), Chuyên sẽ nằm vùng dài hạn, thâu thập tin tức tình báo, tuyển mộ thêm người (làm việc trong đường dây) vài năm. Vỏ bọc che chở Phạm Chuyên làm một ngư dân ở Cẩm Phả, một làng đánh cá gần vịnh Hạ Long. Đó cũng là ngôi làng cũ của anh ta trước năm 1958. Việc quay trở về làng cũ rất có thể tạo nên sự nghi ngờ, tuy nhiên anh ta còn có người em trai và họ hàng thân quyến che chở.
Cuối cùng Chuyên đã sẵn sàng ra đi dưới mật danh Ares. Anh ta lên chiếc thuyền đánh cá đóng ở Vũng Tầu có danh hiệu là Nautilus 1 vào đầu tháng Tư năm 1961, rời Đà Nẵng theo hải trình kéo dài hai ngày lên hướng bắc (miền bắc Việt Nam). Gặp phải thời tiết xấu, chiếc Nautilus 1 phải quay về Đà Nẵng. Mấy hôm sau, bầu trời trong sáng trở lại, cả hai người Francoise, Regan đưa Ares ra bên tầu nói lời tạm biệt, chúc anh ta đi đường bình an. “Tôi chúc anh ta gặt hái nhiều thành công” Francoise kể lại. Theo cá tính đặc biệt, điệp viên Ares chẳng nói lời nào.
Bầu trời trong vắt, biển lặng, chiếc tầu Nautilus 1 ra đến ngoài khơi Quảng Ninh. Đề phòng bị khám phá, chiếc tầu lặng lẽ tiến vào vịnh Hạ Long, với hàng ngàn hòn đảo nhỏ, che dấu Ares chèo xuống đền một hòn đảo gần Cẩm Phả. Ares khuân hai máy truyền tin (tầm xa RS-1) cùng đồ tiếp liệu lên đảo chôn dấu, sau đó kéo chiếc xuồng nhỏ vào một nơi kín đáo.
Ra khỏi bờ biển, việc đầu tiên Areas phải làm là tuyển mộ thêm một người để phụ giúp anh ta quay tay điện cho máy truyền tin để xử dụng (gửi đi tin tức, báo cáo,…). Phòng 45 đã biết vấn đề này nên chờ cho Phạm Chuyên vài tuần hoặc có thể vài tháng. Không gặp môt ai (bị phát giác), Phạm chuyên lẻn nhanh về căn nhà năm xưa. Gia đình xum họp, anh ta nhờ người em Phạm Độ giúp mình, và Độ miễn cưỡng nhận lời. Sau đó Phạm Chuyên ra đảo, thâu hồi máy truyền tin thứ hai đem về dấu trong hầm, trải một tấm chiếu lên trên.
Ngày 9 tháng Tư, ngư dân khám phá ra chiếc xuồng nhỏ Ares cất dấu và báo cáo cho nhân viên an ninh điạ phương (công an). Một lượng lượng võ trang được tổ chức khám xét các làng đánh cá trong khu vực. Sau khi điều tra sơ khởi, biết chiếc xuồng không phải của người dân địa phương, lực lượng công an võ trang nới rộng khu vực khám xét, kéo dài dọc theo bờ biển. Ít hôm sau, công an tìm ra hố chôn dấu máy truyền tin trên hòn đảo nhỏ.
Nghi ngờ có điệp viên miền nam xâm nhập, viên chỉ huy lực lượng công an trong tỉnh Quảng Ninh lập kế hoạch khám xét từng căn nhà dọc theo bờ biển. Đặc biệt những nhà có thân nhân sống trong miền nam (di cư vào nam năm 1954), và những người có liên hệ (làm việc) với chính quyền bảo hộ (người Pháp) trước đây.
Không biết chuyện công an lục soát, điệp viên Ares trốn trong cánh rừng gần đó. Anh ta đã “cõng” một máy truyền tin đem vào trong rừng với anh ta, và nhờ người em Phạm Độ quay máy, Ares gửi đi (sẽ đến phòng 45) bức điện tín đầu tiên. Để tránh tín hiệu bị giao thoa (xen lẫn), máy truyền tin sẽ phát đi tín hiệu từ bờ biển miền bắc Việt Nam đến trạm Bugs, mật danh đài tiếp vận của cơ quan CIA ở Philippines. Tiếp theo bức điện tín sẽ được chuyển tiếp đến cơ quan CIA trong Saigon. Khi bức điện tín đến, Robert Kennedy, nhân viên CIA trong toán Miller bước vào phòng 45, cầm trên tay bức điện tín vẫy vẫy, nói lớn tiếng “Chiến thắng! Thành công!”
Với sự liên lạc thành công, Ares gửi nhiều điện tín đến các viên chức Việt, Mỹ trong Saigon. Một phó bản bức điện tín được trình lên cho Tổng Thống Diệm. Trong khi đó trong tỉnh Quảng Ninh, ngành phản gián Bắc Việt scan (dò) các làn sóng vô truyến chận bắt các bức điện tín (họ có thể dò tìm ra nơi phát đi những tín hiệu). Đồng thời có người gìa báo cho công an biết, có người lạ đang sống trong một căn nhà nơi bờ biển, cố tình tránh mặt khi có người đến nhà. Người khác báo cáo, có người trong nhà cho xem cây viết nguyên tử, loại ít thấy nơi miền bắc trong thời gian đó (1960).
Với những lời báo cáo của dân làng, công an bắt đầu tập trung vào căn nhà họ Phạm. Ngày 11 tháng Sáu, nhân viên an ninh bắt giữ Phạm Độ, khi anh ta đem đồ ăn tiếp tế cho ông anh Phạm Chuyên. Sáu ngày sau, điệp viên Ares bị bắt, công an khám xét nhà, tịch thâu được máy truyền tin cùng với bản mật mã.
Hà Nội có hai lựa chọn, thông báo việc bắt giữ điệp viên Ares trên hệ thống truyền thông miền bắc, sau đó đưa ra tòa, kết án, như họ đã làm trước đây khi bắt giữ một số đảng viên Đại Việt. Thứ hai, họ có thể xử dụng Ares “hai mang” đánh lừa ngành tình báo Hoa Kỳ và VNCH, ép buộc Ares gửi những điện văn (sai lạc) về Saigon, điểu này họ biết được sự tổ chức, huấn luyện, điều hành hệ thống gián điệp trong miền nam.
Hà Nội chọn giải pháp thứ hai. Đúng 09:00 giờ sáng ngày 8 tháng Tám, máy truyền tin RS-1 của Ares hoạt động trở lại, sau hai tháng “đình trệ công tác”. Với nhân viên an ninh ngồi bên cạnh, Ares gửi bức điện tín vào Saigon, giải thích sự vắng mặt hai tháng qua, mẹ và cô em gái bị bắt giữ vì không có tiền đóng thuế nông nghiệp, do đó anh ta phải tạm lên Hà Nội lánh mặt.
Trong Saigon, mọi người cho lời giải thích của Ares hợp lý. Họ để ý lời yêu cầu gửi thêm đồ tiếp liệu, và chiếc tầu Nautilus 1 quay trở lại vịnh Hạ Long. Ares được cho biết thời gian, vị trí che dấu đồ tiếp liệu. Nautilus 1 rời Đà Nẵng ngày 12 tháng Giêng năm 1962, đến vịnh Hạ Long không bị trở ngại. Rồi thì chiếc Nautilus 1 biến mất không liên lạc truyền tin nữa!
Phòng 45 đặt câu hỏi về sự “biến mất” chiếc Nautilus 1? Có người nghi ngờ điệp viên Ares, nhưng cấp chỉ huy trực tiếp (điều hành đường dây) vẫn tin tưởng người điệp viên. Tuy nhiên vấn đề tái tiếp tế cho Ares vẫn phải tiếp tục, phòng 45 lại nhờ người thiểu số Nùng ở Vũng Tầu đóng chiếc Nautilus 2, hoàn tất đầu tháng Tư, thủy thủ đoàn cho Nautilus 2 đang được huấn luyện ở Đà Nẵng.
Ngày 11 tháng Tư, Nautilus 2 lên đường đi vịnh Hạ Long. Nhân viên CIA không tin Ares, phòng 45 lần này không thông báo cho điệp viên Ares biết trước ngày giờ và vị trí che dấu đồ tiếp liệu. Hai ngày sau, Nautilus 2 ra đến ngoài khơi Quảng Ninh. Sáu người trong số 14 thủy rhủ đoàn xuống xuồng cao su chất lên 7 thùng sắt và 23 thùng giấy carton trong bao nylon. “Chúng tôi chèo xuồng đến một đảo nhỏ nơi giữa vịnh Hạ Long” Một nhân viên thủy thủ kể lại “chúng tôi chất hàng lên đảo, dùng cành cây và đá che đi.” Khi chiếc Nautilus 2 trở về đến Đà Nẵng, phòng 45 vui mừng “Chuyến tái tiếp tế cho Ares thành công cũng như chuyến đưa Ares đi xâm nhập.” Francoise kể lại. Sau đó họ gửi cho Ares một công điện ngày 2 tháng Năm cho biết đồ tiếp liệu chứa ở đâu. Họ nhận dược báo cáo từ Ares, đã thâu hồi đồ tiếp liệu, kể cả máy truyền tin và một máy chụp ảnh 35mm.
Mặc dầu theo Saigon, điệp viên Ares xâm nhập miền bắc được thành công, nhưng hồ sơ về các điệp viên đơn phương không được tốt đẹp. Trong tháng Chín năm 1961, phòng 45 đưa điệp viên đơn phuơng mật danh Hero xâm nhập bằng tầu nơi bờ biển miền bắc, để liên lạc với gia đình. Chuyện này không thành công và phải “thâu hồi” (triệt xuất) người điệp viên. Cũng trong tháng Chín, điệp viên Hirondelle (đã băng qua sông Bến Hải, rồi trở về an toàn trước đó) xâm nhập trở lại vùng biển Hà Tĩnh bằng tầu. Lần này, anh ta biến mất…
Trong năm 1962, danh sách điệp viên đơn phương “biến mất” dài thêm. Một điệp viên có mật danh Triton xâm nhập bằng tầu vào vùng biển Hà Tĩnh trong tháng Năm biến mất không tìm ra manh mối. Đến cuối tháng (tháng Năm), một điệp viên đơn phương, mật danh Athena xâm nhập vào vùng biển Hà Tĩnh. Người điệp viên đó có tên Việt Nam là Đặng Chí Bình, dưới vỏ bọc là một học sinh, đi xe bus (xe đò) đến thành phố Vinh. Chuyện bí mật không được lâu, khi anh ta đi chuyến xe đò thứ hai ra Hà Nội, linh tính báo cho anh ta biết đi đâu cũng có hai bóng đen đi theo đuôi… mấy ngày sau kết thúc.
“Tôi nhìn thấy hai viên công an quen thuộc từ xa, bước lại chỗ tôi” Đặng Chí Bình kể lại “Tim tôi bắt đầu đập mạnh hơn. Họ là hai người đã theo dõi tôi từ chùa Láng!” Lần đầu theo dõi tôi, họ mặc thường phục (quần áo civil), lần này họ mặc sắc phục công an. Bình biết mình gặp “chuyện lớn”. Một trong hai viên công an hỏi giấy tờ. “Tôi không nói gì cả, rút giấy tờ đưa cho họ.” DC Bình kể tiếp “anh ta liếc nhanh vào tờ giấy rồi nói ‘Giấy tờ gỉa. Đi theo chúng tôi về đồn công an.”
Mặc dầu thất bại nhiều lần, cơ quan CIA vẫn tiếp tục chương trình điệp viên đơn phương. Trong mùa xuân năm 1962, chương trình này rẽ qua hướng khác, theo ý kiến Ed Regan. Tuyển mộ điệp viên cựu đảng viên Đại Việt hay Quốc Dân Đảng, đưa họ trở lại miền bắc liên lạc với các cựu đảng viên vẫn còn sống sót của họ.
Hai kế hoạch khác nhau được soạn thảo. Kế hoạch đầu, đưa điệp viên đơn phương quay trở lại miền bắc, thâu hồi các máy truyền tin VNQDĐ đã chôn dấu từ trước, có thể trong tỉnh Hải Phòng từ năm 1955. Nhân viên CIA Robert Kennedy tìm được (được giới thiệu) Bùi Văn Ninh, một VNQDĐ đã dấu hai máy truyền tin ở Hải Phòng trước khi di cư vào miền nam năm 1955. Kennedy hỏi Ninh chi tiết về hai máy truyền tin, dấu ở đâu và giới thiệu người (VNQDĐ) thâu hồi hai máy đó.
Ninh giới thiệu Kennedy với Nguyễn Văn Hồng, một người bạn thân cũng sinh quán nơi miền bắc. Hồng nghỉ làm công việc thợ mộc, theo học khóa huấn luyện điệp viên. Được gọi bằng mật danh Nestor, anh ta lên tầu Nautilus 2 rời Đà Nẵng ngày 6 tháng Sáu. Điệp viên Nestor xâm nhập vào bờ biển Quảng Bình, anh ta sẽ tìm cách lên Hà Nội “thăm gia đình” sau đó xuống Hải Phòng tìm cách thâu hồi hai máy truyền tin. Xử dụng giấy tờ giả, Nestor đi xe đò lên Hà Nội, sau khi đã gửi bẩy (7) tấm bưu thiếp (có điện tín đã mã hóa) cho phòng 45 (không tấm bưu thiếp nào vào đến miền nam). Nguyễn Văn Hồng (Nestor) về đến căn nhà của cha mẹ ở Hà Nội. Được một ngày, ngày hôm sau gia đình anh ta qúa lo sợ, khuyên anh ta ra đầu thú (có thể công an đã đến thăm hỏi trước đó).
Một kế hoạch khác xử dụng đảng viên Đại Việt được chuẩn bị kỹ hơn. Lou Conein một nhân viên CIA “quân sự” đã góp công trong việc gài điệp viên ở lại nằm vùng ngoài bắc, trở lại Saigon năm 1960, chuyến thứ hai cho cơ quan CIA (tay Xịa này dính líu trực tiếp tới vụ đảo chánh Tổng Thống Diệm ngày 1 tháng Mười Một năm 1963). Một lãnh tụ Đại Việt cho Conein biết, rồi Ed Regan nói thêm “Vấn đề an ninh nội bộ của miền nam Việt Nam, nếu bị phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống biết được đảng phái (Đại Việt,…) có thể nguy tính mạng”.
Cuối cùng Đại Việt đồng ý hợp tác với CIA, phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống với điều kiện họ được quyền tuyển chọn nhân viên (người của họ). Một toán điệp viên (biệt kích?) mật danh Thera được huấn luyện, sau đó đưa ra Đà Nẵng để xâm nhập bằng đường biển. Trước khi toán Thera lên đường, phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống đòi phải cho hai nhân viên của họ vào trong toán để lo vấn đề liên lạc truyền tin. Đại Việt xem chuyện này là một hành động phản bội, họ giải quyết bằng bàn tay của họ, cả hai nhân viên truyền tin bị giết chết trong ngôi nhà an toàn (chứa điệp viên, biệt kích trước khi lên đường xâm nhập). Trưởng toán Thera bị tù, toán Thera bị hủy bỏ, sa thải.
Đến năm 1963, vấn đề cho điệp viên đơn phương (Singleton) xâm nhập bằng đường biển vào một xã hội bị kiểm soát rất chặt chẽ rất khó khăn. Ngoài điệp viên Ares, có thêm bốn điệp viên đơn phương xâm nhập bằng đường biển bị mất tích coi như chết (bị bắt). Ngay cả chuyện băng qua khu vực phi quân sự như điệp viên Hirondelle đã thực hiện trước đó, cũng trở nên nguy hiểm. Trước tháng Chín năm 1961, một điệp viên thứ hai xâm nhập bộ (băng qua khu phi quân sự, sông Bến Hải), mật danh Wolf bị mất tích trong tháng Hai năm 1963. Chỉ một mình điệp viên Ares ngoại lệ (sống sót?), đã gửi hàng trăm báo cáo ngắn về Saigon từ Quảng Ninh nơi miền bắc Việt Nam gần biên giới Trung Cộng. Tin tức có giá trị tình báo không nhiều, hầu hết tin tức về hải cảng Hải Phòng. Có lần Ares đi xa hơn, đến nhà máy điện Uông Bí ngoại ô Hải Phòng, quan sát rồi gửi báo cáo về.
Trong mùa hè năm 1963, phòng 45 chuẩn bị chuyến tái tiếp tế cho điệp viên Ares với hy vọng sẽ thành công như năm trước. Ngày 11 tháng Tám, chiếc tầu (Nautilus 2) rời Đà Nẵng và hai ngày sau vào đến vịnh Hạ Long. Như lần trước, sáu nhân viên thủy thủ xử xuồng cao su chứa hàng, chèo vào bờ. Tất cả biến mất, không liên lạc. Đợi đã lâu không thấy họ trở về, mọi người trên chiếc tầu lớn (Nautilus 2) lo sợ, đến khi trông thấy tầu tuần duyên Bắc Việt, họ phóng (dzọt) thẳng về Đà Nẵng.
Điệp viên Ares lại bị nghi ngờ. Ngày 1 tháng Mười Một năm 1963, anh em Tổng Thống Diệm bị giết chết trong cuộc đảo chánh…
III. THẢ DÙ QUÂN BIỆT KÍCH
Mặc dầu những nỗ lực đầu tiên của phòng 45 nhắm vào các hoạt động của điệp viên đơn phương, xâm nhập bộ (băng qua khu phi quân sự, sông Bến Hải) và đường biển, nhưng phần nồng cốt trong chương trình “ra miền bắc” (sở Bắc) rơi xuống từ trời xanh. Xâm nhập bằng dù không phải là ý tưởng dầu tiên của chương trình. Thực ra, chính quyền Saigon vay mượn một trang sử thành công của đơn vị Liên Đoàn Nhẩy Dù Cảm Tử Hỗn Hợp (GCMA).
Thành lập trong năm 1951, xử dụng toán quân nhỏ Nhẩy Dù người Pháp cố vấn, võ trang sắc dân thiểu số chống lại Việt Minh. Hàng ngàn người thiểu số được tuyển mộ xử dụng du kích chiến chống lại các đơn vị Việt Minh. GCMA là phương tiện ít tốn kém, gây khó khăn cho Việt Minh kiểm soát khu vực rừng núi, hẻo lánh.
GCMA chưa từng có hơn 9,500 quân kháng chiến nơi miền bắc Việt Nam, nhưng cũng đủ cho Việt Minh đau đầu. Người Việt gọi quân thiểu số này là “biệt kích” (commandos), trong tháng Mười Hai năm 1953, Việt Minh kêu gọi quân chủ lực “bao vây, bắt sống biệt kích GCMA), đánh đuổi họ ra khỏi các căn cứ (làng mạc), cô lập rồi tiêu diệt họ.”
Hy vọng sẽ lập lại sự thành công, cơ quan CIA xây dựng một chương trình (kế hoạch) tương tự trong phòng 45. Họ mời, tuyển mộ quân “biệt kích” từ thời Pháp, trong đó có Se Cơ Tin, một trưởng làng ở Lao Cai gần biên giới Trung Cộng. Gốc người dân tộc Thổ, Se Cơ Tin đã giúp người Pháp tổ chức đạo quân 2.500 tay súng “biệt kích” GCMA trong tỉnh Lao Cai, xử dụng chiến thuật du kích quấy rối chống lại các đơn vị cấp lớn Việt Minh từ tháng Mười năm 1953 dọc theo biên giới với Trung Cộng.
Trong đầu thập niên 1960, Se Cơ Tin đã ở trong Saigon, là một cố vân quan trọng cho phòng 45. “Ông ta đã từng là tù trưởng, nhiều uy tín, do đó ông ta có thể giới thiệu viên chức của chúng tôi (phòng 45) tuyển một dân thiểu số trong ngôi làng cũ của ông ta.” Trưởng phòng 45 Ngô Thế Linh kể lại. Một trong những người được Se Cơ Tin giới thiệu là cháu trai của ông ta, Lò Ngân Dung, đã từng là một cựu biệt kích GCMA ở Lao Cai. Dung di cư vào miền nam khi nguời Pháp rút quân đội về nước, sau đó gia nhập quân đội VNCH, phòng Nghiên Cứu Tổng Quát, tiền thân của phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống. Sau khi được giới thiệu với Ngô Thế Linh, Thiếu Úy Lò Ngân Dung được huấn luyện về ngành tình báo năm 1960. Mang bí danh Jacques, Dung được trao nhiệm vụ sĩ quan đầu tiên điều khiển các toán quân biệt kích nhẩy dù ra ngoài bắc đầu năm 1961.
Làm việc với đối tác một nhân viên CIA trẻ David Thoenen, Jacques bắt đầu thành lập toán biệt kích dân tộc thiểu số đầu tiên. Cũng như quân biệt kích GCMA thời Pháp, toán biệt kích VNCH sẽ hoạt động trong khu vực dọc theo biên giới cao nguyên bắc phần, nơi mà cơ quan CIA tin rằng, quân đội Bắc Việt “ít kiểm soát vì điạ thế xa xôi, hẻo lánh, khó kiểm soát người dân tộc thiểu số, không như người Việt sinh sống nơi vùng đồng bằng.” Một điểm khác biệt nữa, quân biệt kích GCMA thường được trao nhiệm vụ phá hoại, lần này họ chỉ có nhiệm vụ dò thám, thâu thập tin tức tình báo, quan sát đường ngoài ra tránh tiếp xúc người điạ phương.
Đó là nhiệm vụ, mục tiêu của toán biệt kích đầu tiên. Việc tuyển mộ quân biệt kích bắt đầu từ tháng Hai, Jacques (Lò Ngân Dung) được phép tuyển mộ quân biệt kích từ liên đoàn Quan Sát số 1, đơn vị “cơ hữu” của phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống. Khởi thủy đơn vị này được thành lập để nằm vùng trường hợp Trung Cộng và Bắc Việt tấn công vào miền nam, do đó đa số quân nhân trong đơn vị này là người thiểu số miền bắc Việt Nam: dân tộc Tầy, Mường, và Nùng. Từ ba nhóm dân thiểu số kể trên, Jacques tuyển mộ được ba biệt kích sắc dân Tầy và Mường.
Cả ba quân nhân biệt kích được đưa vào một căn nhà an toàn trong Saigon, cả bốn người được huấn luyện xử dụng máy truyền tin RS-1. Hai môn khác nhẩy dù và tác chiến trong rừng, họ đã thụ huấn trong thời gian phục vụ liên đoàn Quan Sát số 1.
Khi toán biệt kích đầu tiên đã sẵn sàng lên đường, CIA phải quyết định loại phi cơ nào chuyên chở họ ra miền bắc? Chiếc phi cơ phải bảo đảm (hoàn thành nhiệm vụ) và phải chối bỏ được (nhận diện phi cơ của CIA). Cơ quan CIA đã có kinh nghiệm thả biệt kích hơn một chục lần xâm nhập vào Trung Cộng từ năm 1952, xử dụng nhiều loại phi cơ: vận tải C-47 và C-54, phi cơ biến cải từ phi cơ thả bom B-17, B-26, ngay cả loại phi cơ săn tầu ngầm P-2V. Trường hợp miền bắc Việt Nam, phải chối bỏ được, Air America cũng không xử dụng được vì đã hoạt động trên đất Lào.
Cuối cùng phải để phi công VNCH lái phi cơ đi thả các toán biệt kích. Mặc dầu phi công VNCH có đủ khả năng bay, nhưng chuyện quan trọng là phải “chối bỏ được” (che dấu bàn tay lông lá của CIA). Do đó CIA dựng lên một công ty vỏ bọc (để che dấu) giấy tờ qua lại giả Delaware Corporation (Air America) và một công ty đối tác Việt Nam tên gọi Vận Tải Hàng Không Việt Nam (Vietnamese Air Transport –VIAT). Hãng hàng không Việt Nam này chỉ có độc nhất một phi cơ vận tải C-47 không phù hiệu.
Tìm phi công lái chiếc C-47, CIA đi gặp Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, ngoại ô (thời điểm năm 1961) Saigon. Viên phi công trẻ lúc đó mới ngoài 30, được người Pháp huấn luyện lái phi cơ vận tải ở Morocco, nổi tiếng ăn chơi, lãnh đạo chỉ huy giỏi. Ông Kỳ thông báo cho hai phi đội vận tải, tuyển phi công tình nguyện cho một đơn vị đặc biệt. Tổng cộng hai mươi (20) phi công Việt Nam tình nguyện cho nhiệm vụ nơi miền bắc Việt Nam do đích thân ông Kỳ chỉ huy, phi đoàn có mật danh Haylift.
Tất cả các phi công Việt Nam tình nguyện đều có đủ kinh nghiệm để lái máy bay, tuy nhiên bay ra miền bắc Việt Nam đòi hỏi luật lệ, sự hướng dẫn đặc biệt. Đăc biệt phi hành đoàn phải bay chuyến bay dài, dưới cao độ thấp một cách chính xác đến bãi thả dù. Ngoài ra khí hậu, thời tiết mưa nhiều, điạ hình rừng núi khó khăn hiểm trở miền bắc Việt Nam, việc lái phi cơ chính xác rất khó.
Để giúp đỡ việc huấn luyện các phi công Việt Nam, cơ quan CIA “mượn” một huấn luyện viên lái phi cơ và một sĩ quan định hướng bay từ Air America. Viên phi công là Đại Úy Al Judkins, mấy tháng trước bay cho CIA thả dù quân du kích Khampa xuống Tây Tạng (Tibet). Viên sĩ quan định hướng bay (navigator), Jim Keck cũng là cựu chiến binh từ Tây Tạng về. Việc huấn luyện bắt đầu cho các phi công VNCH bay lúc ban ngày dưới cao độ thấp, gia tăng độ khó khăn, cuối cùng các phi công phải bay ban đêm, lướt trên đầu ngọn cây. Nhiều phi công bỏ cuộc, còn lại phi hành đoàn 5 người dưới quyền Thiếu Tá Kỳ, và phi hành đoàn phụ 5 người dưới quyền Trung Úy Phan Thanh Vân.
Lần bay tập cuối cùng, ông Kỳ bay đêm chiếc C-47 trên vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin), chở theo Trùm CIA trong Saigon William E. Colby. Bản thân ông trùm Xịa cũng có nhiều kinh nghiệm quân sự, trong tháng Tám năm 1944, ông ta làm trưởng một toán Phòng Dịch Vụ Chiến Lược (OSS tiền thân của CIA) nhẩy dù xuống nước Pháp đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, bảo vệ một bên sườn cho mũi tấn công của danh Tướng Thiết Giáp George Patton. Tháng Ba năm sau, ông ta cùng với một toán OSS khác nhẩy dù xuống Na Uy (Norway). Colby rất thích thú tài lái phi cơ của Nguyễn Cao Kỳ.
Hơn nửa vòng trái đất, bên kia bờ Thái Bình Dương, chính quyền mới của Tổng Tống Hoa Kỳ John F. Kennedy, đang bàn chuyện cứng rắn đằng sau cánh cửa đóng kín (bí mật). Chiến tranh Đông Dương đã “leo thang” lên hàng đầu trên bảng phong thần, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trên trường Quốc Tế, vị Tổng Thống trẻ tuổi muốn gửi cho chính quyền Hà Nội một công điện. Bắc Việt không chỉ đưa người (quân đội), chiến cụ, vũ khí súng đạn vào miền nam, họ còn ngăn cản chính quyền được Tây phương ủng hộ ở bên Lào. Edward Lansdale một chuyên gia CIA về các hoạt động bí mật, chống nổi loạn, qua Việt Nam tìm hiểu trong tháng Giêng 1961 đã trở về Hoa Kỳ, thuyết trình trước Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Tổng Thống Kennedy nói với các cố vấn trong hội đồng “Lần đầu tiên, tôi cảm thấy có điều gì không ổn, phải làm gấp rút ở Việt Nam.”
Kennedy muốn hành động (bí mật), mà không châm mồi lửa đối với siêu cường (Nga Sô, Trung Cộng) trong vùng Đông Nam Á châu, do đó ông ta ngả theo cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA. Ngày 9 tháng Ba năm 1961, trong một phiên họp khác của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Kennedy nói rằng, muốn “dùng mọi nỗ lực thực hiện các hoạt động du kích chiến trong khu vực Việt Minh kiểm soát (miền bắc Việt Nam), càng sớm càng tốt.” Sau đó, Kennedy ra lệnh cho cơ quan CIA, bộ Quốc Phòng “xem xét những hoạt động nào (chống lại Bắc Việt) có thể áp dụng trong một tương lai gần, và những hoạt động nào có thể mở rộng lâu dài.” Đồng thời, Kennedy chấp thuận vài hoạt động bí mật đã được đưa ra trên bàn họp. Hoạt động đầu tiên, đưa điệp viên xâm nhập vào miền bắc Việt Nam, điều này đang làm. CIA báo cáo cho Tổng Thống rằng, họ đã có những toán (biệt kích) “hoạt động trong những ‘túi’ du kích gần biên giới Lào-Việt”, nhưng vị Tổng Thống trẻ tuổi cảm thấy vẫn chưa đủ “Ông ta muốn đưa chiến tranh du kích ra miền bắc Việt Nam.” Những hoạt động trong tương lai được đưa ra bao gồm: phá hoại các hải cảng miền bắc, tuyển mộ người Việt gốc miền bắc đang sinh sống ở Á, Âu châu “làm việc”. Hai tháng sau, Tổng Thống Kennedy xem lại các hoạt động bí mật của CIA mới biết, họ không xúc tiến công việc nhanh chóng theo lệnh của ông ta, do đó đến đầu tháng Ba Kennedy đưa ra nghị định của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia số 28 (NSAM-28) ra lệnh cho cơ quan (CIA) “bằng mọi nỗ lực đưa chiến tranh du kích ra miền bắc Việt Nam.”
Trước khi điều này được thực hiện, chính quyền Kennedy gặp hai trở ngại chính trị. Ngày 19 tháng Tư, CIA bảo trợ một hoạt động bán quân sự, tuyển mộ người tỵ nạn Cuba, huấn luyện, trang bị, đổ bộ vào vịnh Con Heo (Bay of Pigs) nhằm lật đổ nhà độc đài Fridel Castro ngả theo khối cộng sản. Kết qủa thất bại hoàn toàn, tất cả đều bị giết hoặc bắt sống, cầm tù. Tiếp theo quân đội Hoàng Gia Lào (CIA yểm trợ) bị cộng sản Pathet Lào được Bắc Việt yểm trợ lấn chiếm được nhiều đất đai.
Ngày 29 tháng Tư, Tổng Thống Kennedy triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Tổng Thống Kennedy hy vọng CIA sẽ làm thay đổi cục diện. William Colby đã quay trở về Washington để đóng góp ý kiến gia tăng các hoạt động bí mật. Các hoạt động mới này nhiều hơn số hoạt động được dự trù trước đây, bao gồm: thả truyền đơn chống đối chế độ miền bắc, đài phát thanh bí mật, và các trận đột kích bất ngờ vào miền bắc Việt Nam, và trên đất Lào do liên đoàn Quan Sát số 1 đảm trách. Đồng thời ra lệnh cho các toán biệt kích hoạt động ở miền bắc thêm nhiệm vụ phá hoại thay vì chỉ dò thám lấy tin tức tình báo. Ngoài ra, tổ chức hệ thống kháng chiến, các căn cứ bí mật cho nhiệm vụ phá hoại, tấn công quấy rối.
Trong khi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia bận rộn với các buổi họp trong tòa Bạch Ốc, toán biệt kích đầu tiên đã hoàn tất việc huấn luyện. Trong tháng Năm, toán biệt kích được đặt tên mật danh Castor, tên vị thần trong thần thoại Hy Lạp đã giúp đỡ Hercules, Castor cũng là tên cho cuộc hành quân nhẩy dù của người Pháp năm 1953, chiếm đóng thung lũng Điện Biên Phủ, đưa đến trận thảm bại cuối cùng của người Pháp ở Đông Dương.
Toán biệt kích Castor sẽ phải đối phó với sự đề phòng nghiêm ngặt của miền bắc, sau khi họ đã phám phá ra chiếc xuồng của điệp viên Ares trong tháng Hai nơi bãi biển gần vịnh Hạ Long. Ngày 1 tháng Ba, đảng cộng sản Việt Nam ra lệnh bí mật cho lực lượng an ninh gia tăng nỗ lực gấp đôi đề phòng gián điệp miền nam ra phá hoại. Kết qủa ba tuần sau Ares bị bắt.
Theo chương trình, toán biệt kích Castor sẽ đi lên hướng bắc (xâm nhập miền bắc) ngày 27 tháng Năm. Hôm đó mặt trăng tròn (ngày rằm) dễ dàng cho việc nhẩy dù, trái ngược với các chuyến xâm nhập bằng đường biển, cần những đêm không trăng để bảo đảm bí mật. Bốn biệt kích toán Castor lên chiếc VIAT C-47 không phù hiệu trong phi trường Tân Sơn Nhất. Ngồi trong buồng lái là Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ. tất cả nhân viên phi hành đoàn đều mặc đồ bay bỏ lại tất cả giấy tờ. Trường hợp phi cơ bị bắn rơi ngoài bắc, họ sẽ khai là đi buôn lậu. Mỗi người được phát (đem theo) 100 đô la, trường hợp tẩu thoát.
Chiếc phi cơ rời phi trường Tân Sơn Nhất bay đi Đà Nẵng lấy thêm nhiên liệu. Đúng 22:00 (10 giờ đêm), ông Kỳ cất cánh bay ra vịnh Bắc Bộ (gulf of Tonkin), ngang với tỉnh Ninh Bình miền trung của miền bắc. Hai người định hướng bay bận rộn, một người lo đối chiếu với mặt đất mỗi hai phút, người kia định hướng bay đến mục tiêu.
Vào đến không phận tỉnh Ninh Bình, ông Kỳ đổi hướng tây bắc băng qua tỉnh Hòa Bình, rổi bay lên hướng bắc đến tỉnh Sơn La. Khi bay ngang qua sông Đà, trên mặt đất là một ngọn đồi cao (đồi 828 cao độ). Ông Kỳ bật đèn xanh báo hiệu đến mục tiêu, nhân viên đẩy kiện hàng (đồ tiếp liệu cho toán biệt kích) ra cửa, rồi bốn biệt kích toán Castor nhanh chóng nhẩy ra khỏi phi cơ. Chiếc VIAT C-47 không phù hiệu, bay vòng trở về miền nam Việt Nam.
Trên đồi 828, trưởng toán biệt kích Castor, Trung Sĩ Hà Văn Chấp tháo dù, tập họp toán biệt kích. Nơi họ nhẩy dù xuống chỉ cách ngôi làng gần nhất một cây số, chín (9) cây số về hướng nam là sông Đà, thêm 10 cây số về hướng nam là đường số 6. Đường số 6 là con đường chính yếu ở miền bắc, đi ngang qua tỉnh bên cạnh, rẽ về hướng tây nam đến tỉnh Sầm Nứa của Lào. Theo Washington (chính quyền Hoa Kỳ), Sầm Nứa là một cứ điểm quan trọng của quân cộng sản, toán Castor sẽ cung cấp tin tức chính xác mức độ di chuyển của quân cộng sản trên đường số 6 từ bắc Việt Nam sang Lào. Hơn nữa, toán Castor gồm bốn quân nhân sắc dân thiểu số đã từng sống trong khu vực trước đó, hy vọng họ được dân điạ phương giúp đỡ, cung cấp thêm tin tức về các hoạt động của địch.
Tuy nhiên định mệnh không tốt xẩy ra cho toán biệt kích Castor, trước khi họ di chuyển ra khỏi ngọn đồi 828. Đầu năm 1961, Hà Nội có 10 trung đoàn phòng không, ba trong số đó có trang bị radar. Không may cho toán biệt kích, một đại đội trong các trung đoàn phòng không bố trí trong quận Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Mặc dầu chiếc phi cơ VIAT đã bay thấp tránh được radar, nhưng phi trình bay ngang qua nhiều làng nhỏ, và họ đã báo động tiếng động cơ máy bay.
Khi toán Castor nhẩy dù xuống đồi 828, dân làng gần đó đã nghe tiếng đông cơ máy bay, báo cho công an điạ phương. Sáng ngày hôm sau, 28 tháng Năm, lực lượng Công An Vũ Trang Nhân Dân trong khu vực đã đoán được đâu là bãi thả dù quân biệt kích. Họ chia làm ba cánh quân di chuyển đến bao vây đồi 828. Sau ba ngày truy lùng, cả toán biệt kích Castor đầu hàng.
Trong khi đó, CIA và phòng 45 (sở Bắc) vẫn chưa biết số phận của toán Castor, vẫn bận rộn chuẩn bị tuyển mộ, huấn luyện đưa các toán biệt kích khác xâm nhập miền bắc Việt Nam. Như lần trước, họ được tuyển mộ trong liên đoàn Quan Sát số 1, ngoài ra còn được linh mục Nguyễn Viết Khải (cố vấn) như ông đã giúp đỡ Trung Tá Lê Quang Tung trước đó. Ý kiến của linh mục Khải rất cần thiết vì toán biệt kích kế tiếp sẽ nhẩy dù xuống Quảng Bình, tỉnh cuối cùng miền trung của Bắc Việt, bắt liên lạc với một vị linh mục cai quản làng Công Giáo Trúc. Họ hy vọng, linh mục làng Trúc sau khi được cho xem tấm ảnh, và thư giới thiệu của linh mục Khải, sẽ cung cấp chỗ trú ẩn, lương thực cho toán biệt kích. Xử dụng nhà thờ để che dấu, toán biệt kích có nhiệm vụ theo dõi, quan sát đường 15, một con đường lớn chạy về hướng tây vào cán chảo bên Lào, quân đội Bắc Việt xử dụng để đưa quân đội, chiến cụ, vũ khí, trang bị tiếp liệu vào miền nam Việt Nam. Ngoài ra toán biệt kích được trao thêm nhiệm vụ xác định sự hiện diện của một sư đoàn bộ binh, một đơn vị pháo binh Bắc Việt bố trí nơi hướng bắc vùng phi quân sự.
Ngày 2 tháng Sáu, toán biệt kích thứ hai mật danh Echo gồm ba quân nhân lên phi cơ VIAT C-47 không phù hiệu trong phi trường Tân Sơn Nhấy bay đi Đà Nẵng (ghé lấy thêm nhiên liệu). Sau đó phi cơ bay theo đường vòng cung qua vĩ tuyến 17 vào không phận tỉnh Quảng Bình, ba quân nhân biệt kích nhẩy dù xuống khu vực đồi núi cách làng Trúc 5 cây số về hướng bắc.
Vấn đề giờ giấc, thời gian nhẩy dù xâm nhập, không có gì xui xẻo hơn cho toán biệt kích Echo. Khi họ nhảy ra khỏi phi cơ, hai ngôi làng gần đó đang có buổi học tập (chủ nghĩa cộng sản?) cho dân làng. Nghe tiếng động cơ máy bay, họ chạy ra ngoài quan sát nhìn thấy rõ chiếc phi cơ C-47 trên bầu trời sáng trăng. Vài tiếng đồng hồ sau, họ đã tổ chức xong đội quân đi lùng biệt kích gồm có quân tự vệ võ trang, chó săn và một đại đội bộ binh (địa phương). Họ chia làm ba hướng tiến lên đồi.
Quân biệt kích trong toán Echo gặp xui xẻo ngay từ lúc ban đầu, một biệt kích bị gió thổi trôi dạt đi xa 3 cây số, vướng trên một ngọn cây. Khi cắt dây dù, anh ta rơi xuống đất gẫy chân. Hai biệt kích còn lại gọi máy báo cáo về Saigon, nói rằng họ sẽ chạy về hướng biên giới tìm đường thoát. Nhưng đám quân “dân phòng” đã siết chặt vòng vây. Ngày hôm sau cả ba người trong toán biệt kích Echo bị bắt.
Cũng như lần trước, cơ quan CIA vẫn chưa biết chuyện toán biệt kích Echo bị bắt. Mười hai ngày sau, toán biệt kích thứ ba danh hiệu Dido gồm bốn biệt kích quân người thiểu số Thái Đen (sinh sống nơi miền bắc Việt Nam). Mục tiêu cho toán Dido xâm nhập là trung tâm điểm của người Thái Đen trong tỉnh Lai Châu, tận cùng hướng tây bắc của miền bắc Việt Nam. Toán biệt kích Dido sẽ nhẩy dù xuống gần đường số 6, giữa thành phố chính của tỉnh và con đường đi đến làng Tuần Giao. Mục tiêu cũng đê tìm hiểu vai trò của quân đội Bắc Việt trong trận chiến (Quốc - Cộng) bên Lào. Trên bản đồ đường số 6 đi xuống hướng tây nam băng qua thung lũng Điện Biên Phủ, lúc đó sư đoàn 316 Bắc Việt đang xử dụng làm căn cứ đóng quân, kéo dài qua khu vực phiá bắc nước Lào.
Thiếu Tá Kỳ bay ngang qua vịnh Bắc Bộ lên phiá biên giới với Trung Hoa, nơi cực bắc miền bắc Việt Nam. Ông ta bay chậm lại khi chiếc khi cơ bay ngang qua không phận tỉnh Cao Bằng để thả truyền đơn, sau đó đổi sang hướng tây đến bãi thả dù trong tỉnh Lai Châu. Khi đèn báo hiệu mầu xanh bật lên, bốn biệt kích quân toán Dido tung người nhẩy ra, chiếc phi cơ theo lộ trình thả toán Castor trước đó, theo hướng đông nam tỉnh Ninh Bình về miền nam.
Đáp xuống một khoảng trống trên núi, bốn biệt kích quân toán Dido dấu dù rồi tập họp lại. cả bốn người không ai bị thương như người trong toán Echo. Nhưng thùng chứa đồ tiếp liệu, thực phẩm, đạn dược, máy truyền tin, quần áo rơi lạc đi nơi khác tìm không ra. Ba tuần sau, bốn biệt kích quân toán Dido lúc đó đã bị đói nhiều ngày, rồi một buổi sáng họ đụng phải dân quân tự vệ võ trang. Đám dân quân tự vệ này đang đi lùng bắt toán biệt kích Dido, sau khi được dân làng gần đó báo cáo về chuyến nhẩy dù xâm nhập. Bốn biệt kích quân lúc đó gầy yếu vì thiếu ăn, đang trên đường chạy qua biên giới Lào Việt, cả bốn người bị bắt nơi biên giới.
Đến tuần lễ thứ hai trong tháng Bẩy, Hà Nội đã bắt giữ được cả ba toán biệt kích, tuy nhiên họ vẫn giữ bí mật, không thông báo trên đài phát thanh cho dân chúng miền bắc biết. Ngành an ninh tình báo Bắc Việt lo ngại sẽ còn những toán biệt kích khác từ trong miền nam ra xâm nhập. Ngày 22 tháng Sáu đảng cộng sản ban hành điều luật, lục soát kỹ càng khu vực thả dù toán biệt kích xâm nhập. Tiếp theo cẩm nang, hướng dẫn dân quân tự vệ phương thức chống biệt kích được phổ biến khắp nơi.
Ngay cả những ngày đầu tiên, cẩm nang hướng dẫn dân quân tự vệ đã hiểu biết rất nhiều về các hoạt động bí mật của cơ quan CIA. Thực sự, cộng sản Việt Nam được sự hỗ trợ của Bắc Kinh, với những kinh nghiệm chống biệt kích do CIA tuyển mộ, huấn luyện, xâm nhập vào Hoa Lục, do đó họ hiểu biết nhanh chóng về cách thức làm việc của CIA. Thí dụ, cẩm nang hướng dẫn chống biệt kích của Tầu và của Việt Nam đều biết, các toán biệt kích thường nhẩy dù xâm nhập trong khoảng thời gian từ 22:00 (10 giờ đêm) đến 01:00 (1 giờ sáng). Cẩm nang cho biết thêm, thường bãi thả dù trong khu vực đồi núi, hoặc nơi lằn ranh phân chia các tỉnh, làm cho chính quyền miền bắc không biết rõ nhiệm vụ của ai (tỉnh nào?) Bình thường toán biệt kích sau khi xuống, sẽ gom tại (tập họp) ở một khu vực gần đó.
Lẽ dĩ nhiên, chính quyền Hà Nội biết rất rõ, khi một toán biệt kích đã nhẩy dù xâm nhập miền bắc, sau đó miền nam sẽ phải thả dù tiếp tế cho toán biệt kích. Điều này làm cho bộ Nội Vụ (an ninh, Công An) sẽ phải mở chiến dịch “phản tình báo”. Kế hoạch này sẽ ép buộc nhân viên truyền tin làm việc “hai mang”, hoặc thuyết phục anh ta tiếp tục liên lạc với Saigon, báo cho họ biết rằng toán biệt kích đã đáp xuống mục tiêu an toàn. Nếu thực hiện được điều này, ngành tình báo Bắc Việt hy vọng lấy được đồ tiếp liệu, tóm cổ luôn những toán biệt kích sắp gửi ra miền bắc hoạt động, và ngay cả bãi thả dù cũng do họ lựa chọn (đánh lừa miền nam).
Lúc 12:00 giờ trưa ngày 29 tháng Sáu, toán biệt kích Castor mới xâm nhập được hơn một tháng, gửi tín hiệu đến trạm Bugs (đài tiếp vận truyền tin bí mật của CIA đặt ở Philippines). Saigon dường như không để ý chuyện chậm trễ việc liên lạc của toán Castor, gửi điện văn khuyến khích, hứa hẹn sẽ thả dù tiếp tế trong vòng bốn ngày. Kế hoạch phản gián của Hà Nội có vẻ thành công.
Buổi chiều ngày 1 tháng Bẩy, một ngày trước khi thả dù tiếp tế cho toán biệt kích Castor, các kiện hàng đóng trong phi trường Tân Sơn Nhất cho vào bên trong chiếc VIAT C-47. Thiếu Tá Kỳ theo thời khóa biểu sẽ bay phi vụ tiếp tế đó, nhưng giờ chót thay đổi trao trách nhiệm cho phi công Trung Úy Phan Thanh Vân. Gián Điệp & Biệt Kích Page 34
Cùng với phi hành đoàn, chiếc VIAT C-47 chở theo ba hạ sĩ quan biệt kích thuộc liên đoàn Quan Sát số 1. Họ đi theo đẩy giúp kiện hàng đồ tiếp liệu cho toán biệt kích Castor ra cửa sau phi cơ.
Sau khi nhân viên CIA thuyết trình lần cuối cùng. Trung Úy Vân cất cánh bay đi Đà Nẵng ngay buổi chiều hôm đó. Đó cũng là lần tái tiếp tế đầu tiên cho một toán biệt kích đã nhẩy dù xuống miền bắc trước đó, một nhiệm vụ khó khăn.
Như những lần trước, chiếc VIAT C-47 ghé Đà Nẵng lấy thêm nhiên liệu, đợi đến nửa đêm cất cánh theo phi trình thả hai toán biệt kích Castor, Dido trước đó. Trong khi đó trong tỉnh Sơn La, dân quân tự vệ đã lên đến bãi đất trống (thả dù) theo sự sắp xếp của Saigon. Cũng theo lệnh Saigon, toán biệt kích Castor sẽ đợi tại bãi thả dù để thâu hồi kiện hàng chứa đồ tiếp liệu. Có mặt trưởng toán biệt kích Castor Hà Văn Chấp, đi theo trường hợp cần thiết (ông ta cũng đã bị “thuyết phục”). Quân dân tự vệ đốt lên một ngọn lửa lớn làm dấu hiệu và đợi phi cơ đến.
Trên đảo nhỏ Hòn Ne, cách bờ biển Ninh Bình sáu cây số, binh sĩ (phòng không) Bắc Việt nghe tiếng động cơ máy bay C-47 bay từ biển vào đất liền (tỉnh Ninh Bình). Hòn đảo nhỏ đã được tăng cường giữa tháng Sáu, sau khi Hà Nội đã đoán được Ninh Bình là cửa khẩu để đưa các toán biệt kích xâm nhập vào miền bắc Việt Nam. Dân quân tự vệ, binh sĩ đơn vị phòng không trước đây đã không phản ứng kịp hai chuyến bay VIAT C-47 trước đó. Lần này họ đã báo động sớm hơn, tiếng động cơ máy bay to dần. Khi chiếc phi cơ vào đúng tầm ngắm, xạ thủ Bắc Việt khai hỏa trúng bụng làm chiếc phi cơ bị hư hại, bay lết rơi xuống một thửa ruộng sâu 20 cây số trong đất liền.
Chuyện bắn rơi chiếc phi cơ chở đồ tiếp tế cho biệt kích xâm nhập miền bắc vào đến trong Saigon. Đại Sứ Hoa Kỳ tại miền nam Gián Điệp & Biệt Kích Page 35
Fritz Nolting tức giận, ngại mang tiếng mất thể diện chính trị. Trong cơ quan CIA và phòng 45 (sở Bắc), mọi người nghi ngờ toán biệt kích Castor đã nằm trong tay địch quân và chiếc phi cơ VIAT C-47 bị đánh lừa bay vào ổ phục kích.
Điều ngạc nhiên là chính quyền Hà Nội vẫn im lặng trong khi báo chí ngoài bắc đăng tải vụ bắn rơi chếc phi cơ chở đồ tiếp tế cho toán biệt kích đã xâm nhập vào miền bắc trước đó. Báo chí miền bắc làm cho vụ bắt được toán biệt kích Castor lộ ra, Hà Nội không thể dấu được nữa để xử dụng toán biêt kích hoạt động “hai mang” cho họ.
IV. CƠN GIÓ THỨ HAI
Những gì Hà Nội tiên đoán đều đúng. Các điện văn cơ quan CIA gửi cho toán biệt kích Castor trong tam cá nguyệt năm 1961 đều lộ vẻ nghi ngờ. Saigon liên tục đặt câu hỏi cho toán biệt kích, cố tìm ra lỗi lầm từ những câu trả lời của toán biệt kích gửi về. Ngành phản gián Bắc Việt cố gắng đánh tan những nghi ngờ của Saigon bằng cách di chuyển toán Castor về hướng nam đến sông Đà theo lệnh của CIA. Sau đó, Castor gửi về Saigon một số tin tức tình báo ít giá trị (để lấy lại niềm tin).
Trong vụ bắn rơi chiếc phi cơ tiếp tế C-47 ở Ninh Bình. Bẩy người đi trên phi cơ sống sót kể cả phi công Trung Úy Phan Thanh Vân. Chuyện này Hà Nội không che dấu được, đã được các cơ quan truyền thông, phát thanh tường trình. Tối thiểu viên phi công, nếu không cả phi hành đoàn và ba quân nhân liên đoàn Quan Sát số 1 biết là chiếc phi cơ chở đồ tiếp tế cho toán biệt kích Castor. Điều này làm cho Saigon nghi ngờ toán Castor đã bị bắt. Nhưng, Hà Nội tạo dựng lên câu chuyện khác khi đưa ba người sống sót ra trước tòa án (bốn người kia chết vì vết thương qúa nặng) trong tháng Mười Một. Theo lời khai của họ trước tòa, họ nhìn nhận tham gia các hoạt động biệt kích. Nhưng thay vì bay tiếp tế cho toán biệt kích ở Sơn La, họ khai trên đưòng bay lên tỉnh Hòa Bình.
Để Saigon “chấp nhận” phiên tòa (tuồng) này, họ làm cho Saigon tin rằng cả ba quân nhân VNCH đã “qua khỏi” việc tra tấn của công an miền bắc, làm cho họ (miền bắc) tin những gì họ khai trước tòa là chuyện thật. Saigon tin địch quân (ngành phản gián miền bắc) đã nuốt trọn những lời khai gian dối. Đến cuối năm, toán biệt kích Castor vẫn được Saigon tin tưởng.
Tin tưởng, toán biệt kích chưa bị bắt, không bị ép chơi trò “hai mang”, Trung Tá Lê Quang Tung trưởng phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống sẵn sàng cho biệt kích xâm nhập miền bắc. Tuy nhiên chiếc C-47 VIAT không phù hiệu độc nhất và… còn lâu miền bắc mới trả lại. Cơ quan CIA không muốn xử dụng loại phi cơ C-47 vì hai lý do: Thứ nhất, tầm hoạt động loại phi cơ này giới hạn, phải bay thẳng đến mục tiêu thả dù. Thứ hai, phải ghé Đà Nẵng lấy thêm nhiên liệu nên có thể bị điệp viên địch gài trong phi trường phát giác. (sự thực lý do này không đúng, mà vì phi cơ không đổi hướng bay, cứ bay ra vịnh Bắc Bộ rồi nhắm hướng tây (Ninh Bình) bay vào đất liền). Lần này CIA xử dụng loại máy bay có tầm hoạt động xa hơn, để không phải ghé Đà Nẵng lấy thêm nhiên liệu.
CIA liên lạc phi đoàn 1045 Hành Quân, Thẩm Định, Huấn Luyện (OE & T) do cơ quan CIA và Không Quân điều hành. Phi đoàn này yểm trợ cho các hoạt động ngoại lệ, bí mật. Thí dụ như ở Tây Tạng, cơ quan CIA sắp xếp cho Air America mượn đỡ loại phi cơ vận tải mới nhất lúc đó C-130 của Không Quân, để thả dù quân du kích cùng với đồ trang bị tiếp liệu trên rặng núi Himalayas (Hy Mã Lạp Sơn). Ở bên Lào cơ quan CIA cũng sắp xếp cho Không Quân cùng Air America yểm trợ quân du kích Lào (Hmong - người Mèo). Do trách nhiệm nặng nề trên đất Lào, phi đoàn 1045 chỉ có thể biệt phái hai phi công, Đại Úy Edward Smith và Trung Úy David Clarke cho Saigon xử dụng. Họ qua Việt Nam làm việc khi CIA quyết định cho VIAT xử dụng loại phi cơ C-54 Skymaster, tầm hoạt động xa hơn gấp đôi loại C-47 (Dakota), không phải ghé Đà Nẵng lấy thêm nhiên liệu.
Không quân VNCH không có gì thay đổi, ông Kỳ lên Trung Tá, chỉ huy các phi công, và một lần nữa tuyển mộ phi công cho các phi vụ đặc biệt. Air America (CIA) cũng cho hai phi công Al Judkins và Jim Keck huấn luyện bay thấp, định hướng cho các phi công tình nguyện VNCH.
Việc huấn luyện lái phi cơ C-54 cho phi hành đoàn VNCH hoàn tất đầu năm 1962, phòng 45 đã tuyển mộ được một nửa con số một tá (12) toán biệt kích. Để trông coi quân biệt kích, Jacques (Th/Úy Lò Ngân Dung người thiểu số Thổ) được thêm một sĩ quan phụ tá, người thiểu số Tầy Đào Vĩnh Lộc có bí danh là Maurice. Cả hai đã chuẩn bị xong cho toán biệt kích kế tiếp lên đường. Toán này gồm năm (5) người thiểu số dân tộc Mường, mật danh Europa, thanh tra lần cuối ngày 20 tháng Hai. Cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, Trung Tá Kỳ bay ngang qua Đà Nẵng, hướng ra bờ biển miền bắc, chiếc phi cơ bay trên không phận tỉnh Hòa Bình nơi tập trung sắc dân thiểu số Mường.
Ông Kỳ bật đèn xanh, năm quân biệt kích Mường nhẩy dù ra cửa ở đuôi phi cơ, biến vào màn đêm. Bãi thả dù toán biệt kích Europa nằm trong quận Tân Lạc là một lựa chọn không tốt, đường số 6 đi xuyên qua giữa quận, có nhiều ngôi làng xung quanh. Một lần nữa quân biệt kích bị lộ trong lúc nhẩy dù xuống bãi đáp. Sáng sớm hôm sau, dân quân tự vệ cùng với công an vũ trang và học viên trường biên phòng gần đó, lục soát khu vực bãi thả dù tìm quân biệt kích. Cả năm người toán Europa bị bắt ngày hôm sau.
Nhân viên truyền tin toán Europa bị cô lập, ép buộc gửi điện văn “mọi sự tốt đẹp” về Saigon. Tin tưởng chuyến thả dù toán biệt kích Europa thành công, phòng 45 tính chuyện thả dù tái tiếp tế cho toán Castor, lúc đó đã “nằm vùng” được gần 10 tháng.
Ông Kỳ đã bay chuyến thả toán biệt kích Europa, phi hành đoàn thứ hai do Đại Úy phi công Hội lái. Phi cơ cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, bay ngang qua tỉnh Sơn La. Trước khi đến mục tiêu, chuyện không may xẩy ra gặp cơn mưa giông lớn, chiếc phi cơ đâm vào núi.
Trong Saigon, các tay CIA điều hành chương trình nhận lãnh thêm một vố mất mặt. Đó là chiếc phi cơ thứ hai mất trong vòng bẩy tháng. Một “may mắn” cho họ (CIA), dò bắt đài phát thanh miền bắc, tai nạn do lỗi lầm của viên phi công và chính quyền miền bắc không để ý chuyện đó… Do chuyện này, CIA tin rằng toán biệt kích Castor vẫn chưa bị bắt, ép buộc đóng vai trò “hai mang”.
Lại một lần nữa không có máy bay, cơ quan CIA liên lạc phi đoàn 1045, tìm một chiếc C-54 khác. Tuy nhiên, phi công VNCH đã chứng tỏ không có thành tích tốt, nên họ tìm giải pháp khác. CIA quay trở lại Cộng Hòa Trung Hoa (Taiwan), nơi họ đã thả dù biệt kích xâm nhập Hoa Lục trước đó kể từ năm 1952. Bắt đầu từ năm 1955, nhiều phi vụ thả dù quân biệt kích bí mật do phi công Đài Loan (Taiwan) đảm trách. Với bẩy năm kinh nghiệm trong các hoạt động bí mật, phi công Taiwan rất thích hợp với các phi vụ ra miền bắc Việt Nam. Năm trước CIA đã thuê phi công Taiwan bay những phi vụ thả dù tiếp tế cho quân du kích (Hmong) ở bên Lào.
Cơ quan CIA liên lạc với hãng hàng không Trung Hoa, China Airline được thành lập từ năm 1959, hãng hàng không này xử dụng nhiều phi công từ Không Quân làm việc bán thời gian và họ sẵn sàng bay những phi vụ bí mật. Các hoạt động của họ trên đất Lào từ năm trước được đặt tên mật danh Northern Star (Ngôi Sao phương bắc), các hoạt động nơi miền bắc Việt Nam được đặt tên mật danh là Southern Star (Ngôi Sao phương nam).
CIA cũng nhờ Air America biệt phái hai chuyên viên định hướng sang Taiwan huấn luyện 10 sĩ quan định hướng kỹ thuật bay thấp. Ken Rockwell một trong hai chuyên viên định hướng kể lại “Chúng tôi bay dưới cao độ 200 bộ hoặc thấp hơn vòng quanh đảo (Taiwan), làm thế nào để nhận ra ngọn núi cao hơn độ cao chiếc phi cơ bạn đang điều khiển…”
Trong khi các sĩ quan định hướng Taiwan đang được huấn luyện, cơ quan CIA đã chuẩn bị đưa toán biệt kích khác ra miền bắc. Như toán Echo trước đó, phòng 45 dựa vào những người theo đạo Công Giáo. Linh Mục Khải đã cho họ biết bốn nông dân Công Giáo trong tỉnh Nghệ An dám chống lại chính sách nông nghiệp của chính quyền cộng sản, bỏ trốn sang Lào năm 1959, sau đó di cư vào miền nam. Được linh mục Khải giới thiệu, Đại Úy Ngô Thế Linh trưởng phòng 45 đến gặp họ và tuyển mộ thành công. Cả bốn người được đưa vào nhà an toàn trong Saigon, bốn nông dân được huấn luyện trở thành quân biệt kích toán Atlas sẽ được xâm nhập trở lại tỉnh Nghệ An gần đường số 7. Nhiệm vụ cũng như Toán Echo, họ theo dõi con đường từ miền bắc Việt Nam chạy sang đất Lào. Và quân biệt kích Atlas sẽ tìm cách bắt liên lạc với hai linh mục Công Giáo để được che dấu, giúp đỡ, cung cấp tin tức khi cần.
Đầu tháng Ba năm 1962, toán biệt kích Atlas được đưa sang Lào, lúc đó phi hành đoàn C-54 vẫn chưa sẵn sàng (phi công Đài Loan), cơ quan CIA sắp xếp xử dụng trực thăng Air America đưa toán biệt kích Atlas đến một khu vực dọc theo đường biên giới tỉnh Nghệ An với Lào, rồi từ đó toán biệt kích di chuyển bộ đến mục tiêu.
Xế chiều ngày 12 tháng Ba, toán biệt kích Atlas 4 người cùng với đồ tiếp liệu lên hai trực thăng H-34 do phi công Hoa Kỳ lái. Họ được thêm một trực thăng bay theo hộ tống, chiếc thứ ba quân biệt kích gọi là chiếc theo đuôi (chase) đề phòng bất trắc xẩy ra cấp cứu. Vì chuyến bay qua vùng đất lạ, không quen thuộc nên hợp đoàn trực thăng được hướng dẫn đến mục tiêu bằng trực thăng Helio Courier do Đại Úy Ron Sutphin điều khiển bay trước dẫn đường, ông ta là một phi công nhiều kinh nghiệm của Air America. Bay theo trực thăng của Đại Úy Sutphin, hợp đoàn trực thăng H-34 thả toán biệt kích trong những tia sáng cuối cùng của một ngày, nơi một bãi đáp trống trên một ngọn núi. Quân biệt kích Atlas mặc quần áo đen (Pajama đen như VC trong miền nam) võ trang tiểu liên Sten, cơ quan CIA thích xử dụng vì không do Hoa Kỳ sản xuất. Toán biệt kích di chuyển theo hướng đông, ba ngày sau vẫn chưa bị khám phá. Đến ngày thứ tư họ gặp một đứa nhỏ (trẻ em)…
“Nó biến mất vào trong rừng” một biệt kích kể lại “sau đó dân quân tự vệ điạ phương kéo đến. Chúng tôi chạy trở lại biên giới Lào Việt, một người trong toán (biệt kích) trúng đạn chết, một người khác dẫm phải mìn chết. Chúng tôi lên máy truyền tin gọi về Saigon báo cáo rằng đang bị địch truy lùng, nhưng không được vì lúc đó thời tiết xấu. Sau đó chúng tôi bị bao vây bắt làm tù binh.”
Đó là những thất bại không thể giải thích (chối cãi) được, nhưng cơ quan CIA tiếp tục “đẩy mạnh”. Phi hành đoàn Taiwan vẫn chưa xong việc huấn luyện, cơ quan CIA lại quay sang Air America cầu cứu. Lần này họ được Air America đồng ý cho xử dụng phi cơ C-46 từ căn cứ không quân Takhli bên Thái Lan. Đại Úy Ron Sutphin, người hướng dẫn thả toán biệt kích Atlas bằng trực thăng ngồi ghế phi công chính, cùng với Đại Úy M.D. “Doc” Johnson.
Toán biệt kích kế tiếp có mật danh Remus gồm có 6 người dân tộc Thái Đen. Cũng như toán biệt kích Dido người Thái Đen trước đó, toán Remus sẽ nhẩy dù xuống tỉnh Lai Châu gần thung lũng Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là căn cứ quân sự rộng lớn, nơi đóng quân của sư đoàn 316 và sư đoàn này có những hoạt động trên đất Lào từ đầu năm. Như toán Atlas, biệt kích Remus đề phòng bị khám phá, xâm nhập nơi biên giới Lào-Việt rồi đi bộ đến mục tiêu. Ngày 16 tháng Tư, sáu biệt kích trong toán Remus nhẩy dù xuống bãi đáp cách Điện Biên Phủ 15 cây số về hướng tây bắc (trên đất Lào). Toán biệt kích tập họp nhanh chóng rồi bắt đầu di chuyển đến mục tiêu. Năm ngày sau, toán biệt kích lên máy báo cáo về Saigon rồi xâm nhập vào miền bắc Việt Nam.
Sau khi toán Remus xâm nhập vào miền bắc an toàn (gửi báo cáo về), phòng 45 quay trở lại với toán biệt kích đầu tiên Castor. Cuối tháng Tư, Castor từ bờ sông Đà được lệnh di chuyển về hướng nam đến quận Mộc Châu. Toán biệt kích đợi cho chuyến thả dù tiếp tế mà lúc đó họ rất cần… Ngoài thùng đồ tiếp liệu, họ sẽ được một toán biệt kích khác nhẩy dù xuống tăng cường, đó chính là toán Tourbillon. Toán biệt kích mới này có vài điểm khác biệt với các toán trước. Các toán trước được chọn từ sắc dân thiểu sống nơi miền bắc và mục tiêu là khu vực gần quê quán, làng mạc của họ (trước đó), toán Tourbillon bao gồm bốn sắc dân thiểu số, ít nhất hai biệt kích trong toán không quê quán gần mục tiêu. Một điểm khác về nhiệm vụ, các toán trước chỉ có nhiệm vụ dò thám, quan sát đường tiếp vận của quân đội Bắc Việt qua đất Lào, thâu thập tin tức tình báo. Toán Tourbillon có nhiệm vụ đột kích bất ngờ, phá hoại rồi rút lui, di chuyển đi nơi khác để tránh bị địch truy kích.
Mặc dầu nhiệm vụ phá hoại trao cho toán Tourbillon đã nằm ngoài mục đích nguyên thủy của phòng 45. Trong tháng Năm trước đó, Tổng Thống Kennedy lập đi lập lại, ra lệnh (cho các toán biệt kích xâm nhập miền bắc) thi hành các hoạt động phá hoại. Vị Tổng Thống trẻ tuổi tức giận, một phần vì chính quyền Hoàng Gia Lào được Hoa Kỳ yểm trợ đang trở nên bết, quân đội Bắc Việt yểm trợ cộng sản Phathet Lào đang siết chặt vòng vây ở Nam Tha.
Trước tình hình ở Nam Tha, toán biệt kích Tourbillon sẽ nhẩy dù xuống khu vực đồi núi không có dân cư trong quận Mộc Châu, rồi lội bộ tám cây số đường rừng về hướng nam đến đường số 6. Trên đường di chuyển, toán Tourbillon sẽ phá hủy mấy chiếc cầu, tìm cách ngăn cản xe cộ chạy về hướng tây (sang Lào) qua Điện Biên Phủ. Nếu toán biệt kích làm được chuyện (phá hoại) này, quân đội Bắc Việt sẽ bị chậm trễ đưa đồ tiếp liệu sang đất Lào.
Để đáp ứng nhiệm vụ mới này, phòng 45 được phép tuyển mộ quân biệt kích có nhiều kinh nghiệm hơn từ liên đoàn Quan Sát số 1, lúc đó đã đổi tên thành liên đoàn Quan Sát 77. Họ tuyển mộ được bẩy (7) quân nhân có bằng nhẩy dù lẫn Biệt Động Quân. Hơn nữa, nhân viên truyền tin đã từng xâm nhập Lào hai chuyến trước đó.
Đến tháng Năm, quân đội Hoàng Gia Lào gần như tan rã trước sự tấn công của quân cộng sản (Phathet Lào được Bắc Việt yểm trợ). Trong tuần lễ đầu tiên, toán biệt kích Tourbillon được đưa đi xâm nhập bốn lần, nhưng thời thiết xấu hoặc không nhận được tín hiệu của toán biệt kích Castor đón ở dưới, phải quay trở về. Do đó, khi Tourbillon vẫn nằm chờ trong phi trường Tân Sơn Nhất, Nam Tha thất thủ ngày 9 tháng Năm. Một phần ba quân đội Lào bị tiêu diệt, phần còn lại không còn tinh thần chiến đấu. Tổng Thống Kennedy ra lệnh đưa 6,400 quân sang Thái Lan.
Một tuần sau, Tourbillon chuẩn bị lên đường. Lần này phi hành đoàn Taiwan đã sẵn sàng làm việc, bay chuyến đầu tiên thả dù quân biệt kích. Để ngụy trang, họ có căn cước VNCH, sẽ khai là phi công dân sự nếu bị bắn rơi, bắt sống… mặc dầu không ai biết nói tiếng Việt.
Khi chiếc phi cơ đến điạ điểm thả dù, viên phi công nhìn thấy ngọn lửa làm dấu bãi thả dù, báo hiệu cho toán biệt kích nhẩy ra.
Toán biệt kích Tourbillon, bẩy chiếc dù đáp xuống đất khoảng 10 phút trước nửa đêm.
Lẽ dĩ nhiên không có toán Castor đợi dưới đất, nơi bãi nhẩy dù có một đại đội dân quân tự vệ, chó săn của công an. Nhưng may mắn cho quân biệt kích, lúc đó gió thổi mạnh làm mẩy chiếc dù trôi dạt đi xa… toán dân quân tự vệ phải đuổi theo.
Lúc bị trôi dạt, lơ lửng trên không, quân biệt kích định hướng ngọn lửa, biết mình đã trôi lạc ra khỏi bãi nhẩy dù. Kết qủa “tai hại” nhiều hơn họ dự trù “Biệt kích toán phó vướng trên cây, anh ta chống cự bị bắn chết” Một biệt kích quân toán Tourbillon sau này kể lại “Chúng tôi chạy khi vừa xuống tới mặt đất, nhưng hai ngày sau phần còn lại của toán biệt kích bị bắt.”
Nhân viên truyền tin bị cô lập ngay tức khắc. Bộ Nội Vụ (Công An) miền bắc ép buộc anh ta phải liên lạc với Saigon. Trong khi đó trong Saigon, phòng 45 tin tưởng bãi thả dù đã được toán Castor bảo đảm an ninh (bảo vệ), nên đã ra lệnh cho toán Tourbillon phải lên máy báo cáo trong vòng hai ngày, nếu chậm trễ phòng 45 sẽ cho rằng cả hai toán biệt kích Castor lẫn Tourbillon đều nằm trong tay địch (Bắc Việt)… nhưng toán Tourbillon gửi bản báo cáo đầu tiên về Saigon đúng 11 ngày sau. Thật là khó tin, phòng 45 vẫn tin tưởng toán biệt kích an toàn và chuyến nhẩy dù xâm nhập thành công.
Bốn ngày sau khi Tourbillon nhẩy dù xuống Mộc Châu, toán biệt kích tiếp theo, mật danh Eros lên phi cơ C-54 trong phi trường Tân Sơn Nhất, bay theo vòng cung chiều đồng hồ vào không phận nước Lào. Đến bãi thả dù ngang tỉnh Thanh Hóa, toán biệt kch Eros nhẩy ra và chiếc phi cơ quay trở về miền nam. Việc này được thực hiện nhanh chóng, công an biên phòng miền bắc không biết.
Xuống tới đât, năm biệt kích toán Eros gom lại. Toán này gồm dân thiểu số Mường và Thái Đỏ, sống nơi hướng tây tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra toán Eros có sợi dây liên hệ gia đình: Hai người Mường là anh em, người thứ ba là anh họ, hai người Thái là chú cháu.
Trên mặt đất, quân biệt kích chần chừ chưa di chuyển ra khỏi khu rừng. Sau hai tuần lễ, mấy dân làng người Thái đi ngang qua nơi toán biệt kích đang lẩn trốn. Hoảng hốt, quân biệt kích chạy lên hướng bắc. Dân làng tìm thấy mấy lon đồ hộp không sản suất nơi miền bắc, đi báo cho công an điạ phương. Bắc Việt tổ chức đơn vị truy lùng biệt kích gồm có một tiểu đoàn bộ binh đóng quân trong khu vực và một đại đội dân quân tự vệ. Nhưng quân Bắc Việt tìm không ra toán biệt kích, đến cuối tháng Sáu tiểu đoàn bộ binh bỏ cuộc, trở về nơi đóng quân.
Trong khi đó, toán biệt kích Eros cũng gần hết lương thực, yêu cầu tái tiếp tế và được Saigon trả lời trong tháng Bẩy. Cả tháng chờ đợi, Saigon trả lời vì lý do thời tiết xấu. Cuối cùng quân biệt kích phải tự động lo tìm đồ ăn cho qua cơn đói. Ngày 2 tháng Tám, họ bị dân làng trông thấy, rồi dân quân tự vệ truy kích. Toán Eros gửi một công điện khẩn vào Saigon cho biết đang bị săn đuổi, truy lùng. Ngày 29 tháng Chín họ bị bao vây, một biệt kích quân trúng đạn chết, một bị bắt, ba người còn lại chạy về hướng biên giới Lào-Việt, đi theo mấy người thợ săn, nhưng bị phản bội, bắt sống trao cho quân Bắc Việt.
Mặc dầu “có vấn đề” với toán Eros, CIA vẫn tin tưởng trong số tám (8) toán biệt kích nằm vùng dài hạn, họ vẫn còn kiểm soát được một nửa (4) số toán: Castor, Europa, Remus và Tourbillon (vẫn còn hoạt động). Cơ quan CIA, phòng 45 ăn mừng (chiến thắng) sau khi toán Tourbillon báo cáo đã phá xập một chiếc cầu ngày 29 tháng Bẩy vừa qua. Lẽ dĩ nhiên cơ quan CIA và phòng 45 vẫn chưa biết các toán biệt kích: Castor, Europa, và Tourbillon đã bị bắt.
V. TOÁN NGƯỜI NHÁI VULCAN
Khi ánh mặt trời nhô lên cao trong vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin), đoàn tầu đánh cá ngư dân miền bắc, túa ra biển đông, ánh sáng phản chiếu mặt nước biển lóng lánh. Ngư dân đã quen thuộc vùng biển nơi cửa miệng sông Gianh cách Đồng Hới thành phố cuối cùng của miền bắc khoảng 40 cây số. Ngược dòng sông khoảng 1 cây số, nơi bờ phiá nam có căn cứ Hải Quân Quảng Khê của lực lượng phòng vệ bờ biển miến bắc Việt Nam.
Ngày 16 tháng Năm 1962, khung cảnh vẫn bình thường như mọi ngày, không ai ngờ dưới mặt nước biển có chiếc tầu ngầm Hoa Kỳ USS Catfish (cá trê) đang theo dõi căn cứ Hải Quân miền bắc. Mấy hôm trước, chiếc tầu ngầm đã di chuyển từ Philippines đến cửa sông Gianh theo lệnh hành quân Wise Tiger (Con Hổ Tinh Khôn). Di chuyển ngoài hải phận quốc tế, tầu ngầm Catfish thâu thập tin tức về các tầu võ trang Hải Quân Bắc Việt.
Trong chuyến dò thám hôm đó, tầu ngầm Catfish để ý mấy chiếc tầu võ trang chạy nhanh để tấn công Swatow, do Trung Cộng chế tạo, nồng cốt trong Hải Quân Bắc Việt. Hà Nội đã mua hơn hai tá (2x12) tầu chiến loại này trang bị cho Hải Quân để phòng thủ bờ biển từ ba năm trước. Tầu Swatow dài 83 bộ có thể gắn ba đại bác 37 ly, hai đại liên nòng đôi 14.5 ly và 8 thùng chất nổ chống tầu ngầm. Với 30 thủy thủ đoàn, tầu Swatow có thể chạy với tốc độ 18 Knot mỗi giờ và trang bị radar báo động có tầu lạ lại gần.
Ba chiếc Swatow đang đậu trong căn cứ Hải Quân Quảng Khê. Sau khi quan sát kỹ càng, tầu ngầm Catfish xác nhận cả ba chiếc Swatow đều nằm trong căn cứ Hải Quân và gửi báo cáo về Manila, Philippines, sau đó bức công điện được chuyển tiếp đến Saigon. CIA trong Saigon sẽ hoàn tất kế hoạch tấn công ba tầu chiến Swatow.
Nhiệm vụ này đã có từ lâu, kể từ tháng Ba năm 1961, cơ quan CIA đã đề nghị phá hoại các hải cảng miền bắc, như một phần trong các hoạt động bí mật, trình lên cho Tổng Thống Kennedy. Dự thảo này nẳm yên trong tủ sắt cho đến đầu mùa xuân năm 1962, khi quân đội Bắc Việt gia tăng hoạt động trong miền nam cũng như trên đất Lào, làm cho chính quyền Kennedy phải xem xét lại bản dự thảo. Hơn nữa Bắc Việt đang tiếp tục phát triển hệ thống đường mòn HCM để đưa quân đội, chiến cụ vào miền nam Việt Nam.
Trong tháng Tư năm 1962, Đô Đốc Harry D. Felt, tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) nhắc lại lời Tổng Thống Hoa Kỳ “Sự liên hệ trực tiếp nhân-qủa” giữa các hoạt động của cộng sản trong miền nam và sự trả đũa của Hoa Kỳ nơi miền bắc Việt Nam “một vụ Việt Cộng gài mìn đường xe lửa Saigon-Đông Hà sẽ được đáp trả trong vòng một tuần lễ, Hoa Kỳ sẽ phá hỏng (dội bom) đường xe lửa Lào Kay-Hà Nội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt)” Vị Đô Đốc nghĩ rằng xử dụng phi cơ bắn phá, thả bom các mục tiêu quân sự miền bắc, nhưng điều đó khó thực hiện. Ông ta nghĩ đến việc xử dụng phương tiện khác “Cho quân biệt hải tấn công một số nhà máy, cơ xưởng dọc theo bờ biển miền bắc” Để đáp ứng với tình thế, cơ quan CIA ra lệnh thả những toán biệt kích ra miền bắc phá hoại, bắt đầu với toán biệt kích Tourbillon. Đồng thời bật đèn xanh cho đơn vị Người Nhái Hải Quân VNCH đột kích phá hoại ba tầu Swatow trong căn cứ Hải Quân Quảng Khê của miền bắc.
Các hoạt động bí mật trên biển không xa lạ đối với cơ quan CIA. Bắt đầu từ năm 1951, CIA đã xử dụng ghe, tầu gắn động cơ chở quân biệt hải Taiwan tấn công vào các mục tiêu trên đất liền (Hoa Lục) “Chúng tôi xử dụng ghe tầu như chiếc tầu mẹ, phóng ra những tầu nhỏ tấn công chớp nhoáng rồi chạy” Jack Mathews, một nhân viên CIA điều khiển chương trình kể lại “Các toán biệt hải tấn công những mục tiêu dọc theo bờ biển, đốt nhà kho bằng lựu đạn tỏa nhiệt (lân tinh). Trong trận chiến Hàn Quốc, cơ quan CIA cũng có những hoạt động tương tự.
Xử dụng các chiến thuật kể trên nơi miền bắc Việt Nam, nhân viên CIA trong Saigon hình dung ra kế hoạch cho tầu ngụy trang ghe đánh cá gắn động cơ ra đến ngoài khơi tỉnh Quảng Bình, rồi từ đó cho toán Người Nhái xâm nhập (bơi vào) sông Gianh, bí mật vào căn cứ Hải Quân Quảng Khê, gắn chất nổ phá hủy ba tầu Swatow.
Tuy nhiên, lúc đó phòng 45 chưa có quân biệt hải (và đơn vị Ngưới Nhái) cho các hoạt động bí mật trên biển. May thay hai năm trước, họ đã đưa 18 quân nhân tuyển chọn từ Lục Quân, Hải Quân và TQLC sang Taiwan học tác chiến dưới nước bốn tháng. Mặc dầu không dự trù cho các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam, họ (18 quân nhân) được chọn cho trận đột kích căn cứ Hải Quân miền bắc Quảng Khê.
Trong tháng Tư năm 1962, phòng 45 được “mượn đỡ” bốn Người Nhái đã thụ huấn ở Taiwan. Toán biệt hải mang mật danh Vulcan, được đưa đến Đà Nẵng huấn luyện gắn chất nổ dưới gầm tầu (Swatow). Tháng sau, khi nhận được sự xác nhận của tầu ngầm Catfish về ba tầu Swatow của Hải Quân Bắc Việt, cơ quan CIA quyết định làm chuyến thử thách. Toán biệt hải Vulcan cùng mười nhân viên thủy thủ đoàn lên chiếc Nautilus 2 chạy lên phiá bắc vĩ tuyến 17. Chiếc Nautilus 2 thả neo gần cửa miệng sông Gianh, cho toán biệt hải xuống một xuồng nhỏ chạy vào bờ do thám. Sau khi quan sát mục tiêu, họ chạy trở về chiếc tầu mẹ.
Đại Úy Hà Ngọc Oanh, đã làm việc cho phòng 45 được hai năm dưới mật danh Antoine, lặng lẽ nhìn quanh bàn rồi bốn Người Nhái Vulcan. Đó là toán biệt hải đầu tiên dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông ta. Khi lệnh cuối cùng đến ngày 28 tháng Sáu, tấn công mấy chiếc tầu Swatow, Antoine lên thời khóa biểu cho lần thuyết trình cuối cùng, có thêm hai nhân viên CIA tham dự. Ông ta thông ngôn lệnh hành quân cho quân nhân VNCH, xử dụng tấm không ảnh chụp căn cứ Hải Quân Quảng Khê trước đó mấy hôm. Đằng sau lưng ông ta là tấm bản đồ với những mũi tên lớn vạch ra đường xâm nhập và đường rút lui ra tầu lớn (Nautilus 2).
Bốn biệt hải lắng nghe. Từ chiếc tầu lớn Nautilus 2, họ sẽ xuống một tầu nhỏ bằng gỗ rồi chạy vào cửa sông Gianh. Bức không ảnh cho biết chỉ có ba chiếc tầu Swatow trong căn cứ Hải
Quân (miền bắc) Quảng Khê, do đó chỉ cần ba người nhái bơi vào. Người nhái thứ tư Nguyễn Chuyên ở lại trên tầu gỗ làm thành phần trừ bị (dự trù). Ba người nhái bơi vào đặt mìn dưới gầm tầu Swatow rồi bơi trở về chiếc tầu gỗ rối tất cả quay trở về tầu mẹ Nautilus 2.
Lúc đó vừa qúa nửa đêm buổi thuyết trình hành quân, nhiệm vụ chấm dứt. Mọi người được cố vấn Hoa Kỳ đãi tiệc tiễn đưa, họ ăn uống cho đến sáng ngày hôm sau. Sau đó toán biệt hải Vulcan (phải) vào khu cấm (cách ly) trước khi lên đường để giữ bí mật. (Không ai được liên lạc với gia đình, bạn bè,…)
Đúng 20:30 (8 giờ rưỡi tối) ngày 29 tháng Sáu, toán biệt hải Vulcan được đưa ra bến tầu, lên chiếc Nautilus 2 cùng với hơn một chục người thủy thủ đoàn. Antoine (Đ/Úy Hà Ngọc Oanh) đưa cho viên thuyền trưởng một nắm cờ nhỏ, căn dặn vài điều, bắt tay, chúc may mắn.
Chạy suốt đêm và cả ngày hôm sau, chiếc Nautilus 2 đã được ngụy trang tầu đánh cá ngoài bắc hòa nhập với các tầu khác ngoài biển đông. Tối hôm sau họ đến gần mục tiêu, màn đêm bao trùm bờ biển. Trước nửa đêm ngày 30 tháng Sáu, tầu Nautilus ngừng máy, hai thủy thũ hạ chiếc xuồng gỗ nhỏ xuống nước biển rồi ngồi vào. Bốn người nhái mặc đồ lặn (Scuba) mỗi người đem theo một qủa mìn leo lên xuồng gỗ nhỏ, chiếc xuồng con từ từ rời tầu mẹ tiến vào bờ.
Mười lăm phút sau, một trong bốn người nhái Lê Văn Kính có thể nhìn thấy rõ bờ sông Gianh. Trong bóng đêm, ba người nhái trong toán Vulcan điều chỉnh thời nổ hai tiếng đồng hồ, đủ thời gian cho họ bơi vào mục tiêu gài qủa mìn, rồi bơi trở lại chiếc xuồng gỗ. Kính là người đầu tiên xuống nước, sửa lại kính che mắt, gắn ông thở vào miệng, người thứ hai theo sau là Nguyễn Văn Tâm. Người nhái cuối cùng xuống nước là Nguyễn Hữu Thao, một người theo đạo Công Giáo gốc.
Trên bong tầu chiếc Swatow số 185, một binh sĩ canh gác nghe tiếng động lạ, gợn sóng dưới gầm tầu. Nhìn xuống nước tối đen như mực anh ta không thấy gì, nhưng báo cáo cho thuyền trưởng Đại Úy Hồ Ngọc Minh. Dẫn theo mấy thủy thủ đi lại đuôi chiếc tầu, ông ta chồm người ra quan sát, cũng không thấy gì.
Trong vũng nước cùng với dầu nhớt chiếc Swatow, Nguyễn Hữu Thao đang gắn qủa mìn vào gầm tầu. Nghe tiếng chân nhiều người trên bong tầu, anh ta hoảng hốt. Hải Quân miền bắc sau này ghi lại “quân biệt kích đang gắn qủa mìn, sửng sốt khi nghe nhiều tiếng động ở trên bong tầu. Qủa mìn phát nổ sớm hơn giết chết anh ta ngay tức khắc.”
Kính, người nhái đầu tiên xuống nước đã gắn xong qủa mìn, bơi xa ra khỏi chiếc Swatow khoảng 20 mét ngoi đầu lên quan sát. Đúng lúc đó, qủa mìn của Thao phát nổ sớm do bất cẩn, làn sóng nước đập mạnh vào đầu, toàn thân của Kính. Hai chân người nhái Kính bị tê (liệt), trôi dật dờ trên mặt nước. Vẫn còn tỉnh táo, Kính quan sát biết được chiếc Swatow bị hư hại nặng, và quân Bắc Việt sẽ đổ xô ra đông đảo trong khu vực.
Ngồi đợi trên chiếc tầu gỗ nhỏ, Nguyễn Chuyên cùng với hai thủy thủ nhìn thấy qủa mìn nổ tỏa áng sáng trong bầu trời đêm tối. Chỉ ít phút sau Bắc Việt trông thấy chiếc tầu gỗ nhỏ bập bềnh sau những làn khói, ánh lửa. Hoảng hốt khi nghe tiếng động cơ tầu Swatow, họ không chờ cho ba người nhái bơi trở về, bỏ chạy ra tầu Nautilus 2. Chuyên bắn trả lại chiếc tầu địch đang đuổi theo, và bị trúng đạn trước khi về đến chiếc Nautilus 2.
Còn lại một mình cố nén cơn đau, Kính bơi vào bờ trốn trong đám lau sậy. Cởi bỏ bình hơi, bộ quần áo lặn (Scuba), Kính đợi cho mọi chuyện lắng xuống, sẽ tìm cách quay trở về miền nam. Trong vòng một tiếng đồng hồ, lực lượng an ninh miền bắc tìm ra anh ta, đánh cho mềm người, kéo lết đi… sau đó anh ta nghe thêm một tiếng nổ lớn của qủa mìn thứ hai từ một khoảng cách xa vọng lại.
Trong khi đó, người nhái thứ ba Nguyễn Văn Tâm được may mắn hơn chút đỉnh. Sau khi gắn xong qủa mìn, anh ta bơi trở lại chiếc tầu gỗ nhỏ, rồi thì qủa mìn thứ nhất phát nổ bất ngờ, Tâm bị bỏ rơi giữa sóng nước mênh mông. Quan sát xung quanh, Tâm bơi lại một chiếc tầu nhỏ đang thả neo, leo lên rồi bị dân quân tự vệ bắt.
Căn cứ Hải Quân Quảng Khê nổ bùng lên, chiếc Swatow 185 (Chuyên) bị chìm nhanh chóng. Chiếc Swatow 161 nổ máy chạy nhanh ra khỏi căn cứ, tìm kiếm tầu địch (VNCH), đuổi theo chiếc tầu gỗ nhỏ, bắn chìm chiếc tầu gỗ. Chiếc Nautilus 2 vừa bắn trả vừa chạy về hướng nam tẩu thoát. Ba tiếng đồng hồ sau, lúc 06:00 (6 giờ sáng), đại bác 37 ly trên chiếc Swatow 161 bắn trúng ngăn chứa động cơ tầu Nautilus 2. Nautilus 2 nằm chờ chết trong khi chiếc Swatow 161 chạy quanh bắn “cho tan xác” chiếc tầu chở điệp viên, biệt kích VNCH. Người Nhái Nguyễn Chuyên cùng với một thủy thủ đoàn trúng đạn chết.
Sau đó chìéc Swatow lục soát xung quanh những mảnh ván từ chiếc Nautilus 2 đang nổi dật dờ trên biển, lôi lên 10 thủy thủ đoàn, bịt mắt bắt làm tù binh. Họ không ngờ thủy thủ Nguyễn Văn Ngọc vẫn còn sót lại, anh ta trôi trên biển về hướng nam vĩ tuyến 17 và được cứu thoát.
Ngày 21 tháng Bẩy, Hà Nội đưa hai người nhái Kính, Tâm (Chuyên, Thao chết) cùng các thủy thủ tầu Nautilus 2 bị bắt ra trước tòa án. Đó là vụ án biệt kích thứ hai bị đưa ra tòa, có người bị án tù chung thân…
VI. PHÁ HOẠI
Vấn đề ngoại giao người Hoa Kỳ bị tai tiếng sau vụ thất bại của toán biệt kích người nhái Vulcan. Hiệp định Genèva trung lập hóa nước Lào có hiệu lực kể từ ngày 6 tháng Mười năm 1962. Chính quyền Kennedy, theo đúng tinh thần bản hiệp định phải ngừng tất cả các hoạt động “gây hấn”, các nhóm cố vấn Hoa Kỳ ở Lào chỉ có thể giúp đỡ quân đội Hoàng Gia Lào trong vấn đề phòng thủ chống lại quân cộng sản (Phathet Lào và Bắc Việt). Tương tự, các toán biệt kích cơ quan CIA thả ra ngoài bắc được lệnh nằm yên, ngừng các nhiệm vụ phá hoại.
Nhưng chỉ một tháng sau, các phân tích gia CIA báo cáo, trong số 9,000 lính Bắc Việt và cố vấn (cho quân đội Lào) ở bên Lào trước khi hiệp định Genèva được ký kết, chỉ có 40 “chuyên gia” chính thức được rút về nước (Bắc Việt) trước ngày hiệp định có hiệu lực (06/10/1962). Các chuyên gia CIA ước chừng khoảng 6,000 quân Bắc Việt ở lại trên đất Lào bất hợp lệ.
Bản hiệp định mong manh càng “xuống giá”, ngày 22 tháng Mười Một, một ổ súng phòng không Lào bắn rơi chiếc phi cơ C-123 của Air America chở đồ cứu trợ nhân đạo. Hai nhân viên phi hành Hoa Kỳ từ nạn. Một cuộc điều tra cho biết, các xạ thủ Lào công khai thân cộng sản Pathet Lào và phong trào giải phóng của cộng sản, đồng minh của Hà Nội.
Khi nền hòa bình của nước Lào từ từ tan biến đi, tình hình miền nam Việt Nam cũng trở nên bết. Sau một mùa hè chống nổi loạn thành công năm 1962, quân đội miền nam (VNCH) thất bại trong mùa thu, và đến tháng Mười Hai nhiều quan sát viên bi quan về sự dài lâu của miền nam.
Những người làm ra chính sách ở Washington thường bị mất mặt. Cơ quan CIA, phòng 45 được phép thực hiện trở lại các hoạt động bí mật chống miền bắc Việt Nam. Đầu tiên họ ra lệnh cho toán biệt kích Tourbillon tiếp tục nhiệm vụ phá hoại. Theo như những công điện truyền tin báo cáo của toán biệt kích, họ nằm yên sau khi phá xập một chiếc cầu trong tháng Bẩy. Đã chứng tỏ “khả năng”, trong tháng Mười Hai toán Tourbillon được lệnh phá một chiếc cầu khác, cách chiếc cầu trước hơn hai mươi cây số về hướng tây. Ngày 8 tháng Mười Hai họ báo cáo đã hoàn tất nhiệm vụ.
Nếu Saigon cho phi cơ ra miền bắc thám thính chụp ảnh chiếc cầu để kiểm chứng báo cáo của toán biệt kích, họ sẽ đưọc biết cầu Tà Vại bắc ngang qua đường số 6 thực sự bị hư hại. Chính quyền miền bắc thực sự cho phá chiếc cầu để lấy sự tin tưởng của Saigon.
Sự “thành công” của toán biệt kích Tourbillon gây sự tin tưởng cho chương trình thả dù các toán biệt kích nằm vùng dài hạn nơi miền bắc Việt Nam (chương trình 34A). Saigon chuẩn bị toán kế tiếp mật danh Lyre, trao cho hai nhiệm vụ phá hoại và thâu thập tin tức tình báo. Toán Lyre sẽ phải chia thời gian theo dõi, quan sát đường và lấy tin tức tình báo từ dân chúng điạ phương.
Như hai lần trước đó, toán biệt kích Lyre tuyển chọn quân biệt kích trong số người bắc di cư theo đạo Công Giáo. Hai toán trước Echo và Atlas thất bại, nhưng lần này hy vọng toán Lyre sẽ hoạt động lâu dài hơn, xâm nhập gần đèo Ngang. Ngọn đèo này dài 26 cây số dọc theo bờ biển, từ căn cứ Hải Quân chứa tầu Swatow (bị toán người nhái Vulcan tấn công) lên. Theo Hà Nội khu vực xung quanh đèo Ngang có nhiều làng Công Giáo.
Vì lý do đèo Ngang nằm dọc theo bờ biển, cơ quan CIA quyết định cho quân biệt kích đổ bộ bằng tầu từ biển vào, phát xuất từ Đà Nẵng. Vấn đề thay đổi phương pháp xâm nhập, nhẩy dù hay đổ bộ từ biển vào kết qủa không khác. Khi toán biệt kích xâm nhập đêm 29 tháng Mười Hai, bị một đồn biên phòng nơi bờ biển phát giác gần như tức khắc. Năm người trong toán biệt kích Lyre bị bắt trong vòng một ngày, hai biệt kích còn lại định tẩu thoát về hướng nam vĩ tuyến 17 vùng phi quân sự, bị bắt vào cuối tuần.
Đối với Saigon, sự thất bại của toán biệt kích Lyre cộng thêm với tin xấu trên chiến trường. Ngày 2 tháng Giêng năm 1963, ba tiểu đoàn VNCH tấn công một đơn vị VC cấp nhỏ hơn gần Ấp Bắc bị tổn thất nặng, cùng mới một đại đội (chi đội) thiết vận xa M-113, và năm trực thăng Hoa Kỳ. Tám mươi (80) quân nhân VNCH cùng ba cố vấn Hoa Kỳ tử trận.
Đối phó với tình trạng xuống tinh thần, chương trình các hoạt động bí mật của cơ quan CIA chống miền bắc Việt Nam thay đổi nhiều về mặt tổ chức. Các toán biệt kích trước đó có nhiệm vụ chính là theo dõi, dò thám đường, thâu thập tin tức tình báo, thỉnh thoảng mới được lệnh phá hoại. Theo thời khóa biểu mới, hầu hết nhiệm vụ cho các toán biệt kích là phá hoại. Chính quyền Hoa Kỳ muốn gia tăng áp lực đối với chính quyền Hà Nội.
Washington bắt đầu chuyển hướng từ Lào sang Việt Nam, các nỗ lực phá hoại cũng chuyển hướng tập trung nơi miền bắc Việt Nam thay vì những mục tiêu liên hệ với Lào, như việc phá xập cầu, trách nhiệm dành cho toán biệt kích Tourbillon. Các mục tiêu mới liên quan vấn đề kinh tế, đường xá giao thông liên hệ đến guồng máy chiến tranh của Hà Nội.
Toán biệt kích cho nhiệm vụ phá hoại trong năm mới là toán Tarzan gồm năm quân nhân, nhẩy dù xuống quận Tuyên Hóa trong tỉnh Quảng Bình. Khu vực này toán biệt kích Echo đã nhẩy dù xuống trước đó hai năm. Đêm ngày 6 tháng Giêng, toán Tarzan lên chiếc C-54 trong phi trường Tân Sơn Nhất, do phi công Taiwan lái, bay lên hướng bắc. Toán Tarzan nhẩy dù xuống an toàn và lên máy báo cáo về Saigon.
Việc thả toán biệt kích Tarzan có vẻ thành công, cơ quan CIA bắt đầu “sản suất hàng loạt”. Trong khi các công tác phá hoại gia tăng nơi miền bắc Việt Nam, nửa vòng trái đất đến một nước cộng sản khác là Cuba. Tổng Thống Kennedy trả lời cho vụ đổ bộ vịnh Con Heo thất bại trong tháng Mười năm 1962, hứa hẹn sẽ không xử dụng sức mạnh quân đội lật đổ chế độ độc tài Fridel Castro. Tuy nhiên, Washington vẫn thúc đẩy chương trình phá hoại chống Cuba. Theo lời Desmond FutzGerald, một viên chức cao cấp CIA trong “đặc nhiệm Cuba”, ông ta (Tổng Thống Kennedy) muốn”một hành động phá hoại lớn trong mỗi tháng”
Cũng như ở Cuba, CIA điều hành các hoạt động phá hoại nơi miền bắc Việt Nam theo kế hoạch hàng tháng. Ngày 12 tháng Tư, toán biệt kích Pegasus gồm sáu người dân tộc thiểu số người Thổ nhẩy dù xuống tỉnh Lạng Sơn. Mục tiêu dành cho họ là một trong hai tuyến đường sắt (rầy xe lửa) quan trọng, từ biên giới Trung Hoa về đến Hà Nội. Ngồi ở Saigon, nhân viên CIA đợi công điện báo cáo của toán biệt kích, không có tin tức gì về toán biệt kích Pegasus.
Tháng sau cũng có một toán biệt kích bay lên hướng bắc, cũng biến mất, không lên máy liên lạc về Saigon.
Không màng chuyện mất hai toán biệt kích (không liên lạc), Saigon bắt đầu “tổng tấn công” ngày 4 tháng Sáu. Một kỷ lục, ba toán biệt kích đã sẵn sàng lên đường xâm nhập đêm hôm đó. Tuy nhiên loại phi cơ C-54 do phi công Taiwan lái không đủ chỗ cho cả ba toán đi cùng lúc, do đó chiếc C-54 thứ hai không phù hiệu được gửi sang Saigon tăng cường trong một tháng. Chiếc thứ hai này hoàn toàn quân sự (Không Quân Taiwan) chở bớt một toán, chiếc cũ (cơ hữu) chở hai toán. Sáng sớm ngày 5 tháng Sáu hai phi cơ C-54 trở về Tân Sơn Nhất an toàn. Tuy nhiên chỉ có một toán (trong ba toán biệt kích) là toán Bell lên máy báo cáo về Saigon.
Ba ngày sau, cơ quan CIA làm cú nữa, cho hai toán biệt kích lên phi cơ C-54 thả dù xuống trong hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Cả hai biến mất không báo cáo về Saigon. Hai ngày sau, thêm hai toán biệt kích lên C-54, nhẩy dù xuống Hà Tĩnh và Nghệ An. Thêm hai toán biệt kích biến mất nơi miền bắc Việt Nam.
Chỉ có hai toán trong số mười toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc được xem như thành công, cơ quan CIA tạm ngưng việc thả các toán biệt kích ra miền bắc. Lúc đó, cơ quan CIA có phương tiện tốt hơn (để phóng đi các toán biệt kích) hy vọng tình thế thay đổi. Từ tháng Chín trước đó, cơ quan CIA đã tìm phương tiện khác (phi cơ) để thay thế loại phi cơ C-54, đó là loại phi cơ C-123 có cửa hậu mở rộng cho kiện hàng tiếp liệu cùng với quân biệt kích nhẩy ra nhanh chóng trong vòng vài giây đồng hồ, đỡ bị phân tán, thất lạc. Loại phi cơ C-123 vẫn có một nhược điểm, không chối cãi được. Không như hai loại C-47, C-54 được dùng trong vấn đề thương mại, chở hành khách dân sự cho các hãng hàng không trên thế giới. Phi cơ C-123 chỉ xử dụng trong quân sự, do đó trường hợp bị bắn rơi ngoài bắc, người Hoa Kỳ không thể chối cãi được.
Dầu sao đi nữa, cơ quan CIA vẫn xử dụng loại phi cơ C-123, cơ hội thành công tăng lên. Bay loại phi cơ này, một lần nữa CIA tuyển mộ phi công Taiwan. Vì loại C-123 dùng trong quân sự nên các phi công Taiwan lần này tuyển mộ từ phi đội 34 Không Quân Taiwan. Các phi công trong phi đội “đặc biệt” này đã từng bay những chuyến thả biệt kích xuống Hoa Lục trong năm 1955. Tất cả 15 phi công, 10 định hướng viên, 5 chuyên viên cơ khí được đưa qua căn cứ Không Quân Pope tiểu bang North Carolina. Họ hoàn tất việc huấn luyện, trở về Taiwan trong tháng Mười Hai, chờ cho đến tháng Hai năm 1963, khi năm (5) chiếc C-123 mầu xám không phù hiệu đến hòn đảo Taiwan.
Sau đó, các phi công Taiwan được huấn luyện bay dưới cao độ thấp trong ba tháng kế tiếp, phi hành đoàn Taiwan được người Hoa Kỳ huấn luyện đặc biệt về máy móc điện tử, phá rối hệ thống phòng không của địch (miền bắc Việt Nam). Sau khi hoàn tất, mọi việc huấn luyện, ngày 15 tháng Sáu, họ bay qua Tân Sơn Nhất.
Mười bẩy (17) ngày sau, phi hành đoàn Taiwan cùng với phi cơ C-123 nhận công tác đầu tiên, thả toán biệt kích hoàn toàn người Việt đầu tiên, tám (8) người có mật danh là Giant. Viên phi công Taiwan kể lại “Chúng tôi bay ra vịnh Bắc Bộ (Tonkin), lên đến Vinh. Tôi có thể nhìn thấy ánh sáng thành phố, rẽ lên hướng bắc, sau đó đổi sang hướng tây cho đến khi có thể nhìn thấy rặng núi. Toán biệt kích nhẩy ra cửa đuôi phi cơ, chúng tôi quay về miền nam dọc theo bờ biển.” Trong Saigon, nhân viên CIA dò tìm làn sóng toán biệt kích Giant, toán này cũng biến mất luôn, không lên máy báo cáo.
Hai ngày sau, hai toán biệt kích khác đã sẵn sàng lên đường. Toán thứ nhất pha trộn mấy sắc dân thiểu số, mật danh Packer dự trù xâm nhập tỉnh Yên Bái nơi hướng chính bắc. Hy vọng toán này sẽ lập lại sự thành công như toán Bell đã nhẩy dù xuống trước đó. (toán duy nhất liên lạc trong mùa hè vừa qua). Cũng như toán Bell, năm biệt kích trong toán Packer có nhiệm vụ phá hoại đường rầy xe lửa chạy ngang qua thành phố. Trưởng toán Packer là Ngô Quốc Chung gốc người thiểu số Tầy đã chiến đấu trong trận Điện Biên Phủ, mất một mắt, và gần một bàn tay, chống cộng quyết liệt, anh ta không nhận mình là người tật nguyền “Tôi chiến đấu với họ bằng một tay.” Toán biệt kích thứ hai, ba biệt kích dân thiểu số Mường sẽ nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Europa trong tỉnh Hòa Binh (nơi người Mường sinh sống từ lâu đời.).
Lúc đó, nhóm phi công Taiwan đầu tiên (hãng hàng không China Airline lái C-54) đã sắp hết hạn giao kèo, nên được trao cho nhiệm vụ chót. Cả hai toán biệt kích lên chiếc C-54, họ dự trù bay lên Yên Bái trước thả toán biệt kích Packer. Đến mục tiêu, năm biệt kích toán Packer nhẩy ra, chiếc phi cơ bay vòng ngược chiều kim đồng hồ đi Hòa Bình. Chiếc phi cơ bay thấp tránh mây … biến mất trước khi đến mục tiêu thứ hai trong tỉnh Hòa Bình.
Chuyện mất phi cơ C-54 cùng phi hành đoàn Taiwan không đơn giản như đối với người Việt, nhân viên CIA cố gắng tìm nguyên nhân chiếc phi cơ bị rơi. Họ cho rằng chiếc C-54 đâm vào núi nhưng miền bắc không nói gì về chuyện phi cơ lâm nạn… Toán biệt kích Packer nhẩy dù xuống Yên Bái cũng mất tích không lên máy báo cáo. Vẫn chưa nản chí, Saigon chuẩn bị cho thêm một toán ra miền bắc. Mật danh Dragon, tuyển mộ từ sắc dân thiểu số Nùng, họ nổi tiếng trung thành, có truyền thống chống cộng. Mục tiêu cho toán Dragon là khu vực cực đông bắc giáp biên giới Trung Cộng, trong tỉnh Quảng Ninh. Cũng như điệp viên Ares, toán biệt kích Dragon bẩy người sẽ xâm nhập bằng tầu ngụy trang đánh cá. Tuy nhiên gặp lúc thời tiết xấu, toán Dragon lên đường năm lần, cả năm lần phải quay trở về. Lần cuối cùng ngày 15 tháng Bẩy, quân biệt kích Dragon từ tầu mẹ, xuống xuồng nhỏ chạy vào bờ… họ biến mất, không biết tăm tích ra sao?
Kể cả toán Dragon, cơ quan CIA đã gửi ra miền bắc tất cả 13 toán biệt kích trong vòng bẩy tháng. Trong số 13 toán, chỉ có một toán lên máy báo cáo tính đến tháng Bẩy, mười hai toán kia coi như nằm trong tay địch quân hoặc đã bị giết. Tất cả những hoài nghi về số phận các toán biệt kích được trả lời gián tiếp, ngày 9 tháng Bẩy, Hà Nội tuyên bố đưa toán biệt kích Pegasus ra tòa lãnh án. Trong vòng ba tháng, Hà Nội đưa tất cả năm toán biệt kích ra tòa.
Hiền nhiên, chiến dịch (phá hoại miền bắc Việt Nam) do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA thực hiện bị thất bại, không đạt hiệu qủa. Ngay cả chiến thuật “Tổng Tấn Công” (làm cho địch bối rối, đỡ đòn không xuể), cho nhiều toán biệt kích xâm nhập trong cùng một đêm. Theo các chuyên gia, phân tích gia, có nhiều lý do cho sự thất bại này. Thứ nhất, vài bãi thả dù được lựa chọn qúa tồi (bết). Vài trường hợp toán biệt kích nhẩy dù xuống bãi đáp qúa gần làng mạc rồi bị dân làng phát giác ngay tức khắc. Thí dụ, toán biệt kích Tellus, nhẩy dù xuống tỉnh Ninh Bình ngày 8 tháng Sáu, bị phát giác khi còn lơ lửng trên trời, đang từ từ đáp xuống bên cạnh một nông trại. Tất cả bốn biệt kích trong toán bị bắt trong vòng 25 phút. Trường hợp toán Packer còn khó khăn hơn nữa, đáp xuống ngay giữa ngôi làng, nhân viên truyền tin rơi xuống căn nhà chung, dân làng đang hội họp.
Lý do thứ hai đưa đến sự thất bại, là sự mở rộng chương trình (chậm trễ) trong hai năm 1961, 1962, đủ thời gian cho lực luợng an ninh miền bắc củng cố, nghiên cứu chiến thuật truy lùng quân biệt kích. Đến khi CIA ra lệnh cho các toán biệt kích phá hoại trong tháng Tư năm 1963, miền bắc dễ dàng đáp ứng với tình thế. Một bằng chứng về hiệu qủa của lực lượng an ninh miền bắc là trong mười một (11) toán biệt kích nhẩy dù ra ngoài bắc tính cho đến tháng Bẩy, mười toán bị bắt trong vòng hai ngày.
Phần lớn các toán xâm nhập lấy tin tức tình báo, thường đầu hàng dễ dàng, các toán nhẩy dù ra sau này với nhiệm vụ phá hoại, trang bị đầy đủ, kháng cự quyết liệt gây thương vong cho địch quân (Bắc Việt). Trường hợp kể trên xẩy ra, họ xử tử lính biệt kích ngay tại chỗ.
Lực lượng an ninh miền bắc cũng để ý sự liên hệ giữa quân biệt kích và đạo Công Giáo. Sau khi năm toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc, tìm cách bắt liên lạc với nhà thờ, xóm đạo Công Giáo (hai toán Tellus và Bart nhẩy dù xâm nhập trong tháng Sáu, mới nhất), chính quyền Hà Nội bắt đầu tảo thanh các nhà thờ họ nghi ngờ có liên hệ với quân biệt kích.
Bề ngoài, chế độ Hà Nội tức tối vì chủ quyền không phận bị xâm phạm… một cách liên tục! Đúng! Trong tháng Bẩy năm 1961, họ bắn rơi chiếc phi cơ C-47 (Trung Úy Phan Thanh Vân), nhưng sau đó cả hai năm họ không làm được gì hơn, và không phận miền bắc Việt Nam vẫn tiếp tục bị xâm phạm… đều đều!
Đến tháng Mười Hai năm 1962, chế độ Hà Nội đã hết kiên nhẫn. Xử dụng toán biệt kích (đã bị ép làm việc “Hai Mang”) Europa làm mồi nhử, bốn trung đội đại liên phòng không 14.5 ly di chuyển vào vị trí trên những ngọn đồi gần Hòa Bình. Trong vòng hai tuần lễ, quân Bắc Việt quan sát, theo dõi bầu trời và chờ đợi. Nhưng họ không ngờ, hiệp định Genèva trung lập hóa nước Lào, do đó chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh ngưng các chuyến bay ra miền bắc Việt Nam
Trong thời gian CIA “tổng tấn công” khoảng giữa năm 1963, chính quyền Hà Nội lại đem toán biệt kích kém may mắn Europa ra làm mồi nhử. Lần này họ tổ chức quy mô hơn, với 10 đại đội phòng không bố trí trên các ngọn đồi xung quanh Hòa Bình.
Không biết các ổ súng phòng không đang chờ đợi, một phi công Taiwan lái chiếc C-123 chất đầy đồ tiếp liệu, quân biệt kích ra tăng cường cho toán biệt kích Europa, đêm 10 tháng Tám “Chúng tôi đang bay theo hướng tây bắc, bãi thả dù nằm song song về phiá đông (bên phải)” viên phi công chính Taiwan kể lại “chuyên viên vô tuyến của chúng tôi bắt được nhiều tín hiệu radar yếu ớt từ khoảng cách xa, gần bãi thả dù. Nhưng chúng tôi không cho đó là lý do để hủy bỏ chuyến thả dù” Chiếc phi cơ C-123 tiếp tục bay rồi rẽ vào bãi thả dù. Giây phút sau, viên phi công Taiwan nhìn thấy dấu hiệu thắp sáng hình chũ ‘T’ dưới mặt đất.
Khoảng 10 giây sau khi nhìn thấy dấu hiệu chhữ ‘T’ thắp sáng dưới đất, rồi chuyên viên điện tử la lớn “Súng phòng không có radar hướng dẫn: hướng 12 giờ… một phần 30… hướng ba giờ…” Viên đạn đầu tiên nổ dưới thân phi cơ, viên thứ hai nổ gần cánh bên trái, những tia sáng đạn lửa bay xẹt ngang trước kính phi cơ, mùi thuốc súng tràn ngập buồng lái.
May mắn thay chuyên viên điện tử đã phá rối làn sóng radar nên các ổ súng phòng không bắn không trúng chiếc phi cơ C-123. Về đến Tân Sơn Nhất, phi công cùng phi hành đoàn Taiwan vẫn còn run (rẩy). Viên phi công chính xin nghỉ việc, leo lên chuyến bay sớm nhất về Taiwan. Gián Điệp & Biệt Kích Page 67
VII. DUYÊN TỐC ĐỈNH NASTY BOATS
Trong khi chương trình thả dù các toán biệt kích ra miền bắc phá hoại của cơ quan CIA không thành công. Các hoạt động bí mật trên biển tạm ngừng lại sau vụ cho người nhái phá hoại tầu Swatow trong căn cứ Hải Quân Quảng Khê trong tháng Sáu năm 1962. Chính quyền Hoa Kỳ không thể chối cãi được, hai người nhái trong toán Vulcan cùng với 10 thủy thủ đoàn tầu Nautilus 2 bị bắt. Nhiều hình ảnh vũ khí, chiến cụ bị tịch thu, đưa ra trước công chúng, báo chí quốc tế.
Mặc dầu bị thiệt hại, mất mặt, nhưng cơ quan CIA học hỏi được những khó khăn cho các hoạt động bí mật trên biển (Marops), đặc biệt sự phối hợp giữa thủy thủ đoàn lái tầu và quân biệt hải. Từ đó cơ quan CIA biết rằng, cần chuẩn bị, soạn thảo kế hoạch hành quân kỹ càng hơn.
Trong khi sửa soạn cho các hoạt động nhẩy dù ra miền bắc phá hoại, CIA tìm một người điều hành chương trình các hoạt động bí mật trên biển. Đó là Tucker Gougleman, một cựu chiến binh TQLC trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Ông ta đã trúng đạn quân đội Nhật gẫy chân nhưng vẫn được cơ quan CIA thâu nhận điều hành chương trình bắn phá các mục tiêu dọc theo bờ biển trong trận chiến Hàn Quốc.
Khi đến Việt Nam, công việc đầu tiên cho Gougleman trong Hòa Cầm, nơi huấn luyện lực lượng bán quân sự của cơ quan CIA nơi hướng tây nam thành phố Đà Nẵng. Khi được biết chương trình hoạt động trên biển của cơ quan CIA đang mở rộng, Gougleman tình nguyện làm việc vì đã có kinh nghiệm tương tự ở Hàn Quốc. Lúc đó đã cuối năm 1962, họ (CIA) đã có nửa tá (6) tầu ngụy trang đánh cá (như Nautilus 1, 2) gắn động cơ. Tuy nhiên, hình ảnh kinh hoàng của toán người nhái Vulcan vẫn còn đó, cơ quan CIA chỉ xử dụng một lần đưa toán biệt kích đi xâm nhập (Dragon) kể từ tháng Sáu.
Tình trạng quân biệt hải bết hơn nữa. Sau khi mất bốn người nhái toán Vulcan (mượn từ quân đội VNCH), CIA quyết định tuyển mộ quân biệt hải cho riêng họ. Đến tháng Mười Một năm 1962, họ tuyển mộ được gần 50 người, nhưng chưa có huấn luyện viên, cơ sở huấn luyện, doanh trại…
Khi Gougleman đuợc tuyển mộ để điều hành chương trình, mọi chuyện tiến hành nhanh chóng. Một toán biệt kích người nhái SEAL đến giúp đỡ việc huấn luyện làm công việc của Gougleman dễ dàng hơn nhiều. Đơn vị SEAL thuộc Hải Quân đuợc thành lập năm 1961, đáp ứng với đơn vị Mũ Xanh LLĐB Lục Quân Hoa Kỳ. Toán biệt hải SEAL đã đến Việt Nam trong tháng Giêng năm 1962 để quan sát, tìm hiểu lực lượng phòng vệ duyên hải VNCH. Lực lượng này gọi là Biệt Hải (Sea Commandos).
Hai sĩ quan SEAL cùng với 10 quân nhân được thuyên chuyển qua làm việc với Gouglemen ở Đà Nẵng. Trong vòng sáu tháng, toán SEAL huấn luyện quân biệt hải VNCH. Đến cuối mùa hè 1963 đã có bốn toán biệt hải thụ huấn xong khóa huấn luyện. Mỗi toán biệt hải gồm thường dân, mấy viên trung sĩ lấy từ quân đội VNCH. Toán Neptune được huấn luyện lặn dưới nước (Scuba), toán Cancer gồm người dân tộc Nùng tuyển mộ từ sư đoàn 5 Bộ Binh VNCH.
Gougleman lúc đó đã có đủ quân biệt hải, tuy nhiên vẫn còn vấn đề đối với phương tiện, chiến cụ chuyên chở quân biệt hải đi hành quân. Mặc dầu hải quân miền bắc chưa có gì đáng kể, tuy nhiên các tầu Swatow của họ chạy nhanh hơn, võ trang mạnh hơn các tầu chuyên chở VNCH (Nautilus đóng ở Vũng Tâu). Hiển nhiên ông ta nhân định đúng, CIA cần có tầu chạy nhanh hơn, trang bị hùng mạnh hơn chở quân biệt hải đến mục tiêu.
Gougleman rất thích loại tầu tuần tiễu của Na Uy do công ty Westermoen đóng. Loại duyên tốc đỉnh này có tên là Nasty có thể coi như một trong những chiếc tầu chạy nhanh nhất, bảo đảm nhất vào lúc đó. Hơn nữa, tầu Nasty không do Hoa Kỳ sản xuất, người Hoa Kỳ (CIA) có thể chối cãi được. Trong tháng Chín, Đô Đốc Harry D. Felt tư lệnh Thái Bình Dương, thúc đẩy giới chức Hoa Kỳ (CIA) xúc tiến việc soạn thảo chương trình hoạt động bí mật trên biển “Chuyện này nên làm cho xong từ lâu.”
Kết qủa, bộ Tư Lệnh Quân Viện tại Việt Nam (MACV) mới được thành lập (thay thê MAAG – Nhóm Cố Vấn Quân Sự) cũng than phiền về chuyện chậm trễ này (Marops - Hoạt động bí mật trên biển). Tháng trước đó, Tướng Paul D. Harkins tư lệnh MACV đề nghị xử dụng các tầu chiến nhỏ chạy nhanh phóng thủy lôi (PTF) do Hoa Kỳ chế tạo cho các hoạt động trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Đề nghị của ông ta đang được các cố vấn An Ninh Quốc Gia cho Tổng Thống Kennedy xem xét. Ngay cả Tổng Thống Kennedy, trong trận Thế Chiến Thứ Hai đã làm thuyền trưởng một chiếc PTF, nên ông ta tán đồng ý kiến đó. Ngày 27 tháng Chín, Washington gọi điện chấp thuận cho việc xử dụng các duyên tốc đỉnh PTF, đồng thời quân biệt kích SEAL Hoa Kỳ trợ giúp các hoạt động bí mật trên biển của cơ quan CIA.
Dựa trên công điện này, Hải Quân Hoa Kỳ lục danh sách chiến cụ có sẵn. Một tuần sau, họ tìm được hai tầu phóng thủy lôi cũ nằm chờ phế thải PT-810 và PT-811 trong căn cứ chứa đồ phế thải của Hải Quân ở Philadelphia. Phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Roswell Gilpatric nói rằng “đi đúng đường”, nhưng vẫn ra lệnh, tìm mua những tầu tương tự như loại tầu phóng thủy lôi PT do các quốc gia khác (Tây phương) chế tạo. Ông ta cũng thích loại tầu Nasty của Na Uy và đặt đóng ngay hai chiếc. Hai chiếc PT-810, PT-811 đưa sang Việt Nam cho cơ quan CIA xử dụng, đổi tên thành PTF-1 và PTF-2.
Đầu năm 1963, hai chiếc Nasty do Na Uy đóng đã xong, đưa qua Việt Nam đặt tên là PTF-3 và PTF-4, được Hải Quân Hoa Kỳ tân trang, gắn thêm đại bác 40 ly, 20 ly, ống phóng hỏa tiễn 3.5 ly, súng phun lửa. Ngoài ra cơ quan CIA có mấy tầu chiến nhỏ chạy nhanh, loại Swift (nhanh chóng) được xử dụng bắn phá bờ biển Cuba. Vì vấn đề bảo mật, không một người Hoa Kỳ nào được phép lên phiá bắc vĩ tuyến 17, do đó cơ quan CIA phải thuê ba người Na Uy làm thuyển trưởng với giao kèo 6 tháng. Qua Việt Nam họ được đặt cho danh hiệu Viking, làm thuyền trưởng mấy chiếc tầu Swift chở quân biệt hải ra bắn phá các mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam. Còn trẻ, hăng hái, người “Viking” lầm việc rất tốt với quân biệt hải VNCH. “Họ là hải tặc Viking thứ thiệt” Đại Úy Hải Quân Trương Duy Tài nhớ lại “Họ đi biển rất giỏi”
Đã có tầu chiến chở quân, các toán biệt hải sẵn sàng, cơ quan CIA tìm kiếm mục tiêu đầu tiên cho quân biệt hải tấn công, kể từ khi toán biệt hải Vulcan thất bại. Họ sẽ tấn công căn cứ Hải Quân Quảng Khê lần nữa với tầu chiến Swift. Đêm 15 tháng Mười Hai, một trong những tầu chiến mới chạy lên hướng bắc vĩ tuyến 17, chở theo toán biệt hải Neptune, toán duy nhất được huấn luyện Scuba, đem theo mìn để phá tầu Swatow của Bắc Việt. Tuy nhiên, Chưa ra đến mục tiêu, viên thuyền trưởng không định hướng được phải quay về (bỏ trận đột kích phá hoại).
Trở về Đà Nẵng, cơ quan CIA đợi sang năm mới. Ngày 14 tháng Giêng năm 1964, xử dụng hai chiến đỉnh Swift, xuất phát sau nửa đêm. Hai chiếc Swift chạy song song cho đến khi băng qua vĩ tuyến 17, một chiếc sẽ chạy đến mục tiêu nhà máy lọc nước biển nơi thị trấn Đồng Hới, thành phố cuối cùng thuộc về miền bắc Việt Nam. Chiếc thứ hai sẽ chạy tiếp lên hướng bắc đến cửa sông Ron cách cửa sông Gianh thêm 18 cây số. Từ miệng sông ron vào đất liền khoảng một cây số có chiếc phà nối liền quốc lộ 1, con đường huyết mạch chở quân, đồ tiếp vận vào miền nam Việt Nam.
Toán biệt hải tấn công nhà máy lọc nước biển có mật danh là Zeus, không gặp trở ngại. Thuyền trưởng người Na Uy lái tầu đến mục tiêu trước khi trời sáng. Không như trận tấn công “người nhái” trước đó (toán Vulcan), quân biệt hải Zeus xử dụng xuồng cao su bơi vào bờ. Họ đem theo vũ khí đặc biệt do chuyên viên CIA chế tạo gồm sáu (6) hỏa tiễn 3.5 ly tự động khai hỏa bằng bình điện (đem theo như một bộ cùng với 6 hỏa tiễn). Quân biệt hải nhắm hỏa tiễn về hưóng nhà máy lọc nước biển, điều chỉnh giờ khai hỏa, rồi quay trở về chiếc Swift. Trước khi rời hải phận miền bắc, họ thả mấy thùng truyền đơn tuyên truyền xuống biển cho sóng đưa vào bờ.
Toán biệt hải thứ hai mật danh Charon không được may mắn như toán Zeus. Khi chiếc Swift chỉ còn cách mục tiêu 19 cây số, viên thuyền trưởng người Na Uy phát giác một tầu lạ từ hướng bắc chạy về phiá họ. Ông ta đổi hướng tránh tầu lạ, đến mục tiêu chậm trễ một giờ đồng hồ. Sau khi quyết định tiếp tục nhiệm vụ, trưởng toán biệt hải Charon ra lệnh xuống xuồng cao su bơi vào bờ.
Khi vào đến gần cửa sông Ron, quân biệt hải mặc đồ bơi vào rồi xuống nước. Hai người bơi theo bờ phiá bắc, hai biệt hải còn lại bơi dọc theo bờ phiá nam. Tiếp theo mọi chuyện xui xẻo xẩy ra. Hai người gặp một chiếc tầu chạy từ bên trong ra (biển). Lúc đó đáy sông rất cạn, đầy sình (bùn), quân biệt hải không lặn xuống tránh được, hoảng hốt bơi trở lại xuồng cao su.
Hai biệt hải còn kẹt bên trong không thấy trở lại chiếc xuống cao su. Đợi thêm một lúc, hai biệt hải bơi xuồng cao su trở lại tầu Swift. Lúc đó trời bắt đầu sáng, viên thuyền trưởng miễn cưỡng phải quay trở về. Đúng lúc đó có tia sáng ánh đèn pin chiếu ra làm hiệu, viên thuyền trưởng can đảm lái tầu vòng trở lại vớt lên hai quân nhân biệt hải rồi tất cả hướng về miền nam.
Trong Đà Nẵng, cơ quan CIA “vui buồn lẫn lộn”, toán Charon thất bại không đạt được mục tiêu, toán Zeus báo cáo đã đặt xong hỏa tiễn nhưng không ở đó để kiểm chứng kết qủa. Nói chung cả hai toán đều bình an trở về là dấu hiệu tốt (Vulcan cả toán lẫn thủy thủ đoàn đều bị giết hoặc bắt sống).
VIII. ĐÀI GƯƠM THIÊNG ÁI QUỐC
Winston Churchill thủ tướng Anh, người lãnh đạo nước Anh qua trận Thế Chiến Thứ Hai, diễn tả bức tường vô hình bao quanh “Đế Quốc Nga Sô” là “Bức Màn Thép”. Cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA của Hoa Kỳ đã cố gắng xâm nhập vào khối cộng sản Đông Âu và nước Nga trong đầu thập niên 1950, nhưng bao nhiêu điệp viên đã không trở lại…
Đến cuối mùa hè năm 1963, bức tường (vô hình) bao quanh xã hội miền bắc Việt Nam đã trở nên vững chắc, rất khó xuyên qua. Mặc dầu đã thay đổi nhiệm vụ lấy tin tức tình báo qua phá hoại và đã thử nhiều phương tiện xâm nhập khác nhau: nhẩy dù, đổ bộ bằng xuồng từ biển vào, và đi bộ băng qua biên giới vào miền bắc Việt Nam. Cơ quan CIA vẫn chưa thành công.
Sự thất bại của cơ quan CIA ngay từ trong quan niệm khởi thủy “Họ là nhóm người cần phải trốn tránh” Một cựu sï quan Lục Quân Hoa Kỳ làm việc trong chương trình, sau này than phiền. Nhẩy dù xuống khu vực rừng núi, hẻo lánh miền bắc Việt Nam, các toán biệt kích phải sống cách biệt, tránh tiếp xúc dân làng. Không có một toán biệt kích nào (được lệnh) sống hòa hợp, hội nhập vào xã hội miền bắc. Ngoại trừ một vài trường hợp, toán biệt kích được phép (lệnh) bắt liên lạc với dân điạ phương: linh mục Công Giáo hoặc gia đình, thân quyến. Đó là những trường hợp ngoại lệ, việc liên hệ với dân chúng phải giữ mức độ tối thiểu. Và họ phải trốn tránh như thế (nhiều năm trơì…) cho đến chuyến tiếp tế kế tiếp.
Sự thực nghe không… gần với thực tế. Nếu cơ quan CIA muốn “làm cú” gây ảnh hưởng, xáo trộn xã hội miền bắc, họ phải gây dựng (giả) phong trào kháng chiến. Cũng như quân đội Bắc Việt sang đất Lào, vào trong miền nam Việt Nam, họ vẫn cần dân điạ phương, cán bộ Việt Cộng giúp đỡ cung cấp nhu cầu cần thiết cho sự sống còn như thực phẩm và nước uống. Ngoài ra, phong trào kháng chiến sẽ giúp đỡ điệp viên, quân biệt kích trong trường hợp bị địch săn đuổi, truy kích. Họ cũng là đường dây cho các chuyến xâm nhập khác hay tăng cường.
Trong tháng Tư năm 1961, Tổng Thống Kennedy kêu gọi việc thành lập “hệ thống kháng chiến” trong miền bắc Việt Nam. Tuy nhiên, lời lẽ cứng rắn vẫn chưa đủ, và quan niệm của ông ta đã không được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Cơ quan CIA lúc đó chỉ có một nhóm nhỏ nhân viên (Phòng Dịch Vụ Đông Dương) chuyên thâu thập tin tức tình báo.
Rồi thêm một năm nữa trôi qua, công việc thâu thập tin tức tình báo không phát triển. Cuộc chiến tranh trên đất Lào, làm cho chính quyền Hoa Kỳ phải xem xét lại vai trò của miền Bắc Việt Nam trong trận chiến tranh Đông Dương. Quân đội chính quy (Hoàng Gia) của Vientiane (Vạn Tượng) thủ đô nước Lào bị coi là đạo quân ít hiệu qủa nhất trong vùng Đông Nam Á châu. Cơ quan CIA yểm trợ quân du kích trong khu vực đông bắc nước Lào, tuyển mộ dân thiểu số Hmong (Mèo) chống lại quân đội Bắc Việt. Lãnh tụ người Hmong là Đại Tá (lúc đó) Vang Pao đã từng phục vụ trong đơn vị Cảm Tử Lưu Động GCMA của quân đội Pháp trước đó. Chiến sĩ Hmong xử dụng chiến thuật du kích chiến đấu rất hiệu qủa chống lại quân chính quy Bắc Việt. Họ kiểm soát khu vực rộng lớn trải dài lên hướng bắc đến Xieng Khoang và về hướng đông đến tỉnh Sầm Nứa. Mặc dầu trong tỉnh Sầm Nứa có bộ chỉ huy của cộng sản Pathet Lào, nhưng có nhiều làng nhỏ người thiểu số Hmong, họ có truyền thống gắn bó và trung thành với lãnh tụ của họ Vang Pao. Ngoài ra còn nhiều làng người Hmong sống trong vòng cung từ biên giới Lào-Việt vào tỉnh Sơn La miền bắc Việt Nam.
Nhóm người Hmong ở Sơn La có một thỏa hiệp với CIA. Đối với cơ quan CIA, sự hiện diện của một khu vực độc lập cứng rắn ngay trong miền bắc Việt Nam là một mục tiêu rất tốt để tuyển mộ. Trùm Xiạ (CIA) ở Lào cũng rất mong có một bức màn tình báo kéo dài vào lãnh thổ miền bắc Việt Nam. Ngày 21 tháng Sáu năm 1962, một toán tuyển mộ từ miền nam Việt Nam dưới mật danh Zeus (toán biệt hải Zeus) được hộ tống từ Xiêng Khoang đến biên giới với miền bắc Việt Nam, toán Zeus băng qua biên giới xâm nhập Sơn La tuyển mộ ba người Hmong trung thành với Vang Pao đưa họ về Saigon sống trong nhà an toàn.
Với ba nhân vật cao cấp trong hàng ngũ người Hmong, mầm mống cho một phong trào kháng chiến nhỏ (giới hạn) thành hình. Ba ngưòi Hmong được huấn luyện kéo dài qua mùa thu. Đến cuối mùa xuân năm 1963, hiệp định Genèva trung lập hóa nước Lào gần như tan vỡ (không ai tuân hành theo luật định), chương trình phá hoại miền bắc của cơ quan CIA cho thấy dấu hiệu không tốt, quan niệm về một phong trào kháng chiến tiến triển ra sao?
Trong thời gian đó, toán biệt kích đi tiên phong “kháng chiến” là toán Easy. Ngoài ba người Hmong được đưa về Saigon từ tháng Sáu trước đó, được tăng cường thêm bốn người dân tộc Tầy ở Lai Châu và một anh tây lai, cha Pháp mẹ người Hmong tên là Vang Cha.
Cả tám người đều có phần hành, nhiệm vụ trao phó. Từ kinh nghiệm trước đó, cơ quan CIA biết rằng quan niệm về các phong trào kháng chiến nguy hiểm, rất ít được thành công. Vài cấp chỉ huy CIA sai lầm khi so sánh các toán biệt kích OSS trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, nhẩy dù xuống nước Pháp đang bị quân Đức chiếm đóng, tổ chức phong trào kháng chiến chống Đức Quốc Xã (NAZI). Nhưng các toán biệt kích OSS đó, kể cả người rất nổi tiếng Jedburghs, đã được móc nối với quân kháng chiến điạ phương, lúc đó đã hoạt động và nổi lên ở nhiều nơi trong nước Pháp. Hơn nữa họ (OSS) chiến đấu chống một đạo quân xâm lăng nước khác (nên được người dân điạ phương giúp đỡ). Những toán biệt kích OSS khác nhẩy dù xuống hậu phương nước Đức, sự thành công của họ… thua xa các toán nhẩy dù xuống Pháp. Hai mươi mốt (21) toán biệt kích (OSS) Hoa Kỳ nhẩy dù xuống Đức, chỉ có một toán lên máy báo cáo. Thời gian gần nhất, CIA tìm cách xâm nhập vào khối cộng sản Đông Âu cũng như Nga Sô. Khối cộng sản kiểm soát vấn đề an ninh trật tự xã hội rất chặt chẽ. Một cuộc thăm dò cho biết tổ chức kháng chiến trong một xã hội bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ rất khó thành công, tỷ lệ bị nhân viên an ninh, tình báo xâm nhập lên đến 50%.
Với tất cả khó khăn thử thách trước mặt, toán biệt kích Easy được trao trách nhiệm phải hoàn tất liên quan đến kháng chiến khi họ trở lại Sơn La. Ngoài nhiệm vụ bắt liên lạc với người dân làng thiểu số Hmong và Tầy, toán biệt kích Easy phäi thiết lập khu vực an toàn, võ trang những người dân tộc thiểu số chọn lọc (có khả năng), và tuyển mộ cấp chỉ huy của họ đưa ra khỏi miền bắc Việt Nam huấn luyện. Toán biệt kích đem theo 10 khẩu súng trường MAS cũ của người Pháp, để trang bị những người thiểu số tuyển mộ được.
Được trao cho những nhiệm vụ “không thực tế”, ngày 11 tháng Tám năm 1963, toán biệt kích Easy lên phi cơ C-123 do phi công Taiwan lái, cùng với hai biệt kích quân sẽ nhẩy dù xuống tăng cường cho toán biệt kích Remus trong tỉnh Lai Châu, nơi phiá nam Sơn La. Toán Easy nhẩy dù xuống quận Sông Mã gần biên giới Lào-Việt, sau đó lên máy báo cáo về Saigon.
Việc thả toán biệt kích Easy được xem như thành công, nhưng toán biệt kích vẫn chưa nhìn thấy tương lai của họ. Toán Easy do CIA tuyển mộ, huấn luyện, thả dù ra miền bắc, nhưng chỉ vài tháng sau… mọi chuyện thay đổi. Bắt đầu từ tháng Năm, đã có nhiểu cuộc họp trong Washington giữa các cấp lãnh đạo Hoa Kỳ về việc trao trách nhiệm điều hành các hoạt động bí mật chống lại chính quyền miền Bắc Việt Nam cho quân đội. Trong khi các chuyên gia bộ Quốc Phòng và CIA thảo luận chi tiết việc bàn giao. Câu hỏi khó khăn nhất cho họ là vấn đề phong trào kháng chiến nơi miền bắc.
Trên nguyên tắc, cơ quan CIA tin rằng việc thành lập mặt trận kháng chiến là chìa khóa cho sự thành công của chương trình (các hoạt động) bí mật. Nhưng viên chức cao cấp CIA vẫn hoài nghi về sự thành công. Trong một phiên họp với bộ Quốc Phòng cuối tháng Năm, cơ quan CIA cho rằng “Mặt Trận Kháng Chiến này không đủ làm nền tảng căn bản cho chính quyền Hoa Kỳ và miền nam Việt Nam chối bỏ sự nhúng tay vào (việc phá hoại miền bắc Xã Hội Chủ Nghiã.)”.
Cũng như vụ bắn rơi chiếc phi cơ C-47 chở đồ tiếp tế cho toán biệt kích Castor. Hoa Kỳ tiếp tục chối cãi, không biết gì về chuyện biệt kích. Mặc dầu vũ khí quân biệt kích đem theo đã bị tẩy xóa dấu vết người Hoa Kỳ chế tạo, nhưng máy truyền tin vẫn “Made in USA” Tương tự, phi hành đoàn không phải người Hoa Kỳ nhưng chiếc phi cơ C-47 “Made in USA”.
Ngày 14 tháng Tám, bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ chấp thuận kế hoạch sơ khởi của bộ tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) thành lập Mặt Trận Giải Phóng nơi miền bắc Việt Nam, chịu trách nhiệm cho các hoạt động bí mật trong tương lai, bằng phương tiện nhẩy dù hay bằng đường biển. Đối với cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA, danh từ Mặt Trận không có gì mới mẻ, toán biệt kích Easy đã phóng ra đầu mũi dáo cho việc kháng chiến. CIA bí mât dàn dựng cho một chương trình đánh lừa, một phong trào giả không có thật từ tháng Ba năm 1963 sau khi CIA Herbert Weisshart đến Việt Nam. Một người sinh ra ở Brooklyn, New York, tốt nghiệp đại học lừng danh Harvard. Weisshart đem sang Việt Nam kinh nghiệp hơn 10 năm chiến tranh tâm lý từ sân khấu Trung Hoa. Trong một toán sáu người “chiến tranh tâm lý” biệt phái sang Taiwan năm 1952 làm việc. Ông ta phối hợp chương trình thả truyền đơn, đài phát thanh “đen” (chống Trung Hoa Lục Điạ) yểm trợ cơ quan (CIA) trong chiến dịch kháng chiến giả.
Hoạt động này phát xuất từ trận Đệ Nhị Thế Chiến, cơ quan OSS (Phòng Dịch Vụ Chiến Lược) cùng với tình báo Anh Quốc thực hiện đài phát thanh “đen” tiếng Đức gỉa những người chống đối Nazi bên trong nước Đức. Sau đó, CIA giả mặt trận tuyên truyền chống cộng sản Trung Hoa, hoạt động cho đến cuối năm 1963. Khi Weisshart đến Saigon, CIA ra lệnh cho ông ta thực hiện đài phát thanh “đen” chống chế độ miền bắc Việt Nam như đã làm ở Taiwan.
Để cho phong trào kháng chiến được hiệu qủa, cơ quan CIA cần một biểu tượng. Sau khi đón nhận ý kiến lịch sử Việt Nam từ thế kỷ thứ 15, vua Lê Lợi và thanh gươm thần Kim Quy (thần Rùa Vàng) cho mượn, đã đánh bại quân xâm lược Trung Hoa. Vua Lê Lợi sau khi đánh đuổi quân Minh (Tầu) đi du thuyền trên hồ Hoàn Kiếm (trả lại thanh kiếm) trông thấy một con rùa rất to lớn bèn trả lại thanh gươm (còn có tên là hồ Gươm)
Từ câu chuyện huyền thoại này, các chuyên gia về tâm lý chiến của cơ quan CIA đặt tên cho mặt trận giải phóng của họ Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc (SSPL) và vẽ phù hiệu cho “phong trào” của họ. Cơ quan CIA dùng phi cơ thả truyền đơn, qùa tặng cho đồng bào miền bắc như xà phòng, bút chì, bút mực, giấy viết, khăn mặt, vải vóc,… có in phù hiệu của phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc.
Phong trào GTAQ có thêm đài phát thanh “đen” giả như phát thanh từ một khu vực bí mật nào đó trong miền bắc Việt Nam. Đài Tiếng Nói Gươm Thiêng Ái Quốc bị chậm trễ cho đến tháng Tư năm 1965 mới bắt đầu có chương trình phát thanh ra ngoài bắc. Thực ra chương trình được thâu băng tại một phòng ghi âm (thâu thanh) trong Saigon. Đối tượng nghe đài này gồm ngư dân miền bắc, người Công Giáo, nhà nông, cán bộ cấp nhỏ. Chương trình bao gồm phần tin tức, nhắn tin hay đợi tin tức của các hội viên phong trào GTAQ. Ngoài ra có phần quan điểm, bình luận các chuyện đang xẩy ra từ nhiều nơi trong miền bắc, đa số tin tức lấy từ đài phát thanh Hà Nội, sửa đổi cho đúng mục tiêu đánh lạc hướng người dân miền bắc Đài Gươm Thiêng Ái Quốc nói nặng lời đối với các siêu cường ngoại bang Tầu, Nga Sô và cả Hoa Kỳ. GTAQ nâng cao giá trị truyền thống của người Việt Nam, coi thường những gì đi ngược lại truyền thống dân tộc, như chế độ cộng sản miền bắc kềm kẹp người dân, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm trong miền nam.
Một phần quan trọng của đài GTAQ là phối hợp với các toán biệt kích đang nằm vùng ngoài miền bắc. Những lệnh lạc, tin tức gửi ra miền bắc, sự liên lạc giữa các toán biệt kích “như thật”. Chuyên viên CIA làm truyền đơn thả ra miền bắc cho các toán biệt kích nhắn nhủ “Chúng tôi muốn họ luôn luôn di chuyển, thay đổi vị trí, khu vực hoạt động” theo lời Weisshart. Chuyên viên CIA lảm truyển đơn hình tròn để có thể bắn đi từ súng cối.
Toán biệt kích đầu tiên đài GTAQ xử dụng trong trận chiến tranh tâm lý là toán biệt kích sáu người dưới mật danh Swan. Cả sáu biệt kích quân đều thuộc sắc dân thiểu số sống trong khu vực cực bắc Việt Nam, tỉnh Cao Bằng giáp với Trung Hoa lục điạ. Toán Swan đem theo thùng truyền đơn, khẩu hiệu phong trào GTAQ lên phi cơ C-123 ngày 4 tháng Chín, bay lên hướng bắc về “quê cũ” của họ trong tỉnh Cao Bằng. Chiếc phi cơ băng qua vịnh Bắc Bộ, bay vào đất liền gần Hải Phòng, sau đó bay song song với đường biên giới với Trung Hoa. Đến lằn ranh giới phân chia Cao Bằng và Bắc Thái, toán biệt kích Swan nhẩy dù ra, đáp xuống vùng rừng núi, dân cư thưa thớt hướng tây nam thủ phủ Cao Bằng. Trong Saigon, cơ quan CIA đợi toán Swan lên máy báo cáo nhưng hoài công, toán biệt kích biến mất…
Đúng ba tháng sau, toán biệt kích thứ hai làm nhiệm vụ chiến tranh tâm lý cho đài Gươm Thiêng Ái Quốc mật danh Ruby lên đường. Toán Ruby gồm tám quân biệt kích người Việt, lên phi cơ trong phi trường Tân Sơn Nhất. Toán Ruby nhẩy dù xuống khu vực phiá bắc tỉnh Quảng Bình, tỉnh phiá nam cuối cùng thuộc miền Gián Điệp & Biệt Kích Page 83
bắc Việt Nam. Như toán Swan trước đó, toán Ruby cũng biến mất, không lên máy báo cáo về Saigon.
Năm 1963 kết thúc, chương trình thả dù quân biệt kích của CIA ra miền bắc tệ hơn những năm trước. Trong nửa năm đầu, các toán biệt kích thi hành nhiệm vụ phá hoại, nửa năm sau chuyển qua chiên tranh tâm lý, kết qủa bết hơn. Cơ quan CIA không còn hy vọng. Đầu năm 1964, quân đội (bộ Quốc Phòng) Hoa Kỳ sẽ thay thế cơ quan CIA điều hành các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam và phát triển sang Lào, Cambodia.
IX. KẾ HOẠCH TRỞ LẠI (SWITCHBACK)
Ngày 20 tháng Mười Một năm 1963, những người sẽ quyết định chiến đấu như thế nào trong trận chiến tranh Việt Nam họp ở Honolulu, Hawaii. Họ ngồi xung quanh một bàn dài bên trong trung tâm hành quân bộ tư lệnh Thái Bình Dương căn cứ Camp Smith. Bầu không khí nặng nề, Tổng Thống Diệm đã chết, bị các tướng lãnh của ông ta giết từ ngày đầu tháng (1/11/1963). Tình hình an ninh miền nam Việt Nam trở nên nghiêm trọng.
Người ngồi ghế chủ tọa là bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara, bên phải ông ta là Đô Đốc Felt tư lệnh Thái Bình Dương (tất cả các đơn vị trong vùng Thái Bình Dương). Tất cả mọi lệnh lạc từ McNamara đều phải qua ông ta (Đô Đốc Felt) trước khi đến Saigon. Những người khác đều là những nhân vật quan trọng chính quyền Kennedy: Ngoại Trưởng Dean Rusk, phụ tá Ngoại Giao George Ball, cố vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy, giám đốc CIA John McCone, hai người còn lại đến từ Saigon: đại sứ Henry Cabot Lodge vả tư lệnh cơ quan MACV Tướng Paul Harkins. Đằng sau họ (hàng ghế thứ hai) là những phụ tá sẵn sàng bước lên để cắt nghĩa, làm rõ vần đề.
Một tiết mục quan trọng cho buổi họp là sự thất bại của cơ quan CIA về các hoạt động bí mật chống Hà Nội. Một quyết định được chấp thuận là cơ quan CIA bàn giao tất cả các hoạt động bí mật, bán quân sự nơi miền bắc Việt Nam cho bộ Quốc Phòng. Chuyện bàn giao này có danh xưng là Switchback (Đổi Lui, Trở Lại).
McNamara đổ trách nhiệm lên đôi vai ông Trùm Xịa (CIA) McCone, rồi McCone trao câu trả lời cho cấp chỉ huy CIA trong khu vực Viễn Đông. William Colby, ông Trùm Xịa ở Việt Nam lúc Gián Điệp & Biệt Kích Page 85
nào cũng có bề ngoài “ngoại giao”trong bộ vest xám, thắt nơ (thay vì đeo cravate).
Từ nhiều năm qua, Colby đã thúc đẩy các hoạt động bí mật chống lại chính quyền miền bắc Việt Nam, lúc đầu là phụ tá (trụ sở CIA ở Saigon) năm 1959, rồi lên nắm quyền chỉ huy năm 1960 (Saigon), rồi phụ tá trạm CIA khu vực Viễn Đông năm 1962. Đầu năm 1963, trong tháng Giêng, Colby thăng tiến lên nắm quyền chỉ huy trạm CIA trong khu vực Viễn Đông.
Vấn đề cơ quan CIA gặp phải (thất bại trong việc thả các toán biệt kích ra miền bắc Việt Nam). Chuyện này đã xẩy ra trước đó ở Hoa Lục và ở Hàn Quốc, Peter Sichel trưởng trạm CIA ở Hong Kong đưa ý kiến, ngừng ngay việc thả biệt kích ra ngoài bắc, không thể thành công được “Chẳng thà mình bắn chết họ (quân biệt kích) cho rồi.”
Colby được viên phụ tá mới trạm CIA khu vực Viễn Đông Robert J. Myers, một cựu OSS có kinh nghiệm làm việc ở Á châu cho biết một chuyện tương tự, lúc ông ta làm trưởng trạm CIA ở Nam Vang (Phnom Penh) Cambodia. Chuyện xẩy ra năm 1962, một điện văn bí mật từ Saigon gửi cho ông ta, báo cho biết, một điệp viên miền nam Việt Nam sắp đến.
Người điệp viên đó là một Trung Sĩ quân đội VNCH tên là Lê Công Hòa. Anh ta được sinh ra ở Nam Vang, nói thông thạo tiếng Cambodia (Miên) và tiếng Pháp. Không rõ lý do, Trung Tá Lê Quang Tung trưởng phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống, trao việc điều hành một đường dây tình báo từ thủ đô Nam Vang của Cambodia, trách nhiệm của phòng 45 (sở Bắc) cho Lê Công Hòa bí danh Adonis. Gián Điệp & Biệt Kích Page 86
Khi được biết Adonis, Myers chống đối mạnh mẽ. Ông ta nghi ngờ, Phòng Liên Lạc (An Ninh) Phủ Tổng Thống, nhóm chiến tranh ngoại lệ đối tác của cơ quan CIA cho các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam, đã bị tiết lộ ra ngoài, và kết qủa cuối cùng thảm hại. Mặc dầu Myers chống đối, Adonis được lệnh qua Nam Vang. Chỉ ít lâu sau, anh ta bị lộ tẩy và tống giam vào tù. Myers kết luận, “Một xã hội, cộng sản hoàn toàn kiểm soát, làm cho các hoạt động (bán quân sự) không thể thực hiện được.”
Trong buổi họp ở Honolulu, qúa nhiều bằng chứng hiển nhiên (sự thất bại của CIA) Colby đành phải chấp thuận, bàn giao tất cả mọi hoạt động bí mật ở miền bắc Việt Nam cho bộ Quốc Phòng (quân đội).
Tổng cộng, cơ quan CIA đã cho xâm nhập 15 toán biệt kích ra ngoài bắc. Chín toán nhẩy dù xuống miền bắc trong hai tháng Sáu và Bẩy, bốn toán khác xâm nhập trong tháng Tám, Chín và tháng Mười. Con số này hơn một nửa tổng số toán biệt kích CIA gửi ra miền bắc Việt Nam trong vòng ba năm CIA điều hành chương trình (các hoạt động bí mật nơi miền bắc). Trong thời gian bàn giao, cơ quan CIA thả ra miền bắc thêm nhiều toán biệt kích, tạo ra sự khủng hoảng, hoang mang cho chương trình Switchback.
Đứng trước McNamara, Colby nói thẳng về những điều ông ta nghi ngờ. Về các toán biệt kích xâm nhập miền bắc Việt Nam, gần hết đều bị bắt hoặc bị giết chết. khi quân đội điều hành, Colby tiên đoán, chỉ có năm (5) toán biệt kích và một điệp viên đơn phương (Ares) còn hoạt động nơi miền bắc Việt Nam. “Chương trình (nơi miền bắc) không đạt hiệu qủa” ông ta kết luận “và nó sẽ không đạt hiệu qủa khi quân đội điều hành”. Hơn nữa, Colby nói trước các nhân vật quan trọng chính quyền Kennedy rằng, cơ quan CIA dự định sẽ chấm dứt tất cả mọi hoạt động thả dù quân biệt kích ra miền bắc phá hoại trong năm 1965. Thay vào các hoạt động bí mật đó, Colby nói tiếp, là các hoạt động tâm lý chiến, đài phát thanh đen, thả truyền đơn tuyên truyền, và các hoạt động tương tự. “Tốt hơn ý tưởng thả dù quân biệt kích, chất nổ phá hoại”
Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara không thích những gì ông Trùm Xịa Colby nói. Đối với ông ta những gì Colby nói ra không phải là lời khuyến cáo, chỉ là những bằng chứng cơ quan CIA không đủ sức thi hành nhiệm vụ. McNamara ban lệnh rõ ràng, cơ quan MACV và CIA phải tiếp tục (chương trình Switchback) các hoạt động bí mật chống miền bắc Việt Nam.
Trong thời gian bàn giao chương trình các hoạt động bí mật cho bộ Quốc Phòng, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia phổ biến một loạt điều luật. Công điện đầu tiên NSAM 55 ngày 28 tháng Sáu năm 1961 với tiêu đề “Sự liên hệ giữa Tổng Tham Mưu Trưởng (JCS) với Tổng Thống trong cuộc chiến tranh lạnh”, quy trách nhiệm “bảo vệ quốc gia trong chiến tranh lạnh” cho các vị Tướng trong bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ. Điều này rõ ràng trao trách nhiệm quân sự, bán quân sự cho Ngũ Giác Đài (bộ Quốc Phòng, bộ TTM Quân Đội Hoa Kỳ). Từ trước cơ quan CIA chịu trách nhiệm các hoạt động bán quân sự.
Hai công điện tiếp theo, NSAM 56 và NSAM 57. Công điện thứ nhất, ra lệnh cho bộ Quốc Phòng thẩm định lại khả năng của quân đội, nhấn mạnh điều kiện cần thiết cho các hoạt động (bí mật) trên toàn thế giới, và soạn kế hoạch để đối phó. Nhiệm vụ này được trao cho Thiếu Tướng Edward Landsdale, chuẩn bị ba bản báo cáo cho Tổng Thống, cả ba về khu vực Đông Nam Á, là nơi để cho Ngũ Giác Đài thử nghiệm các hoạt động bán quân sự.
NSAM 57 ra lệnh cho bộ Quốc Phòng lẫn cơ quan CIA, nhấn mạnh, nhiệm vụ tổng quát cho việc soạn thảo, và thi hành các hoạt động bán quân sự. Theo công điện này, bộ Ngoại Giao có nhiệm vụ theo dõi, bộ Quốc Phòng điều hành công việc các hoạt động bí mật, và cơ quan CIA đóng vai trò yểm trợ.
Không thích những mệnh lệnh mới, quân đội dậm chân tại chỗ. Đến cuối năm 1961, công việc không đi đến đâu làm bực mình vị tổng thống trẻ tuổi, ông ta nói thẳng với các vị tướng lãnh trong bộ Tổng Tham Mưu. Để thi hành, bộ Tổng Tham Mưu thành lập phòng Phụ Tá Đặc Biệt Chống Nổi Loạn và Các Hoạt Động Đặc Biệt (SACSA), đề cử Thiếu Tướng TQLC Victor H. “Brute” Krulak làm cấp chỉ huy đầu tiên. Krulak đóng vai trò cố vấn, báo cáo cho tổng thống và các tướng lãnh trong bộ Tổng Tham Mưu những việc làm chống nổi loạn (Việt Cộng trong miền nam) và các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam.
Chín tháng sau, quân đội Hoa Kỳ có vị Tổng Tham Mưu Trưởng mới, Tướng Maxwell D. Taylor. Kể từ tháng Bẩy năm 1961, Tướng Taylor là người đại diện cho tổng thống về các vấn đề quân sự, một chức vụ đặc biệt vì tổng thống Kennedy đã mất tin tưởng nơi các vị tướng lãnh trong bộ Tổng Tham Mưu. Đứng đầu trong quân đội, Tướng Taylor xem các hoạt động bán quân sự là cơ hội gia tăng sức mạnh, hiệu qủa của quân đội, ông ta nhanh chóng thành lập và làm trưởng ban Nghiên Cứu các hoạt động Bán Quân Sự Đặc Biệt để theo dõi việc bàn giao. Gián Điệp & Biệt Kích Page 89
Dưới sự lãnh đạo của Tướng Taylor, đầu năm 1963, Ngũ Giác Đài đã có những khái niệm điều hành các chiến dịch bán quân sự, đặc biệt để áp dụng trong vùng Đông Nam Á châu. Mùa xuân năm đó, Tướng Maxwell ra lệnh cho bộ tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) cùng với SACSA phối hợp thảo kế hoạch xử dụng người miền nam trong các hoạt động“tấn công rồi chạy” (hit-and-run) chống lại miền bắc Việt Nam.
Ngày 23 tháng Năm, Tướng Krulax trả lởi yêu cầu của Tướng Taylor với bản báo cáo “Các Hoạt Động Quân Sự nơi miền Bác Việt Nam”. Bản báo cáo phản ảnh chương trình phá hoại miền bắc, chỉ thay đổi người điều hành là Ngũ Giác Đài, cơ quan CIA xuống hàng thứ hai.
Khi cơ quan CIA được thông báo về chương trình “tấn công rồi chạy” của Ngũ Giác Đài, họ rằng quân đội làm chuyện điên rồ như Colby đã nói trước đó “sẽ không thành công”. Tuy nhiên bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ vẫn xúc tiến kế hoạch, ra lệnh cho bộ tư lệnh Thái Bình Dương thảo kế hoạch dựa trên quan niệm của Krulak. Đến giữa mùa hè, bộ tư lệnh Thái Bình Dương hoàn tất kế hoạch, trình lên bộ Tổng Tham Mưu. Các tướng lãnh trong bộ Tổng Tham Mưu ký thuận kế hoạch của CINCPAC ngày 14 tháng Tám, và chính thức chấp thuận cho Chương Trình Hành Động 34 (Oplan-34) năm 63 ngày 9 tháng Chín.
Ở Việt Nam, cơ quan CIA và Ngũ Giác Đài đã phối hợp từ lâu trước khi chương trình 34-63 được chấp thuận. Trở về trước, năm 1957, các cố vấn Mũ Xanh Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã có mặt, cố vấn cho liên đoàn Quan Sát số 1, dưới sự tài trợ của cơ quan CIA và bộ Quốc Phòng.
Năm 1961, quân Mũ Xanh liên hệ sâu đậm hơn. Năm đó, cơ quan CIA lập một trung tâm huấn luyện ở Thủ Đức ngoại ô Saigon và một ở Hòa Cầm gần Đà Nẵng. Trung tâm ở Thủ Đức chứa bốn bốn đại đội biệt cách dù (BĐQ/Nhẩy Dù) cho những hoạt động “vượt biên” qua Lào. Trung tâm thứ hai (Hòa Cầm) là căn cứ huấn luyện biên phòng, theo dấu đường mòn. Cơ quan CIA hoàn toàn trả lương, tài trợ cho cả hai nơi, quân Mũ Xanh cung cấp nhân viên huấn luyện.
Đầu năm sau, cơ quan CIA bắt đầu chương trình Dân Sự Chiến Đấu (CIDG). Tuyển mộ sắc dân thiểu số nơi hướng tây đường biên giới (với Lào và Cambodia) lập các đại đội, trang bị nhẹ chống lại quân du kích Việt Cộng. Để huấn luyện, sống cùng với CIDG, quân mũ Xanh Hoa Kỳ có một toán A gồm 12 quân nhân, quân đội VNCH (Sở Khai Thác Điạ Hình Phủ Tổng Thống) yểm trợ cũng gửi đến trại một toán A LLĐB VNCH.
Trong tháng Bẩy năm 1962, cơ quan CIA đồng ý bàn giao chương trình Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) cho quân đội, bước đầu tiên trong kế hoạch Switchback, sẽ được hoàn tất trong vòng 12 tháng. Việc bàn giao dễ dàng vì quân Mũ Xanh Hoa Kỳ trực tiếp tuyển mộ, huấn luyện và chỉ huy các trại CIDG từ lúc bắt đầu, cơ quan CIA liên hệ rất ít (chỉ trả lương).
Các hoạt động nơi miền bắc Việt Nam, chương trình (Oplan) 34-63 hoàn toàn khác biệt. Trong chương trình này, bộ Quốc Phòng “ngồi ghế sau”. Có sự phối hợp giới hạn. Trong tháng Giêng năm 1963, thí dụ, Hải Quân Hoa Kỳ đưa một toán quân 12 người nhái SEAL đến Đà Nẵng phụ giúp việc huấn luyện quân biệt hải VNCH. Hai tháng sau, một toán A 12 quân nhân Mũ Xanh (LLĐB) cố vấn Hoa Kỳ từ Okinawa sang làm việc tạm thời sáu tháng trong một căn cứ huấn luyện mới của cơ quan CIA ở Long Thành, cách Saigon 22 cây số về hướng đông. Gián Điệp & Biệt Kích Page 91
Tên chính thức cho căn cứ huấn luyện này là trại Quyết Thắng. Căn cứ mới ở Long Thành để thay thế căn cứ ở Thủ Đức. Trước khi có căn cứ ở Long Thành (Quyết Thắng), tất cả quân biệt kích ra miền bắc đều được nhân viên CIA chứa trong các nhà an toàn (biệt thự nhỏ).
Toán A LLĐB/HK đầu tiên đến Long Thành là toán A-413 với Đại Úy Clinton Hayes làm trưởng toán. Quân biệt kích được huấn luyện kỹ thuật nhẩy dù, chiến thuật tác chiến cấp đơn vị nhỏ, dò thám, và mưu sinh thoát hiểm, đào tẩu.
Trong tháng Mười, sau khi các tướng lãnh trong bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ ký thuận chương trình 34-63 (Oplan-34) đánh phá miền bắc Việt Nam. Toán A-413 (Đại Úy Hayes) được toán A-211 dưới quyền Đại Úy Lawrence White từ Okinawa sang thay thế.
Trong Saigon, kế hoạch Switchback (CIA bàn giao cho quân đội) cũng được sự đáp ứng thay đổi trong quân đội VNCH. Ngày 1 tháng Tư năm 1963, Sở Khai Thác Điạ Hình thuộc Phủ Tổng Thống đổi tên Lực Lượng Đặc Biệt là một binh chủng trong quân đội VNCH. Các cố vấn Hoa Kỳ áp lực Tổng Thống Diệm trả lại binh chủng LLĐB cho quân đội, trước đó Sở Khai Thác Điạ Hình trực tiếp dưới quyền chỉ đạo của ông ta qua Trung Tá Lê Quang Tung.
Mặc dầu có danh xưng mới, Lực Lưng Đặc Biệt VNCH vẫn giữ lại Trung Tá Lê Quang Tung làm chỉ huy trưởng, vẫn được “chăm sóc” đặc biệt và gần tổng thống Diệm (trong Saigon). Sự chống đối chế độ độc tài Tổng Thống Diệm gia tăng, người em trai của ông ta (cố vấn Ngô Đình Nhu) xử dụng quân biệt kích đang thụ huấn trong căn cứ Long Thành đàn áp dân chúng xuống đường biêu tình, những người chống đối chế độ.
Kết qủa, khi quân đội đảo chính ngày 1 tháng Mười Một năm 1963, binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt cũng bị dính líu (trả thù). Anh em ông Diệm bị giết, Trung Tá Lê Quang Tung cùng với người em Trung Úy Lê Quang Triệu, tham mưu trưởng LLĐB cũng bị giết. Quân biệt kích bị tước khí giới, một phần bị cho giải ngũ. Chỉ có ngành đặc biệt Phòng 45 (Sở Bắc) không bị “đụng chạm” đến.
Ở Hoa Kỳ cũng có chuyện “thay đổi”, ngày 22 tháng Mười Một, chỉ hai ngày sau khi McNamara triệu tập phiên họp ở Honolulu, Tổng Thống Kennedy bị ám sát chết ở Dallas, Texas. Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson tuyên thệ nhậm chức tổng thống cùng ngày. Ngày 24 tháng Mười Một, Tổng Thống Johnson được thuyết trình về chương trình đánh phá miền bắc.
Công điện NSAM 273, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ra lệnh cho bộ Tổng Tham Mưu ngay tức khắc ra lệnh cho cơ quan MACV ở Việt Nam phối hợp với cơ quan CIA trong Saigon soạn thảo một chương trình (dài 12 tháng) các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam.
Ngày 15 tháng Mười Hai, kế hoạch hoàn tất, có mật danh là Oplan 34A-64 (quân đội Hoa Kỳ), cơ quan CIA gọi là Oplan Tiger, danh sách có khoảng 2.062 hoạt động. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) chấp thuận, chuyển tiếp lên Ngũ Giác Đài (bộ TTM, bộ QP). Bốn ngày sau các vị Tướng trong bộ TTM ký tên, chờ chữ ký của tổng thống Hoa Kỳ.
Ngày hôm sau, 20 tháng Mười Hai bộ trưởng Quốc Phòng McNamara sau khi đã được thuyết trình về Oplan 34A, bay sang Saigon ra lệnh soạn thảo một “chương trình đánh phá miền bắc và thực hiện nhanh chóng” Trở về Hoa Kỳ, McNamara tiến cử Tướng Krulak là trưởng ban xem xét lại chương trình hành động Oplan 34A trước khi hành động.
X. CẤP CHỈ HUY MỚI
Ngày 2 tháng Giêng năm 1964, ủy ban liên bộ (Quốc Phòng, Ngoại Giao, bộ TTM và CIA) dưới quyền Thiếu Tướng Krulak, xem xét chương trình 34A (Oplan 34A). Tướng Krulak thích thú cho đó là điều “xuất sắc của quân đội và CIA”, dấu hiệu của Washing
ton (Hoa Kỳ) cho Hà Nội (Bắc Việt) biết “giúp Việt Cộng nổi loạn trong miền nam sẽ nhận lãnh hậu qủa trực tiếp.” Tuy nhiên, đối với người có kinh nghiệm như Krulak, vẫn có sự nghi ngờ. Bắc Việt “rất cứng cõi… qua những năm tháng ròng rã chiến đầu, chịu đựng” Ông ta cắt nghĩa “Họ không dễ bị thuyết phục bằng hình phạt, phải ngừng yểm trợ cho Việt Cộng, ngoại trừ miền bắc bị tàn phá, hủy diệt.” Ban Phỏng Đoán Quốc Gia của Tổng Thống Johnson bao gồm đại diện từ cơ quan CIA, Ngũ Giác Đài (bộ QP/bộ TTM), và bộ Ngoại Giao, càng đánh giá thấp hơn nữa. Xem xét kế hoạch 13 hoạt động, họ kết luận, nếu tất cả đều thành công, cũng không thể thuyết phục Hà Nội thay đổi chính sách, đường lối. Giới lãnh đạo miền bắc có lẽ cho rằng đó là “sự gia tăng sức mạnh trong chính sách của người Hoa Kỳ, có thể gây nguy hiểm cho họ” và … thế thôi.
Trong giai đoạn này, VNCH vẫn chưa biết về chuyện mở rộng các hoạt động bí mật. Cấp chỉ huy tối cao cơ quan MACV, Tướng Paul Harkins nói rõ “Chấp nhận hay không, chính quyền miền nam (GVN) vẫn phải được cho biết”. Kế hoạch đòi hỏi “bí mật xử dụng đơn vị điạ phương và tài nguyên vật lực của quân đội” Không có cách nào hơn, phải cho Saigon (chính quyền) biết chương trình trên căn bản “giới hạn”
Ngày 21 tháng Giêng, Đại Sứ Henry Cabot Lodge trình cho chính quyền Saigon bản thảo chương trình (Oplan 34A) đã sửa đổi để giữ bí mật. Hai ngày sau ông ta họp với cấp chỉ huy quân đội, Cabot Lodge chỉ cho biết “vài điều chi tiết về chương trình” nhưng từ chối không cho biết về “kế hoạch chiến thuật” hay các mục tiêu đặc biệt nơi miền bắc Việt Nam.
Ngày 30 tháng Giêng (1964), Tướng Nguyễn Khánh, tư lệnh Quân Đoàn I lật đổ Dương Văn Minh (chỉnh lý). Người Hoa Kỳ biết rằng, nếu không có sự chấp thuận của chính quyền Saigon, chương trinh 34A không thể tiến hành (thí dụ, tuyển mộ quân nếu SG không cho phép). Trong khi đó ngoài miền nam Việt Nam, tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) sợ rằng nếu chờ đợi lâu, chương trình bị lộ ra ngoài, do đó ông ta ra lệnh, những gì chưa cho Saigon biết, cứ việc tiến hành, không đợi sự ký thuận của Tướng Nguyễn Khánh.
Tướng Nguyễn Khánh được thuyết trình (Oplan 34A) ngày 3 tháng Hai và hứa sẽ ủng hộ, yểm trợ. Các hoạt động bí mật theo Tướng Khánh, sẽ gia tăng áp lực lên chính quyền Hà Nội, mặc dầu ông ta biết chuyện ngoài bắc không thể thay cho chiến thắng trong miền nam.
Trên thực tế, việc soạn thảo chương trình 34A vẫn tiếp tục mặc dầu tình hình chính trị rối loạn trong miền nam Việt Nam.Ngày 24 tháng Giêng, Hoa Kỳ thành lập một đơn vị đặc biệt gồm nhiều quân binh chủng trong quân đội Hoa Kỳ có tên là Đoàn Hành Quân Đặc Biệt (Special Operation Group – SOG), đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tư lệnh cơ quan MACV. Trên giấy tờ, SOG là đơn vị thực hiện chiến tranh ngoại lệ “gây thiệt hại, suy giảm kinh tế, phá hoại” đối với miền bắc Việt Nam.
Từ nguyên tắc chuyển sang thực hành, các hoạt động của SOG chia ra làm bốn loại: thứ nhất “tấn công bất ngờ”, thứ hai “tấn công phá hoại” (gây tổn thất) bao gồm các trận tấn công các căn cứ (quân sự), cơ sở (dân sự) miền bắc Việt Nam. Trên lý thuyết, loại này là một sự “đe dọa” rõ ràng đối với cấp lãnh đạo Hà Nội. Thứ ba là “tấn công trừng phạt”, xử dụng đơn vị cấp lớn hơn (toán biệt kích), đại đội hay tiểu đoàn phá hoại cơ sở lớn, căn cứ binh trạm quân đội. Cuối cùng, các nỗ lực gây “thiệt hại nền kinh tế, phát triển kỹ nghệ” của miền bắc Việt Nam.
Từ những nhiệm vụ kể trên, đơn vị SOG thực hiện giai đoạn 1 từ tháng Hai cho đến tháng Năm 1964. Tổng cộng 33 chuyến xâm nhập loại 1, bao gồm 20 trận đột kích bất ngờ. Những loại hành quân khác sẽ được thực hiên trong giai đoạn sau.
Sự thành lập đơn vị SOG được sự chú ý lên đến tòa Bạch Ốc. Trong Saigon, đơn vị SOG bắt đầu với sáu (6) sĩ quan và hai (2) binh sĩ, bộ chỉ huy nằm trong một biệt thự thời Tây khu vực Cholon, bên trong chỉ có mấy bàn làm việc. Chỉ huy đơn vị SOG đầu tiên là Đại Tá Clyde R. Russell, cựu trung đoàn trưởng, sư đoàn 82 Nhẩy Dù, cụu liên đoàn trưởng Lực Lượng Đặc Biệt. Đại Tá Russell chỉ có chưa đến hai tuần lễ để bắt đầu giai đoạn đầu tiên kéo dài bốn tháng chương trình 34A.
Mặc dầu đơn vị SOG mới thành lập, nhưng được “thừa hưởng” di sản cơ quan CIA để lại, chương trình thả biệt kích, điêp viên đơn phương ra miền bắc đã được ba năm, và chương trình hoạt động bí mật trên biển (biệt hải). CIA bàn giao lại mấy tầu Nasty, Swift, thủy thủ đoàn lái tầu và quân biệt hải, người nhái. Nhóm hàng không, CIA cũng bàn giao mấy chiếc C-123 cùng phi hành đoàn người Taiwan. CIA cũng bàn giao luôn căn cứ huấn luyện quân biệt kích ở Long Thành cùng toán A LLĐB/HK, quân biệt kích VNCH, cùng sáu toán biệt kích đã “nằm vùng” nơi miền bắc Việt Nam (cùng điệp viên Ares) mà họ tin vẫn còn hoạt động. CIA cũng đồng ý sáu tháng chuyển tiếp giúp SOG huấn luyện. Đến tháng sáu chỉ còn lại một nhân viên CIA cùng hai huấn luyện viên trong căn cứ huấn luyện Long Thành (trại Quyết Thắng). Tương tự, Gougleman sẽ ở lại Đà Nẵng cho đến giữa năm để bàn giao các hoạt động bí mật trên biển. Về không quân (không yểm), Air America (CIA) sẽ để lại một nhân viên liên lạc giữa các phi công, phi hành đoàn Taiwan và quân đội. Về chiến tranh tâm lý, đài phát thanh “đen”, quân đội không có kinh nghiệm về chuyện này, nên CIA vẫn nắm quyền chỉ huy, điều hành chương trình. Không chối cãi, bộ Quốc Phòng xử dụng nhiều ngân khoản, tài nguyên cho trận chiến bí mật chống miền bắc Việt Nam. Thí dụ mấy chiếc tầu Nasty đặt mua tại Na Uy vẫn đang trên đường đến Đà Nẵng, sẽ thay đổi các hoạt động trên biển. Trên không, đơn vị SOG được CIA trao lại bốn phi cơ C-123 (lúc nào cũng chỉ để hai chiếc ở Việt Nam), sẽ được thay thế bằng sáu C-123 biến cải, thêm máy móc điện tử và dụng dụ định hướng mới Doppler. Các phi cơ C-123 nằm trong chương trình Duck Hook, có thể bay chính xác hơn dưới cao độ thấp, trong thời tiết xấu. Phi đoàn C-123 mới này có bẩy phi hành đoàn Taiwan thuộc phi đoàn 34 Không Quân Taiwan, và ba phi hành đoàn Không Quân VNCH. Tất cả được gửi đến căn cứ không quân Eglin, Florida huấn luyện. Đồng thời, vài phi công VNCH được huấn luyện bay trên hàng không mẫu hạm Hải Quân Hoa Kỳ trong kế hoạch của đơn vị SOG, đóng cửa các hải cảng miền bắc bằng cách cho phi cơ thả mìn phong tỏa.
SOG tiếp tục chương trình thả biệt kích ra miền bắc, Toán biệt kích đầu tiên SOG thả dù xuống miền bắc có ba người, nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Remus. Ngày 23 tháng Tư, phi hành đoàn C-123 Taiwan, bay một trong bốn chiếc CIA bàn giao, bay ra ngoài bắc, khu vực đồi núi gần Điện Biên Phủ. Phi công nhìn thấy dấu hiệu bãi thả dù trên mặt đất, ba biệt kích quân nhẩy dù ra ngoài, không gặp trở ngại. Ít lâu sau, toán Remus báo cáo ba biệt kích đáp xuống an toàn, chuyến thả biệt kích đầu tiên của đơn vị SOG coi như thành công.
Hai ngày sau, SOG chuẩn bị “phóng” toán kế tiếp Attila gồm sáu biệt kích quân người Việt, nhẩy dù xuống nơi phiá nam tỉnh Nghệ An. Lần này toán biệt kích Attila biến mất, không lên máy báo cáo.
Đến cuối mùa hè, đơn vị SOG thả xuống miền bắc thêm tám toán biệt kích. Trong đó ba toán nhẩy dù ra tăng cường cho các toán CIA bàn giao lại. Theo các công điện truyền tin gửi đi về, cả ba đều thành công. Năm toán mới khác nhẩy dù xuống khu vực mới, chỉ có một toán báo cáo về Saigon.
Chính quyền Hoa Kỳ (Washington) để ý các hoạt động của đơn vị SOG, con số thất bại tăng lên, mấy viên chức hăng hái thúc đẩy trước đó từ từ trở nên chống đối. Sau chín tháng hoạt động, Michael V. Forrestal một thành viên trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia báo cáo cho tổng thống Hoa Kỳ “Mặc dầu có nhiều nỗ lực… các hoạt động (nơi miền bắc) đạt thành qủa rất ít.” Ngay cả quân đội (Hoa Kỳ) cũng trở nên hết kiên nhẫn. Tướng lãnh trong bộ Tổng Tham Mưu nhắc cho bộ trưởng Quốc Phòng McNamara “Không thể kết luận những cố gắng đó gây hiệu qủa” cho Hà Nội tiếp tục cuộc chiến trong miền nam Việt Nam.
Chương trình 34A của đơn vị SOG là một dấu hiệu cho những vấn đề lớn hơn. Đến ngày 1 tháng Sáu, SOG chỉ mới thực hiện xong một phần ba chương trình đúng thời khóa biểu. Đại Tá Russell (CHT/SOG) than phiền, cơ quan CIA để lại cho ông ta những gì bết bát. Căn cứ Long Thành, không có sân bắn tốt, bãi huấn luyện chất nổ rộng rãi. Hơn nữa, quân biệt kích đang được huấn luyện thiếu khả năng. Đồng thời trong lúc đó, nhiều toán biệt kích đã xâm nhập miền bắc đang thiếu tiếp tế (thực phẩm) trầm trọng. Một toán, toán Bell hoạt động trong tỉnh Yên Bái đã xâm nhập hơn một năm vẫn chưa được tái tiếp tế. Trước khi nhận được đồ tiếp tế trong tháng Bẩy, nhân viên truyên tin báo cáo, ba biệt kích chết vì đói.
Một vấn đề khó khăn khác cho đơn vị SOG là hệ thống chỉ huy. Theo công điện ngày 19 tháng Giêng, chương trình 34A có hai cấp chỉ huy: chính trị là đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, quân sự là vị tư lệnh cơ quan MACV (một cổ hai tròng). Chuyện còn phức tạp hơn nữa, SOG còn phải báo cáo lên cho cơ quan SACSA (Phòng phụ tá chống Nổi Loạn và các Hoạt Động Đặc Biệt) trong thủ đô Washington. Trên phương diện căn bản, đơn vị SOG phải xin phép (được sự chấp thuận) cho từng mục tiêu hoạt động, một thủ tục rất rườm rà. Tối thiểu, Russell (CHT/SOG) phải đệ trình danh sách các hoạt động (mục tiêu) cho tư lệnh Thái Bình Dương duyệt xét, thông báo cho bộ Tổng Tham Mưu các dự tính hoạt động, cuối cùng đợi sự chấp thuận cuối cùng từ vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam (khoảng 24 tiếng đồng hồ trước khi thực hiện). Nhiều chuyến hành quân phải có sự chấp thuận của đích thân Tổng Thống Johnson. Mọi viên chức cao hơn đều có quyền chất vấn, phủ quyết chuyến hành quân của đơn vị SOG.
Vì lý do bảo mật, miền nam (VNCH) chỉ được cho biết “phần nào”, sau khi ngành Đặc Biệt dưới quyền Thiếu Tá Ngô Thế Linh phát triển rộng lớn hơn trở thành Sở Khai Thác Đặc Biệt (SES), đối tác của đơn vị SOG. Sở Khai Thác Đặc Biệt đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Trần Văn Hổ. Bộ chỉ huy cơ quan này thành lập ngày 12 tháng Hai, sự thành lập các bộ phận trực thuộc đến tháng Tư mới hoàn tất.
Vấn đề khác là sự mâu thuẫn giữa cơ quan CIA và quân đội. Theo quyết định của tổng thống Hoa Kỳ ngày 16 tháng Giêng năm 1964, Krulak không muốn có một cơ quan khác (CIA) điều hành một chương trình tương tự. Bộ Tổng Tham Mưu đồng ý, để cho quân đội “hoàn toàn chỉ huy, điều hành” đơn vị SOG, cơ quan CIA tiếp tục “yểm trợ chương trình 34A với tất cả tài nguyên trong vùng Đông Nam Á”. Phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Cyrus Vance cũng đồng ý “CIA vẫn tiếp tục yểm trợ MACV-SOG, không thay đổi” Tuy nhiên cơ quan vẫn tiếp tục cắt giảm nhân viên… (Trùm Xịa Colby sau này thuyết trình trong Vietnam Center, Texas Tech University nói rằng… Tôi dám nói thẳng với bộ trưỏng Quốc Phòng, chương trình này không thể thực hiện được (34A)… Nhưng một ông Đại Tá không thể nói thế, ông ta sẽ trả lời bộ trưởng Quốc Phòng…Tôi sẽ cố gắng thực hiện. vđh)
Sự mâu thuẫn ảnh hưởng cấp dưới, đơn vị SOG than phiền phi công Air America (CIA) đóng vai trò trung gian, liên lạc với các phi công, phi hành đoàn C-123 Taiwan không hợp tác. Một phi công Taiwan nhớ lại “có sự mâu thuẫn khi đơn vị SOG nắm quyền chỉ huy. Sau khi SOG thuyết trình về chuyến công tác, nhân viên Air America nói với chúng tôi, đừng tin những gì họ nói (SOG). Air America nói thêm mục tiêu có súng phòng không.”
Điều đó làm cho các phi công Taiwan tức giận, phải thi hành những phi vụ nguy hiểm. Sau chuyến bị phục kích thả dù tiếp tế cho toán Europa trong tháng Tám, các phi hành đoàn C-123 Taiwan rất lo lắng phải bay tiếp tế cho các toán biệt kích. Trong tháng Mười Một năm 1964, khi bay tiếp tế cho toán Tourbillon bị phòng không Bắc Việt chào đón dữ dội. Khi SOG ra lệnh bay chuyến tiếp tế khác, họ cáo bệnh không đi bay.
Ngoài việc “có vấn đề” đối với phi hành đoàn Taiwan, một lỗi lầm khác đơn vị SOG phạm phải là tiếp tục “con đường cũ”. Thí dụ, toán biệt kích Attila nhẩy dù xuống tỉnh Nghệ An trong tháng Tư, toán kế tiếp Lotus thay vì đi lên hướng bắc lại nhẩy dù xuống cùng tỉnh Nghệ An. Toán kế tiếp Scorpion nhẩy dù xuống cùng khu vực với các toán trước đó: Bell, Packer, Buffalo. Toán khác nhẩy dù xuống gần như đúng vào khu vực hoạt động của toán Ruby.
Mặc dầu với những khó khăn, thất bại. Đến tháng Tám, 16 toán biệt kích, từ 1 người (điệp viên) cho đến 15 người được huấn luyện trong căn cứ ở Long Thành. Hơn nữa, đối tác Sở Khai Thác Đặc Biệt (SES) tuyển mộ từ quân đội VNCH nên biệt kích quân có khả năng hơn trước.
Cũng trong tháng Tám, chiếc phi cơ C-123 biến cải đầu tiên đến Việt Nam, cùng với 7 Taiwan và 3 phi hành đoàn Việt Nam (Không Quân VNCH), thành lập Đệ Nhất phi đoàn đóng trong phi trường Nha Trang (cho tất cả phi hành đoàn Taiwan CIA tuyển mộ về nước). Ngày 14 tháng Mười Một, họ bay thả dù thêm quân biệt kích xuống tăng cường cho toán Bell trong tỉnh Yên Bái. Mọi chuyện êm xuôi, thành công. Phi hành đoàn C-123 Việt Nam có danh hiệu Cò Trắng (White Crane). Nguyễn Cao Kỳ đã lên Đại Tá đã chọn được ba phi hành đoàn cho chương trình (34A). Mặc dầu phi hành đoàn Việt Nam chưa bay phi vụ nào ra ngoài bắc Việt Nam hai năm (sau vụ Trung Úy PhanThanh Vân), nhiệm vụ dành cho họ rất nguy hiểm. Phi hành đoàn Việt Nam sẽ chở toán biệt kích nhẩy dù xuống phá cầu Cẩm nơi hướng bắc thành phố Vinh. Chiếc cầu rất quan trọng cho xe vận tải, xe lửa di chuyển vào khu vực “cán chảo” (Thanh Hóa), trước khi sang đất Lào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, toán biệt kích sẽ chèo xuồng ra tầu Nasty đợi ngoài khơi, rồi quay về miền nam.
Để chuẩn bị phá hoại cầu Cẩm, đơn vị SOG thành lập một đơn vị biệt kích 33 người mật danh Centaur, đông gấp ba lần một toán biệt kích thường. Việc huấn luyện cho toán Centaur bắt đầu từ ngày 26 tháng Bẩy, với hai lần thử nghiệm (như thật). Tuy nhiên, thời khóa biểu chậm lại do việc thâu thập tin tức tình báo về chiếc cầu và vấn đề tiếp liệu cho chuyến hành quân đặc biệt. Ngày 19 tháng Tám, các hoạt động của đơn vị SOG tạm ngừng lại do vụ “Đụng Chạm trong Vịnh Bắc Bộ” (The Tonkin Incident) giữa các tầu Swatow và tầu chiến hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Ba tháng sau, toán biệt kích Centaur trồi lên, nhận nhiệm vụ mới. Thay vì phá cầu Cẩm, toán biệt kích sẽ tấn công đài radar gần Đồng Hới. Công việc soạn thảo trận tấn công, lúc đầu định cho toán Centaur xâm nhập bằng tầu (Nasty) từ biển vào. Sơ toán biệt kích đông người dễ bị lộ, làm cho quân biệt kích hốt hoảng. Sau đó, sửa đổi cho hai tầu Nasty chở toán biệt hải hướng đạo xâm nhập vào thám thính mục tiêu trước, sau đó dùng hỏa pháo (flair) bắn báo hiệu cho C-123 VNCH chở toán biệt kích Centaur nhẩy dù xuống tấn công. Khi xong nhiệm vụ, tất cả sẽ xuống xuồng cao su bơi ra hai tầu Nasty chờ ngoài khơi, chạy về miền nam. Cũng như nhiệm vụ phá cầu Cẩm trước đó, nhiệm vụ tấn công đài radar cũng rất khó khăn. Sĩ quan SOG chỉ huy đơn vị biệt hải lên tiếng phản đối kế hoạch, để cho một mình biệt hải tấn công đài radar, tại sao phải phối hợp với quân biệt kích nhẩy dù xuống, làm cho kế hoạch thêm rắc rối, phức tạp. Vô lý! Tuy nhiên Trung Tá Edward Partain cương quyết giữ đúng kế hoạch.
Theo kế hoạch, toán biệt kích Centaur sẽ nhẩy dù xuống mục tiêu ngày 22 tháng Mười Hai. Trước đó, toán biệt kích được đưa ra Đà Nẵng thực tập 3 lần trận đột kích vào buổi tối. Lần thực tập đầu tiên ngày 10 tháng Mười Hai. Hai tầu Nasty rời Đà Nẵng chạy lên hướng bắc vĩ tuyến 17 nơi vùng biển vắng hướng bắc Đồng Hới. Hai tầu Nasty đợi, trong khi toán biệt hải xuống xuồng cao su bơi vào bờ, đợi bắn hỏa pháo (flair) báo hiệu cho phi cơ C-123 VNCH cho toán biệt kích Centaur nhẩy dù xuống tấn công đài radar.
Trong phi trường Đà Nẵng, 28 biệt kích toán Centaur lên chiếc C-123 biến cải, thêm huấn luyện viên nhẩy dù đơn vị SOG, Trung Sĩ Dominick Sansone, và một huấn luyện viên nhẩy dù VNCH. Trên phi cơ có Thiếu Tá Woodrow Vaden, cố vấn Không Quân Hoa Kỳ ngồi ghế sau buồng lái, đi theo để phụ giúp sĩ quan định hướng xử dụng dụng cụ định hướng tối tân mới Doppler.
Đúng 21:00 giờ (9 giờ tối), chếc phi cơ ra phi đạo, với phi công chính Hồ Văn Kiệt được lệnh bay dọc theo bờ biển Đà Nẵng lên hướng bắc, tìm kiếm dấu hiệu (flair) của toán biệt hải, rồi cho toán biệt kích Centaur nhẩy dù xuống mục tiêu từ độ cao 120 bộ. Tối hôm đó trời mưa làm cho bầu trời tối hơn (tối đen), đó là dấu hiệu của tử thần. Ra khỏi phi trường khoảng 10 cây số, chiếc C-123 bay vào đám mây không định hướng được phương hướng, đâm vào núi Sơn Chà (Monkey Mountain), không một người sống sót. Với sự mất mát toán biệt kích Centaur, đơn vị SOG đau lòng, khóa sổ hành quân cho năm đầu tiên hoạt động.
XI. BIỆT HẢI
Không phải chỉ những toán biệt kích nhẩy dù ra ngoài bắc làm đơn vị SOG “điên đầu”. CIA cũng bàn giao chương trình “Các Hoạt Động Bí Mật trên Biển” cho quân đội. Trong khoảng thời gian từ tháng Sáu 1962 đến tháng Giêng năm 1964, cơ quan CIA chỉ tổ chức được bốn chuyến “tấn công bất ngờ rồi chạy” (hit and run). Chỉ một chuyến thành công, không bị tổn thất.
Tìm cách làm việc tốt hơn, Ngũ Giác Đài đưa sang Việt Nam những quân nhân nhiều kinh nghiệm. Người đầu tiên đến Đà Nẵng đầu tháng Giêng năm 1964 là toán người nhái SEAL đến Đà Nẵng phụ trách việc huấn luyện quân biệt hải VNCH, thay thế cho toán SEAL đến trước làm việc cho cơ quan CIA. Cùng đến Đà Nẵng là toán bốn quân nhân TQLC thuộc đại đội 1 Trinh Sát (TQLC\HK. Cả hai toán SEAL và TQLC trở nên nồng cốt cho việc huấn luyện quân biệt hải VNCH. Nhóm Hoạt Động Trên Biển trực thuộc đơn vị SOG có mật danh là Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD).
Trưởng ban NAD là Hải Quân Trung Tá Albert Thomas. Một sĩ quan hải quân có kinh nghiệm tầu ngầm, trở nên ngỡ ngàng trước các khinh tốc đỉnh (tầu phóng thủy lôi chạy nhanh) Swift, các thuyền trưởng người Na Uy (lính đánh thuê), và người nhái VNCH. Lúc đó việc điều hành “Các Hoạt Động Bí Mật Trên Biển” vẫn qua tay nhân viên CIA Gougleman, vẫn còn thời gian phục vụ cho đến tháng Sáu.
Ngày 15 tháng Hai, trong tuần lễ không có mặt trăng, Gougleman quyết định vung tay co dãn bắp thịt. Sáng hôm đó, ông ta tập họp ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) trong “Con Voi Trắng” (White Elephant), một căn nhà hai tầng sơn trắng trong thành phố Đà Nẵng, trước đó cơ quan CIA xử dụng làm căn cứ xuất phát cho các điệp viên thuộc nhóm Pacific. Gián Điệp & Biệt Kích Page 108
Các cố vấn trong ban đang bắt đầu chương trình “học hỏi” từ người nhiều kinh nghiệm (Gougleman). Bài học về một tầu chiến Swift, đưa một toán biệt hải (người nhái) đến cửa sông Gianh, rồi từ đó toán người nhái sẽ bơi ngược giòng sông vào gắn mìn dưới gầm mấy chiếc tầu Swatow. Đó là bài học thảm bại năm 1962 của toán người nhái Vulcan.
Trưa hôm đó, bốn người nhái trong toán Neptune, kiểm soát lại đồ trang bị, đem theo lần cuối trước khi lên chiến đỉnh Swift. Chiếc tầu chạy ra vịnh Bắc Bộ, họ chạy cách xa bờ để tránh radar miền bắc. Một giờ đồng hồ trước nửa đêm (11 giờ đêm), thuyền trưởng người Na Uy tắt máy tầu thả trôi nhẹ nhàng trên sóng nước.
Bốn người nhái lặng lẽ làm việc trong đêm tối. Một người trong nhóm là Vũ Đức Gương đã có kinh nghiệm hai năm trong chương trình. Một người miền bắc theo đạo Công Giáo di cư vào nam năm 1954, làm nghề thợ mộc. Cuối năm 1962, anh ta được tuyển mộ đến Đà Nẵng, và được CIA huấn luyện trong toán đầu tiên. Sau đó Gương được huấn luyện lớp bơi lặn Scuba cao cấp, thành viên trong toán người nhái Neptune. Gương tham dự chuyến hành quân (xâm nhập) tháng Mười Hai năm 1963, tuy nhiên chiếc Swift lạc đường không tìm ra mục tiêu mấy chiếc Swatow.
Lần này họ đến đúng mục tiêu, khi chiếc Swift ngừng lại nơi hải phận miền bắc, toán người nhái Neptune xuống xuồng cao su chèo vào bờ. Thêm ba nhân viên thủy thủ tầu Swift đi cùng với họ. Như toán người nhái Vulcan trước đó, họ chèo xuồng cao su đến cửa miệng sông Gianh, thả xuống ba người nhái, để họ bơi ngược giòng sông, rồi chờ toán người nhái quay trở về.
Chuyện khó khăn lại xẩy ra, cơn gió lớn bắt đầu thổi từ ngoài biển vào, từng làn sóng đập vào xuồng cao su như muốn nhấn chìm chiếc xuồng. Trong phần thuyết trình hành quân, không ai nói đến vấn đề này. Tiếp theo một ngọn sóng lớn lật úp chiếc xuồng làm rơi tất cả người lẫn súng đạn, mấy qủa mìn xuống biển.
Sau vài giây phút kinh hoàng, toán người nhái cùng ba thủy thủ lật chiếc xuồng trở lại định quay trở về chiếc Swift nhưng máy tầu bị thấm nước không nổ máy, máy truyền tin liên lạc cũng chung số phận. Không thể liên lạc với chiếc Swift để báo cáo, cầu cứu, toán người nhái, cùng ba thủy thủ dùng mái chèo (trường hợp khẩn cấp) cố gắng định hướng bơi trở lại chiếc Swift trước khi trời sáng.
Toán người nhái, thủy thủ đã mất nhiều tiếng đồng hổ xử dụng mái chèo, họ bắt đầu nhìn thấy ánh sáng lúc rạng đông từ cuối chân trời như giải lụa vàng. Sắp tuyệt vọng họ nghe tiếng máy tầu chạy về phiá họ. Mọi người nín thở chờ đợi, hy vọng chiếc Swift vào cứu thay vì tầu tuần duyên Bắc Việt. Một một người nhái nhận ra chiếc Swift mừng rỡ la lên.
Vị thuyền trưởng người Na Uy kể lại, sau khi không thấy chếc xuồng trở lại, ông ta linh cảm có điều gì không may, lái tầu chạy qua lại hướng vào bờ, kết qủa tìm được chiếc xuồng cao su chở phe ta… Sau một đêm mệt mỏi, toán người nhái Neptune cùng ba thủy thủ nằm xuống sàn tầu, ngủ cho đến khi chiếc Swift vào đến căn cứ Đà Nẵng.
Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) phải chờ đến tháng sau, những đêm không trăng để thực hiện chuyến kế tiếp ra hải phận miền bắc. Chiều ngày 11 tháng Ba, toán người nhái Neptune được đưa vào Con Voi Trắng (căn cứ Pacific trước đó) để Gougleman thuyết trình công tác. Vẫn nhiệm vụ cũ, gắn mìn phá mấy tầu Swatow của Hải Quân Bắc Việt gần cửa sông Gianh, căn cứ Hải Quân Quảng Khê.
Buổi chiều hôm đó, toán người nhái Neptune rời Đà Nẵng, trưởng toán Nguễn Văn Nhu là người căm thù chế độ Hà Nội, xâm trên người hai chữ “sát cộng”. Ba người nhái khác là Vũ Đức Gương, Phạm Văn Lý và Vũ Văn Giỏi.
Chuyến đưa quân biệt hải ra miền bắc trở nên quen thuộc với thủy thủ đoàn. Họ chạy lên hướng bắc, ngang vị trí mục tiêu trên đất lền, để cho ba thủy thủ cùng bốn người nhái toán Neptune, lái xuồng cao su vào bờ. Bốn người nhái chia làm hai đôi mang theo mìn cùng với điạ bàn bơi vào bờ, họ sẽ gặp nhau trong bến tầu nơi mấy chiếc Swatow đang đậu.
Hai người nhái Gương, Lý trồi lên quan sát mục tiêu, họ hết sức nhạc nhiên, chới với, bến tầu trống rỗng không thấy mấy chiếc Swatow, Họ cũng không thấy cặp đôi hai người nhái kia (Nhu, Giỏi). Nhớ lại lúc được thuyết trình hành quân, Gương và Lý tiếp tục bơi lên phiá trên đến bến (cầu) tầu thứ hai. Trong khi họ vất vả bơi ngược giòng, thêm hai qủa mìn nặng nề, vướng víu, Gương báo cho Lý biết, sợ họ không đủ dưỡng khí (Oxy) trên đường bơi trở về xuồng cao su. Anh ta ra hiệu cho Lý cùng bơi bào bờ, dấu bình hơi trong đám lau sậy, rồi bơi về hướng mục tiêu, cầu tầu dự bị cho mấy chiếc Swatow.
Tiếp theo là tiếng la hét ra lệnh cho hai người nhái đứng lại. Cả hai bỏ chạy trở lại nơi dấu bình hơi để tẩu thoát, đằng sau là tiếng súng lính canh gác Bắc Việt. Tiếng súng xa dần, cả hai đều biết đến khi trời sáng, địch quân sẽ tổ chức lục soát cả khu vực…
Trong khi đó, trên chiếc xuồng cao su ba thủy thủ vẫn nóng lòng chờ bốn người nhái toán Neptune quay trở về… cho đến khi ánh chiêu dương từ từ nhô lên nơi cuối chân trời, họ bắt buộc phải lái xuồng cao su quay trở lại chiếc Swift, bỏ lại bốn người nhái. Trở lại Đà Nẵng, bầu không khí bên trong Con Voi Trắng trở nên nặng nề. Ban Cố Vấn Hải Quân (mới thành lập sau khi bàn giao cho quân đội) chịu vố tổn thất đầu tiên, các cố vấn Hoa Kỳ biết rằng họ phải làm việc tốt hơn. Phải “quên” mục tiêu Swatow, sông Gianh từ CIA bàn giao lại. NAD tập trung vào hoạt động khác, mở các trận tấn công bất ngờ từ biển vào, đặc biệt các cây cầu quan trọng nối liền (trên) quốc lộ 1.
Trong nhiệm vụ này, trên lãnh vực quân sự, các huấn luyện viên SEAL và TQLC Hoa Kỳ chuẩn bị lệnh hành quân chi tiết cho một toán biệt hải VNCH thi hành. Theo lệnh hành quân, trận tấn công đầu tiên dự trù vào ngày 15 tháng Ba, nơi hướng bắc sông Gianh trong tỉnh Hà Tĩnh. Một toán biệt hải chín (9) người sẽ được tầu Swift chở đến vị trí tấn công lúc 22:00 (10 giờ đêm). Bốn người nhái mặc đồ lặn scuba, mang tiểu liên gắn ông hãm thanh bơi xuồng cao su xâm nhập trước. Hai người nhái sẽ lên bờ dò thám các toán tuần tiễu Bắc Việt, nếu không có dấu hiệu của địch, sẽ chớp đèn hiệu cho phần còn lại toán biệt hải. Họ sẽ vào bơi vào bờ, tìm chỗ dấu chiếc xuồng, để một người ở lại canh chừng. Tám quân nhân biệt hải, người nhái trên bờ sẽ di chuyển băng qua những giòng suối nhỏ, đầm lầy đến chiếc cầu trên quốc lộ 1. Chiếc cầu (mục tiêu) này được quân đội Bắc Việt bảo vệ, canh phòng cẩn thận, họ chọn một chiếc cầu khác khoảng 300 thước lên hướng bắc.
Đến chiếc cầu, toán biệt hải sẽ gài chất nổ dưới gầm cầu. Sau khi điều chỉnh thời nổ, rút chốt an toàn ra sẽ kích hỏa hai khẩu “súng cối” cơ quan CIA chế tạo, bắn ra truyền đơn Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc thực hiện. Sau đó rút êm trở lại xuồng cao su, liên lạc với tầu Swift đậu ngoài khơi rồi trở về. Theo sự tính toán trong lệnh hành quân, toán biệt hải sẽ trở lại tầu mẹ (Swift) lúc 02:00 (2 giờ sáng ngày hôm sau). Toán biệt hải tham dự trận tấn công này, lấy ra từ nhóm quân nhân người thiểu số Nùng trong toán Cancer. Tất cả được tầu Swift chở đến vùng biển ngang huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đúng kế hoạch, vào gần bờ, chiếc xuông cao su thả neo, bốn người nhái xuống nước bơi vào gần bờ. Hai người ở lại, sẵn sàng tiếp ứng hai người nhái lên bờ dò thám (các toán tuần tiễu miền bắc) Voòng A Cầu và Châu Hềnh Xương.
Vẫn còn đang điều chỉnh đôi mắt nhìn vào bóng đêm, nhịp tim Châu Hềnh Xương đập nhanh hơn. Một toán tuần tiễu Bắc Việt đang di chuyển về chỗ hai người nhái vừa xâm nhập. Cúi thấp xuống, Xương hướng đèn báo hiệu về chiếc xuồng cao su bấm nhanh hai cái ra hiệu (có địch, nguy hiểm). Anh ta cùng Cầu chạy nhanh băng qua bãi cát trống vào rừng.
Hai người nhái (Xương, Cầu) hy vọng khi toán tuần tiễu đi qua một quãng xa, họ sẽ báo hiệu cho toán biệt hải đợi nơi chiếc xuồng cao su, rồi tiếp tục nhiệm vụ. Không may, điều đó không bao giờ xẩy ra. Toán tuần tiễu nhìn thấy dấu chân của hai người nhái VNCH in trên bãi cát, họ báo động, tổ chức truy lùng quân biệt hải. Mọi người tẩu thoát trở về chiếc Swift rồi tất cả chạy về miền nam, bỏ lại hai người nhái Voòng A Cầu và Châu Hềnh Xương.
Sau bốn chuyến thất bại, chuyên gia cho rằng đơn vị SOG sẽ thất bại như cơ quan CIA trước đó. Đại sứ Henry Cabot Lodge trong Saigon báo cáo về tỏa Bạch Ốc rằng, chương trinh 34A “có thể được huấn luyện tốt, nhưng rõ ràng không đạt hiệu qủa đối với Hà Nội”
Cấp chỉ huy trong quân đội cũng chỉ trích, Đô Đốc Felt gần hết nhiệm kỳ tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) chưa bao giờ hãnh diện về các hoạt động bí mật, đó là một quyết định “không hay” trong một bước tiến quân sự. Ông ta nói rõ sự đe dọa của các chiến đĩnh Swatow và miền bắc đã báo động hệ thống an ninh, động viên. Cơ hội thành công cho các hoạt động bí mật vẫn ở mức độ rất thấp.
Vị tư lệnh Thái Bình Dương mới, Đô Đốc Ulysses S.G. Sharp lên thay ngày 30 tháng Sáu, lập lại những gì ông ta biết “Tôi đã theo dõi chương trình này (các hoạt động bí mật) từ lâu” ông ta nói tiếp “và những chiếc tầu chạy nhanh phóng thuỷ lôi PTF trở thành sự thực…” Vị Đô Đốc nhìn nhận, Hà Nội có khả năng và hiệu qủa hơn những gì chúng ta biết về họ.
Biết chính quyền Hoa Kỳ (Washington) để ý, đơn vị SOG tái tổ chức chương trình “Các hoạt động bí mật trên biển”. Điều quan trọng nhất là đối tác VNCH cho ban Cố Vấn Hải Quân (NAD). Ngày 1 tháng Tư, Sở Phòng Vệ Duyên Hải (CSS) được thành lập ở Đà Nẵng dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Ngô Thế Linh, trước đó là CHT ngành Đặc Biệt. Lúc đó ngành Đặc Biệt đã phát triển trở thành Sở Khai Thác Đặc Biệt, chỉ huy trưởng mang cấp bậc Đại Tá. Trong chức vụ CHT Sở Phòng Vệ Duyên Hải (PVDH), ông Linh chỉ huy quân biệt hải, các thủy thủ đoàn, tầu chiến và các ban yểm trợ, cố vấn.
Cùng với ban Cố Vấn Hải Quân (NAD), sở PVDH phát triển trong vòng mấy tháng, huấn luyện các toán biệt hải mới cho các trận tấn công bất ngờ từ biển vào. Mỗi toán quân số lên đến 30 người, gần bằng một trung đội bộ binh. Không như cơ quan CIA, đơn vị SOG có thể tuyển mộ thẳng quân nhân từ nhiều đơn vị VNCH. Một trong những toán biệt hải mật danh Romulus tuyển mộ từ TQLC\VNCH, toán khác Nimbus tuyển từ Biệt Động Quân và Nhẩy Dù. Hai toán khác từ Hải QuânVNCH, toán Vega tuyển mộ từ lực lượng bán quân sự Hải Thuyền, toán Athena lấy thủy thủ từ Hải Quân. Có sự thay đổi rộng lớn hơn về tầu bè và thủy thủ đoàn. Trong tháng Ba, PTF-1, PTF-2 sau khi được Hải Quân Hoa Kỳ tu bổ từ mùa đông năm 1962, đã về đến Đà Nẵng. Từ hai tháng trước Saigon đã đồng ý cung cấp đầy đủ thủy thủ đoàn cho hai chiến đỉnh đó. Mặc dầu đã có kinh nghiệm trong Hải Quân VNCH, thủy thủ đoàn cần được huấn luyện xử dụng tầu phóng thủy lôi. Đơn vị SOG qua Âu châu tuyển mộ, nhờ cơ quan CIA ở Bonn (Tây Đức) tuyển mộ năm (5) người Đức sang Việt Nam lái mấy chiếc PTF.
Đó là một lựa chọn không tốt, năm người Đức không có khả năng đi biển (như người Viking – Na Uy), coi thường học viên người Việt, người Đức xem thường tất cả mọi người. “Họ uống rượu Tây (Cognac) rất nhiều, và chiến thuật của họ không hay” Theo lời Đại Úy Trương Duy Tài, một trong những phụ tá của Ngô Thế Linh trong sở PVDH. Một sĩ quan SOG nói thêm “Họ, rất khó kiểm soát, chỉ huy, gây nhiều chuyện rắc rối ngoài đường (khi họ được rảnh rỗi). Cấp chỉ huy NAD, sở PVDH sợ rằng mọi chuyện sẽ lộ ra ngoài vì mấy “trự” người Đức uống rượu say trong mấy Bar ngoài Đà Nẵng, bị rắc rối với cảnh sát và gái…”
Cuối cùng, không còn gì cho mấy người Đức làm việc… vài tuần lễ sau khi hai chiếc PTF-1, PTF-2 đến Đà Nẵng, một chiếc vỡ bình xăng lúc đang tập luyện ngoài biển. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, cải hai PTF cần phải sửa chữa nhiều, đưa qua căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ trong vịnh Subic (Subic Bay) sửa chữa. Đơn vị SOG chấm dứt giao kèo với mấy “trự” người Đức, nói họ sắp xếp vali quần áo… (Chỉ mới qua VN được một tháng đã quậy tới bến, tới bờ… Đáng đời!)
Đến cuối năm 1963, hai chiếc Nasty PTF-3, PTF-4 do Na Uy đóng đã đến vịnh Subic để Hải Quân Hoa Kỳ trang bị thêm đại bác 40 ly gắn trên bong ngay trước mũi tầu, sửa chữa thùng xăng lớn hơn để tầm hoạt động xa hơn, và vất bỏ súng phun lửa vì không cần thiết.
Tháng Mười Hai năm đó, bộ trưởng Quốc Phòng McNamara trong chuyến viếng thăm Việt Nam, có hỏi thăm các tầu chiến của NAD và sở PVDH. Đô Đốc Felt tư lệnh Thái Bình Dương cho rằng, hai tầu Nasty của Na Uy (PTF-3, 4), hai tầu phóng thủy lôi (PTF-1, 2), và mấy chiếc Swift chỉ có thể thực hiện các trận tấn công nhỏ. McNamara trả lời “chuyện nhỏ” và ra lệnh đặt mua thêm bốn tầu Nasty của Na Uy.
Đến tháng Hai năm 1964, thêm bốn tầu Nasty đến vịnh Subic. Tổng cộng sáu chiếc Nasty, Saigon đồng ý cung cấp sáu (6) thủy thủ đoàn cho các chiến đỉnh Nasty, lấy quân thẳng từ Hải Quân VNCH. Hải Quân Hoa Kỳ đồng ý cung cấp toán Yểm Trợ Lưu Động (MST) giúp đỡ Hải Quân VNCH. Toán MST chia đôi, huấn luyện lái tầu, xử dụng súng đại bác 40 ly, và toán cơ khí huấn luyện bảo trì máy tầu. Trở lại Đà Nẵng, NAD chuẩn bị trở lại các hoạt động nơi miền bắc, sau hai tháng “nghỉ ngơi”. Cho đến tháng Năm, “hạm đội” của NAD, sở PVDH có ba chiếc Swift, hai Nasty, và hai tầu phóng thủy lôi (PTF-1, 2) sau khi đã được sửa chữa trong vịnh Subic. Lúc đó mấy thuyền trưởng người Na Uy (được mọi người Mỹ - Việt ưa thích) chỉ còn mấy tuần ở Việt Nam (hết hạn giao kèo), SOG dự trù xử dụng họ lần cuối, thử nghiệm hỏa lực bắn phá của mấy tầu Nasty.
Các trận tấn công từ biển vào do quân biệt hải thực hiện đều không thành công, sĩ quan soạn thảo lệnh hành quân NAD đưa ra một chuơng trình mới mật danh Loki, bắt cóc ngư dân miền bắc đưa đến cù lao Chàm, một hòn đảo ngoài khơi cách Đà Nẵng 22 cây số. Đơn vị SOG đã xây dựng một căn cứ nhỏ trên núi, làm bộ chỉ huy Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc. Người Hoa Kỳ đặt tên là “Hải Đảo Thần Tiên” (Paradise Island).
Trên đảo, phong trào GTAQ dựng lên những khẩu hiệu, tuyên truyền cho phong trào. Nhân viên VNCH làm việc trên đảo đều mặc đồng phục của GTAQ làm như cán bộ của phong trào. Theo kế hoạch, ngư dân bị bắt cóc trong chương trình Loki sẽ bị bịt mắt đưa đến đảo, sau đó dẫn độ lên núi. Trong căn cứ GTAQ, họ sẽ bị thẩm vấn trong vòng hai ngày.
Cuộc thẩm vấn nhằm hai mục đích. Thứ nhất lấy tin tức về sự phòng vệ bờ biển miền bắc, kỹ nghệ đánh cá và nền kinh tế (nói chung) miền bắc. Thứ hai, họ sẽ được “mạn đàm rỉ tai” về phong trào kháng chiến nơi miền bắc là có thật, đã được phát động từ lâu… họ nên “nói nhỏ” cho đồng bào miền bắc biết. Để thưởng công cho sự hợp tác, phong trào GTAQ sẽ cho họ qùa tặng gồm, đồ chơi (cho trẻ em), máy phát thanh radio, và các đồ dùng cần thiết mà rất hiếm nơi miền bắc Việt Nam.
Ngày 27 tháng Năm, chuyến hành quân Loki đầu tiên có mật danh Loki 1 nơi vùng biển tỉnh Quảng Bình gần Đồng Hới. Theo dõi đoàn tầu đánh cá miền bắc, chiếc Swift chọn một chiếc tầm cỡ trung bình, bất ngờ sáp lại, chỉa súng bắt 6 ngư dân lên chiếc Swift, theo sau chiếc Swift là một chiếc Nasty dùng dây câu, kéo chiếc tầu đánh cá miền bắc, rồi cả hai chiếc phóng nhanh về miền nam.
Trên chiếc Swift, mấy người dân đánh cá bị bịt mắt, dẫn lại một góc tầu. Khi băng trở lại phiá nam vĩ tuyến 17 chiếc Swift cập bến, ngư dân miền bắc được đưa qua một tầu đánh cá khác rồi chiếc tầu hướng về cù lao Chàm.
Trung Sĩ David Elliott, một người thông ngôn ban dịch thuật trong Saigon, nhận được cú điện thoại khẩn cấp từ Đà Nẵng. Không cần nói chi tiết, ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) nói cần gấp một người thông dịch viên. Bay lên hướng bắc (Đà Nẵng), Elliott được ba nhân viên CIA đón rồi đưa đến một căn nhà an toàn ngay bờ sông. Tại đó, anh ta được cấp phát bộ quần áo pyjama đen và khẩu tiểu liên K Thụy Sĩ. Sau đó nhân viên CIA “hộ tống” Elliott ra cầu tầu cơ quan NAD, rồi lên một chiếc Swift chạy ra cù lao Chàm.
Theo lời Elliott kể lại, đó là một đảo hoang vùng nhiệt đới, không thấy dấu hiệu có người ở. Anh ta băn khoăn, chẳng biết họ (CIA) nghĩ sao khi cho anh ta mặc bộ pyjama đen. Trong khi Elliott cùng nhân viên CIA ngồi nghỉ, một người Việt Nam cũng ăn mặc pyjama đen, đem đến một chồng hồ sơ, báo cáo sau các cuộc thẩm vấn ngư dân miền bắc bị bắt cóc đưa đến đảo. Elliott dịch sang tiếng Anh ngay tức khắc cho nhân viên CIA.
“Việc này kéo dài hai ngày” Elliott kể lại “Chúng tôi ngủ trong lều gần bờ biển, một người Việt Nam cấp bậc Đại Úy, theo đạo Công Giáo, đem giấy tờ đến cho tôi dịch sang tiếng Anh. Hầu hết các câu hỏi về mục tiêu, đặc biệt trong khu vực Đồng Hới.”
Khi xong nhiệm vụ, Elliott được đưa trở lại Đà Nẵng rồi bay về Saigon. Ngư dân miền bắc sẽ được lên tầu ngụy trang đánh cá, đưa đến gần vĩ tuyến 17, rồi lên chiếc Swift trở về đúng chỗ trước khi bị bắt trong vùng biển Quảng Bình. Như lần bị bắt trước, chiếc Nasty sẽ kéo tầu đánh cá của họ chạy theo sau.
Đó là chuyến thành công đầu tiên sau năm lần thử thách, cũng đủ làm hài lòng NAD. Mọi người rất thích khả năng của loại tầu Nasty, tuy nhiên có vài thay đổi lớn trong đơn vị NAD. Thứ nhất, các thuyền trưởng người Na Uy đã hết giao kèo, chuẩn bị trở về Âu châu. Thứ hai, để bảo mật, người da trắng Âu châu sẽ làm cho chương trình Loki lộ bí mật. NAD tìm người Taiwan thay cho người Na Uy. Họ tuyển được tám (8) thuyền trưởng Taiwan đến Đà Nẵng trong tháng Sáu để lái mấy chiếc Swift.
Trong khi đó chiếc Nasty thứ ba cùng với thủy thủ đoàn trở về, gia tăng sức mạnh của NAD và sở Phòng Vệ Duyên Hải. Tuy nhiên cũng giống như C-123 không phù hiệu, tầu Nasty do Na Uy đóng nhưng bên trong hệ thống radar, điện tử,… đều “made in USA” làm sao chối cãi!
Năm ngày sau, NAD có dịp thử nghiệm khả năng của tầu Nasty trong huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, gần chiếc cầu quân biệt hải thất bại định phá trong tháng Ba vừa qua. Khi toán biệt hải đến vùng biển ngoài khơi Kỳ Anh. Lần này có tầu Nasty yểm trợ, toán biệt hải quân số đông hơn, trang bị mạnh hơn, sẵn sàng chiến đấu.
Xâm nhập từ biển vào, 26 biệt hải trên ba xuồng cao su, âm thầm tiến vào khu nhà kho, nhà ở. Trong mười (10) phút đồng hồ quân biệt hải tha hồ bắn phá bằng đại liên, đại bác không dật vào mục tiêu. Không có tiếng súng địch bắn trả, mục tiêu bốc cháy, và quân biệt hải rút trở về tầu Nasty đợi ngoài khơi.
Nhận thức được khả năng của loại tầu Nasty, thủy thủ đoàn thứ tư từ vịnh Subic trở về hôm 24 tháng Sáu, được chọn để chở quân biệt hải. Mục tiêu lần này là cây cầu trên quốc lộ 1 trong tỉnh Thanh Hóa. Cây cầu là mục tiêu xa nhất từ trước đến thời điểm đó. Tin tưởng vào hỏa lực khả năng của tầu Nasty, cấp chỉ huy SOG cho rằng không cần phải đợi đêm không có trăng.
Đêm 26 tháng Sáu, quân biệt hải tấn công. Bẩy người có nhiệm vụ dùng chất nổ phá cầu, hơn 20 người khác làm thành phần an ninh bảo vệ toán phá cầu. Quân biệt hải giết chết hai lính canh gác, trên đường rút trở về xuồng cao su, họ giết chết thêm bốn lính Bắc Việt, rồi tất cả lên xuồng cao su chạy trở lại tầu Nasty.
Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) như đã tìm ra công thức để chiến thắng, họ thảo kế hoạch cho những trận tấn công lớn hơn, xử dụng hai tầu Nasty, một chiếc chở quân biệt hải, chiếc kia làm thành phần hộ tống, bảo vệ. Lần này họ trở lại Đồng Hới, mục tiêu là trạm bơm nước gần hồ chứa nước dự trữ nơi phiá bắc thị trấn. Có lẽ vì qúa tự tin hay vì áp lực từ Washington, cấp chỉ huy NAD ra lệnh tấn công trong đêm có trăng.
Đúng nửa đêm ngày 30 tháng Sáu, hai tầu Nasty chạy đến Đồng Hới. PTF-6 đợi ở ngoài xa, PTF-5 thả các xuồng cao su xuống biển cho 30 quân biệt hải ngồi vào rồi chạy vào bờ.
Lần này, quân Bắc Việt đợi sẵn, chuẩn bị. Bị hai vố trong hai tuần lễ trước, lực lượng an ninh bờ biển miền bắc báo động. Điều này đúng với Đồng Hới đã bị tấn công lần trước trong tháng Mười Hai. Quân biệt hải vừa vào đến bờ, được chào đón bằng đủ loại vũ khí, đạn lửa bay qua lại như đan lưới trong màn đêm. PTF-5 chạy Gián Điệp & Biệt Kích Page 120
vào gần bờ bắn yểm trợ. Trên bờ quân biệt hải kháng cự, đem được khẩu 57 ly không dật vào bờ bắn 18 viên đạn đại bác vào trạm bơm nước. Quân bắc Việt tiếp tục tấn công ra bờ biển, biệt hải phá khẩu súng 57 ly rồi rút lui trở ra tầu Nasty bỏ lại xác hai biệt hải.
NAD ra lệnh tấn công trở lại trong đêm không trăng. Khi toán bìệt hải xâm nhập vào bờ gần cửa sông Ron đêm 15 tháng Bẩy, quân phòng vệ bờ biển miền bắc đợi sẵn… Quân biệt hải phải rút lui để lại thêm hai xác chết.
XII. BIẾN CỐ VỊNH BẮC BỘ (GULF OF TONKIN)
Chiếc tầu phóng thủy lôi Swift xâm nhập vào vịnh Bắc Bộ, thủy thủ đoàn dùng ống nhòm dò tìm ghe đánh cá ngư dân miền bắc để bắt cóc. Khi tìm ra mục tiêu, thuyền trưởng người Taiwan lái chiếc Swift vòng lại cặp ngang chiếc ghe đánh cá. Quân biệt hải sẽ nhẩy qua ghe, bắt giữ, áp tải tất cả mọi người qua chiếc Swift, bịt mắt họ lại, chạy về miền nam. Chuyến hành quân Loki có thể xem như thành công mỹ mãn.
Nhưng không chỉ có một mình chiếc Swift, hai tầu tuần duyên Swatow Hải Quân miền bắc xuất hiện nơi cuối đường chân trời. Chiếc Swift nhận ra tầu địch, chạy quanh co để trốn tránh và thoát về đến Đà Nẵng sáng ngày 26 tháng Bẩy năm 1964.
Trước đó, Hải Quân Bắc Việt chưa là mối đe dọa, nhưng sự xuất hiện của các tầu tuần duyên Swatow đe dọa các hoạt động bí mật của NAD (ban Cố Vấn Hải Quân - sở Phòng Vệ Duyên Hải). Chỉ huy trưởng đơn vị SOG, Đại Tá Clyde Russell nói rằng “Bắc Việt dễ dàng cho các chiến đỉnh Swatow săn đuổi các tầu (Swift, Nasty) của chúng ta.” Ông ta không nói đến sự kiện, việc phòng vệ bờ biển miền bắc cũng gây khó khăn nguy hiểm cho các trận tấn công từ biển vào, làm cho các hoạt động bí mật trên biển bị giới hạn.
Washington (chính quyền Hoa Kỳ) không cần biết mấy chuyện đó, họ vẫn thúc đẩy chương trình 34A (các hoạt động nơi miền bắc Việt Nam) theo đúng kế hoạch, thời khoá biểu. Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara hỏi ý kiến các cố vấn quân sự, có thể thay thế các trận tấn công vào bờ bằng hỏa lực bắn phá của các tầu chiến từ ngoài biển vào? Sự khuyến cáo của McNamara đến Saigon, trên bàn vị tư lệnh MACV, Tướng William C. Westmoreland. Được chỉ huy trưởng đơn vị SOG thuyết trình, Westmoreland trả lời (McNamara), Hải Quân Hoa Kỳ đã gắn súng cối 81 ly trên hai chiếc Nasty trong vịnh Subic, sẽ đến Đà Nẵng. Lịch sự, ông ta nói nhỏ với bộ trưởng Quốc Phòng rằng loại hoạt động đó (pháo kích, bắn phá từ biển vào), trên phương diện kỹ thuật bị cấm đoán. Luật lệ chiến đấu được bộ Tổng Tham Mưu (quân đội Hoa Kỳ) ban hành, các chiến đỉnh của đơn vị SOG không được bắn vào miền bắc ngoại trừ địch quân khai hỏa, bắn trước.
Trong vòng vài giờ sau, bầu không khí bao trùm các hoạt động trên biển thay đổi. Từ Washington, lệnh hành quân nói rằng, vấn đề ngăn cấm việc bắn phá bờ biển miền bắc không còn hiệu lực. Để đáp ứng, ngày 30 tháng Bẩy, Tướng Westmoreland xem xét lại chương trình các hoạt động trên biển trong tháng Tám, tăng lên 283 phần trăm (283%) so với tháng Bẩy, 566 phần trăm (566%) so với tháng Sáu. Hầu hết các chuyến hành quân đều liên quan đến việc bắn phá từ ngoài biển vào đất liền.
Gần như đêm nào các toán biệt hải cũng phải ra ngoài bắc bắn phá. Lúc đó NAD có tất cả sáu (6) tầu phóng thủy lôi, bốn Nasty và hai Swift ở Đà Nẵng. Hai chiếc Nasty mới nhất trang bị súng cối 81 ly vẫn chưa xong, do đó quân biệt hải tạm thời xử dụng đại bác 57 ly không dật đã trang bị sẵn trên sáu tầu chiến để bắn phá các mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc.
Rời Đà Nẵng vào buổi chiều, bốn tầu chiến PTF chạy lên hướng bắc. Trước nửa đêm, họ chạy chậm lại nơi vùng biển Thanh Hóa, phiá bắc thành phố Vinh. Quân biệt hải chia làm hai nhánh, hai chiếc Nasty chạy theo hướng tây bắc đến đảo Hòn Me. Hai chiếc còn lại, một Swift một Nasty theo hướng tây nam đến đảo Hòn Niêu. Cả hai hòn đảo đều có dàn radar theo dõi các tầu lạ xâm nhập hải phận miền bắc.
Hai mươi phút sau, sáng sớm ngày 31 tháng Bẩy, hai chiếc Nasty tiến vào gần đảo Hòn Me. Viên sĩ quan HQ VNCH là Thiếu Úy Sơn được xem là người giỏi trong khóa huấn luyện lái chiến đỉnh Nasty trong vịnh Subic. Nhưng, trước khi anh ta ra lệnh bắn phá, một chiếc Swatow từ một hang động nào đó trên đảo chui ra, bắn dữ dội vào chiếc tầu Nasty dẫn đầu làm bốn quân nhân biệt hải bị thương trong đó có Thiếu Úy Sơn.
Đáp ứng tiếng súng của chiếc Swatow, quân Bắc Việt trên đảo bắn hỏa châu chiếu sáng bầu trời. Hai chiếc Nasty tránh chiếc Swatow, chạy vào gần hòn đảo bắn phá khoảng 20 phút, gây thiệt hại một ổ súng đại liên, mấy căn nhà trên đảo rồi rút lui về hướng nam. Tầu Swatow đuổi theo nhưng tốc độ chậm hơn nên hai chiếc Nasty chạy thoát về Đà Nẵng.
Tại đảo Hòn Niêu, trận bắn phá được xem như thành công. Sau nửa đêm ngày 31 tháng Bẩy, hai chiếc tầu của NAD dưới quyền chỉ huy Thiếu Úy Huy bí mật tiến gần vào hòn đảo. Họ nhìn thấy rõ đài truyền tin, cả hai tầu chiến khai hỏa bắn xập đài truyền tin, cùng mấy căn nhà trên đảo trước khi rút lui về miền nam.
Tại Đà Nẵng, các cố vấn Hoa Kỳ đợi ngay cầu tầu chờ bốn tầu chiến trở về. Khi chiếc Nasty của Thiếu Sơn vào bến, phần trước mũi bị tầu Swatow bắn gần như tan nát… Trung Úy James Hawes huấn luyện viên SEAL kể lại “Tôi ngạc nhiên, khi chiếc tầu (Nasty) về đến nơi đến chốn” Thiếu Úy Sơn không được may, trúng đạn đại liên 14.5 ly xé thịt từ cùi chỏ ra đến ngón tay (giải ngũ?), Hawes nói thêm “Chúng tôi buồn vì anh ta ra khỏi đơn vị… một quân nhân rất tốt!” Gián Điệp & Biệt Kích Page 124
Đơn vị SOG không phải là đơn vị duy nhất thực hiện các hoạt động bí mật trong vịnh Bắc Bộ đêm hôm đó. Từ nhiểu năm qua, các tầu tuần tiễu Hải Quân Hoa Kỳ mật danh Desoto thường xuyên chạy dọc theo bờ biển châu Á (khu vực Viễn Đông) dò thám, nghe ngóng các trạm truyền tin viễn thông Trung Cộng và Bắc Hàn. Thường nhiệm vụ này được trao cho các diệt lôi hạm (destroyer) đảm trách, trang bị thêm máy móc điện tử để nghe ngóng, cùng với chuyên viên.
Cho đến năm 1964, các chuyến tuần tiễu dò thám Desoto không được phép vào gần bờ biển các nước cộng sän 32 cây số. Nhưng ngày 7 tháng Giêng, lệnh cấm đó được thông qua (du di), cho phép các diệt lôi hạm (destroyer) vào gần bờ biển ít hơn 7 cây số. Tháng kế tiếp, Desoto thực hiện việc tuần tiễu dò thám dọc theo bờ biển miền bắc Việt Nam, và những lần sau dự trù trong mùa thu.
Thời gian đó, các chiến hạm Hoa Kỳ trang bị máy móc điện tử thường xuất hiện trong vịnh Bắc Bộ, có nhiều cơ hội phối hợp với các hoạt động trên biển của đơn vị SOG. Đô Đốc Ulysses S.G. Sharp tư lệnh Thái Bình Dương (lên thay Đô Đốc Felt), trong tháng Năm đề nghị các trận đột kích của đơn vị SOG nên phối hợp “với tầu trang bị radar để giảm thiểu cơ hội bị radar miền bắc khám phá.” Bộ tư lệnh Thái Bình Dương sẽ xử dụng một diệt lôi hạm cho nhiệm vụ này, và họ có thể hướng dẫn chiến đỉnh của SOG đến mục tiêu.
Đề nghị của Hải Quân Hoa Kỳ nghe hợp lý, tuy nhiên đối với vị tư lệnh MACV, Tướng Westmoreland, chuyện này phức tạp, sự liên lạc, phối hợp ngoài khả năng của quân biệt hải, thủy thủ đoàn VNCH (Anh ngữ, máy móc kỹ thuật). Ngoài ra việc phối hợp với Hải Quân Hoa Kỳ làm các hoạt động của đơn vị SOG không thể chối cãi được.
Cũng vì lý do đó, giữa tháng Bẩy, Tướng Westmoreland yêu cầu để cho đơn vị SOG ra khỏi sự phối hợp với Desoto, triệu hồi viên sĩ quan liên lạc của MACV đi theo Desoto. Tuy nhiên ông ta vẫn muốn Desoto cung cấp tin tức tình báo cho cơ quan MACV (SOG) về các hoạt động của miền bắc trong hai tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Ngày 28 tháng Bẩy, diệt lôi hạm Maddox phát xuất từ Taiwan, bắt đầu chuyến tuần tiễu dò thám Desoto. Ba ngày sau, chiến hạm Maddox ghé một tầu chở nhiên liệu trong vùng vịnh Bắc Bộ phiá đông khu vực phi quân sự. Trong thời gian lấy thêm xăng dầu, tầu Maddox trông thấy hai tầu phóng thủy lôi (SOG) đang chạy về hướng nam. Thủy thủ đoàn tầu Maddox lúc đó không biết hai chiến đỉnh SOG vừa mới xong nhiệm vụ bắn phá mục tiêu nơi miền bắc Việt Nam và đang trên đường trở về.
Theo lệnh hành quân, tầu Maddox có hải trình ngang qua 16 điểm dọc theo bờ biển miền bắc từ khu vực phi quân sự lên đến biên giới Trung Cộng (Quảng Ninh), bao gồm luôn những mục tiêu Tướng Westmoreland yêu cầu. Tại mỗi “điểm” chiếc Maddox sẽ ngừng lại đi vòng quanh chặn bắt làn sóng truyển tin của địch, rồi chạy đến mục tiêu kế tiếp.
Trong bốn ngày sau đó, chiến hạm Maddox lặng lẽ làm việc không gặp trở ngại. Trong những giờ đầu tiên ngày 2 tháng Tám, chuyện rắc rối xẩy ra. Sáng sớm hôm đó, tình báo Hoa Kỳ nhận được những dấu hiệu, Hà Nội đã đưa thêm tầu Swatow vào khu vực lân cận Hòn Me và Hòn Niêu (Trên hai hòn đảo này có dàn radar mà tầu chiến Nasty đơn vị SOG đã bắn phá hai đêm trước), và ra lệnh sẵn sàng chiến đấu. Nhận được lệnh này lúc 03:54 phút sáng, HQ Đại Tá John Herrick chỉ huy đặc nhiệm Desoto, ra lệnh cho chiếc Maddox di chuyển ra xa bờ biển miền bắc để tránh đụng chạm lúc trời còn tối.
Sáu tiếng đồng hồ sau, không thấy tầu chiến Bắc Việt, chiến hạm Maddox quay trở lại hoạt động gần bờ biển trong khu vực phụ cận Hòn Me. Herrick vẫn chưa biết, bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hạm Đội 7 nhận được tin tình báo mới nhất, Bắc Việt chuẩn bị đẩy lùi một trận bắn phá đảo Hòn Me (do biệt hải ra tay trước đó hai ngày). Đối với chính quyền Hà Nội, không có sự khác biệt nhiều giữa một tầu chiến nhỏ Nasty hay một diệt lôi hạm, cả hai đều đe dọa nền an ninh miền bắc. Buổi trưa hôm đó, Bắc Việt ra lệnh cho ba tầu Swatow chạy về hướng tầu Maddox. HQ Đại Tá Herrick lên máy báo cáo rất rõ cho Hạm Đội 7 “Có tầu địch chạy nhanh về hướng tầu chiến của chúng tôi, có ý định phóng thủy lôi. Tầu của chúng tôi sẽ nổ súng để tự vệ nếu cần thiết.” Khi ba chiếc Swatow Bắc Việt chỉ còn cách tầu Maddox chưa tới 10 ngàn yards (1 yard = 0.91 m. Chưa đến 10 cây số), chiếc diệt lôi hạm bắn ba phát đại bác ngang mũi tầu chiếc Swatow chạy đầu, chiếc này phóng ra một thủy lôi trả lời. Chiến hạm Maddox bắn tiếp, nhắm vào chiếc thứ hai cùng lúc tầu Swatow phóng ra hai thủy lôi. Chiếc Swatow thứ hai trúng đạn đại bác hư hại phải quay trở vào bờ. Chiến hạm Maddox cũng phải đổi hướng, lèo lái tránh thủy lôi.
Trong vòng hai mươi phút trận hải chiến kết thúc, ba tầu Swatow quay đầu chạy vào bờ. Phản lực cất cánh từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga lên trợ chiến, bắn chìm chiếc Swatow đã bị trúng đạn đại bác tầu Maddox, hai chiếc còn lại chạy thoát. Đô Đốc Thomas H. Moorer tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương (bao gồm luôn hạm đội 7) ra lệnh tầu Maddox được tăng cường chiến hạm Turner Joy, tiếp tục nhiệm vụ Desoto nơi bờ biển miền bắc Việt Nam.
Trong Đà Nẵng, ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) sẵn sàng cho chuyến thứ hai ra miền bắc bắn phá. Buổi chiều ngày 3 tháng Tám, một ngày sau “biến cố vịnh Bắc Bộ”, bốn tầu chiến SOG chạy lên hướng bắc. Khi đến vùng biển phiá nam Hà Tĩnh, họ chia đôi như lần trước, một tầu Nasty một chiếc Swift hướng về đài radar Vinh Sơn, chiếc Nasty còn lại (chiếc Swift khác bị trở ngại máy móc quay về trước) chạy một mình đến miệng sông Ron bắn phá đồn an ninh bờ biển.
Nơi đài radar Vinh Sơn, hai tầu SOG xử dụng đại bác 57 ly không dật bắn phá khoàng 20 phút làm đài radar bốc cháy. Đồn an ninh bờ biển nơi cửa sông Ron cũng chung số phận, bị đại bác 57 ly bắn cháy, mấy tầu chiến SOG chạy về miền nam an toàn.
Sáng hôm sau, sau vụ bắn phá thứ hai, đặc nhiệm Desoto đang di chuyển ngoài khơi Thanh Hóa. Đêm trước, quân đội Hoa Kỳ bàn nhiều về nhiệm vụ Desoto, HQ Đại Tá Herrick đưa ý kiến chấm dứt chương trình Desoto. Đô Đốc Roy Johnson tư lệnh mới hạm đội 7 đồng ý, tuy nhiên Đô Đốc Moorer chống lại, cho rằng Desoto có thể đóng vai trò nghi binh cho đơn vị SOG hoạt động nơi phiá nam.
Cuối cùng phải theo lệnh Đô Đốc Moorer tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, đặc nhiệm Desoto tiếp tục di chuyển lên hướng bắc. Đến xế chiều, tình báo Hoa Kỳ bắt đầu nhận được tin tức có thể Bắc Việt tấn công. Mấy tiếng đồng hồ tiếp theo, trong tình trạng thời tiết xấu, thủy thủ đoàn rất căng thẳng trên hai chiến hạm Hoa Kỳ Maddox và Turner Joy. Họ tin rằng, có ít nhất bốn tầu Swatow Bắc Việt xuất hiện. Hải Quân Hoa Kỳ đưa lên bầu trời 16 phản lực trợ chiến, nhưng có người nói, chuyện tầu chiến Bắc Việt xuất hiện không hề xẩy ra.
Chuyện này lại lên trang nhất các tờ báo ở Hoa Kỳ. Cuộc điều tra sẽ làm lộ bí mật của đơn vị SOG. Ngay cả đến chuyện Hà Nội có thể trả đũa trong Đà Nẵng. Để tránh chuyện này xẩy ra, một công điện gửi cho ban Cố Vấn Hải Quân (NAD): Đem tám tầu phóng thủy lôi PTF đi dấu cho đến khi có lệnh mới.
Thi hành nhiệm vụ, Trung Úy người nhái (SEAL) Hawes, chỉ huy đưa mấy tầu Nasty, hai chiếc Swift ra khỏi bến tầu căn cứ (NAD) ngày 5 tháng Tám. Đoàn tầu đi về hướng nam 480 cây số đến vịnh Cam Ranh tạm trú.
XIII. CÁC HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN
Sau biến cố vịnh Bắc Bộ, Tổng Thống Johnson ra lệnh tăng áp lực đối với chính quyền Hà Nội, đơn vị SOG vẫn phải tiếp tục chương trình 34A (đánh phá miền bắc). Trong Saigon, Đại Sứ Maxwell Taylor phát biểu “Đó là điều trói buộc, chúng tôi vẫn phải tiếp tục các hoạt động (chương trình 34A) tạo áp lực với chính quyền miền bắc”
Trong bộ Ngoại Giao, bầu không khí cũng chống đối việc ngừng các hoạt động đánh phá miền bắc Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng, các hoạt động trong chương trình 34A hiện giờ đã gây khó khăn cho chính quyền Hà Nội, thêm vụ rắc rối tầu Maddox ảnh hưởng trực tiếp (của Bắc Việt) chống lại các hoạt động bí mật đó. Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk viết “Chúng ta không có ý định nới lỏng áp lực” Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao về các Dịch Vụ Viễn Đông William Bundy cho rằng, biến cố vịnh Bắc Bộ làm thay đổi tình thế ở Việt Nam
Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ tổng kết sự quan sát của quân đội cho rằng, thời khóa biểu hoạt động cho chương trình 34A không theo đúng vì ngừng lại (sau biến cố tầu Maddox). Nếu muốn đạt mục đích, chương trình Hoạt Động Trên Biển phải tiếp tục hoạt động trở lại trước ngày 10 tháng Tám, chương trình thả dù quân biệt kích có thể bắt đầu một tuần sau.
Sau năm ngày “ngủ quên” trong vịnh Cam Ranh, “hạm đội” tầu Nasty, Swift ca NAD quay trở về Đà Nẵng, được tăng cường hai tầu Nasty mới trang bị súng cối 81 ly. Trong những tuần lễ kế tiếp, ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) nhận được chiến cụ mới cho các hoạt động trên biển, dưới nước. máy quạt nước T-14 theo kiểu điệp viên James Bond, quạt nước kéo theo người nhái và súng cối 106 ly có tầm bắn xa hơn loại cũ 81 ly. (vào các mục tiêu trên bờ)
Sau biến cố vịnh Bắc Bộ, cơ quan MACV có nhiều phương tiện hiệu qủa để trừng phạt Bắc Việt. Thả bom (không tập). Ngày 5 tháng Tám, để trả đũa miền bắc cho tầu Swatow tấn công chiến hạm Maddox, phi công Hải Quân Hoa Kỳ bay 59 phi vụ, oanh kích năm (5) căn cứ hải quân Bắc Việt, kể cả căn cứ tầu Swatow ở Quảng Khê, tổng cộng tám (8) tầu phóng thủy lôi (Swatow) bị tiêu hủy, thêm 19 tầu chiến khác bị hư hại, trong một ngày. Riêng căn cứ Hải Quân Quảng Khê, trong vòng hai năm, quân biệt hải (người nhái) rat tay bốn lần, chỉ phá được hai tầu Swatow, chưa kể con số thiệt hại của đơn vị NAD.
Sức mạnh của không lực Hoa Kỳ rất rõ ràng, tuy nhiên các tầu Nasty vẫn được lệnh tiếp tục bắn phá các mục tiêu chọn lọc nơi miền bắc Việt Nam, và sẽ tiếp tục trong những tháng đầu năm 1965. Sau trận oanh kích thứ hai trên miền bắc Việt Nam trong tháng Hai trả đũa Việt Cộng pháo kích súng cối vào một phi trường trong miền nam. Các hoạt động bắn phá trên biển trở nên “thụ động” (không cần thiết), ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) phải tìm phương thức hoạt động khác. Tấn công từ biển vào thiếu hiệu qủa và nguy hiểm, người nhái xâm nhập cũng rất nguy hiểm, đã bị loại bỏ từ mùa xuân năm trước.
Chương trình Loki (bắt cóc ngư dân miền bắc) dễ thành công. Trong nửa năm cuối 1964, một loạt hành quân Loki rất thành công, do các thuyền trưởng tầu Swift người Taiwan lái. Nhiệm vụ Loki vẫn không thay đổi kể từ lúc ban đầu: bắt cóc ngư dân miền bắc, bịt mắt đưa đến cù lao Chàm ngoài khơi Đà Nẵng khoảng hai ngày rồi đưa trở về nơi bị bắt cùng với qùa tặng. Một thay đổi, thay vì kéo tầu đánh các miền bắc vào miền nam, quân biệt hải gài mìn bẫy trên ghe đánh cá.
Đến cuối năm 1964, các thuyền trưởng người Taiwan hết giao kèo, trở về nước. Lúc đó VNCH đã có đủ thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn đảm nhận nhiệm vụ lái tầu PTF (Nasty & Swift). Đồng thời cũng ít nhiệm vụ cho các hoạt động bí mật trên biển, hai chiếc Swift được xử dụng cho công việc khác (không chở quân biệt hải lên phiá bắc vĩ tuyến 17).
Chương trình Loki được xem như thành công, NAD bắt đầu soạn thảo các chương trình tương tự khác. Trong mùa xuân năm 1965, chương trình Lance được thực hiên, thay vì bắt cóc ngư dân miền bắc, chương trình Lance bắt cóc người miền bắc đi trên các loại tầu khác không phải tầu đánh cá (thương thuyền…). Họ còn mơ tưởng chuyện bắt sống tầu phóng thủy lôi Swatow cùng với thủy thủ đoàn.
Lúc đó tầu chiến Nasty được trang bị hỏa lực hùng hậu, súng cối 81 ly, đại bác không dật 57 ly, đại liên, đơn vị SOG tin rằng Nasty có thể ngăn chận tầu chiến Bắc Việt. Ý tưởng đó trình lên bộ Tổng Tham Mưu và được chấp thuận trong tháng Bẩy. Chương trình ngăn chận tầu miền bắc có mật danh là Mint, tầu dân sự sẽ được trả tự do, tầu chở theo đồ tiếp liệu quân đội sẽ bị đánh chìm, thủy thủ đoàn bị bắt đưa ra cù lao Chàm.
Chương trình Mint chứng minh thành công, cùng với Loki hai chương trình có sự thành công lên đến 50% (số lần hành quân) trong bốn tháng đầu năm. Con số thống kê đó được cơ quan MACV cho rằng, các hoạt động trên biển có sự thành công cao nhất, đạt hiệu qủa nhiều nhất trong chương trình 34A. Chương trình duy nhất đáng được tiếp tục.
Chương trình Mint và Loki không cần đem theo quân biệt hải, thủy thủ đoàn tầu Nasty có thể xử dụng súng đại bác không dật, súng cối… sau khi đã được huấn luyện. Sáu toán biệt hải bỗng dưng “không có việc làm” kể từ mùa hè năm 1964. NAD ra lệnh cho các toán biệt hải luân phiên đi theo tầu Nasty làm xạ thủ các ổ súng cộng đồng.
Với sự thành công “bắt cóc ngoài biển” Loki và Mint, đơn vị SOG quyết định thực hiện việc bắt cóc trên bờ. Chương trình này có mật danh Swallow, chuyến hành quân bắt cóc trên bờ đầu tiên dự trù trong tháng Sáu năm 1965. Theo kế hoạch, như tổ chức các trận tấn công từ biên vào, toán hành động sẽ xử dụng xuồng cao su xâm nhập, đợi một người không may nào đó đang đi dạo trên bờ biển. Nạn nhân sẽ bị trói, áp tải ra tầu Nasty, cuối cùng đưa ra cù lao Chàm.
Chương trình Swallow nói nghe dễ dàng nhưng thực hiện chuyện bắt cóc trên đất liền không phải chuyện dễ. Trong số 18 chuyến hành quân Swallow thực hiện trong nửa năm cuối 1965, phần lớn phải hủy bỏ. Đơn vị SOG vẫn thúc đẩy hành quân này đầu năm 1966. Ngày 22 tháng Hai, toán biệt hải Athena làm nhiệm vụ bắt cóc người trên bờ (Swallow). Tầu Nasty đưa toán biệt hải Athena ra đến ngoài khơi tỉnh Quảng Bình, thả xuống hai xuồng cao su đưa toán biệt hải vào bờ. Vẫn theo chiến thuật tấn công từ biển vào năm 1964, họ dừng lại gần bờ cho hai người nhái mang chân vịt, tiểu liên Thompson gắn ống hãm thanh, đèn bấm làm hiệu bơi vào bờ trước thám thính.
Ngay tức khắc, chuyện không may xẩy ra, hai người nhái trông thấy một nhóm người dân đánh cá cũng đang nhìn họ. Sửng sốt, hai người nhái quay đầu định bơi trở lại xuồng cao su. Thêm một chuyện nữa, lúc bơi vào được từng đợt sóng hỗ trợ đẩy thêm vào bờ nhanh chóng, lúc bơi trở ra bị sóng đưa trở vào bờ. Bao nhiêu lần cố gắng thất bại, hai người nhái chạy vào bờ tìm một bãi xậy chui vào trốn. Đến sáng hôm sau, dân quân tự vệ tổ chức đi lùng bắt sống được cả hai người nhái.
Vấn đề khó khăn kéo dài qua mùa xuân. Trong tháng Năm, toán biệt hải Romulus quay trở lại vùng biển Quảng Bình tìm bắt cóc tù binh. Cũng gặp chuyện rủi ro như toán Athena trước đó, bị khám phá ngay bờ biển, toán Romulus hấp tấp rút lui, bỏ lại hai biệt hải, bị bắt sau đó.
Tháng Sáu năm đó, đến phiên toán biệt hải Cancer làm nhiệm vụ. Là toán biệt hải duy nhất hoàn toàn người thiểu số Nùng, họ có “chỗ đứng” riêng trong sở Phòng Vệ Duyên Hải (PVDH). Ngày 7 tháng Sáu, bốn người nhái trong toán Cancer, dùng bơi chèo xuồng cao su vào bờ biển gần Nghi Sơn, một hòn đảo tận cùng phiá nam tỉnh Thanh Hóa. Chia làm hai cặp đôi bơi vào bờ trước dò thám. Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua, quân biệt hải người Nùng chờ đèn báo hiệu của bốn người nhái, nhưng hoài công. Đến gần sáng toán Cancer bắt buộc phải rút lui về tầu mẹ (Nasty).
Trong Đà Nẵng, Thiếu Tá Bernard Trainor, sĩ quan hành quân (ban 3) NAD báo cáo về bộ chỉ huy đơn vị SOG (trong Saigon) bốn người nhái trong toán Cancer mất tích. Vài tuần sau, những người còn lại trong toán Cancer bị sa thải.
Sự thực, toán biệt hải Cancer đã may mắn vào được gần bờ biển miền bắc. Không để cho đơn vị SOG (quân biệt hải) có cơ hội, Hà Nội cương quyết ngăn chận tầu Nasty trước khi tầu này đến mục tiêu, đôi khi đáp trả bằng tầu võ trang (Swatow). Trong năm 1966, tất cả sáu (6) trận hải chiến chớp nhoáng được ghi nhận.
Đối với đơn vị SOG, điều đáng sợ nhất là các ổ súng pháo binh phòng thủ bờ biển. Trong cuối năm 1964, chính quyền Hà Nội ra lệnh cho binh chủng Pháo Binh bắt đầu đưa các đơn vị ra phòng thủ dọc theo bờ biển miền bắc, và các hòn đảo có vị trí chiến lược. Đặc biệt tại đèo Ngang hướng bắc sông Ron, mà chính quyền Saigon chọn làm điểm xâm nhập từ năm 1962. Quân đội Bắc Việt đưa một tiểu đoàn thuộc trung đoàn Pháo Binh 165 vào đóng xung quanh đèo Ngang. Họ đã ở đó chờ tầu Nasty đến từ nhiều tháng qua.
Cuối cùng, ba tầu Nasty đến “thăm viếng” đêm 5 tháng Giêng năm 1965. Đợi cho đến khi cả ba tầu Nasty vào cách các mũi súng đại bác 85 ly khoảng 2 cây số, pháo binh Bắc Việt tung ra trận điạ pháo dồn dập. Nhưng có lẽ lần đầu tiên thử nghiệm, hoặc các pháo thủ Bắc Việt chưa có kinh nghiệm, cả ba tầu Nasty chạy thoát.
Mặc dầu thất bại lần đầu, các tầu Nasty của SOG gặp phải pháo binh phòng thủ bờ biển miền bắc thường xuyên trong năm 1966. Tất cả 39 trường hợp, chiến đỉnh Nasty của đơn vị SOG bị pháo binh Bắc Việt từ trong bờ bắn ra. Đơn vị SOG ghi nhận, pháo binh Bắc Việt có thể bắn xa 16 cây số ra biển.
Pháo binh, tầu Swatow không phải là hai loại vũ khí duy nhất miển bắc chống lại quân biệt hải NAD. Chuyện “đụng độ” xẩy ra ngày 7 tháng Ba năm 1966 rất khác thường, khi ba tầu Nasty xong công tác trên đường chạy về từ Thanh Hóa. Trong tháng trước, có bằng chứng radar cho biết phi cơ rất cũ miền bắc muốn ngăn chặn tầu Nasty trong vùng vịnh Bắc Bộ.
Trong khi ba tầu Nasty đang xả hết tốc lực “chạy đua” về hướng nam, một phi cơ “cổ lỗ sĩ” Nga Sô chế tạo An-2 Colt cánh đôi (hai tầng như thời Đệ I Thế Chiến) từ trên trời xà xuống, thả xuống một qủa bom ngay trên bong tầu chiếc Nasty chạy đầu, nổ tung, chiếc Nasty nằm chết giữa biển.
Tình cờ, một tầu tuần tiễu Hải Quân Hoa Kỳ cũng vừa ra khỏi hải phận Thanh Hóa, theo dõi trận tấn công qua hệ thống truyển tin và màn ảnh radar. Tầu chiến Hoa Kỳ bắn lên một hỏa tiễn nổ tung phi cơ Antonow rơi xuống biển.
Trong đơn vị SOG, chuyện Bắc Việt xử dụng phi cơ cánh đôi thời Đệ I Thế Chiến tấn công tầu Nasty nghe có vẻ truyện tranh ảnh cho trẻ con. Ban Cố Vấn Hải Quân chới với tìm kế hoạch chống lại. Nhưng điều đó không cần thiết, Hà Nội chỉ tung ta chiêu đó một lần.
Đôi khi thời tiết gây trở ngại các hoạt động của NAD trong vịnh Bắc Bộ. Nửa đêm ngày 20 tháng Mười Một 1965, ba tầu Nasty chở quân biệt hải gặp thời tiết xấu ngoài khơi tỉnh Hà Tĩnh. Trời đổ mưa lớn, sương mù xuống thấp mặt nước biển, phải hủy bỏ chuyến hành quân.
Thuyền trưởng chiếc Nasty chạy giữa là Trịnh Hòa Hiệp. Khởi đầu đường binh nghiệp là người nhái, anh ta thuyên chuyển sang sở Phòng Vệ Duyên Hải năm 1964, là người đầu tiên trông coi (chỉ huy) toán biệt hải Vega, tuyển mộ từ Hải Quân VNCH. Nắm chức vụ một năm, Hiệp xin thuyên chuyển qua tầu Nasty, rồi sáu tháng sau lên làm thuyền trưởng.
Chiếc tầu Nasty chạy không mở đèn (an ninh), dưới cơm mưa tầm tã, sương mù che phủ mặt nước biển. Không thể quan sát, Hiệp dựa vào radar trang bị trên chiếc Nasty, lúc đó cũng không chạy tốt dưới cơn mưa lớn.
Mặt biển bất ngờ nổi cơn bạo động, xô đẩy chiếc tầu, đẩy mạnh Hiệp vào màn hình radar, thủy thủ đoàn ngã chồng chất lên nhau trên bong tầu. Nước bắt đầu chảy vào bên trong tầu Nasty. Lấy lại bình tĩnh, Hiệp nhìn ra cửa kính trước, chiếc tầu ủi vào một dải cát, nằm nghiêng qua một bên. Là thuyền trưởng, Hiệp bò theo cạnh sườn chiếc tầu đang chìm từ từ. Toán biệt hải Vega (toán cũ dưới quyền anh ta trước đó), không ai bị thương nặng, nhưng ai cũng biết họ đang phải đối diện với tử thần. Chiếc tầu mắc cạn trên dải cát ngầm, và rất gần bờ.
Hai người nhái trong toán Vega bơi vào bờ thám thính, những người còn lại đợi trên chiếc tầu mắc cạn lo lắng. Chưa đầy một giờ sau, hai người nhái Vega quay trở lại, lính Bắc Việt đầy trên bờ biển đang dùng đèn pin lục soát. Tin tức cho biết thời tiết sẽ trở nên tốt hơn, đối với quân biệt hải Vega cùng thủy thủ đoàn tầu Nasty, đó là tin xấu lính Bắc Việt sẽ tìm ra họ dễ dàng.
Cuối cùng lúc 4 giờ sáng, máy truyền tin hoạt động trở lại, chiếc Nasty dẫn đầu đã quay trở lại và đang ở trong khu vực. Khi trông thấy chiếc Nasty bạn, mọi người vui mừng nhẩy xuống biển bơi lại tầu Nasty và được cứu thoát… Quá mệt mỏi, mọi người nằm ngủ trên bong tẩu Nasty, trong khi phản lực Hoa Kỳ lên vùng bắn tan tành chiếc Nasty… (tiêu hủy dấu vết)
Ngày 22 tháng Năm 1966, một chuyện tương tự xẩy ra nơi đảo Hòn Me, hòn đảo “tiền đồn” của tỉnh Thanh Hóa. Đảo này bị tầu Nasty bắn phá lần đầu trong tháng Bẩy năm 1964. Lần này, ba chiếc Nasty sẽ chở một toán biệt hải hỗn hợp lấy ra từ toán Vega và toán Nimbus trong nhiệm vụ bắt cóc trên bờ.
Ba tầu Nasty chở toán biệt hải hỗn hợp đến mục tiêu ngoài khơi Thanh Hóa gần đảo Hòn Me không gặp trở ngại. Quân biệt hải được lệnh xuống xuồng cao su xâm nhập vào bờ, trong khi HQ Đại Úy Trương Duy Tài đi theo trên Nasty ở giữa chỉ huy. Là cấp chỉ huy cao nhất đơn vị biệt hải trong sở Phòng Vệ Duyên Hải, ông Tài không phải đi theo toán biệt hải ra ngoài bắc, nhưng ông muốn để tăng tinh thần cho quân biệt hải.
Trước khi quân biệt hải đẩy xuồng cao su ra khỏi tầu mẹ (Nasty), tiếng đại bác nổ, từng suối phun nước bắn lên cao (sức nổ của đạn đại bác). Địch quân trên đảo Hòn Me phát giác tầu Nasty cùng quân biệt hải gần đảo nên pháo kích. Quân biệt hải vội vã leo trở lại tầu mẹ, chiếc tầu Nasty quay nghiêng, bắn trả lại rồi cả ba chiếc chạy về hướng nam tẩu thoát. Gián Điệp & Biệt Kích Page 140
Họ chạy không được xa, trong lúc hoảng hốt, chiếc chạy đầu ủi vào một bãi san hô ngầm, “mắc cạn” không chạy được, de tới lui cũng không ra được. Trong khi đó trên đảo Hòn Me, quân Bắc Việt không quan sát được vì đêm không trăng, nhưng tiếng động cơ tầu Nasty cho họ biết quân biệt hải vẫn ở gần hòn đảo. Chiếc Nasty thứ hai chạy vào gần định “cứu bồ” cũng kẹt luôn trong bãi san hô ngầm dưới mặt nước biển. Chiếc thứ ba cẩn thận tiến vào, chờ cho quân biệt hải, thủy thủ đoàn, HQ Đại úy Tài trên hai chiếc Nasty bơi xuồng cao su chạy ra, cứu thoát. Một lần nữa phản lực Hoa Kỳ được điều động lên vùng bắn phá tiêu hủy hai chiếc Nasty.
Đôi khi, tầu Nasty là kẻ thù của chính mình. Ngày 16 tháng Sáu, hai tầu chiến SOG (Nasty) chạy đến vùng biển ngoài khơi tỉnh Hà Tĩnh trong một chuyến hành quân Mint (ngăn chận tầu bè miền bắc, không phải tầu đánh cá). Radar cho biết có tầu lạ (mục tiêu), chiếc Nasty theo hướng radar để chận tầu địch bắt cóc người. Tuy nhiên trước khi họ tiến gần mục tiêu, pháo binh Bắc Việt trên đất liền đã phát giác tầu Nasty, bắn ra nhiều đạn đại bác làm mấy tầu Nasty phải rút lui chạy về hướng nam.
Đêm hôm đó, mọi chuyện rủi ro xẩy ra, chiếc Nasty dẫn đầu chạy quanh co để trốn tránh (tầu Swatow của địch, chiếc Nasty cũng sơn đen, chạy không mở đèn để giữ bí mật). Radar trên chiếc thứ hai tưởng tầu Swatow Bắc Việt, hốt hoảng thuyền trưởng chiếc thứ hai ra lệnh khai hỏa. Đại bác gắn trên sàn tầu bắn trúng mục tiêu, máy truyền tin liên lạc loạn xạ cho biết chiếc thứ hai đẵ bắn lầm quân bạn. Chiếc Nasty thứ ba chạy vào cứu tất cả, vớt lên các tử thì đã chết. Về đến Đà Nẵng, biệt hải trên chiếc tầu trúng đạn đòi trả thù, NAD can thiệp đưa viên thuyền trưởng chiếc Nasty thứ hai (thủ phạm) lên một phi cơ bay vào Saigon.
Trong tất cả mọi sự đe dọa đối với các hoạt động trên biển của đơn vị SOG (NAD), sự đe dọa lớn nhất là Ngũ Giác Đài (bộ TTM, bộ Quốc Phòng). Trong tháng Mười năm 1966, Hải Quân Hoa Kỳ được chấp thuận xúc tiến chiến dịch Rồng Biển (Sea Dragon). Trong chiến dịch này, hạm đội gồm bốn (có thể lên tới) Destroyer, và một Cruiser (lớn hơn Destroyer chỉ nhỏ hơn hàng không mẫu hạm) sẽ di chuyển dọc theo hải phận miền bắc. Các mục tiêu: tầu bè, vị trí pháo binh phòng thủ bờ biển, đài radar nếu bị phi cơ trên hàng không mẫu hạm khám phá, sẽ chuyển tiếp cho các destroyer để kịp thời xử lý.
Các tầu Nasty hoạt động trong chương trình Mint được coi như đạt thành qủa tốt. Trong năm 1965, tất cả 52 chuyến hành quân Mint, đánh chìm hơn 50 tầu đánh cá, 19 tầu khác bị hư hại, trong đó có ba tầu tuần tiễu Hải Quân Bắc Việt. Năm sau, Mint phóng ra 106 chuyến hành quân, tiêu hủy 86 tầu bè miền bắc, 16 tầu khác bị hư hại.
XIV. HIỆN TƯỢNG THẤT BẠI DÂY CHUYỀN
Ngày 20 tháng Giêng năm 1965, một phi cơ C-123 mầu xám bay ngang không phận hướng tây tỉnh Lai Châu trong một đêm trăng sáng. Bay vòng nơi hướng bắc Điện Biên Phủ, phi hành đoàn ngời Taiwan trông thấy dấu hiệu bãi thả dù trên mặt đất, viên phi công bật đèn xanh báo hiệu cho toán biệt kích bốn người nhẩy dù xuống. Xong việc, chiếc phi cơ bay sang đất Lào rồi quay về Đà Nẵng.
Đó là những quân nhân biệt kích cuối cùng nhẩy dù xuống miền bắc Vệt Nam tăng cường cho toán Remus. Đó cũng là chuyến thả biệt kích đầu tiên trong năm 1965 của đơn vị SOG. Toán Remus là toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc, nằm vùng lâu dài nhất, có thể nói là “thành công nhất” trong các toán biệt kích ra ngoài bắc. Có lẽ, hơn tất cả những toán khác, Remus phản ảnh sự phát triển của đơn vị SOG, và sự gia tăng cường độ trận chiến Việt Nam. Khi toán biệt kích Remus nhẩy dù xuống miền bắc trong tháng Tư năm 1962, việc nổi loạn (MT/GPMN) vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Trận nội chiến trong quốc gia láng giềng Lào, gây khó khan cho chính sách (đối ngoại) của chính quyền Kennedy. Điều đó dễ hiểu cho một toán biệt kích nhẩy dù xuống gần thung lũng Điện Biên Phủ để dò thám, lấy tin tức. Khu vực Điện Biên Phủ là căn cứ cho một đơn vị cấp lớn Bắc Việt tiến vào khu vực phiá bắc nước Lào. Toán Remus được tuyển từ sắc dân thiểu số Tầy để họ có cơ hội bắt liên lạc với người thiểu số điạ phương.
Đến đầu năm 1963, một hiệp định quốc tế rất mong manh cho phép nước Lào được trung lập. Duới bề ngoài đó (trung lập), Bắc Việt xen vào trận nội chiến của Lào, yểm trợ quân du kích cộng sản Pathet Lào. Ngoài chuyện bên Lào, Hà Nội còn bị nghi ngờ dính líu với Việt Cộng (MT/GPMN). Toán biệt kích Remus sẽ cho chính quyền Hà Nội biết phải lo “chuyện nhà” và sau đó nhiệm vụ cho toán Remus thay đổi từ dò thám thâu thập tin tức tình báo sang phá hoại.
Lý do, toán Remus chưa từng được huấn luyện, trang bị cho nhiệm vụ phá hoại, hai biệt kích quân được huấn luyện đặc biệt về phá hoại nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Remus ngày 10 tháng Tám năm 1963. Cả hai biệt kích quân mới gia nhập toán Remus cũng thuộc sắc dân thiểu số Tầy để toán biệt kích dễ hoạt động làm việc chung với nhau. Ba tháng sau, Remus báo cáo đã đặt mìn trên con đường chính hướng tây nam Điện Biên Phủ sang nước Lào.
Sau khi CIA bàn giao cho đơn vị SOG các toán biệt kích (Operation Switchback) trong tháng Giêng năm 1964, phá hoại vẫn là các hoạt động chính yếu cho các toán biệt kích SOG chương trình 34A (đánh phá miền bắc Việt Nam). Lúc đó, việc sử dụng các sắc dân thiểu số gốc miền bắc của cơ quan CIA chủ trương trước đó không cần thiết. Do đó, ba quân biệt kích sẽ nhẩy dù xuống tăng cường toán Remus ngày 23 tháng Tư thuộc sắc dân thiểu số Mường (không phải người Tầy như nguyên thủy) không sống trong khu vực hướng tây tỉnh Lai Châu.
Cũng như thời CIA, chương trình phá hoại của đơn vị SOG “dường như” đạt hiệu qủa. Trong tháng Tám, Remus báo cáo đã phá xập hai chiếc cầu nơi hướng bắc thung lũng Điện Biên Phủ. Phấn khởi nhận được báo cáo, SOG thả dù thêm bốn biệt kích ra tăng cường cho Remus trong tháng Mười. Như lần trước, ba trong số bốn quân nhân người thiểu số Mường không phải trong tỉnh Lai Châu (người Mường sinh sống trong tỉnh Hòa Bình, miền bắc Việt Nam).
Sự phá xập hai chiếc cầu là kỳ công tốt nhất năm 1964 của toán Remus trong sô các toán biệt kích nằm vùng dài hạn. Họ vẫn chưa biết sau biến cố vịnh Bắc Bộ, Tổng Thống Johnson ra lệnh gia tăng áp lực đối với Hà Nội bằng các trận thả bom xuống miền bắc và đưa quân đội Hoa Kỳ vào miền nam Việt Nam. Cuối năm, đơn vị SOG quyết định mở rộng mức độ phá hoại, cung cấp hỏa tiễn cho các toán biệt kích hoạt động nơi miền bắc Việt Nam.
Việc trang bị quân biệt kích hỏa tiễn cũng không hoàn toàn mới, quân biệt hải đã xử dụng hỏa tiễn (CIA chế tạo) từ năm 1963 cũng không đạt hiệu qủa. Lần này SOG dự định cho quân biệt kích xử dụng loại lớn hơn, 4.5 inches. Loại hỏa tiễn này trong ông phóng bằng fiberglass (như M-72), đem sang Việt Nam thử nghiệm trên chiến trường. Các huấn luyện viên (Mũ Xanh) trong căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành cho biết, phải có bao cát nâng họng súng (ống phóng) lên, hỏa tiễn có thể phá hủy mục tiêu cách xa bốn cây số.
Đơn vị SOG thành lập, huấn luyện một toán thử nghiệm (xử dụng hỏa tiễn phá hoại) gồm chín (9) biệt kích quân, sẵn sàng lên đường trong tháng Giêng năm 1965. Tất cả đều là người Việt sống trong vùng bình nguyên, cùng nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Remus. Điều này là một khúc quanh lớn trong chương trình 34A. Trước đó, chương trình này chỉ tuyển mộ quân biệt kích gốc dân tộc thiểu số nơi miền bắc Việt Nam (Tầy, Nùng, Mường, Thái, … dễ nằm vùng, hoạt động)… Điều này cơ quan CIA và cả SOG trước đó (không ngờ) gây chia rẽ người Việt và các dân tộc thiểu số.
Mục tiêu cho toán biệt kích là phi trường Điện Biên Phủ, đang được xử dụng làm phi trường tiền phương Không Quân Bắc Việt. Ngày 20 tháng Giêng, bốn quân nhân trong số chín (9) “chuyên viên xử dụng hỏa tiễn” nhẩy dù xuống gia nhập toán Remus, năm người kia “cáo bệnh” không đi. Tiếp theo Saigon nhận được công điện báo cáo, trong số bốn người mới nhẩy dù xuống, một bị gẫy chân, một chết vì nứt sọ, hai người còn lại cùng với kiện hàng hỏa tiễn đi theo toán biệt kích Remus di chuyển lên hướng bắc Điện Biên Phủ, sau đó bắn hỏa tiễn vào bên trong thung lũng. Quân biệt kích báo cáo gây thiệt hại nhiều phi cơ (Bắc Việt). Điều này đưọc phi cơ thám thính Hoa Kỳ chụp không ảnh gửi về kiểm chứng đúng.
Sau trận bắn phá phi trường, SOG tuyên dương toán Remus là toán biệt kích “số 1” trong các toán nằm vùng dài hạn. Tuy nhiên trong Ngũ Giác Đài, các hoạt động phá hoại chương trình 34A vẫn chưa được như hội đồng Tưóng Lãnh bộ TTM hy vọng. Dấu hiệu đầu tiên về một sự tái thẩm định (thành qủa) hoàn toàn đơn vị SOG xuất hiện trong tuần lễ thứ hai cûa tháng Ba, khi Tham Mưu
Trưởng Lục Quân, Tướng Harold K. Johnson qua thăm nam Việt Nam tìm hiểu các sự kiện. Ông ta không dấu diếm, sự bất bình về mục tiêu của đơn vị SOG, và các hoạt động.
Sự chỉ trích đó dễ hiểu, kề từ khi xẩy ra biến cố vịnh Bắc Bộ (thả bom miền bắc, Mỹ đưa quân đội vào miền nam), các hoạt động của đơn vị SOG đặc biệt thả dù quân biệt kích ra ngoài bắc… gần như dậm chân tại chỗ, không phát triển. Trong vòng sáu tháng, chỉ thả dù được bốn toán ra miền bắc nằm vùng dài hạn. Chưa tính, ba toán nhẩy dù ra tăng cường, chỉ có một toán mới, sau khi nhận bàn giao từ cơ quan CIA trong tháng Giêng 1964.
Nhìn nhận những sự kiện Tướng Harold K. Johnson, tham mưu trưởng Lục Quân tìm ra, Tổng Thống Johnson chấp thuận gia tăng các hoạt động của đơn vị SOG. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương được lệnh trình lên bản dự thảo chắc chắn, và đến ngày 27 tháng Ba, CINCPAC đưa ra ba điều khuyến cáo cho chính sách (của chính quyền Hoa Kỳ). Thứ nhất, các toán biệt kích nằm vùng dài hạn mở rộng các hoạt động, bao gồm yểm trợ các hoạt động kháng chiến, thâu thập tin tức tình báo, chiến tranh du kích, thiết lập mạng lưới tẩu thoất cho các phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi nơi miền bắc. Thứ hai, tầu ngầm sẽ được xử dụng cho điệp viên, biệt kích xâm nhập. Thứ ba, các phi cơ C-123 biến cải của đơn vị SOG sẽ được thay thế bằng C-130 tối tân, phức tạp hơn. Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ ký thuận cho cả ba điều hôm 29 tháng Ba. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao chỉ đồng ý điều thứ nhất, phủ quyết hai điều còn lại.
Được chấp thuận, mở rộng các hoạt động cho các toán biệt kích nằm vùng nơi miền bắc Việt Nam, đơn vị SOG soạn thảo một loạt các hoạt động ngoại lệ, ngay cả các hoạt động trước đó đã không có kết qủa tốt. Điều này gây rắc rối (rối trí) trong Ngũ Giác Đài, những hoạt động nào của đơn vị SOG có thể thi hành? thực hiện được? Theo lời HQ Đại Tá Bruce B. Dunning, một sĩ quan cao cấp trong SACSA (Phòng Phụ Tá Chống Nổi Loạn và các Hoạt Động Đặc Biệt), đó là dấu hiệu đầu tiên của “hiện tượng mất mặt” Dunning tìm hiểu vấn đề này gây ra bởi thiếu mục tiêu rõ ràng. “Tôi không hiểu rõ lắm!” ông ta kết luận “Mục đích thực sự của chương trình này được Washington (chính quyền Hoa Kỳ) nói qúa nhiều và được hậu thuẫn của một quan niệm… biết rất rõ ràng.”
Có lẽ, không điều gì rối ren hơn tất cả là chuyện hồi sinh của nỗ lực kháng chiến (trước đó đã đưa ra quan niệm rồi… bỏ quên trong tủ sắt). Đầu tiên do Tổng Thống Kennedy đưa ra năm 1961, ý tưởng này bay vòng trong cơ quan CIA. Trong năm 1963, cơ quan này đã định tiến thêm vài bước trên đường thành lập phong trào kháng chiến nơi miền bắc Việt Nam, với toán biệt kích Easy làm nồng cốt. Nhưng kết cuộc chuyện này chẳng đi đến đâu.
Đại Tá John K. Singlaub, một cấp chỉ huy tương lai của đơn vị SOG nói “Mục đích của đơn vị SOG để cho chính quyền Hoa Kỳ tạo áp lực lên địch quân, chính quyền miền bắc Việt Nam… Nhưng với sự giới hạn, gò bó của chính sách về các hoạt động ‘bí mật’ làm cho các hoạt động khó thành công.”
Lý do kể trên đã gây nên hậu qủa, mùa hè năm 1965, khi bộ tư lệnh Thái Bình Dương xem xét lại bản dự thảo, câu chuyện kháng chiến lại đưa lên bàn họp. Tuy nhiên, tháng Chín năm đó, cả hai bộ Ngoại Giao và cơ quan CIA đều phủ quyết chuyện kháng chiến.
Vài tháng sau, đơn vị SOG cố gắng (xin phép … kháng chiến) thêm lần nữa. Người cầm mũi dáo là Đại Tá Donald D. Blackburn, lên thay Clyde Russell chỉ huy, điều hành đơn vị SOG trong tháng Sáu năm 1965. Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, Blackburn đã chỉ huy một trung đoàn du kích quân người Philippines. Bây giờ lên nắm quyền chỉ huy đơn vị SOG, ông ta muốn đem chuyện kháng chiến vào miền bắc Việt Nam.
Không như cấp chỉ huy trước đó, yểm trợ phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc (GTAQ), Blackburn muốn “làm thiệt”. Một điểm quan trọng cho quan niệm về “Mặt Trận” là sự liên hệ với phong trào GTAQ, để có lý do chối cãi việc Hoa Kỳ và nam Việt Nam tài trợ cho các hoạt động bán quân sự nơi miền bắc Việt Nam, và phong trào GTAQ là điều quan trọng nhất đối với Mặt Trận. Câu chuyện “bề ngoài” GTAQ là cánh tay hành động của Mặt Trận, nhìn nhận có điệp viên hoạt động nơi miền bắc (tạo dựng), và liên lạc qua người đưa tin bí mật hoặc trên đài phát thanh (GTAQ). Ngoài ra, phong trào GTAQ được dùng để khuyến khích (kích động) quân biệt kích và thủy thủ đoàn (Hải Thuyền).
Blackburn muốn xây dựng một căn cứ địa vững chắc cho kháng chiến quân nơi hướng tây bắc miền bắc Việt Nam. Blackburn sau này kể lại “Tôi muốn lội bộ cùng với họ từ bên Lào trở về Việt Nam… như Philippines trước đây.”
Từ những căn cứ “hậu phương”, các tổ kháng chiến có thể nhận tiếp tế, tăng viện dễ dàng, rồi từ đó băng qua biên giới xâm nhập vào (miền bắc) Việt Nam. Cũng như quân cộng sản xử dụng các căn cứ địa trên đất Cambodia trong thời gian chiến đấu trong miền nam Việt Nam. Các căn cứ trên đất Lào cũng là nơi dung thân cho các toán biệt kích SOG khi bị quân đội Bắc Việt truy kích, săn đuổi.
Những năm trước, việc xử dụng quốc gia trung lập Lào làm căn cứ dưỡng quân là điều không thể được. Đến giữa năm 1965, nước Lào xẩy ra trận nội chiến, và nhóm du kích chống cộng sản chiếm được nhiều túi “kháng chiến”. Lãnh tụ các nhóm du kích quân bên Lào là Tướng Vang Pao (dân tộc thiểu số Hmong, người Mèo), một người có cảm tình với chế độ Saigon (miền nam Việt Nam), đã từng gặp Đại Tá Trần Văn Hổ, chỉ huy trưởng Sở Khai Thác Đặc Biệt (Điạ Hình?) VNCH, bàn chuyện hợp tác chống Hà Nội.
Không phải chỉ có một mình Vang Pao nhận lời giúp đỡ, Blackburn tin tưởng được sự yểm trợ của Se Co Tin, một trưởng làng người Thổ (tù trưởng) đã tuyển mộ cho cơ quan CIA nhóm biệt kích đầu tiên. Mười một năm trước, Se Co Tin đã liên hệ mật thiết với một kế hoạch kháng chiến do Liên Đoàn Biệt Kích Nhẩy Dù Lưu Động (GCMA) người Pháp tổ chức trong những tháng cuối cùng trước khi hiệp định Genève ký kết. Tổ chức kháng chiến có tên là “Ủy Ban Giải Phóng khu vực Thượng Lưu Sông Hồng” Biệt kích quân Pháp cùng với các lãnh tụ người Thổ hoán chuyển (đưa) quân kháng chiến GCMA vào các túi kháng chiến dọc theo biên giới Trung Hoa. Vấn đề tiếp tế cho các túi kháng chiến khó khăn, nên cấp chỉ huy người Pháp trong Hà Nội dẹp bỏ chương trình này.
Được đơn vị SOG mời làm việc, Se Co Tin vừa trở về từ khu vực phiá bắc nước Lào. Đại Tá Blackburn cho ông ta biết sơ về chương trình kháng chiến và Se Co Tin phấn khời, nhanh chóng nhận lời giúp đỡ thành lập các tổ (kháng chiến) và các đường dây liên lạc.
Thâu
thập tất cả sự kiện, Đại Tá Blackburn trình lên Đại Sứ Henry Cabot Lodge và được
chấp thuận. Tiếp theo, chương trình “kháng chiến” được chuyển tiếp đến bộ tư lệnh
Thái Bình Dương trong tháng Bẩy năm 1966, không ngờ bị phủ quyết, và ông ta
chuyển tiếp cho bộ Tổng Tham Mưu biết là ông ta không tán đồng.
Vị tư lệnh Thái Bình Dương không phải là người duy nhất chống đối kế hoạch “kháng chiến”, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Lào William Sullivan đòi hỏi mọi chuyện trong khu vực trách nhiệm của ông ta (nước Lào) phải có sự chấp thuận của ông ta… và ông ta đã cấm đoán nhiều hoạt động của quân đội Hoa Kỳ trên đất Lào từ nhiều năm qua.
Đến năm 1965, cuộc chiến Việt Nam gia tăng cường độ hàng tháng, quân đội Hoa Kỳ đưa sang Việt Nam nhiều đơn vị cấp lớn (sư đoàn) làm cho vai trò của đơn vị SOG trở nên lu mờ. Tiếp theo là chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder), thả bom (không tập) miền bắc Việt Nam bắt đầu từ ngày 3 tháng Ba, Washington, giới lãnh đạo Hoa Kỳ trong chính quyền, quân đội càng ít để ý đến đơn vị SOG. Thay vì ra lệnh cho toán biệt kích phá xập một chiếc cầu, không lực Hoa Kỳ thi hành nhiệm vụ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều. Các hoạt động thả dù quân biệt kích ra miền bắc phá hoại, cũng như các hoạt động biệt hải đánh phá bờ biển miền bắc gần như lỗi thời.
Không được phép tổ chức phong trào kháng chiến, nhiệm vụ phá hoại cũng giảm bớt, đơn vị SOG trong thời gian giữa năm 1965, tìm hướng đi mới (nếu không có thể bị giải tán). Cơ quan MACV tìm đủ mọi cách ngăn chận sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt đưa người, chiến cụ, đồ trang bị tiếp liệu vào miền nam Việt Nam. Tong mùa hè năm đó, đại sứ Hoa Kỳ ở Lào Sullivan bị áp lực phải để cho cơ quan MACV phối hợp việc thả bom trên hệ thống đường mòn HCM phía tây nước Lào trong khu vực cán chảo (ngang với Thanh Hóa, bắc Việt Nam). Để cho việc thả bom được chính xác, MACV đòi hỏi cho các toán biệt kích do quân Mũ Xanh Hoa Kỳ chỉ huy phát xuất từ các căn cứ tiền phương (cc phóng) trong miền nam, xâm nhập vào dò thám đường mòn tìm mục tiêu cho phi cơ Hoa Kỳ oanh kích.
Trên lý thuyết, nước Lào vẫn trung lập, chương trình dò thám của cơ quan MACV vẫn phải giữ bí mật và chối cãi được. Nhiệm vụ này được trao cho đơn vị SOG. Nửa năm sau 1965, quân Mũ Xanh Hoa Kỳ huấn luyện biệt kích quân Việt Nam thám sát đường mòn, căn cứ điạ của địch. Một chiến dịch hành quân mới được thành lập ngày 8 tháng Mười dưới danh hiệu Shining Brass, dò thám đưòng mòn HCM trên đất Lào, tìm kiếm mục tiêu (căn cứ, binh trạm, kho tiếp liệu) cho phi cơ Hoa Kỳ oanh kích.
Mùa hè năm đó, đơn vị SOG đã chuyển hướng các hoạt động thả dù quân biệt kích để đáp ứng nhu cầu mới theo sự đòi hỏi của chính quyền Hoa Kỳ. Thứ nhất từ đầu năm 1965, cả hai bộ TTM quân đội Hoa Kỳ và cơ quan Tình Báo Quốc Phòng (DIA) lo ngại Trung Cộng có thể nhẩy vào chiến trường Việt Nam (như trận chiến tranh Triều Tiên), do đó họ cần những toán biệt kích SOG nằm vùng dài hạn để báo động nhanh chóng sự xuất hiện của quân
Trung Cộng nơi miền bắc Việt Nam. Tình báo quốc phòng vẫn thâu thập chưa đủ tin tức về sự phát triển của quân đội Bắc Việt, đã được trang bị các dàn hỏa tiễn điạ-không SA-2 của Nga Sô viện trợ trong mùa xuân vừa qua. Thứ ba, tình báo quốc phòng cần lấy tin tức về các mục tiêu cho phi cơ oanh kích.
Đầu tháng Mười, bộ tư lệnh Thái Bình Dương sửa đổi một chút nhiệm vụ của đơn vị SOG. Theo bản mới này, nhiệm vụ cho các toán biệt kích SOG hoạt động ngoài miền bắc, dò thám theo dõi những con đường từ bắc Việt Nam chạy sang Lào. Thêm nhiệm vụ báo động về sự tham chiến của Trung Cộng, nhiệm vụ mới cho các toán biệt kích SOG nằm vùng nơi miền bắc là Theo Dõi Báo Động Sớm (EWOT)
Nguồn nhân lực tuyển mộ sắc dân thiểu số gốc miền bắc vơi cạn đi, đơn vị SOG phải tìm quân nhân VNCH để tuyển mộ. Kết qủa là toán biệt kích Romeo gồm năm quân nhân lấy từ sư đoàn 2 Bộ Binh cùng với năm người dân sự. Toán Romeo đã được huấn luyện cả năm trời, là toán đầu tiên với 10 biệt kích quân cho chương trình EWOT. Nhiệm vụ cho Romeo theo dõi đường 103, một nhánh đường nhỏ chạy song song khu phi quân sự về hướng tây (sang đất Lào) nhập vào hệ thống đường mòn HCM.
Khi toán biệt kích Romeo chuẩn bị lần cuối, đơn vị SOG có phương tiện thả dù quân biệt kích xâm nhập mới. các phi công Taiwan lái loại C-123 đã hơn hai năm, và loại phi cơ này thả dù, định vị bãi thả dù không được chính xác cho lắm. Đặc biệt với khả năng phòng không của quân đội Bắc Việt, với hỏa tiễn SA-2 rất nguy hiểm cho loại phi cơ C-123.
Đơn vị SOG có ít lựa chọn, loại tân tiến C-130 đã bị bộ Ngoại Giao không cho phép từ đầu năm. Trực thăng Air America (CIA) xử dụng lần cuối cùng năm 1962, đưa toán biệt kích Atlas xâm nhập lúc đó không có sẵn, vì SOG là một đơn vị quân đội không muốn “vay mượn” đồ nghề của CIA. Một lựa chọn tốt khác là xử dụng phi công Hoa Kỳ lái trực thăng, phát xuất từ Thái Lan (căn cứ không quân Nakhon Phanom, Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ). Trong tháng Chín năm 1965, vị đại sứ Hoa Kỳ ở Bangkok đã chấp thuận việc xử dụng trực thăng cho các chuyến công tác của đơn vị SOG, phát xuất từ phi trường Nakhon Phanom. Tuy nhiên lúc đó, Không Quân Hoa Kỳ chưa đem trực thăng sang Thái Lan.
Một chọn lựa khác là xử dụng trực thăng Không Quân VNCH. Thực ra, từ năm 1961, trực thăng (loại cũ) H-34 VNCH đã được xử dụng đưa quân biệt kích VNCH xâm nhập vào dò thám đường mòn HCM trên đất Lào. Và các phi công VNCH cùng với phi hành đoàn H-34 đã chứng minh rất thành công, ngay cả lúc thời tiết xấu, điạ hình rừng núi khó khăn. Nhng không hiểu tại sao, đơn vị SOG bỏ quên họ lúc được thành lập từ đầu năm 1964. Thực ra người Hoa Kỳ biết nhưng họ không tin tưởng phi công VNCH, cho đến khi Đại Tá J.E. Johnson, trưởng phòng hành quân đơn vị SOG, đọc các bản báo cáo về phi đoàn trực thăng (219) cùng các phi công H-34 VNCH. Ông ta chấm điểm tối đa phi đoàn H-34 VNCH ngay tức khắc.
Các phi công H-34 VNCH đã chứng tỏ tài thiện nghệ, lòng can đảm trong hành quân Shining Brass. Bốn trực thăng H-34 không phù hiệu, cùng với phi công, phi hành đoàn được biệt phái hành quân (cho đơn vị SOG) bay đến phi trường Nha Trang trong tháng Mười năm 1965. Các phi công lừng danh của phi đoàn 219 trực thăng H-34 VNCH có danh hiệu như: “Cowboy”, “Spider”. Họ rất giỏi trong việc thả, thâu hồi các toán biệt kích SOG do quân Mũ Xanh Hoa Kỳ làm trưởng toán (chỉ huy).
Phi công trực thăng H-34 VNCH được chọn để đưa toán biệt kích Romeo xâm nhập. Sáng ngày 19 tháng Mười Một, 10 quân biệt kích toán Romeo chương trình 34A (đánh phá miền bắc) được đưa lên căn cứ hành quân tiền phương (FOB) Khe Sanh, cách biên giới Lào Việt khoảng sáu cây số và cách khu vực phi quân sự không đến 40 cây số.
Đúng
03:00 (ba giờ sáng), toán biệt kích Romeo lên ba trực thăng H-34 cất cánh từ
Khe Sanh. Trên chiếc H-34 dẫn đầu có sĩ quan SOG chỉ huy quân biệt kích, hai xạ
thủ đại liên người Hoa Kỳ, viên phi công phụ người Hoa Kỳ. Ngồi ghế phi công
chính là Đại Úy Nguyễn Phi Hùng biệt danh “Moustachio”. Toán biệt kích 10 người
lên hai chiếc H-34 còn lại. Đại Úy Hùng bay lên hướng bắc, băng qua khu vực phi
quân sự, rồi đến bãi đáp thả toán biệt kích Romeo. Toán biệt kích nhẩy ra khỏi
trực thăng chạy nhanh lại hàng cây bìa rừng, biến mất. Ba chiếc H-34 cất cánh
bay nhanh về miền nam trước khi ánh mặt trời lên.
XV. TRONG GIẤC MƠ
Tuần trăng mật Theo Dõi Báo Động Sớm (EWOT) kéo dài không được lâu. Đầu năm 1966, SOG tin tưởng họ có chín (9) toán biệt kích hoạt động nơi miền bắc Việt Nam, tổng cộng 78 biệt kích quân. Hai toán mới ra miền bắc là toán Romeo xâm nhập trong tháng Mười Một 1965 và toán Kern chín quân biệt kích nhẩy dù xuống gần đèo Mụ Già trong tháng Ba năm 1966. Cả hai toán biệt kích đều lên máy báo cáo, sau khi xâm nhập. Họ “làm việc” cho bộ tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC), tin tức về việc quân đội Bắc Việt (công binh) tu sửa đường xá để đưa quân, đồ tiếp liệu vào miền nam.
Đơn vị SOG tìm phương tiện kỹ thuật mới, gia tăng khả năng truyên tin liên lạc. Các toán biệt kích nằm vùng nơi miền bắc vẫn xử dụng máy truyền tin RS-1 (quay tay, đầu bò). Máy này cồng kềnh khó đem theo, lúc xử dụng gây tiếng ồn ào, và dễ cho ngành an ninh phản gián Bắc Việt xử dụng máy (loại mới) dò tìm nơi phát ra làn sóng. Ngoài ra rất lệ thuộc vào thời tiết, chỉ những hôm thời tiết tốt mới liên lạc được. Vấn đề khác, trạm tiếp vận truyền tin Bugs của cơ quan CIA đặt ở Philippines không thể làm việc với nhiều toán biệt kích cùng lúc. Do đó các toán biệt kích chỉ có thể gửi về Saigon một bản báo cáo mỗi tuần.
SOG để ý một loại máy truyền tin khác Delco 5300. Loại này có thể dùng để liên lạc, nói chuyện hay gửi công điện Morse. Cơ quan CIA đã trang bị loại này cho các toán dò thám đường của họ trên đất Lào. Đơn vị SOG đặt mua 2 máy trong tháng Tư 1966.
Phương tiện không yểm cũng cần cải tiến. Bắc Việt vẫn luôn cải tiến vấn đề phòng thủ không phận. Trong khi các phi công Taiwan cùng phi hành đoàn C-123 rất lo ngại chuyến thả dù tái tiếp tế cho điệp viên Ares (điệp viên đơn phương xâm nhập từ năm 1961) và toán biệt kích Eagle sáu người xâm nhập tỉnh Quảng Ninh trong tháng Sáu năm 1964. Cả hai đều nằm gần vòng tròn hệ thống phòng không bảo vệ Hải Phòng. Chương trình tái tiếp tế soạn thảo trong tháng Hai năm 1965, cho phi cơ C-123 thả dù kiện hàng tiếp liệu cho toán biệt kích Eagle, rồi quân biệt kích sẽ chia phần cho Ares. Nghe nói đến hỏa tiễn SAM phòng thủ bầu trời miền bắc, các phi công Taiwan không chịu bay.
Hiểu sự nguy hiểm cho các phi công, đơn vị SOG tìm phương tiện khác để thả dù tiếp tế, phi cơ bay với tốc độ nhanh, kể cả phản lực. Phương tiện này vẫn có giới hạn, như khó nhìn rõ dấu hiệu bãi thả dù trên mặt đất (tốc độ nhanh). Nếu thả dù rơi xuống chậm, thời gian đủ để cho lực lượng an ninh miền bắc tìm ra kiện hàng cùng toán biệt kích. Vấn đề kế tiếp tìm phi công bay phi vụ tiếp tế. Ba phi hành đoàn C-123 Không Quân VNCH đã hoàn tất chương trình huấn luyện ở Florida, một tử nạn trong lúc huấn luyện, một phi hành đoàn khác “xin ra”, còn lại một phi hành đoàn cuối cùng bị “sa thải” trong mùa xuân năm 1966, vì không thành công nhiều lần.
Nguyễn Cao Kỳ đã lên cấp Tướng, người đã bay những phi vụ thả biệt kích ra miền bắc từ năm 1961. Ông ta cũng là người chỉ huy phi đoàn VNCH đầu tiên ra oanh tạc ngoài bắc trong tháng Hai năm 1965. Tướng Kỳ lần này cho phép xử dụng phi đoàn ưu tú 83 Chiến Thuật VNCH. Xử dụng phi cơ cánh quạt A1-G Skyraider danh hiệu Thần Phong (Devine Wind - Kamikaze), một phi công A1-G bay băng qua khu vực phi quân sự trong tháng Tư năm 1966 về hướng những ngọn đồi gần đường 103. Nhìn thấy dấu hiệu toán biệt kích Romeo trên mặt đất, viên phi công thả hai qủa bom Napalm giả bên trong chứa đồ tiếp liệu gồm quần áo, thực phẩm, đạn dược cho toán biệt kích 34A. Không quân VNCH bay thêm bốn chuyến tái tiếp tế cho các toán biệt kích hoạt động trong khu vực cán chảo miền bắc Việt Nam cùng năm đó.
Sau đó, SOG nhờ Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ. Thay vì dùng A1 Skyraider, phi công Hoa Kỳ bay phản lực Phantom F-4 từ phi đoàn 366 chiến thuật trong phi trường Đà Nẵng. Mục tiêu là toán biệt kích Eagle hoạt động trong khu vực tây bắc tỉnh Quảng Ninh. Trong khi các phi cơ khác tham dự trận oanh kích ở một nơi khác gần đó như nghi binh, đánh lạc hướng quân đội Bắc Việt, hai phản lực F-4 tách ra bay thẳng đến mục tiêu, nhìn thấy dầu hiệu toán Eagle trên mặt đất, họ thả xuống hai qủa bom Napalm giả bên trong chứa đồ tiếp liệu. Sau đó, toán biệt kích lên máy báo cáo đã nhận được “qủa bom”. Vấn đề tái tiếp tế cho các toán biệt kích, điệp viên nằm vùng dài hạn giải quyết xong. Riêng vấn đề thả dù các toán biệt kích mới hoặc ra tăng cường cho các toán đã xâm nhập từ trước cũng có vấn đề. Phi cơ C-123 bắt đầu có dấu hiệu (gìa nua, hư bộ phận này, hư bộ phận kia). Hệ thống máy móc điện tử phá làn sóng radar đã lỗi thời, không hiệu qủa đối với hệ thống phòng không rất hữu hiệu miền bắc. Phi công Taiwan cũng báo cáo, hệ thống định hướng cũng không được chính xác trong điều kiện thời tiết xấu. Trong mùa xuân 1965, đơn vị SOG đã yêu cầu thay thế C-123 bằng loại C-130 tân tiến, nhiều khả năng hơn. Đến tháng Chín năm đó, SOG yêu cầu một lần nữa cho loại phi cơ C-130 cùng với phi hành đoàn Hoa Kỳ. Sự yêu cầu của SOG lên đến bộ Quốc Phòng và được bộ trưởng McNamara chấp thuận ngay, không phải vì loại phi cơ C-130 có khả năng chuyên chở nặng hơn, bay nhanh hơn. Lúc đó Hải, Không Quân Hoa Kỳ mở chiến dịch không tập mới Sấm Rền (Rolling Thunder) nơi miền bắc Việt Nam, nên không cần phi cơ C-130 (của SOG) phải chối cãi được… Hoa Kỳ hoàn toàn công khai tấn công Bắc Việt.
Các phi cơ C-130 dành cho đơn vị SOG không phải loại tiêu chuẩn. Phi hành đoàn cũng thế, phải được huấn luyện bay đặc biệt (với cao độ thấp…). Để chuẩn bị, trong mùa xuân 1966, phi công cùng phi hành đoàn C-130 được huấn luyện bay dưới cao độ thấp trong căn cứ không quân Pope, North Carolina. Đến mùa hè, họ “tái ngộ” với bốn chiếc MC-130E mới “Ngọn Dáo Chiến Đấu” (Combat Spear) sơn đen ngụy trang. Mỗi chiếc có “hai râu” trước mũi để xử dụng hệ thống thâu hồi Fulton (cấp cứu).
Đến
tháng Mười, bốn chiếc phi cơ MC-130E của SOG đến Nha Trang. Trên giấy tờ, bốn
chiếc này thuộc phi đoàn vận tải 314, nhưng họ chỉ “làm việc” cho đơn vị SOG.
Sau vài chuyến bay thực tập ở miền nam, họ bay những phi vụ ra miền bắc thả
truyền đơn (cho đài Gươm Thiêng Ái Quốc). Đêm Giáng Sinh (Noel) họ bay ra ngoài
bắc thả dù hai biệt kích quân xuống tăng cường cho toán Tourbillon. Viên phi
công bay phi vụ này là Leon Franklin.
“Chúng tôi cất cánh từ Nha Trang, bay ngang qua Đà Nẵng, sau đó hướng vào đất liền” Franklin kê lại “Trên máy bay có hai phi công, một chuyên viên cơ khí, hai sĩ quan định hướng, và một phi công thứ ba theo dõi bản đồ.” Khi chiếc phi cơ đến gần mục tiêu, Franklin để ý tìm dấu hiệu (của toán biệt kích) trên mặt đất, nhưng chẳng thấy gì. Chiếc MC-130E quay vòng trở lại trên đầu mục tiêu, lần này nhìn thấy dấu hiệu lửa cháy sáng theo hình chữ “L”. Hai quân nhân biệt kích nhẩy ra cửa sau phi cơ… “chúng tôi không bị súng của địch bắn lên”.
Mặc dầu chuyến thả dù biệt kích đầu tiên thành công, đơn vị SOG có thêm một điều nghi ngờ khác. Không phải chỉ mỗi chuyện nhẩy dù xuống bị thương, qua những kinh nghiệm về nhẩy dù, cùng với dụng cụ định hướng, vẫn chưa bảo đảm toán biệt kích sẽ xuống đúng mục tiêu. Chỉ có phương tiện trực thăng mới bảo đảm đưa toán biệt kích vào đúng bãi đáp, và toán biệt kích có thể hoạt động ngay tức khắc thay vì mất thì giờ gom toán biệt kích lại.
Quan niệm xử dụng trực thăng đưa toán biệt kích xâm nhập chứng tỏ thành công với việc đưa toán biệt kích Romeo xâm nhập phiá nam tỉnh Quảng Bình. Trong khi phi hành đoàn H-34 VNCH (phi đoàn 219 – Kingbee) đã chứng minh sự thành công, đơn vị SOG vẫn tin tưởng nơi Không Lực Hoa Kỳ với loại phi cơ CH-3 tối tân, bảo đảm hơn. Trực thăng CH-3 Jolly Green Giant có sức chở, tốc độ gấp rưỡi loại trực thăng cũ kỹ H-34 viện trợ cho Không Quân VNCH. Chỉ cần hai trực thăng CH-3 đủ cho một chuyến đưa biệt kích xâm nhập thay vì ba chiếc H-34.
Loại trực thăng CH-3 tương đối mới mẻ trong vùng Đông Nam Á. Trong tháng Mười năm 1965, tám chiếc CH-3 đến phi trường Nha Trang nhận nhiệm vụ trong phi đội 20 Không Lực Hoa Kỳ. Tháng Tư năm sau, sáu chiếc CH-3 trong phi đội danh hiệu Pony Express thuyên chuyển sang căn cứ không quân Hoa Kỳ Nakhon Phanom trên đất Thái Lan. Từ phi trường này, nhiểu mục tiêu trong khu vực cán chảo (Thanh Hóa, Nghệ An) miền bắc Việt Nam nằm trong tầm hoạt động của loại trực thăng CH-3 Jolly Green Giant.
Với sự chấp thuận bí mật (ngầm), chính quyền Hoàng Gia Thái Lan cho phép đơn vị SOG xử dụng trực thăng trong phi trường Nakhon Phanom đưa quân biệt kích xâm nhập miền bắc Việt Nam. Tuy nhiên vì vấn đề ngoại giao, chính quyền Thái Lan yêu cầu, khi quân biệt kích VNCH đến phi trường Nakhon Phanom, SOG phải dùng xe van sơn đen đưa toán biệt kích đến một khu vực cô lập, cho đến khi toán biệt kích lên trực thăng đi xâm nhập. Trường hợp chuyến hành quân xâm nhập hủy bỏ, toán biệt kích phải trở về Việt Nam, không được ở lại qua đêm.
Toán biệt kích đầu tiên được phi cơ CH-3 đưa đi xâm nhập là toán Hector. Toán Hector chia làm hai, Hector A và Hector B. Theo kế hoạch (lệnh hành quân), Hector A sẽ xâm nhập vào miền bắc trước, thiết lập những vị trí theo dõi đường. Sau đó Hector B vào sau, tìm cách liên lạc (giới hạn) với dân làng điạ phương gần mục tiêu.
Ngày 22 tháng Sáu, 15 quân biệt kích toán Hector A được đưa đến phi trường Nakhon Phanom, trên đất Thái Lan. Mục tiêu xâm nhập của họ về hướng đông phi trường, vừa qua khỏi biên giới Việt Lào, gần đưởng 137, một con đường quan trọng chạy ngang qua vùng rừng núi đèo Ban Karai đổ vào đường mòn HCM. Toán Hector hoàn toàn người Việt (không có dân tộc thiểu số), nhiều người được tuyển mộ trực tiếp từ quân đội VNCH. Cấp chỉ huy của họ, Đại Úy Nguyễn Hữu Luyện, một sĩ quan có cấp bậc cao nhất chỉ huy một toán biệt kích nằm vùng dài hạn.
Vì yêu cầu của chính quyền Thái Lan, toán Hector A ở trong phi trường Nakhon Phanom không lâu, bên kia phi đạo có hai trực thăng CH-3 đợi sẵn, đưa toán biệt kích lên đường. Hợp đoàn trực thăng bay về hướng đông băng ngang qua dải đất hẹp nước Lào (như miền trung Việt Nam), dọc theo rặng Trường Sơn (phân chia Việt Lào), tránh né các ổ súng phòng không Bắc Việt. Toán hướng dẫn Không Quân Hoa Kỳ đưa hai trực thăng CH-3 vào không phận tỉnh Quảng Bình. Quân biệt kích đẩy kiện hàng đồ tiếp liệu ra cửa sau trực thăng nhanh chóng, và hợp đoàn trực thăng bay về phi trường Nakhon Phanom.
Toán Hector A nhanh chóng lên máy báo cáo đã xâm nhập và khu vực an toàn. Nhận được báo cáo “khu vực” xâm nhập an toàn, Hector B được đưa qua Nakhon Phanom ngày 23 tháng Chín, được trực thăng CH-3 đưa vào “đoàn tụ” với Hector A đã xâm nhập từ tháng Sáu. Trong Saigon, đơn vị SOG chờ đợi toán Hector B lên máy báo cáo… ngày này qua ngày khác không thấy trả lời. Khi SOG chất vấn Hector A, họ trả lời không gặp 11 người trong toán Hector B.
Hector B bị mất tích một cách bí mật. Đơn vị SOG chuẩn bị cho toán kế tiếp. Toán biệt kích Samson tám người gồm năm nhóm sắc dân thiểu số. Trực thăng CH-3 sẽ đưa họ đến gần biên giới Lào Việt trên đất Lào, từ đó toán biệt kích Samson sẽ lội bộ đến đèo Tây Trang nơi phiá nam Điện Biên Phủ. Từ vị trí chiến thuật đó (độ cao), toán Samson có thể quan sát, theo dõi xe cộ di chuyển trên đường số 4, một con đường quan trọng tiếp tế cho các đơn vị cộng sản hoạt động nơi hướng bắc nước Lào. Điều này chứng tỏ đơn vị SOG thiếu óc sáng tạo. Cả hai chuyến xâm nhập đều có nhiệm vụ theo dõi đường như toán Remus xâm nhập trước đó bốn năm.
Ngày 5 tháng Mười, toán biệt kích Samson rời phi trường Nakhon Phanom. Hợp đoàn trực thăng ghé lấy thêm nhiên liệu từ một căn cứ của CIA trên đất Lào, sau đó hai chiếc CH-3 tiếp tục bay lên hướng bắc đến gần đường biên giới thả toán biệt kích. Toán biệt kích Samson lên máy báo cáo, chuyến xâm nhập của toán Samson được xem như thành công.
Đơn vị SOG đợi ba tháng sau mới “phóng” đi một toán khác. Toán biệt kích Hadley gồm 11 quân biệt kích người Việt. Cũng như Samson, Hadley sẽ được trực thăng CH-3 đưa đến gần biên giới trên đất Lào, rồi từ đó quân biệt kích lội bộ xâm nhập vào miền bắc Việt Nam. Mục tiêu là đường số 8, con đường chính ngang qua đèo Nape vào khu vực cán chảo nước Lào.
Ngoài nhiệm vụ theo dõi xe cộ miền bắc di chuyển từ những ngọn đồi gần đó, toán Hadley được lệnh bí mật lại gần con đường, gắn máy dò (SID) để đếm số lượng người hay xe cộ di chuyển ngang qua (độ rung chuyển của con đường máy dò (SID) phân biệt được.)
Tuần lễ thứ ba trong tháng Giêng năm 1967, Đại Úy Nguyễn Văn Vinh điều hành toán biệt kích Hadley bay qua Nakhon Phanom để nghe Pony Express thuyết trình. Ông Vinh có tên (bí danh) là Marc để dễ làm việc với người Hoa Kỳ, đã có kinh nghiệm bốn năm làm việc trong chương trình, huấn luyện viên trưởng môn phá hoại (mìn) ở Long Thành năm 1963, và trở nên sĩ quan điều hành toán biệt kích năm 1965.
Trong phi trường Nakhon, Marc được xem slide ảnh chụp bãi đáp trực thăng thả toán biệt kích trong khu vực cực đông tỉnh Khammouane. Mọi chuyện đồng ý, ông ta trở về Saigon cùng với sĩ quan đối tác (cố vấn) Hoa Kỳ, Đại Úy Frederic Caristo thuyết trình lại cho toán biệt kích Hadley. Caristo là một quân nhân Mũ Xanh, thấp nhưng đô con, gia nhập chương trình 34A từ mùa thu trước. Hai người cắt nghĩa cho toán biệt kích, họ chỉ đem theo ba ngày đồ ăn (khô). Mang đồ nhẹ nên quân biệt kích có thể lội bộ 30 cây số đến mục tiêu theo dõi con đường trong 48 tiếng đồng hồ (2 ngày). Khi đến đó (mục tiêu), họ có thể gọi phi cơ C-123 bay đêm thả thêm đồ tiếp tế.
Ngày 26 tháng Giêng, toán biệt kích Hadley lên đường sang Nakhon Phanom. Toán Hadley lên trực thăng CH-3, cùng đi với toán biệt kích có Marc, sĩ quan điều hành người Việt. Một chiếc CH-3 đã đủ rộng cho cả toán biệt kích, chiếc CH-3 thứ hai trống rỗng bay theo (đề phòng bất trắc xẩy ra). Hai trực thăng bay về hướng đông theo chiều ngang tỉnh Khammouane đến gần biên giới Lào Việt. Mặt trời sắp lặn, viên phi công dẫn đầu bay thẳng vào bãi đáp mà ông ta nghĩ là đúng. Chiếc trực thăng đáp xuống và 11 quân biệt kích toán Hadley nhanh chóng nhẩy ra khỏi trực thăng chạy biến mất vào rừng. Chiếc CH-3 cất mũi lên bay vòng theo hướng tây trở về. Khi chiếc trực thăng bốc lên cao, Marc (Đ/Úy Vinh) nhìn qua cửa sổ, ngay tức khắc ông ta thót bụng, nín thở, tim đập mạnh. Bên kia ngọn đồi là một con đường đất lớn, mà không thấy trong những tấm không ảnh, không nghe nói đến trong phần thuyết trình hành quân. Không phải một mình Marc biết viên phi công đã xuống sai bãi đáp, trên trực thăng thứ hai một người trong phi hành đoàn báo động trên hệ thống truyền tin “Thưa Ngài, không đúng bãi đáp?”
“Anh ta nói đúng” Marc trả lời trên hệ thống truyền tin. Chiếc trực thăng vội vàng quay đầu (có lẽ viên phi công cũng đã nhận ra điều đó) đáp trở lại bãi đáp. Marc và một quân nhân biệt kích chạy ra khỏi cửa sau trực thăng. Cả hai gọi lớn tên các biệt kích quân toán Hadley… Không một ai trả lời, toán biệt kích đã biến mất vào trong rừng.
Phía bên kia bãi đáp, một con trâu ở đâu chui ra khỏi bìa rừng. Sư xuất hiện của gia súc có nghĩa làng mạc, dân cư ở gần đó. Một nhân viên phi hành Hoa Kỳ đưa tay vẫy gọi hai quân nhân Việt Nam quay trở vào trong phi cơ. Hai trực thăng cất cánh bay trở về Nakhon Phanom.
Trở lại phi trường trên đất Thái Lan, Marc ngồi chờ đợi toán biệt kích Hadley lên máy báo cáo, gần đó là mấy thùng thực phẩm tiếp liệu chờ chuyến bay tiếp tế cho Hadley. Hai ngày sau vẫn không nghe toán biệt kích Hadley lên máy, Marc ngồi cô đơn trên ghế sau chiếc Á1 Skyraider Không Quân VNCH bay về Đà Nẵng. Ba ngày liên tục, Marc bay ngang qua điểm hẹn với toán Hadley… nhưng hoài công, im lặng vô tuyến hoàn toàn, cũng không thấy dấu hiệu flair (hỏa châu nhỏ như đầu bút) bắn lên trời.
Hai ngày sau, Caristo gọi điện thoại cho Marc báo tin, cơ quan tình báo CIA vừa chận bắt được làn sóng truyền tin Bắc Việt, họ vừa bắt sống được một toán biệt kích VNCH bên trong đường biên giới miền bắc gần đèo Nape. Hadley đã bị địch bắt.
Hay chưa? Mười tám ngày sau, đài tiếp vận Bugs của CIA ở Philippines rất ngạc nhiên khi nhận được công điện. Sau khi cho biết mật hiệu an ninh truyền tin, nhân viên truyền tin toán Hadley báo cáo đã bị lộ, bị địch truy kích tấn công và toán biệt kích vẫn còn đang lẩn trốn.
Công điện của toán biệt kích gây tranh luận sôi nổi trong Saigon (bộ chỉ huy SOG). Rất có thể nhân viên truyền tin toán Hadley gửi báo cáo về Saigon dưới áp lực của công an, phản gián miền bắc? Toán biệt kích xâm nhập miền bắc đã gần ba tuần lễ, thêm lý do để nghi ngờ, mỗi khi đơn vị SOG gọi máy đặt câu hỏi, toán Hadley gần như trả lời ngay tức khắc … Lúc nào họ cũng ngồi trực máy…? Những toán biệt kích trước đó phải đợi… Thêm một bằng chứng đến đầu tháng Chín. Trong lần thuyết trình của cơ quan CIA ở Lào, một người trốn thoát khỏi trại tù của quân cộng sản Pathet Lào trong tỉnh Khammouane cho biết nghe lính canh gác nói chuyện, bắt sống 11 người lính biệt kích VNCH, được trực thăng đưa vào bãi đáp gàn đèo Nape. Để kiểm chứng câu chuyện, đơn vị SOG lập một toán biệt kích bốn người, mật danh Voi, nhẩy dù xuống khu vực cán chảo miền bắc Việt Nam. Toán Voi sẽ đem theo ống nhòm cực mạnh (để theo dõi từ xa), và máy chụp ảnh xa. Sau khi nhẩy dù xuống, toán Voi sẽ di chuyển về khu vực trực thăng đưa toán Hadley xâm nhập. Toán biệt kích Voi sẽ nằm im dùng ống nhòm, máy chụp ảnh quan sát đợi chuyến thả dù tiếp tế cho toán biệt kích Hadley, chụp ảnh tất cả những ai lại lấy thùng đồ tiếp liệu.
Ngày 18 tháng Mười, sĩ quan điều hành các toán biệt kích Marc đi theo toán Voi lên phi cơ MC-130. Chiếc phi cơ bay dọc theo biên giới Lào Việt đến tỉnh Hà Tĩnh bắc Việt Nam. Chiếc phi cơ hạ cửa sau xuống, Marc nhìn toán biệt kích bốn người nhẩy dù ra. Sau đó ông ta (Marc) lắng nghe máy truyền tin đặt phiá sau phi cơ. Toán Voi đã được dặn dò lên máy báo cáo ngay khi xuống đất. Thời gian trôi qua … không thấy toán biệt kích Voi lên máy báo cáo… biến mất!
XVI. SỰ NGỜ VỰC
Câu chuyện toán biệt kích Hadley là một phần nhỏ trong một tảng băng rất to lớn. Mặc dầu có nhiều khó khăn trong chương trình 34A, thả các toán biệt kích ra miền bắc, ngay từ lúc bắt đầu chương trình, và đơn vị SOG coi thường không để ý. Rồi thì, đến tháng Mười năm 1966, sĩ quan SOG Aaron “Greg” Dorough nhận được cú điện thoại khẩn giữa đêm trường, ra lệnh cho anh ta đến căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành. Dorough là một Đại Úy LLĐB/HK trách nhiệm trông coi các toán biệt kích nằm vùng trong khu vực cán chảo, chương trình 34A. Trong đó có toán Romeo mười người, xâm nhập phiá bắc vùng phi quân sự, gửi báo cáo bất thường về nhiệm vụ do thám đường (không định kỳ) trong mười một tháng qua. Trong căn cứ Long Thành, sĩ quan đối tác VNCH trao cho ông ta một công điện đài tiếp vận Bugs ở Philippines chuyển tiếp, do nhân viên truyền tin toán biệt kích gửi “Romeo đã bị bắt”
Sau đó như có chuyện lầm lẫn, Romeo gửi một loạt ccông điện như để tẩy xóa “qủa bom” (bức công điện trước đó Romeo đã bị bắt). Các công điện nói rằng toán biệt kích vẫn bình an. Chuyện này, rõ ràng nhân viên truyền tin bị lực lượng an ninh miền bắc ép buộc, và họ cố tình gửi báo cáo sai lạc về Saigon (coi thường người Hoa Kỳ, VNCH).
Biết vậy, đơn vị SOG vẫn tiếp tục liên lạc với Romeo, và nhiều tin xấu theo sau. Trong tháng Mười Hai, Hà Nội công bố phiên tòa xử toán biệt kích Kern, chín người hoạt động trong khu vực đèo Mụ Già. Toán Kern xâm nhập trong tháng Ba, mất liên lạc từ tháng Chín. Gián Điệp & Biệt Kích Page 171
Trong tháng Ba năm 1967, một toán biệt kích khác Samson “được” lên đài phát thanh Hà Nội. Cũng như toán Kern, toán Samson liên lạc lần cuối cùng cách đó ba tháng (tháng Chín).
Trong tháng Sáu, thêm một toán lên đài Hà Nội. Toán Hector A liên lạc lần cuối cùng trong tháng Ba, bị khép tội làm gián điệp. Như một sự trùng hợp, các toán biệt kích mất liên lạc khoảng ba tháng, rồi bất ngờ “trồi lên”. Miền bắc muốn chọc giận người Hoa Kỳ và VNCH.
Ngay cả các toán biệt kích “lâu đời” cũng vậy. Đứng đầu danh sách là toán Tourbillon, toán biệt kích phá hoại, xâm nhập từ năm 1962. Nhẩy dù xuống có toán Castor an ninh bãi đáp. Castor là toán biệt kích đầu tiên nhẩy dù xuống miền bắc và bị bắt trong vòng vài ngày, xử dụng để đánh lừa đơn vị SOG. Toán Toubillon cũng vậy, bị bắt và ép buộc làm việc với lực lượng an ninh miền bắc. Trong nhiều năm qua đã có những dấu hiệu cho biết số phận của toán biệt kích Tourbillon. Trong tháng Chín năm 1963, Saigon (SOG) gửi công điện kế hoạch triệt xuất toán Tourbillon vì toán biệt kích đã hoàn thành nhiệm vụ tốt. Đúng ra quân biệt kích phải mừng rỡ nhận tin đó, nhưng Tourbillon báo cáo nhân viên truyền tin bị thương nên họ không thể di chuyển trên bộ sang nước Lào (để được triệt xuất).
Tháng Mười Một năm đó, lần nữa toán biệt kích Tourbillon bị nghi ngờ khi chiếc C-123 do phi công Taiwan lái, bị súng địch bắn lên trong một phi vụ tái tiếp tê (phương tiện thả dù) cho toán biệt kích… sau đó họ không chịu đi bay cho SOG, trở về nước.
Trong tháng Chín năm 1966, Tourbillon được lệnh chuẩn bị cho mấy biệt kích quân trong toán triệt xuất. Lúc đó các biệt kích quân nguyên thủy trong toán đã nằm vùng nơi miền bắc hơn bốn năm. Lại một lần nữa, Tourbillon có lý do không thi hành được ngoại trừ Maurice (sĩ quan VNCH) và Đại Úy George Lawton (sĩ quan SOG), hai người điều hành toán biệt kích đồng ý triệt xuất bằng trực thăng CH-3 Jollie Green Giant (loại mới… để họ bắn hạ).
Đại Úy Lawton tốt nghiệp trường võ bị Lục Quân West Point chịu nhiều trách nhiệm (áp lực) từ khi sang Việt Nam tháng Mười Một năm 1965. “Tin đồn” các toán biệt kích ra ngoài bắc chưa toán nào trở về… lan tràn trong căn cứ huấn luyện ở Long Thành. Tinh thần các biệt kích quân đang thụ huấn suy xụp nhanh chóng. Đem được toán biệt kích Toubillon về miền nam sẽ làm cho tinh thần quân biệt kích lên cao trở lại. Tuy nhiên điều này có nghĩa đem một trực thăng CH-3 không võ trang vào bẫy của quân Bắc Việt.
Ngày 8 tháng Chín, Lawton và Maurice đến phi trường Nakhon Phanom, lên một trực thăng CH-3 bay lên hướng bắc. Họ liên lạc với toán biệt kích Tourbillon, ra lệnh liên lạc thường xuyên trên đường di chuyển đến bãi đáp để bảo đảm bãi đáp an toàn. Nhưng Tourbillon không lên máy truyền tin liên lạc… một cách bí mật. Đại úy Lawton ra dấu cho viên phi công quay trở lại phi trường Nakhon Phanom.
Vài hôm sau, toán biệt kích Tourbillon liên lạc trở lại. Đơn vị SOG rất nghi ngờ, thả dù hai quân biệt kích ra tăng cường. Một người là hiệu thính viên, được dặn dò gửi mật mã báo cho đơn vị SOG trong bức công điện thứ 10.
Đêm Giáng Sinh 1966, hai biệt kích quân nhẩy dù xuống bãi thả dù do toán Tourbillon làm dấu. Trong tháng sau, bức công điện gửi về cho đơn vị SOG qua trung gian trạm tiếp vận viện thông Bugs Philippines, có dấu hiệu “rất lo âu”. Như trường hợp toán bệt kích Romeo, đơn vị SOG vẫn tiếp tục bí mật theo dõi.
Cũng bị nghi ngờ là toán “anh em” với Tourbillon. Toán biệt kích Verse, tám người được huấn luyện quan sát, theo dõi đường, nhẩy dù xuống miền bắc trong tháng Mười Một năm 1965, cũng do Tourbillon làm nhiệm vụ an ninh bãi thả dù. Khi xuống đất, toán Verse sẽ tách riêng ra, di chuyển qua quận bên cạnh trong tỉnh Sơn La làm nhiệm vụ theo dõi xe cộ di chuyển trên đường.
Hơn một năm, toán biệt kích Verse bị nghi ngờ. Trong tháng Sáu năm 1967, đơn vị SOG báo cho toán biệt kích biết chuẩn bị triệt xuất bằng trực thăng. Đúng như SOG nghi ngờ, sự việc xẩy ra như toán Tourbillon trước đó… Toán Verse im lặng vô tuyến. Ba tháng sau chính quyền Hà Nội đưa thêm một toán biệt kích ra trước toà án.
Một toán biệt kích nằm vùng dài hạn trong thời gian này bị lộ là toán Bell, gồm bẩy biệt kích quân nhẩy dù xuống tỉnh Yên Bái trong tháng Sáu năm 1963, làm nhiệm vụ phá hoại. Toán biệt kích bị bắt trong vòng ba ngày, và nhân viên truyền tin bị ép buộc gửi điện văn vào Saigon. Tuy nhiên vẫn chưa nhận được dấu hiệu “lo âu”, đơn vị SOG vẫn cho rằng toán Bell hoạt động tốt khi nhận bàn giao từ cơ quan CIA năm 1964.
Lúc đó lực lượng an ninh Bắc Việt cũng mệt mỏi (tức giận) vì các chuyến bay của SOG xâm phạm không phận miền bắc Việt Nam, họ muốn bắn rơi một chiếc C-123. Phương pháp dễ dàng nhất là sắp đặt bẫy nơi bãi thả dù, trước đó ít xử dụng vì sợ Saigon nghi ngờ toán biệt kích bị ép buộc làm chuyện “hai mang”. Phương pháp thứ hai xử dụng súng phòng không bắn rơi chiếc phi cơ trên đường đến mục tiêu (bãi thả dù). Chuyện này cũng khó vì các ổ súng phòng không tập trung bảo vệ nơi đông dân cư (thành phố lớn).
Cả hai phương pháp đều không thục hiện được, Hà Nội theo phương pháp thứ ba, cho một phi cơ chiến đấu lên bắn rơi chiếc C-123. Tuy nhiên, trong mùa xuân năm 1964, miền bắc chưa có phi cơ chiến đấu, Không Quân Bắc Việt mới thành lập còn rất yếu, chỉ có một chiếc T-28B Hoa Kỳ chế tạo đậu trong hangar ngoại ô Hà Nội. Câu chuyện về chiếc T-28 này cũng là một huyền thoại. Trong tháng Chín năm 1963, một phi công quốc tịch Thái Lan bất mãn trong Không Lực Hoàng Gia Lào, trước đó lái chiếc T-28 đào ngũ bay sang Lào, rồi đào ngũ thêm lần nữa bay sang Băc Việt Nam… Bắc Việt Nam đem anh ta “nhốt”.
Sáu tháng sau, chiếc T-28 gần như bị bỏ quên, cho đến tháng Tư năm 1964, bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Bắc Việt ra lệnh đem chiếc phi cơ T-28 ra để xử dụng. Điều này khó chứ không đơn giản. Chiếc phi cơ “đào ngũ” không có giấy tờ tu bổ (maintenant). Các phi công Bắc Việt không ai có kinh nghiệm về loại phi cơ này. Tuy nhiên, khi các chuyên viên cơ khí Không Quân miền bắc xem xét chiếc phi cơ, máy móc chạy rất tốt và được mang số đuôi 963 (tháng Chín năm 1963), ngày chiếc phi cơ hạ cánh xuống miền bắc Việt Nam.
Máy móc cơ khi tốt, nhưng ai sẽ lái chiếc phi cơ T-28? Ban tìm kiếm trong Không Quân Bắc Việt có hai huấn luyện viên trong căn cứ huấn luyện lái phi cơ, Nguyễn Văn Bá và Lê Tiến Phước, cả hai là những phi công đầu tiên miền bắc được huấn luyện ở Trung Cộng năm 1960. Trong mấy tuần lễ sau đó, hai viên phi công tập bay chiếc T-48 trong phi trường Gia Lâm.
Có phi cơ, có phi công, vẫn còn vấn đề làm sao ngăn chận được phi cơ C-123 chở quân biệt kích từ miền nam ra, vào đến không phận miền bắc? Hà Nội đã có nhiều toán biệt kích 34A (bị ép) làm công việc “hai mang”, họ đã biết được khoảng thời gian chu kỳ tiếp tế cho các toán biệt kích và phi trình bay (hướng bay) từ miền nam ra. Tuy nhiên hệ thống radar miền bắc không thể cho biết chính xác tọa độ điểm “phục kích” chiếc C-123 từ miền nam ra, do đó hai phi công Bắc Việt Bá và Phước phải dựa vào đôi mắt của mình tìm mục tiêu (C-123).
Việc huấn luyện bay chiếc T-28 kéo dài trong ba tháng. Rồi, một đêm trong mùa Hè, Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Bắc Việt ghé thăm. Ông ta bắt tay trước cặp mắt ngạc nhiên của hai viên phi công, hỏi thăm việc huấn luyện bay chiéc T-28, hỏa lực đại liên 12 ly 7 trên mũi máy bay.
Ngày 29 tháng Bẩy, họ được thử thách đầu tiên. Đêm hôm đó, phi cơ C-123 thả dù toán biệt kích Boon trong tỉnh Nghệ An, sau đó quay về hướng nam dọc theo cán chảo miền bắc Việt Nam. Khoảng 30 phút trước khi chiếc phi cơ C-123 đến vùng phi quân sự (an toàn), viên phi công Taiwan, Đại Úy Tien Tsung Chen được chuyên viên máy dò điện tử vỗ vai, có dấu hiệu đuổi theo đuôi phi cơ.
Đại Úy Chen bẻ cua gắt sang bên phải, phi cơ địch bám theo, chiếc C-123 chui vào mây lẩn trốn, nhưng khi ra khỏi đám mây vẫn thấy phi cơ địch đuổi theo vào trong khu vực phi quân sự. Chiếc phi cơ (T-28) Bắc Việt chỉ quay đầu lại khi chiếc C-123 đã băng qua vĩ tuyến 17.
Ít lâu sau, phòng không Bắc Việt trong tỉnh Quảng Bình bắn rơi một chiếc T-28 Không Lực Hoàng Gia Lào, viên phi công tình nguyện người Thái Lan bị bắt khai báo nhiều tin tức máy móc, kỹ thuật của chiếc phi cơ T-28. Riêng chiếc phi cơ bị bắn rơi quân Bắc Việt thâu hồi lấy đồ phụ tùng cho chiếc T-28 “của họ”.
Cuối cùng, sau hai mươi lần săn đuổi C-123 thất bại, khoảng tám tháng sau Hà Nội gặp may. Đêm 14 tháng Hai 1965, đơn vị SOG gửi một công điện cho toán biệt kích Bell trong tỉnh Yên Bái cho biết, quân biệt kích ra tăng cường và toán Bell phải chuẩn bị gấp bãi thả dù ngay trong đêm đó. Quân đội Bắc Việt ra lệnh báo động cho tất cả các dàn radar trong khu vực cán chảo và nhận được báo cáo ngay tức khắc, chiếc phi cơ (địch) đã bay ngang qua Thanh Hóa theo hướng tây bắc.
Nhận được báo cáo mới nhất, hai viên phi công Bắc Việt Bá, Phước, cất cánh trên chiếc T-28, bay theo hướng để gặp chiếc C-123 trên bầu trời tỉnh Yên Bái. Trên không phận Yên Bái, họ nghi ngờ chiếc phi cơ SOG sẽ thả dù trên đỉnh núi cao 1500m. Và họ đã đoán đúng, sau mấy vòng quanh đỉnh núi, Phước ngồi ghế sau trông thấy chiếc phi cơ C-123, la lên “Đúng nó! Đôi cánh rất dài”
Bá cũng trông thấy chiếc C-123, đèn bên trong phi cơ nhìn thấy qua cửa đuôi phi cơ. Chiếc T-28 bay dưới cao độ thấp hơn chiếc C-123, khi còn cách khoảng 100m, khai hỏa đại liên 12 ly 7 vào động cơ chiếc C-123 đang phụt lửa ra, làm hư động cơ bên trái và trúng thêm nhiều viên vào bụng chiếc phi cơ. Phi công Bá kể lại “Chiếc phi cơ địch xoay vòng rồi biến mất vào màn đêm”
Tin rằng chiếc phi cơ SOG C-123 bị bắn rơi, Hà Nội mừng rỡ. Nhưng chiếc phi cơ SOG không rơi. Vài phút trước khi bị tấn công, phi hành đoàn Taiwan hủy bỏ chuyến thả dù vì không nhận được dấu hiệu của toán biệt kích Bell trên mặt đất. Viên phi công C-123, Đại Úy Lee Chin Yei vừa quay chiếc phi cơ qua hướng tây đúng lúc chiếc T-28 khai hỏa súng đại liên, trúng bụng chiếc phi cơ chẩy dầu, Đại Úy Yei cố gắng điều khiển chiếc phi cơ, hạ thấp cao độ xuống. Ông ta biết không thể bay về miền nam nên cố gắng bay sang Thái Lan.
Đằng sau chiếc phi cơ C-123 trúng đạn là toán biệt kích Gecko bẩy người, dự trù sẽ nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Bell, lo lắng cho số phận của họ. Trưởng toán biệt kích Nguyễn Văn Ru la lớn trấn an toán viên, hai người đã bị thương vì đạn đại liên 12 ly 7, một bị trúng vai, người kia vào chân. Một sĩ quan Taiwan phi hành đoàn trúng đạn nằm chết trên vũng máu nơi cửa sau phi cơ.
Chiếc phi cơ trúng đạn liên lạc với căn cứ không quân Nakhon Phanom xin đáp khẩn cấp. Chiếc phi cơ C-123 trúng tất cả 31 viên đạn, đa số trúng vào đuôi. Sau mấy tiếng đồng hồ thương thuyết bí mật, người Hoa Kỳ đưa phi hành đoàn Taiwan cùng quân biệt kích về Saigon. . Phi hành đoàn Taiwan trở về Đài Loan (Taiwan) được ân thưởng huy chương can đảm (Anh Dũng bội tinh).
Trên mặt đất toán biệt kích Bell trả lời, không nghe nói đến chuyện không chiến. Mặc dầu toán Bell chối tất cả mọi chuyện, SOG tiếp tục tìm cách thả dù quân biệt kích ra tăng cường. Ngày 12 tháng Năm, toán biệt kích danh hiệu Dog bay ra miền bắc, nhưng thời tiết nên chuyến bay phải quay trở về.
Năm sau, nếu các công điện gửi về được đơn vị SOG tin tưởng, cho biết toán biệt kích Bell luôn di chuyển (các công điện không gửi đi cùng chỗ). Hà Nội đã “đạo diễn” chuyện này rất chính xác. Cuối năm 1966, toán Bell báo cáo đụng một đơn vị Bắc Việt, kết qủa chết hai biệt kích quân, nhưng phần còn lại toán biệt kích tẩu thoát.
Vẫn tin tưởng toán biệt kích, giữa tháng Giêng năm 1967, đơn vị SOG thảo kế hoạch triệt xuất toán Bell bằng trực thăng CH-3. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương chấp thuận kế hoạch trao nhiệm vụ cho sĩ quan điều hành Austin Wilgus thi hành. Đại Úy Wilgus là một quân nhân Mũ Xanh LLĐB Hoa Kỳ, sau chuyến phục vụ ở Tây Đức, anh ta sang Việt Nam trong tháng Mười vừa qua và được trao nhiệm vụ trông coi, điều hành toán biệt kích Bell. Đại Úy Wilgus lập tức báo cho toán Bell biết lý do triệt xuất. Như các toán “hai mang” khác, Bell có nhiều lý do không thể ra khỏi miền bắc Việt Nam. “Trong đặc lệnh truyền tin (của chúng tôi), lính Bắc Việt được gọi là khỉ (monkey)” Wilgus nhớ lại “Toán Bell liên tục báo cáo với tôi rằng họ nghe tếng khỉ la hét trên cây”. Có nghĩa là quân Bắc Việt gần đó, không thể triệt xuất được.
Cuối cùng, trong tuần lễ đầu tiên của tháng Hai, toán biệt kích Bell báo cáo có thể triệt xuất. Đại Úy Wilgus bay gấp sang Nakhon Phanom, thuyết trình cho phi hành đoàn trực thăng CH-3 Pony Express. Ông ta (Wigus) sẽ bay trên một chiếc MC-130 chỉ huy cho ba trực thăng CH-3 vào bốc toán biệt kích Bell.
Chiều ngày 8 tháng Hai, một ngày trước Tết Nguyên Đán Việt Nam, hợp đoàn MC-130 cùng với ba trực thăng CH-3 cất cánh từ phi trường Nakhon Phanom bên Thái Lan. Trên chiếc phi cơ chỉ huy MC-130, Wilgus liên lạc với toán biệt kích Bell để bảo đảm bãi đáp trực thăng an toàn. Khi chiếc phi cơ băng qua biên giới, Wilgus “nín thở” màn ảnh radar cho biết có phi cơ địch, nhưng là phi cơ bạn F-105 trên đường đi Hà Nội thả bom.
Bay thấp, dưới chiếc MC-130 là trực thăng CH-3 dẫn đầu do Thiếu Tá Alton Deviney lái. Bay thấp trên bầu trời miền bắc, ông ta hướng dẫn hợp đoàn 3 chiếc CH-3 bay đến tỉnh Yên Bái. Nơi mục tiêu bãi đáp, Thiếu Tá Deviney trông thấy bãi đáp nhưng không có người. Đại Úy Wilgus trên chiếc MC-130 gọi toán biệt kích Bell nhưng không có tiếng trả lời…
XVII. STRATA
Mặc dầu chương trình 34A thả dù quân biệt kích ra miền bắc phá hoại không còn ở mức độ quan trọng, nhưng đơn vị SOG vẫn phát triển, lớn mạnh. Đến tháng Giêng năm 1967, đơn vị SOG có 207 người Hoa Kỳ (đa số quân Mũ Xanh LLĐB), con số đáng kể so với con số đếm trên đầu ngón tay chỉ ba năm về trước. Về phía VNCH (Nha Kỹ Thuật / Lôi Hổ) con số gia tăng nhiều hơn nữa, từ con số 470 trong năm 1964 lên đến hơn 1700 đầu năm 1966. Đa số phục vụ trong hành quân (chương trình) Shining Brass. Tháng Sáu, Shining Brass đã bước sang giai đoạn hai, xử dụng quân biệt kích cấp trung đội (Hornet Forces) tấn công các mục tiêu quân đội Bắc Việt trên đất Lào, do các toán biệt kích xâm nhập khám phá ra.
Thêm một nhiệm vụ mới cho đơn vị SOG (các toán biệt kích) tìm kiếm, cấp cứu số phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi càng ngày càng gia tang, cũng như số quân nhân Hoa Kỳ mất tích trên chiến trường (MIA). Các bản nghiên cứu, báo cáo cho biết gần một nửa số lần hành quân cấp cứu thất bại vì phản ứng chậm. Nếu trực thăng không thể đưa toán biệt kích cấp cứu vào cứu (mục tiêu) trong vòng nửa tiếng đồng hồ, cơ hội thành công tụt xuống nhanh chóng. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (cấp trên chỉ huy trực tiếp) ra lệnh cho cơ quan MACV nên tổ chức một ban (toán biệt kích) để tiếp tục tìm kiếm, và MACV trao nhiệm vụ cho đơn vị SOG.
Đại Tá John K. Singlaub thay thế Blackburn làm chỉ huy trưởng đơn vị SOG trong tháng Năm 1966, mời Đại Tá Không Quân Harry “Heinie” Aderholt phác họa một chương trình mới. Aderhold là một trong số rất ít sĩ quan cao cấp Không Quân hứng khởi về chiến tranh ngoại lệ. Trong những năm thập niên 1960, Aderhold đã chỉ huy đoàn 1045 cơ quan hỗn hợp CIA - Không Quân chiến tranh ngoại lệ trong vùng Viễn Đông, trước đó đã huấn luyện các toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc Việt Nam. Hơn nữa, mới đây ông ta đã theo dõi việc đưa các toán Hành Quân Đặc Biệt Không Quân từ căn cứ không quân Eglin tiểu bang Florida qua vùng Đông Nam Á châu.
Ngày 17 tháng Chín cơ quan MACV thành lập Trung Tâm Thâu Hồi Nhân Mạng Hỗn Hợp (JPRC) nằm trong hệ thống chỉ huy đơn vị SOG, Đại tá Aderholt được đề cử làm cấp chỉ huy đầu tiên của trung tâm.
Lướt qua danh sách quân nhân mất tích Hoa Kỳ, nhân viên JPRC có thể nhận ra tức khắc đa số phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi hầu hết nơi miền bắc Việt Nam. Do đó phòng JPRC quyết định thành lập một toán biệt kích cho riêng họ, để có thể xâm nhập miền bắc Việt Nam, lục soát khu vực phi cơ bị bắn rơi, trấn áp đơn vị của địch trong khu vực và áp dụng kỹ thuật cấp cứu sơ khởi (First Aid) nếu cần thiết. Cấp chỉ huy đối tác VNCH cho trung tâm này là Đại Úy Đỗ Văn Tiên bí danh Francoise, người đã tuyển mộ điệp viên đơn phương đâu tiên Ares năm 1960.
Cũng trong năm đó, phòng Thâu Hồi Nhân Mạng Hỗn Hợp (JPRC) thăm trung tâm huấn luyện biệt kích Long Thành để tuyển mộ. Hơn 20 quân biệt kích được thâu nhận, đa số người Việt, ít người thiểu số. Một chương trình huấn luyện đặc biệt cho các quân nhân này, nhấn mạnh môn Cứu Thương Cấp Cứu và truyền tin do ban hành quân nhẩy dù huấn luyện, đồng thời Francoise cùng với ba quân nhân cấp bậc cao nhất qua căn cứ không quân Clark ở Philippines thụ huấn khóa Mưu Sinh trong Rừng.
Trong thời gian huấn luyện, phòng JPRC nhận được yêu cầu giúp đỡ (hành quân). Ngày 12 tháng Mười, Canasta 572, một phi cơ A-1 (Skyraider) Hải Quân Hoa Kỳ do Trung Úy Robert Woods lái bị phòng không Bắc Việt bắn rơi nơi phiá nam tỉnh Thanh Hóa. Nhẩy dù ra, Trung Úy Woods đáp xuống an toàn nơi một cánh rừng cách bờ biển khoảng 58 cây số. Viên phi công phụ, gửi công điện cấp cứu cho biết tọa độ của hai người đến hàng không mẫu hạm Intrepid.
Ngay tức khắc, hàng không mẫu hạm Intrepid cho một trực thăng HH-3 Sea King bay vào vùng trời Thanh Hóa. Họ trông thấy Woods, phi hành đoàn thả xuống dây cấp cứu xuyên qua lớp cành lá của cánh rừng nhiệt đới. Tuy nhiên quân Bắc Việt đã xuất hiện trong khu vực bắn súng nhỏ lên chiếc trực thăng, gây khó khăn cho việc cấp cứu.
Sau nhiều lần thất bại, quân biệt kích JPRC đến khu vực ngày 14 tháng Mười. Hải Quân Hoa Kỳ muốn có một toán biệt kích đi theo trực thăng vào cứu Trung Úy Woods, bảo đảm an ninh vị trí của viên phi công trên mặt đất. Lúc đó quân biệt kích JPRC vẫn còn đang trong thời gian huấn luyện nên họ yêu cầu hành quân Shining Brass cho mượn đỡ một toán biệt kích nhiều thành tích, “nổi” nhát.
Trong tháng Mười năm 1966, danh hiệu “Số 1” thuộc về toán biệt kích Ohio gồm có ba quân Mũ Xanh Hoa Kỳ và tám biệt kích quân người thiểu số Nùng, và một thông ngôn người Việt. Trưởng toán Ohio là Trung Sĩ Richard Meadows, nổi tiếng can đảm, trầm tĩnh trước hỏa lực của địch. Đầu năm vừa qua, Dick Meadows được Tướng Westmoreland khen thưởng sau chuyến trở về từ Lào cùng với nhiều bộ phận nhắm mới cho súng đại bác lấy được của địch - Bằng chứng hiển nhiên, quân đội Bắc Việt vận chuyển vũ khí lớn (đại bác) trên đường mòn HCM vào miền nam.
Meadows cùng với toán Ohio đang “công tác” ở bên Lào, nhận được lệnh khẩn cấp tìm một bãi đáp để triệt xuất toán biệt kích. Kết qủa, đêm 14 tháng Mười cả toán biệt kích Ohio được trực thăng đưa thẳng lên hàng không mẫu hạm Intrepid và được thuyết trình về tình trạng Trung Úy phi công Hải Quân Woods.
Khi mặt trời lên, toán biệt kích Ohio đã tập họp trên sàn tầu, sẵn sàng lên trực thăng Sea Kings. Lần này, thay vì đeo phao nơi cổ (sợ rơi xuống biển), quân biệt kích sẽ ngồi trên dây cáp có khối sắt đầu nhọn ở dưói để xuyên qua lớp cành lá rậm rạp rừng nhiệt đới. Nhưng bầu trời Thanh Hóa hôm đó nhiều mây báo hiệu một trận mưa lớn, toán biệt kích Ohio tiếp tục nằm chờ trên hàng không mẫu hạm Intrepid, phi công Woods đã ở trên miền bắc Việt Nam 3 ngày.
Sáng ngày 16 tháng Mười, lúc hừng đông, toán biệt kích Ohio lên hai trực thăng cất cánh từ hàng không mẫu hạm Intrepid. Khi họ bay vào đến không phận Thanh Hóa, chiếc trực thăng dẫn đầu bay thấp trên đầu vị trí cuối cùng được biết của Trung Úy Woods, có một cây cao vỏ mầu trắng rất dễ nhận ra. Meadows kể lại “Nhớ lại lúc tôi còn trẻ, một bệnh (blight của cây) làm cho cây hạt dẻ (chestnut) trở nên mầu vàng. Cây này cũng thế, nên tôi đặt tên cho nó là ‘cây hạt dẻ’. Tôi nói viên phi công cho xuống cách nó khoảng 800 thước.”
Cả toán biệt kích Ohio tuột dây xuống, tập họp trên mặt đất nghe ngóng, đợi cho tiếng trực thăng bay đi và khu rừng trở lại yên tĩnh với tiếng chim hót, côn trùng. Meadows ra lệnh cho toán biệt kích cẩn thận di chuyển về hướng cây “chestnut” coi chừng tao ngộ chiến.
Khi đến gần cây “chestnut” khoảng 100m, người khinh binh Nùng ra dấu hiệu dừng lại, Meadows bò lên cùng với người khinh binh quan sát, trông thấy một con đường mòn che dấu dưới những cành lá rậm rạp. Toán biệt kích bố trí nằm quan sát, theo dõi con đường mòn. Khoảng mười lăm phút sau có người nói tiếng Việt từ xa vọng lại. Meadows nằm sát xuống đất, nhưng bốn người lính Bắc Việt (toán đi bắt phi công bị bắn rơi) đã nhìn thấy người lính biệt kích Hoa Kỳ. Meadows bắn ra một tràng đạn tiểu liên Thụy Sĩ K.
Tiếp theo cả toán biệt kích nổ súng xung phong chạy lên, ngang qua xác bốn người lính Bắc Việt đến cây “chestnut” lục soát, gọi tên người phi công Hoa Kỳ. Nhưng được trả lời bằng những tiếng súng báo hiệu, Meadows biết rằng bốn người lính Bắc Việt chỉ là một toán nhỏ trong một đơn vị lớn đi tìm bắt viên phi công bị bắn rơi.
Toán đi cấp cứu Ohio lúc đó cần được cấp cứu. Meadows báo cáo về hàng không mẫu hạm Intrepid yêu cầu triệt xuất. Trong khi chờ trực thăng, toán biệt kích Ohio rút lui về điểm xuất phát lúc xuống, trong khi đó tiếng súng báo hiệu Bắc Việt càng gần. Meadows chia toán biệt kích ra làm hai, toán phó Kerns và nửa số biệt kích Nùng sẽ lên chuyến trực thăng đầu tiên, phần còn lại, Meadows, nhân viên truyền tin Mũ Xanh Hoa Kỳ, Trung Sĩ William Anthony, và số biệt kích Nùng còn lại lên chiếc trực thăng thứ hai.
Khi hai chiếc trực thăng Sea Kings bốc xong toán biệt kích, bay ra vịnh Bắc Bộ, quân Bắc Việt bắt kịp, súng nổ vang dội cả cánh rừng. Viên phi công bay chiếc thứ hai lèo lái chiếc trực thăng xuất sắc tránh được loạt đạn bắn lên của địch. Chiếc thứ nhất không may, đạn đi xuyên qua cửa hông trực thăng trúng xạ thủ đại liên M-60, anh ta gục xuống trên vũng máu, mấy viên khác làm mảnh nhôm vụn bay vào trong trực thăng sớt ngang đứt mũi viên cơ khí trưởng, trúng viên phi công phụ vào tay và vào chân một Gián Điệp & Biệt Kích Page 186
biệt kích Nùng. Toán phó Kerns cũng bị trúng vào đầu máu phun ra.
Chiếc trực thăng trúng đạn bắt đầu bị rung và mất cao độ. Viên phi công la lớn ra lệnh cho mọi người mặc áo vest (phao) cấp cứu vào. Chiếc trực thăng lết ra đền biển rơi xuống mặt nước, mọi người đều chui ra khỏi trong khi chiếc trực thăng từ từ chìm xuống. Do đã đánh điện cầu cứu trước, ngay lúc đó diệt lôi hạm Henley xuất hiện vớt lên đầy đủ tất cả mọi người. Sau này đơn vị SOG (người Hoa Kỳ) được biết Trung Úy phi công Woods đã bị bắt từ hôm 14 tháng Mười, toán biệt kích Ohio nhẩy vào ngày 16 đã trễ, khu vực đầy lính Bắc Việt. Đến ngày 4 tháng Mười Hai, Trung Tâm Thâu Hồi Nhân Mạng Hỗn Hợp (JPRC) nhận được lời yêu cầu thứ hai và cũng “mượn đỡ” một toán biệt kích khác trong hành quân Shining Brass.
Trong khoảng thời gian đó (tháng 12 năm 1966) đã có tám phi cơ Hoa Kỳ bị rơi nơi miền bắc Việt Nam cùng với 13 nhân viên phi hành, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ (1 ngày). Tín hiệu cấp cứu khẩn cấp phát ra loạn xạ nơi miền bắc, kể cả khu vực gần Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ cấp cứu trong thung lũng đó (Điện Biên Phủ), JPRC chuyển tiếp lời yêu cầu lên Kontum (B-15), căn cứ “phóng” hành quân Shining Brass trên vùng cao nguyên miền nam Việt Nam. Đại Úy Frank Jaks, sĩ quan hành quân B-15 (còn có tên nữa là căn cứ hành quân tiền phương 2 – FOB-2), chọn hai toán biệt kích “số 1” của B-15 đưa sang phi trường Nakhon Phanom trên đất Thái Lan. Cũng như toán Ohio trước đó họ chuẩn bị kế hoạch hành quân và được trực thăng đưa vào khu vực Điện Biên Phủ tiêu diệt các đơn vị địch trong khu vực để cứu phi công, phi hành đoàn. Chuyến hành quân đặc biệt này có mật danh là Rowboat.
Trước khi phóng cuộc hành quân Rowboat, một phản lực RF-101(Voodoo) bay thám thính khu vực phi cơ lâm nạn. Viên phi Gián Điệp & Biệt Kích Page 187
công không trông thấy gì đặc biệt trên mặt đất và cũng nghe tiếng “bíp” khẩn cấp. Hành quân Rowboat hủy bỏ ngày 8 tháng Mười Hai.
Cơ quan MACV hủy bỏ chương trình huấn luyện các toán biệt kích của cơ quan JPRC chuyển qua đơn vị SOG, chương trình hành quân thả dù (biệt kích ra miền bắc Việt Nam). Kinh nghiệm cho thấy, chương trình thả các toán biệt kích ra mền bắc nằm vùng dài hạn không thành công. Đơn vị SOG đưa ra một chương trình mới thành lập các toán biệt kích dò thám đường, tìm mục tiêu ngắn hạn (Short Term Roadwatch anh Target Acquisition) gọi tắt là STRATA. Các toán biệt kích trong chương trình này, sẽ xâm nhập khu vực cán chảo miền bắc, lấy tin tức tình báo tức thời, sau đó khoảng 4 tuần lễ sẽ được triệt xuất.
Chương trình STRATA có nhiều điểm giống như hành quân Shining Brass lúc đó đã đổi tên Prairie Fire đầu năm 1967. Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ trong tháng Năm đã dự định mở rộng khu vực hành quân Prairie Fire lên đến khu vực cán chảo miền bắc Việt Nam. Bốn toán biệt kích Strata đầu tiên có gốc rễ từ JPRC, do đó Đại Úy Đỗ Văn Tiên (Francoise) là cấp chỉ huy của Gián Điệp & Biệt Kích Page 188
chương trình Strata, đối tác sĩ quan Hoa Kỳ là Thiếu Tá Austin Wilgus.
Thiếu Tá Wilgus không xa lạ trong đơn vị SOG, ông ta đã cố gắng triệt xuất toán biệt kích Bell không thành công trong tháng Hai trước đó. Trong tay Thiếu Tá Wilgus, có bốn toán biệt kích Strata, mỗi toán có từ 10 đến 13 quân biệt kích VNCH.
Toán biệt kích Strata đầu tiên thục tập xâm nhập Lào là Strata 111, phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương (phóng) Khe Sanh như toán Romeo trước đó. Toán Strata 111 lên trực thăng H-34 phi đoàn 219 Không Quân VNCH bay về hướng tây (sang Lào). Chiếc H-34 thả toán biệt kích xuống một khoảng đất trống rồi bay vòng về hướng đông.
Cấp chỉ huy không ai muốn đưa một toán biệt kích “vào chỗ chết người” để thực tập… Vài tiếng đồng hồ sau, toán Strata 111 nghe tiếng động di chuyển ở khắp nơi. Sau này đơn vị truyền tin Gián Điệp & Biệt Kích Page 189
(kiểm thính) Hoa Kỳ chận bắt được làn sóng truyền tin quân đội Bắc Việt cho biết toán biệt kích Strata 111 vào đúng vị trí đóng quân của sư đoàn 325 Bắc Việt.
Giữa tổ ong, Strata 111 mặc quân phục lính Bắc Việt, có cả nón cối, võ trang tiểu liên AK-47, nhờ vậy dễ thoát hiểm. Quân biệt kích chạy trối chết năm cây số, vừa chạy vừa yêu cầu triệt xuất. Đến được khoảng đất trống, cả toán đứng lại đợi trực thăng H-34 vào cứu thoát.
Chuyến thực tập thứ hai trong tháng Tám, Strata 112 xâm nhập Lào từ căn cứ phóng Dak To trên vùng cao nguyên (hướng bắc Kontum, gần khu vực tam biên). Nhiệm vụ cho toán Strata 112 theo dõi một nhánh đường mòn HCM. Hai trực thăng H-34 phi đoàn 219 Kingbee VNCH đưa toán biệt kích vào khu vực hoạt động dễ dàng. Di chuyển thám sát dọc theo nhánh đường mòn, ngày đầu tiên toán biệt kích phát giác vài căn chòi để địch quân tạm nghi. Ngày hôm sau nữa toán biệt kích bị địch phát giác, yêu cầu trực thăng H-34 vào triệt xuất. Sau thời gian thực tập, các toán biệt kích Strata chuẩn bị ra ngoài bắc (trong khu vực cán chảo miền trung của miền bắc Việt Nam), thực hiện các chuyến xâm nhập ngắn hạn khoảng bốn tuần lễ hoặc ít hơn. Các toán biệt kích Strata sẽ mặc quân phục Bắc Việt võ trang tiểu liên AK-47, máy truyền tin PRC-74 có thể liên lạc thẳng với phi cơ đang bay trên đầu. Đa số mục tiêu cho các toán biệt kích Strata nằm trong khu vực cán chảo với những con đường băng qua dẫy Trường Sơn qua đất Lào nhập vào hệ thống đường mòn HCM.
Toán Strata đầu tiên ra miền bắc là Strata 111, được trao nhiệm vụ theo dõi xe cộ Bắc Việt di chuyển trên đuờng 101 trong tỉnh Quảng Bình, sau đó nhập vào đường 12 trước khi băng qua Gián Điệp & Biệt Kích Page 190
đèo Mụ Già, nhập vào hệ thống đường HCM. Toán biệt kích đem theo ống nhòm cực mạnh đặt trên chân ba càng để theo dõi con đường từ núi Khe Sai gần mục tiêu.
Rạng đông ngày 24 tháng Chín, toán biệt kích Strata lên trực thăng CH-3 trong phi trường Nakhon Phanom. Toán biệt kích chỉ đi bẩy người để nhẹ nhàng, ít người để ý và di chuyển nhanh trong khu vực hoạt động. Thiếu Tá Wilgus sẽ bay trên một C-130 chỉ huy việc thả toán biệt kích.
“Chúng tôi cho toán biệt kích xâm nhập trong những tia sáng đầu tiên” Thiếu Tá Alton Deviney cũng là người chỉ huy hai chiếc trực thăng CH-3 bốc toán biệt kích Bell không thành công trước đó. “Ngọn núi nơi chúng tôi thả toán biệt kích cao và dốc đứng, cánh rừng bao quanh rất rậm rạp.”
Với điạ thế hiểm trở khó khăn, cơ hội gặp địch giảm bớt rất nhiều, đồng thời cũng gây khó khăn cho toán biệt kích di chuyển. Qủa đúng như thế, từ bãi đáp trực thăng, toán biệt kích phải di chuyển 6 cây số đến điểm quan sát đường 101. Nhưng không thể nào vượt qua nhiều rặng núi dốc đứng, và nguy hơn nữa, họ hết nước uống vì quá mệt và hai người trong toán ngã bệnh. Ngày 28 tháng Chín, Strata 111 gọi máy yêu cầu triệt xuất.
Thiếu Tá Deviney quen thuộc với địa hình, điạ thế khu vực nên được trao nhiệm vụ triệt xuất toán biệt kích Strata 111. Nếu ông ta thành công đem được toán biệt kích về, đó cũng là lần đầu tiên đơn vị SOG thâu hồi được một toán biệt kích từ miền bắc Việt Nam. Wilgus gọi điện thoại cho Deviney trước khi lên đường “Ông ta nói rằng, sẽ bay trên chiếc C-130 (để chỉ huy cuộc triệt xuất), yểm trợ tối đa khi cần.” Gián Điệp & Biệt Kích Page 191
Thiếu Tá Wilgus nói đúng (giữ lời hứa), đã sắp xếp hai khu trục T-28 Không Lực Hoa Kỳ từ Nakhon Phanom lên bao vùng, khi hai trực thăng CH-3 cất cánh. Bay về hướng đông, cả hai phi đội (CH-3 và T-28) sẽ gặp nhau nơi bãi đáp trực thăng bốc toán biệt kích, nhưng gặp trở ngại thời tiết xấu. “Tôi nói con chim trên cao (C-130) cứ ở trên tầng mây” Deviney kể lại “Tôi sẽ xuống dưới (tầng mây bao phủ)” Ông ta hạ thấp cao độ chiếc trực thăng CH-3 qua một khoảng trống không bị mây che phủ.
Theo sau Thiếu Tá Deviney là chiếc CH-3 thứ hai do Thiếu Tá James Vollotti lái, ông ta mới sang Đông Nam Á được hai tháng, đem theo máy quay phim 8 ly để quay phim. Khi nhìn thấy ngọn núi sừng sững, ông ta mở mắt thật to ra “Tôi không hiểu làm sao con người có thể đi đến những chỗ… cực điểm như thế.”
Trông thấy bãi đáp thả toán biệt kích Strata 111 trước đó, Deviney bay vào gần. Từ trên đỉnh núi cả toán biệt kích đang vẫy tay chào đón, ra hiệu, họ không di chuyển được xa từ khi xâm nhập từ bốn hôm trước. “Bạn không thể đáp xuống được vì cây to và những bụi cây” Deviney nói “Tôi nghĩ mình có thể lại gần để ‘câu’ họ lên”. Nhưng khi chiếc trực thăng từ từ bay lại gần, súng địch bắt đầu nổ từ một rặng núi cách xa khoảng 450 m.
Trực thăng CH-3 không võ trang, Thiếu Tá Deviney cầu cứu khu trục T-28 bay vào cứu nguy. Mặc dầu bầu trời lúc đó nhiều mây, hai phi công T-28 vẫn tìm được chỗ hở bay vào, hướng về rặng núi phát ra tiếng súng quân Bắc Việt, bắn hỏa tiễn lân tinh. Địch quân im tiếng súng ngay tức khắc, và trực thăng CH-3 thả dây xuống câu quân biệt kích lên từng người một.
Mặc dầu Strata 111 gần như không đem về được tin tức, nhưng cơ quan MACV phấn khởi… đã đem về được một toán biệt kích nơi miền bắc Việt Nam. Thiếu Tá Deviney được huy chương bạc, Villotti được huy chương Phi Dũng bội tinh và phi hành đoàn được Tướng Westmoreland khen ngợi “Hiệu qủa, rất chuyên nghiệp trong nhiệm vụ sâu trong lòng địch.”
Chưa đầy một tháng, chương trình Strata thử chuyến khác. Lúc đó, Thiếu Tá Wilgus đã hết thời gian phục vụ, Thiếu Tá Victor Calderon lên thay, điều hành chương trình Strata. Là một quân nhân Mũ Xanh, phục vụ tour thứ hai ở Việt Nam, Thiếu Tá Calderon tập họp toán Strata 112 lại, thuyết trình về mục tiêu, nhiệm vụ cho toán biệt kích. Strata 112 sẽ xâm nhập phiá bắc tỉnh Quảng Bình, theo dõi ngã tư quan trọng đường 15 cắt đường 12 , theo hướng nam đến đèo Mụ Già. Bãi đáp cho trực thăng đưa toán biệt kích xâm nhập cách mục tiêu khoảng 8 cây số về hướng tây bắc. Lần này không có trực thăng, quân biệt kích theo “truyền thống” nhẩy dù.
Đêm 23 tháng Mười, toán biệt kích Strata 112 mười người mặc quần áo chống va chạm cành cây, lên phi cơ MC-130 trong phi trường Tân Sơn Nhất. Chiếc phi cơ bay ra vịnh Bắc Bộ đến bãi thả dù. Theo lệnh “chuyên viên nhẩy dù”, năm người một xếp hàng bước ra cửa sau phi cơ, biến mất vào trong màn đêm.
Như các toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc, toán Strata 112 bị phân tán khi tới mặt đất. Một trong hai người hiệu thính viên, Ngô Phương Hải bị thất lạc, không tìm thấy một ai trong toán, anh ta đợi cho đến khi trời bắt đầu sáng. Khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua lớp cành lá rậm rạp cánh rừng nhiệt đới, Hải trèo từ trên cây xuống đất, gặp Mai Văn Hợp, chuyên viên chất nổ trong toán biệt kích. Hợp cũng bị treo trên cây như Ngô Phương Hải, đợi đến sáng mới leo xuống. Cả hai bước trở lại chỗ Hải đáp xuống, họ tìm được máy truyền tin treo trên một cành cây và tìm cách thâu hồi máy truyền tin để liên lạc. Năm tiếng đồng hồ sau, mười quân nhân toán biệt kích Strata 112 mới gom lại đầy đủ. Khi toán biệt kích tập họp, Thiếu Úy Nguyễn Văn Hùng trưởng toán để ý quan sát xung quanh, không có một điểm nào giống như trên tấm bản đồ quân biệt kích đem theo. Hơn nữa, mấy người trong toán báo cáo có làng mạc gần đó. Đúng ra bãi thả dù không có dân cư, làng mạc.
Thì ra toán Strata 112 nhẩy dù xuống gần đường biên giới tỉnh Hà Tĩnh. Toán biệt kích phải di chuyển gấp ra khỏi khu vực vừa xuống. Không lâu, dân điạ phương nhận thấy dấu vết quân biệt kích di chuyển, báo cáo lên cơ quan thẩm quyền. Buổi sáng ngày 31 tháng Mười, toán biệt kích Strata 112 bị phục kích gần bờ một giòng suối lớn. Toán phó, Trung Sĩ Phạm Ngọc Linh vừa chạy vừa bắn. Ba ngưòi lính biệt kích bị giết nơi bờ suối, một người khác chết ngày hôm sau. Gián Điệp & Biệt Kích Page 194
Để tránh bị địch truy đuổi, quân biệt kích còn lại (6 người) chạy về hướng nam biên giới tỉnh Quảng Bình. Họ gọi máy yêu cầu cấp cứu khẩn cấp, nhưng không thể cho biết chính xác vị trí toán biệt kích. Phi cơ Hoa Kỳ bay bao vùng tìm toán Strata 112 nhưng rừng qúa rậm rạp. Toán quân Bắc Việt đuổi theo, kiên nhẫn chờ phi cơ Hoa Kỳ đi khỏi, tiếp tục truy lùng toán biệt kích.
Hết thực phẩm đem theo, quân biệt kích nướng khoai mì ăn. Dân điạ phương trông thấy khói đi báo công an… Thêm một biệt kích bị bắt, bốn người còn lại toán Strata 112 bị bắt ngày hôm sau. Còn một mình nhân viên truyền tin Ngô Phương Hải trốn thêm được mười ngày nữa. Ngày 17 tháng Mười Một, vừa đói vừa hết đạn, Ngô Phương Hải ra đầu hàng.
XVIII. RỒNG ĐỎ (RED DRAGON)
Một trong các hoạt động bí mật nhất của đơn vị SOG, phối hợp với Cộng Hòa Trung Hoa (Taiwan). Sự phối hợp này gián tiếp từ giấc mơ của Chiang Kai-Shek (Tưởng Giới Thạch), lấy lại Hoa Lục, mất năm 1949 vào tay Mao Tse-Tung, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (cộng sản Hoa Lục). Sau thất bại xây dựng quân du kích ở Burma (Miến Điện) chống lại Hoa Lục năm 1951, Chiang (Tưởng) xây dựng lại quân đội giữa thập niên 1950.
Cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA tài trợ các hoạt động biệt hải chống Trung Cộng, đến năm 1957, các hoạt động biệt hải gia tang, xử dụng Biệt Động Quân (biệt kích) đánh phá các mục tiêu trên đất liền. Trận tấn công lớn nhất xẩy ra ngày 2 tháng Mười với 28 quân biệt kích tấn công bán đào Pehling. Vụ này thất bại phải rút lui trước đạn đại bác, đại liên của Trung Cộng.
Những trận tấn công biệt hải chỉ gây khó chịu cho chính quyền Hoa Lục, Chiang Kai Shek nhất quyết tấn công sâu vào đất liền bằng quân biệt kích, biệt động quân nhẩy dù. Để đạt mục đích này, trong tháng Chín năm 1957, đích thân Chiang trao cho Đại Sứ Hoa Kỳ tại Taiwan kế hoạch thành lập một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt, có thể nhẩy dù sâu vào Hoa Lục, xách động dân chúng nổi dậy chống lại chính quyền cộng sản Mao Tsi-Tung. Đến tháng Hai năm sau, Washington cấp thuận cho các cố vấn Hoa Kỳ (tại Taiwan) giúp họ xây dựng một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt 3000 quân (liên đoàn).
Không hài lòng với một liên đoàn LLĐB, Chiang ra lệnh thành lập thêm hai liên đoàn LLĐB mới trong vòng hai năm, và bắt đầu thả quân biệt kích (LLĐB) xâm nhập vào Hoa Lục. Trong một chuyến thả biệt kích xâm nhập cuối tháng Tư năm 1960, cơ quan CIA phụ giúp thả một toán năm người xuống tỉnh Anhui. Theo ngành tình báo Taiwan, toán biệt kích này sẽ gặp 500 người theo Chiang Kai-Shek, nhưng trên thực tế toán biệt kích nhẩy dù xuống một đập nước đang được xây dựng, bỏ chạy. Họ lên máy báo cáo về Taiwan, yêu cầu tái tiếp tế. Trên bình diện bang giao quốc tế, chuyện này không thể xẩy ra… Đồng thời lúc đó có thêm vụ phi cơ gián điệp U-2 Hoa Kỳ bị bắn rơi trên đất Nga Sô, làm cho Tổng Thống Eisenhower ra lệnh ngừng tất cả các hoạt động nhẩy dù xuống khu vực khối cộng sản. Trong lúc hoảng sợ, trưởng toán biệt kích gửi tiếp một loạt công điện cho nhân viên CIA điều hành đường dây, trước khi bị bắt.
Hồ sơ biệt kích Taiwan thất bại theo sau thất bại vẫn không làm nản lòng Chiang. Đến mùa hè năm 1961, ông ta có bốn liên đoàn Lực Lượng Đặc Biệt, vào khoảng 12.000 quân Biệt Cách Dù (LLĐB), đông nhất trong các quốc gia Á châu. Chiang cũng thành lập thêm một đoàn quân chống cộng 5.500 người, gốc Hoa Lục để lật đổ chế độ cộng sản Hoa Lục.
Với con số lớn lao, chiến tranh ngoại lệ của Cộng Hòa Trung Hoa (Taiwan) cũng không thành công cho đến đầu thập niên 1960. Gần hết các toán biệt kích đều bị bắt khi nhẩy dù xuống. Nhiều trường hợp, hệ thống phòng không rất hiệu qủa của Trung Cộng bắn rơi phi cơ chở biệt kích trước khi đến bãi thả dù. Ít nhất năm (5) phi cơ RB-69 chở quân biệt kích Taiwan bị bắn rơi trong năm 1964.
Bầu trời Hoa Lục quá nguy hiểm cho việc thả dù các toán biệt kích. Lực Lượng Đặc Biệt Taiwan đổi cách xâm nhập, từ biển vào. Chuyến hành quân lớn nhất của họ trong mùa hè năm 1963, hai tầu chở 26 quân nhân đoàn quân chống cộng, hướng về hải phận Việt Nam. Đến ngày 23 tháng Bẩy, hai tầu Taiwan đến đảo Bạch Long Vĩ, một đảo nhỏ không người ở giữa Hải Phòng và đảo Hài Nan (thuộc về Tầu Cộng). Năm ngày sau, họ chạy lên hướng bắc, ngừng lại nơi vùng biển tỉnh Quảng Ninh (giáp với Trung Cộng). Từ đó, quân biệt kích Taiwan dùng xuồng gắn động cơ xâm nhập vào Hoa Lục. Họ sẽ nằm vùng khu vực biên giới Việt-Hoa, sau đó di chuyển sâu vào lục địa thiết lập các túi kháng chiến chống cộng.
Quân biệt kích Taiwan chưa vào đến bờ, đơn vị biên phòng Bắc Việt đả kéo đến bao vây. Quân biệt kích Taiwan bỏ chạy, Bắc Việt đuổi theo. Kết qủa 17 biệt kích Taiwan bị bắt, hai người khác tự tử chết.
Chính quyền Taipei (Đài Bắc) không biết hai tuần trước đó, VNCH cố gắng cho toán biệt hải mật danh Dragon xâm nhập vào cùng khu vực nơi góc tỉnh Quảng Ninh. Sau khi chuyện đó xẩy ra, lực lượng duyên phòng miền bắc siết chặt và kết qủa như kể trên đối với quân biệt kích Taiwan.
Chuyến hành quân của quân biệt kích Taiwan cho thấy thiếu sự phối hợp giữa Saigon và Taipei. Thực ra sự liên hệ quân sự giữa VNCH và Taiwan đã có từ năm 1960, khi Chiang (Tưởng Giới Thạch) gửi ba sĩ quan sang Việt Nam thẩm định tình hình. Ba tháng sau, nhóm người nhái Hải Quân Việt Nam được đưa qua Taiwan huấn luyện. Tháng Hai tiếp đó, ông Ngô Đình Cẩn em trai Tổng Thống Diệm sang thăm Taiwan đề nghị lập một trung tâm huấn luyện bơi lặn (scuba) trong miền nam Việt Nam. Chuyện huấn luyện ở Việt Nam chưa được xúc tiến, nhưng Taiwan gửi một toán Lực Lượng Đặc Biệt sang làm việc trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khi xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, toán LLĐB Taiwan làm việc với Linh Mục Nguyễn Lạc Hóa (biệt khu Hải Yến). Một vị linh mục Công Giáo chống cộng, đã từng mang cấp bậc Trung Tá quân đội Tầu khi Chiang vẫn còn giữ Hoa Lục. Sau khi Chiang chạy ra đảo Taiwan, Linh Mục Hóa về Việt Nam, sau đó vào trong miền nam năm 1954, định cư trong tỉnh An Xuyên, tận cùng miền nam Việt Nam. Linh Mục Hóa tổ chức người công giáo chống cộng và được LLĐB Taiwan giúp đỡ quét sạch VC ra khỏi khu vực (biệt khu Hải yến).
Cùng với sự xụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm, ngôi sao Linh Mục Hóa cũng mờ dần, tuy nhiên sự liên hệ giữa hai quốc gia vẫn tốt đẹp, gia tăng. Các phi hành đoàn C-123 Taiwan đã bay nhiều phi vụ cho đơn vị SOG thả quân biệt kích, thả dù tiếp tế ra miền bắc Việt Nam. Trong tháng Sáu năm 1964, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm Taipei. Hai tháng sau, MACV và VNCH nhận được toán cố vấn Taiwan 15 người giúp đỡ ngành Chiến Tranh Tâm Lý.
Taiwan đồng ý thay đổi chiều hướng hoạt động, phối hợp với đơn vị SOG. Thay vì cho điệp viên xâm nhập trực tiếp vào Yunnan (Hồ Nam), đơn vị SOG sẽ cho một toán biệt kích VNCH xâm nhập tỉnh Lào Cai dọc theo đường biên giới với Hoa Lục. Toán biệt kích sẽ “báo động sớm” (EWOT) bằng cách theo dõi đường xá, đường xe hỏa, vận chuyển đường sông từ bên Tầu về Hà Nội.
Taiwan đồng ý, yêu cầu dời điểm thả dù quân biệt kích lên hướng đông bắc trong tỉnh Hà Giang, điạ thế hiểm trở, dân cư thưa thớt hơn. Theo kế hoạch, toán biệt kích SOG (VNCH) sẽ nhẩy dù xuống Hà Giang trước, bảo đảm an ninh bãi thả dù trong vòng một tháng cho toán biệt kích Taiwan xuống sau. Sau đó cả hai toán biệt kích sẽ di chuyển sâu vào lục điạ (Trung Cộng).
Trong căn cứ huấn luyện Long Thành, toán biệt kích Hà Giang bắt đầu chương trình huấn luyện trong tháng Tám 1966. Sĩ quan điều hành toán biệt kích là Thiếu Tá Lương Hãng, người thiểu số Nùng được linh mục Hóa giới thiệu. Thiếu Tá Hãng có biệt danh là Mathieu, biết nói cả tiếng Tầu (người Nùng) nên rất được tin tưởng.
Mathieu chọn 12 biệt kích quân trong số 30 người thành lập toán Red Dragon, tất cả người miền bắc Việt Nam di cư vào nam năm 1954. Trưởng toán biệt kích Red Dragon là Nguyễn Thái Kiên, đã có kinh nghiệm chiến đấu chống cộng sản dọc theo biên giới Trung Hoa trong trận chiến Đông Dương thứ Nhất (thời Pháp). Di cư vào miền nam, ông Kiên là sĩ quan trong binh chủng Nhẩy Dù, thuyên chuyển sang đơn vị SOG, hành quân Shining Brass cuối năm 1965.
Việc huấn luyện cho toán biệt kích Red Dragon từ đầu năm 1967 trong căn cứ Long Thành. Tất cả mọi người trong toán đều được huấn luyện xử dụng mìn phá hoại, các loại súng kể cả ống phóng hỏa tiễn 3.5 inches, và đặc biệt tiếng Tầu Ngày 24 tháng Hai, toán biệt kích Red Dragon được giới thiệu với toán biệt kích Taiwan. Toán biệt kích Tầu có 13 người lấy ra từ LLĐB. Họ được đặt cho mật danh “Nùng Red Dragon” hay là “Red.Dragon”. Mỗi “Red.Dragon” (Taiwan Red Dragon) còn có thêm tên Việt Nam.
Trong sáu tháng, hai toán Red Dragon được huấn luyện trong căn cứ Long Thành. Để kết thúc chương trình huấn luyện trong tháng Tám, cả hai toán biệt kích lên phi cơ nhẩy dù xuống một khu vực gần thành phố nghỉ mát Đà Lạt để thực tập “sống”. Kết qủa giết hai VC, bắt sống hai tên, tịch thâu 5 súng Carbin.
Đến tuần lễ thứ hai trong tháng Chín, toán Red Dragon Việt Nam chỉ còn tám người, qua thủ tục chuẩn bị lần chót. Trưởng toán biệt kích Nguyễn Thái Kiên lên cấp bậc Đại Úy, toán phó Phạm Xuân Kỳ lên Thượng Sĩ. Mathieu (T/Tá Hãng) có đối tác sĩ quan SOG là Đại Úy Frederic Caristo, thuyết trình chuyến hành quân xâm nhập, nhiệm vụ cho cả hai toán Red Dragon lần cuối trước khi lên đường. Caristo nhấn mạnh, sau khi xâm nhập họ phải lên máy báo cáo về (đơn vị SOG) trong vòng ba ngày nếu không, toán biệt kích bị xem như chết hoặc nằm trong tay địch. Nhiệm vụ của họ, nằm yên đợi cho LLĐB Taiwan nhẩy dù xuống, trước khi di chuyển lên hướng bắc (xâm nhập vào Hoa Lục). Đằng sau lưng toán biệt kích là tấm bản đồ Bắc Việt, Hà Giang được khoanh vòng tròn trắng kéo dài qua đất Tầu mà nhân viên truyền tin toán Red Dragon Lê Trung Tín gọi là vùng giải phóng.
Ngày 21 tháng Chín, tám biệt kích Red Dragon mặc quần áo (Smoky Jump Suit) chống cây đâm vào người, lên phi cơ MC-130. Hầu hết đồ tiếp liệu cho toán biệt kích đóng trong một kiện hàng lớn, bên trong cài dụng cụ phát tín hiệu (beacon để toán biệt kích tìm dễ dàng). Mỗi biệt kích đem theo dụng cụ “tìm bạn” trông như máy radio transistor nhỏ. Bằng cách theo tín hiệu beacon, toán biệt kích có thể gom lại nhanh chóng nơi kiện hàng tiếp liệu.
Chiếc MC-130 cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất, tạm ngừng ở Nha Trang. Từ đó bay ra vịnh Bắc Bộ, sau đó theo đường vòng cung ngược chiều kim đồng hồ, bay dọc theo biên giới Tầu. Đúng 02:00 giờ sáng chiếc phi cơ bay trên bầu trời Hà Giang, cửa đuôi phi cơ hạ xuống. Theo đúng kế hoạch, kiện hàng và trưởng toán biệt kích sẽ nhẩy ra trước, tiếp theo là nhân viên truyền tin và phần còn lại của toán biệt kích. Một điều đặc biệt, toán Red Dragon không tính trước, có thể vì chuyến bay bị sóc (bumpy ride), quân biệt kích bị “say sóng”, một người Việt và hai chuyên viên nhẩy dù Hoa Kỳ (Jump Master) qúa mệt, ói mửa tùm lum trên sàn phi cơ.
Khi đèn xanh trong bụng phi cơ bật lên, biệt kích toán Red Dragon đứng dậy không vững sau chuyến bay vất vả, nhồi lên nhồi xuống. Để làm gương, trưởng toán biệt kích Đại Úy Kiên đứng dậy, bước ra cửa đuôi phi cơ rồi cùng với kiện hàng biến mất vào màn đêm (nhẩy dù ra). Nêu lý do qúa mệt, chuyên viên chất nổ Trịnh Quốc Anh, khụy xuống đầu gối không chịu nhẩy (dù) ra. Cuối vùng vẫn có thêm sáu biệt kích quân nhẩy ra, nhưng trưởng toán Red Dragon đã trôi dạt đi xa cùng với kiện hàng đồ tiếp liệu. Chiếc MC-130 quay về hướng nam chở Trịnh Quốc Anh, người duy nhất không chịu nhẩy dù ra.
Người biệt kích nhẩy ra cuối cùng là Nguyễn Hữu Tân, theo đạo công giáo quê quán Thái Bình nơi miền bắc Việt Nam, nhân viên y tá trong toán Red Dragon. Tân có thể nhìn thấy những cánh dù của các bạn trong toán nhẩy ra trước trong một đêm trăng sáng. Anh ta cũng có thể nghe tiếng xe vận tải (quân đội), ánh đèn chiếu sáng từ một đồn biên phòng (Bắc Việt). Có thể nói địch quân đã nhìn thấy toán biệt kích đang từ từ rơi xuống mặt đất. Rơi xuống một bụi tre lưng chừng núi, Tân tháo dù rơi xuống đất. Mặc dầu đã được lệnh phải thâu hồi cánh dù, tiêu hủy bằng acid đem theo, Nhưng cánh dù của Tân vướng trên đầu bụi tre, nên Tân bỏ đi. Là người nhẩy ra sau cùng, Tân rơi xuống cách bãi thả dù khoảng 50 cây số về hướng tây nam. Mặc dầu khu vực ít dân cư, nhưng có một con đường chạy ngang qua, một đồn biên phòng Bắc Việt lớn và một ổ súng phòng không của Tầu Cộng.
Nhận thức rằng, kiện hàng tiếp liệu rơi xuống đáy thung lũng, Tân ở máy dò tìm tín hiệu “beacon” nhưng qúa xa không nhận được. Thủ khẩu tiểu liên Thụy Sĩ K-9 trên tay, Tân lần mò đi xuống thung lũng, hy vọng sẽ gặp đồng đội trong toán biệt kích Red Dragon. Trong cùng ngày, anh ta gặp Lê Trung Tín, một trong hai nhân viên truyền tin. Máy dò của Tín cũng không tìm được kiện hàng, bên trong có đồ tiếp liệu, thực phẩm, quần áo và máy truyền tin GRC-109.
Trong hai ngày, hai biệt kích quân cố tìm các bạn trong toán nhưng không gặp thêm người nào nữa. Không tìm được kiện hàng đồ tiếp liệu bị đói, hai người lính biệt kích tìm đường chạy sang Lào. Nhưng ngày hôm sau cả hai bị lính Bắc Việt truy lùng bao vây bắt sống.
Ba người khác trong toán biệt kích Red Dragon may mắn hơn chút đỉnh. Họ rơi xuống thung lũng, gom lại ngày hôm sau. Vị trí của họ gần kiện hàng, dò theo tín hiệu Beacon đi tìm mấy ngày cũng không thấy. Trong khi đó, quân đội Bắc Việt đã báo động mở cuộc truy lùng, tìm bắt toán biệt kích, và bắt được cả ba người. Vài ngày sau quân Bắc Việt bắt được hai biệt kích quân còn lại trong toán Red Dragon.
Lực lượng an ninh miền bắc, cô lập nhân viên truyền tin… sau đó, đài tiếp vận viễn thông Bugs của cơ quan CIA ở Philippines nhận được công điện của toán biệt kích Red Dragon. Đúng theo lệnh (lời dặn dò) toán biệt kích phải báo cáo trong vòng ba ngày, nhưng gần hai tuần lễ mới nhận được. Sĩ quan Hoa Kỳ không tin, nhưng Th/Tá Hãng (Mathieu) vẫn tin tưởng toán biệt kích. Ngày 17 tháng Mười, phản lực F-4C (Phantom) bay ngang không phận Hà Giang thả xuống mấy qủa bom Napalm giả chứa đồ tiếp liệu cho toán Red Dragon.
Không chỉ riêng đơn vị SOG nghi ngờ Red Dragon, quân biệt kích Taiwan đang huấn luyện trong căn cứ Long Thành cũng nghi ngờ. Trước khi toán biệt kích Taiwan lên đường, họ yêu cầu cho một toán biệt kích VNCH ra miền bắc để kiểm chứng, nếu toán biệt kích Red Dragon vẫn an toàn như họ báo cáo. Toán biệt kích mới Red Dragon Alpha chỉ có hai người, một người là Trịnh Quốc Anh không chịu nhẩy dù ra trong chuyến trước đó.
Toán biệt kích Red Dragon Alpha chỉ xâm nhập hai tuần để dò la tin tức về toán Red Dragon, sau đó sẽ được thâu hồi bằng dây câu Fulton. Phi cơ C-130 có rai râu trước mũi, bay ngang “gắp” hai người lính biệt kích lên, kỹ thuật “thâu hồi” này đã xuất hiện trong phim James Bond Thunderball (Điệp Vụ Hỏa Cầu 1965), tài tử Sean Connery, người đẹp Claudine Auger.
Hệ thống thâu hồi Fulton đã được xử dụng trước đó trong tháng Sáu năm 1967. Đầu tiên đem dụng cụ đến căn cứ huấn luyện Long Thành, sau khi thử nghiệm thành công, đơn vị SOG sẽ thả dù hai quân nhân biệt kích xuống khu vực hoạt động của toán biệt kích Remus (toán được cho là thành công nhất). Hai quân nhân biệt kích sẽ kiểm chứng các hoạt động của toán Remus là có thật và đem theo dụng cụ nghe lén, hướng dẫn toán Remus xử dụng. Khi xong việc (khoảng 30 ngày sau) hai quân nhân biệt kích sẽ được thâu hồi bằng kỹ thuật Fulton.
Ngày 22 tháng Tám, hai quân nhân biệt kích đem theo dụng cụ nghe lén điện thoại, nhẩy dù xuống khu vực toán Remus hoạt động. Remus báo cáo quân đội Bắc Việt tuần tiễu đã khám phá ra đồ nghề nghe lén điện thoại…
Mặc dầu thất bại trước đó, đơn vị SOG vẫn chuẩn bị cho toán Red Dragon Alpha. Để làm tăng sự tin tưởng nơi kỹ thuật của người Hoa Kỳ, Trung Tá Jonathan Carney sĩ quan tình báo trưởng ban Hành Quân Nhẩy Dù, Thiếu Tá Mũ Xanh LLĐB Roland Dutton sẽ ngồi cho C-130 “câu” lên bằng dây Fulton. Sau đó toán Red Dragon Alpha sẽ lên đường ra ngoài bắc tháng sau, tháng Giêng 1968.
Tuy nhiên, sĩ quan điều hành toán biệt kích Red Dragon, Đại Úy Fred Caristo vẫn tin tưởng toán Red Dragon làm việc tốt, nên đơn vị SOG ngừng việc đưa toán Red Dragon Alpha ra ngoài bắc. Chính quyền Taiwan ra lệnh triệu hồi toán biệt kích Taiwan (không tham dự nữa).
XIX. CÁC MỤC TIÊU NGẮN HẠN
Nguyễn Như Anh, một trong hai biệt kích toán Red Dragon Alpha nhớ nhà (gia đình). Một người theo đạo Công Giáo, anh ta đã phải (toán biệt kích) vào khu cấm Noel năm 1967 trong căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành. Sáu ngày sau, Anh vẫn còn trong căn cứ đón mừng năm mới 1968. Ngày đầu năm, thêm 33 khuôn mặt mới tuyển mộ được đưa vào căn cứ. Đến cuối tháng Ba, gần 80 quân biệt kích người Việt gốc Miên mới tuyển mộ dưới đồng bằng sông Cửu Long làm cho căn cứ huấn luyện trở nên chật chội.
Tất cả biệt kích mới tuyển mộ dành cho chương trình Strata (Dò Thám Đường Tìm Mục Tiêu Ngắn Hạn). Ngày 17 tháng Ba năm 1968, cơ quan MACV đưa ra một văn thư cho đơn vị SOG, tổ chức mười (10) toán biệt kích cho chương trình Strata. Người chỉ huy các toán biệt kích Strata là Thiếu Tá George “Speedy” Gaspard. Là một quân nhân TQLC trận Đệ Nhị Thế Chiến, Gaspard được đi học lớp sĩ quan Lục Quân, sau đó gia nhập Lực Lượng Đặc Biệt năm 1952. Đó là chuyến phục vụ tại Việt Nam lần thứ hai của Gaspard, trước đó năm 1963, ông ta làm việc cho CIA các trại LLĐB bán quân sự, biên phòng.
Khi Gaspad đến căn cứ Long Thành, chương trình Strata đã tạm ngừng trong 5 tháng. Chuyện tạm ngừng vì trận tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân cộng sản bắt đầu cuối tháng Giêng năm 1968. Đơn vị SOG tạm ngừng các hoạt động “hải ngoại” chuyển hướng về nội điạ.
Đến tháng Ba trận tấn công bất ngờ đã kiệt lực, chương trình Strata quay trở lại với nhiệm vụ chính, xâm nhập miền bắc Việt Nam. Tuy nhiên quân biệt kích mới tuyển mộ vẫn chưa hoàn tất việc huấn luyện, Thiếu Tá Gaspard phải xử dụng ba toán Strata nguyên thủy. Trước hết, ông ta di chuyển ba toán Strata đến căn cứ hành quân tiền phương dưới chân núi Khỉ (núi Sơn Trà). Khu này đã có căn cứ của Biệt Hải, đơn vị SOG xây căn cứ mới cho quân biệt kích (Strata).
Căn cứ dưới chân núi Sơn Trà là vị trí lý tưởng cho chương trình Strata trên hai phương diện: rộng rãi hơn căn cứ Long Thành, gần khu vực phi quân sự. Phiá bắc khu vực phi quân sự là tỉnh Quảng Bình thuộc miền bắc Việt Nam, cũng là mục tiêu chính của chương trình Strata. Các toán biệt kích Strata có thể liên lạc trực tiếp với căn cứ hành quân tiền phương (núi Sơn Trà) bằng máy truyền tin PRC-74, không cần phải qua trạm tiếp vận Buggs ở Philippines.
Trước khi “phóng” toán Strata đầu tiên, Gaspard xem xét lại kết qủa của hai toán trước Strata 111, 112. Toán Strata 112 nhẩy dù xuống mục tiêu đem lại hậu qủa tai hại, nên ông ta quyết định cho các toán biệt kích Strata xâm nhập bằng trực thăng CH-3 từ phi trường Nakhon Phanom bên Thái Lan. Chính quyền Thái Lan vẫn không đồng ý cho toán biệt kích VNCH ở trên đất Thái Lan lâu hơn 24 giờ đồng hồ, trường hợp thời tiết xâu, phải đưa toán biệt kích trở về miền nam Việt Nam.
Một bài học khác cần học hỏi, thay đổi. Toán biệt kích Strata trước đó có 10 người, làm cho vấn đề di chuyển chậm chạp. Toán Strata đi hành quân chỉ cần từ bốn đến tám người tùy theo nhiệm vụ và mục tiêu xâm nhập.
Các toán biệt kích Strata trước đó mang theo quá nhiều “đồ nghề” (Một biệt kích quân người Việt cân nặng 124 cân Anh, 50 kilo, phải mang gánh nặng 80 cân Anh là điều không thể tin được). Để giải quyết vấn đề này, đơn vị SOG loại bỏ những gì không cần thiết. Ông nhòm cực mạnh trên chân ba càng (nhiều toán biệt kích vất bỏ để chạy cho dễ khi bị địch truy kích). Thực phẩm, đạn dược chỉ đem theo tối thiểu, trường hợp không đủ, phi cơ từ Nakhon Phanom sẽ đem vào tiếp tế. Cuối cùng với toán biệt kích ít người, họ không cần đem theo máy phát sóng ngắn (Walkie Talkie) liên lạc nội bộ.
Trong tuần lễ thứ ba trong tháng Ba, Gaspard xem lại lần cuối kế hoạch hành quân xâm nhập đầu tiên trong năm 1968. Toán biệt kích Strata 111 sẽ xâm nhập vào hướng tây làng Mo, ngôi làng lớn trong quận Lê Ninh tỉnh Quảng Bình. Một con đường quan trọng, xử dụng nhiều, tên đường 196 chạy từ hướng tây nam làng Mo về hướng biên giới Lào, đổ vào đường mòn HCM. Có thêm bằng chứng, sông Giang gần đó cũng được Bắc Việt xử dụng đưa đồ tiếp liệu vào miền nam.
Chiều ngày 17 tháng Ba, Strata 111 được trực thăng CH-3 từ phi trờng Nakhon Phanom đưa vào miền bắc Việt Nam. Chuyến thả biệt kích êm xuôi, khi tiếng trực thăng bay đi (nghe nhỏ dần), toán Strata 111 di chuyễn ra khỏi bãi đáp, về hướng mục tiêu đường 196 để thám sát. Sáng sớm ngày hôm sau, toán biệt kích đụng phải hai tiểu đội dân quân tự vệ điạ phương. Hai bên bắn nhau 20 phút, chết 3 người dân quân tự vệ, toán biệt kích rút lui. Đêm hôm đó, toán Strata 111 báo cáo chuyện chạm súng lúc ban sáng về Đà Nẵng.
Ngày thứ ba xâm nhập 19 tháng Ba, toán biệt kích di chuyển thận trọng hơn. Ba lần họ khám phá dân quân tự vệ đang đi lùng tìm kiếm toán biệt kích. Tránh đụng độ, Strata 111 tìm cách di chuyển đến mục tiêu, gài mìn bẫy chống người không cho địch bám theo đuôi.
Sáng sớm ngày hôm sau, toán biệt kích cố liên lạc với phi cơ điều không tiền tuyến bay bao vùng (FAC). Theo sự sắp xếp, một phi cơ quan sát (thám thính) O-2 Không Lực Hoa Kỳ từ Nakhon Phanom biệt phái bay bao vùng cho chương trình Strata. Với một sĩ quan Strata ngồi trên ghế sau, chiếc O-2 bay ngang qua rặng Trường Sơn đến mục tiêu (Quảng Bình), dò tìm toán biệt kích trên tần số làm việc máy PRC-25. Tuy nhiên khu vực rừng núi rậm rạp, toán biệt kích không thể định hướng chính xác, báo cáo điểm đứng cho chiếc O-2. Phải hai ngày sau nữa, phi cơ O-2 mới bắt liên lạc được với Strata 111.
Lúc đó, toán biệt kích gần hết thời gian hoạt động, đã đến lúc đem toán Strata 111 về. Trong căn cứ không quân Nakhon Phanom, Thiếu Tá Kyron Hall phi đoàn 20 trực thăng (Poney Express) nhận được lệnh thâu hồi toán biệt kích. Khi ông ta bay gần đến điểm bốc toán biệt kích, không ngờ điạ thế rất khó khăn, toán biệt kích đang ở trên đỉnh một dốc đứng, không thể đáp xuống được, nên phi hành đoàn thả thang dây xuống cho toán biệt kích leo lên từng ngưòi một.
Tiếp theo Gaspard quyết định cho hai toán biệt kích chưa “thử thách” ra miền bắc. Toán đầu là Strata 113, phóng đi từ Nakhon Phanom ngày 31 tháng Ba, vào cùng khu vực toán Strata 111 trước đó. Quân biệt kích lục soát khu vực trong một tuần lễ không gặp trở ngại và được trực thăng vào triệt xuất.
Strata 114 ngoài nhiệm vụ dò thám đường, toán biệt kích đem theo truyền đơn phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc và gài mìn chống người M-14 dọc theo con đường. Ngày thứ hai trong chương trình hoạt động mười ngày, toán biệt kích đụng phải đơn vị tuần tiễu Bắc Việt, phải rút lui. Di chuyển dọc theo đường 196 về hướng nam, Strata 114 gọi máy báo cáo về Đà Nẵng buổi chiều ngày 11 tháng Tư. Cả ngày hôm sau toán biệt kích dò thám con đường, ngày hôm sau 12 tháng Tư, SOG ra lệnh cho toán biệt kích băng qua con đường chụp ảnh, gài mìn và rải truyền đơn phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc.
Toán biệt kích di chuyển thận trọng, để ý dấu hiệu có hoạt động của địch trong khu vực. Đến một ngã tư, có thể là một trạm kiểm soát của quân đội Bắc Việt, quân biệt kích rải truyền đơn, cắm cờ Gươm Thiêng Ái Quốc, gài mấy qủa mìn chống người, sau đó rút xa ra khỏi khu vực. Strata 114 vẫn còn hai ngày hoạt động (theo thời khóa biểu), nhưng quân biệt kích đã hết nước uống đem theo nên muốn được triệt xuất. Trong hành quân biệt kích xâm nhập, nước uống là vấn đề quan trọng nhất. Lúc đó đang vào “mùa khô” các hố nước, vũng nước đều cạn và khu vực cán chảo miền bắc Việt Nam (miền trung của miền bắc) nóng rất gắt. Toán biệt kích phải đợi đến ngày 15 tháng Tư mới được trực thăng vào triệt xuất. Đơn vị SOG phấn khởi, chương trình Strata, có thể thâu hồi toán biệt kích dễ dàng.
Để chuẩn bị cho các chuyến xâm nhập mới, chương trình Strata lập thêm bốn toán biệt kích nâng số toán biệt kích Strata lên 13. Khu vực hoạt động (mục tiêu) cho các toán biệt kích Strata có ba mục tiêu trong tỉnh Quảng Bình, trong đó hai mục tiêu xa hơn về hướng bắc, mục tiêu thứ tư mới thêm vào trong tháng Năm nơi phiá bắc khu vực phi quân sự tại Lạc Xá (điạ danh, người Mỹ gọi là Hồ Dơi ‘Bat Lake’). Hà Nội mở rộng đường xá (chuyển quân, đồ tiếp liệu vào miền nam) trong khu vực này.
Cho đến khi chuyến Strata mới đi hành quân trong tháng Năm, căn cứ SOG dưới chân núi Sơn Trà (Monkey mountain) rất đông đảo với các toán biệt kích mới thụ huấn xong khóa huấn luyện ở Long Thành. Toán mới đầu tiên “lên dàn phóng” là Strata 120 có sáu người, hai người mới tuyển mộ, hai người từ toán Red Dragon Alpha đưa qua, và hai biệt kích Nùng đã có kinh nghiệm chiến đấu từ thời CIA.
Toán Strata 120 đưọc đưa sang căn cứ không quân Nakhon Phanom, rồi lên trực thăng CH-3 đưa vào bãi đáp. Như các toán biệt kch 34A nằm vùng dài hạn trước đó, Strata 120 ăn mặc quân phục lính Bắc Việt, súng đạn sản xuất từ một quốc gia khác (K-9 Thụy Sĩ, AK-47 Trung Cộng…), tuy nhiên máy truyền tin liên lạc vẫn “Made in USA”.
Bay ngang qua rặng núi Trường Sơn ngăn cách Lào và Việt Nam, trực thăng CH-3 đưa Strata 120 vào bãi đáp gần làng Mõ. Vài tiếng đồng hồ sau, toán biệt kích theo dõi một toán tuần tiễu Bắc Việt đang trên đường mòn đi xuống một cánh rừng nhỏ. Lo sợ đã bị địch khám phá, toán biệt kích báo cáo về Đã Nẵng, yêu cầu triệt xuất. SOG trả lời “Không! Tiếp tục thi hành nhiệm vụ.”
Strata 120 di chuyển lên một vị trí cao gần làng Mõ để dễ dàng quan sát … rồi biến mất. Trong vòng chín ngày kế tiếp, đơn Gián Điệp & Biệt Kích Page 211
vị SOG cố gắng dò tìm tin tức toán biệt kích, cho phi cơ quan sát lên tìm kiếm, gửi điện văn bí mật trên tần số đài Gươm Thiêng Ái Quốc… Nhưng hoài công, ngày 26 tháng Năm, toán biệt kích Strata 120 được báo cáo chính thức mất tích.
Mặc dầu đơn vị SOG chưa hề tìm hiểu lý do tại sao toán biệt kích mất tích. Strata 120 gặp “định mệnh” dành cho họ ngày 18 tháng Năm, bốn ngày sau khi xâm nhập. Trong lúc tạm dừng chân nghỉ trưa, trưởng toán biệt kích Nguyễn Đình Lành đi xuống quan sát một giòng suối mà toán biệt kích sẽ băng qua. Ít phút sau, phần còn lại toán biệt kích nghe tiếng la hét “Đầu hàng! Đầu hàng!”. Tiếp theo là tiếng súng nổ dòn, Lành chết tại chỗ, trúng nhiều viên đạn AK-47.
Nghe tiếng súng, hai biệt kích Nùng đáp lại bằng hai tràng súng, ba người còn lại chạy nhanh vào một bụi cây. “Năm đó tôi mới hai mươi tuổi, quá sợ hãi.” Nguyễn Như Anh, một trong hai cựu toán viên Red Dragon Alpha kể lại “Tôi chưa từng ‘đánh giặc’ thật”
Sau đó cả năm người gom lại, mọi người đã vất bỏ ba lô, quân dụng chỉ còn giữ lại súng đạn, và vẫn phải tiếp tục chạy tránh sự truy kích của quân Bắc Việt. Toán biệt kích Strata (còn lại 5 người) leo lên một ngọn đồi trải dấu hiệu tỏa ánh sáng cho phi cơ (bạn) bay ngang trông thấy. Không có máy truyền tin, đó là cơ hội duy nhất cho toán biệt kích được cứu thoát.
Nằm chờ phi cơ đến cứu dưới sức nóng gay gắt, họ hết nước uống, hai biệt kích Nùng quyết định đi tìm giòng suối lấy nước, có Trịnh Quốc Anh đi theo (cựu toán Red Dragon, người không chịu nhẩy dù xuống tỉnh Hà Giang trước đó. Trịnh Quốc Anh chuyển qua Red Dragon Alpha nhưng cũng bị hủy bỏ. Có lẽ anh ta sẽ hối hận).
Hai biệt kích quân còn lại trên đồi, trong vòng một giờ đồng hồ sau, họ nghe tiếng súng nổ dưới thung lung. Theo phản ứng tự nhiên cả hai bỏ chạy theo hướng ngược chiều, bị phát giác và bị bắt ngày 24 tháng Năm. Trong tù, họ được biết, vì chuyện nước uống, Trịnh Quốc Anh bị biệt kích Nùng bắn chết. Tiếng súng nổ báo hiệu cho lính Bắc Việt và cả hai biệt kích Nùng bị bắt ngay sau đó.
Ngày 14 tháng Năm, ngày toán Strata 120 xâm nhập miền bắc Việt Nam, toán Strata 111 cũng lên đường. Tiếp tục làm nhiệm vụ bỏ dở trước đó hai tháng, toán biệt kích xâm nhập trở lại khu vực “cây đèn cầy” gần đường 196. Một lần nữa, Thiếu Tá Kyron Hall đưa họ đi.
Hai ngày đầu, toán Strata 111 báo cáo không chạm địch. Ngày 17 tháng Năm, họ nghe tiếng súng và tiếng chó sủa, phải nằm im chờ cho khu vực trở lại bình thường, sau đó ra khỏi “cây đèn cầy” di chuyển đến một vị trí trên đường 196 để dò thám. Tám ngày sau, toán Strata 111 được triệt xuất đưa về Đà Nẵng ngày 30 tháng Năm.
Ngày Strata 111 xâm nhập, một toán mới Strata 122 ra miền bắc. Toán biệt kích mới này có bốn quân nhân, ba người trong toán là anh em. Tất cả đều là biệt kích dài hạn chương trình 34A chuyển qua Strata. Toán Strata 122 làm đơn vị SOG thất vọng, ngay từ lúc mới xâm nhập… yêu cầu triệt xuất ngay trên đất Lào. Đơn vị SOG sa thải cả toán biệt kích, chỉ giữ lại ba anh em. Sau đó chấn chỉnh lại trong mùa xuân năm 1968, đổi thành toán biệt kích dài hạn Vang. Rồi sau đó, SOG đổi ý kiến bỏ toán Vang, đưa trở lại chương trình Strata.
Khi xâm nhập vào miền bắc, Strata 122 không có nhiều cơ hội chứng tỏ khả năng. Mới hai ngày xâm nhập, toán biệt kích báo cáo một người bị đau ốm. Một phi cơ quan sát bay bao vùng trông thấy toán biệt kích trên mặt đất, họ vẫn chưa di chuyển ra xa bãi đáp. Năm ngày sau toán Strata 122 mới được triệt xuất, khi về đến Đà Nẵng họ xin ra khỏi chương trình (đơn vị SOG).
Với những thất bại sơ khởi, đơn vị SOG vẫn tiếp tục “phóng” những toán Strata ra miền bắc Việt Nam. Trong cuối tháng Năm, toán Strata 113 xâm nhập trở lại lần thứ hai và được triệt xuất thành công. Ngày 6 tháng Sáu, Strata 114 xâm nhập lần thứ hai vào khu vực làng Mõ, lần này toán biệt kích dò thám một con đường nhỏ hẹp vòng hướng tây nam sang đất Lào. Quân biệt kích nhanh chóng biết rằng mình đang ở giữa một đoàn quân xa Bắc Việt đang trên đường di chuyển vào hệ thống đường mòn HCM. Không may, Không Lực Hoa Kỳ đã biết các hoạt động của quân đội Bắc Việt trong khu vực toán biệt kích trata 114 đang hoạt động. Ngày 10 tháng Sáu, toán biệt kích hốt hoảng báo cáo, phản lực Hoa Kỳ thả bom rất gần vị trí toán biệt kích khoảng 300 m. Đơn vị SOG đã “thiết lập” (xin) một khu vực “không thả bom” để toán biệt kích SOG hoạt động. Điều này làm cho phi công Hoa Kỳ ngạc nhiên, họ đang thả bom con đường tiếp vận ngay trên miền bắc Việt Nam…
Nhưng việc thả bom đường mòn HCM thiếu chính xác, toán Strata 114 báo cáo không một qủa bom nào rơi trên con đường. Trong vòng hai ngày kế tiếp, toán biệt kích chứng kiến đoàn xe tiếp vận quân đội Bắc Việt di chuyển ngang qua (vị trí quan sát của toán biệt kích). Sau đó, Strata 114 bò lại quan sát bãi đậu xe, chứa khoảng 60 xe vận tải Molotova dấu kín dưới tàng cây rậm rạp rừng nhiệt đới.
Sự may mắn không kéo dài lâu, trưởng toán biệt kích, toán phó cùng với nhân viên truyền tin không quay trở lại sau chuyến đi dò thám khu vực gần đó. Nghe tiếng súng, lựu đạn nổ phần còn lại bốn người trong toán biệt kích rút ra khỏi khu vực nguy hiểm. Họ được trực thăng vào triệt xuất ngày 18 tháng Sáu.
Toán mới Strata 115 xâm nhập ngày hôm sau. Strata 115 sẽ dò thám khu vực mục tiêu mới nơi phiá nam tỉnh Hà Tĩnh, khu vực xa nhất lên hướng bắc đối với các toán Strata trước đó. Toán biệt kích gồm bốn người Miên (Việt gốc Miên?) Việc xử dụng người Miên cũng là điều mới lạ trong đơn vị SOG, người Miên nếu bị bắt, đơn vị SOG không thể chối cãi được, thường họ được trao trách nhiệm (dễ dàng) rải truyền đơn cho phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc.
Trong vòng một tuần lễ, toán biệt kích người Miên di chuyển lên hướng bắc đến vị trí dò thám đường. Hết thực phẩm đem theo, họ yêu cầu được tiếp tế. Đơn vị SOG sắp xếp cho một phi cơ khu trục A-1 VNCH thả hai qủa bom Napalm giả chứa thực phẩm cho toán Strata 115. Toán biệt kích người Miên thâu hồi thực phẩm, tiếp tục nhiệm vụ. Ngày 27 tháng Bẩy, Strata 115 đụng nhằm toán tuần tiễu Bắc Việt, hai bên nổ súng, quân biệt kích trúng đạn chết một người, ba người còn lại chạy thoát. Hai ngày sau, trực thăng vào “bốc” ba biệt kích Strata 115 lên cứu thoát dưới hỏa lực của địch, trực thăng trúng nhiều đạn Ak-47.
Cùng thời gian đó, Strata 111 xâm nhập miền bắc lần thứ tư. Ngày 20 tháng Sáu, toán biệt kích xâm nhập vào khu vực hướng bắc vùng phi quân sự khoảng 16 cây số. Toán biệt kích luôn di chuyển trong suốt bốn ngày, không thấy dấu hiệu có sự hoạt động quân đội Bắc Việt. Đến ngày 24 tháng Sáu, toán biệt kích biết bị địch quân khám phá đang theo dõi, họ báo cáo về Đà Nẵng, gài mìn bẫy rồi rút lui. Ba ngày sau họ lại chạm địch, một biệt kích quân trúng đạn vào chân, toán biệt kích yêu cầu triệt xuất khẩn cấp.
Thiếu Tá Gaspard chỉ huy trưởng chương trình Strata đang ở Nakhon Phanom đúng lúc toán biệt kích Strata 111 cầu cứu. Không may phi đoàn 20 Trực Thăng (biệt phái cho SOG) đang bận hành quân, không có sẵn, Gaspard trông thấy mấy trực thăng CH-3 phi đoàn 21 và yêu cầu giúp đỡ nhưng bị từ chối. Phi đoàn 21 có nhiệm vụ thả máy dò điện tử dọc theo đường mòn HCM, hai phi đoàn rất cách biệt… theo lệnh cơ quan MACV.
Thiếu Tá Gaspard là người có tinh thần trách nhiệm, một toán biệt kích của ông ta có nguy cơ bị địch tiêu diệt. Gaspard gọi điện thoại về Saigon (MACV) yêu cầu được xử dụng trực thăng phi đoàn 21 và được chấp thuận xử dụng một lần (trường hợp khẩn cấp). Gaspard lên chiếc CH-3 dẫn đầu, theo sau là một chiếc CH-3 khác, cả hai bay đi cứu toán bệt kích Strata 111.
Khi đến mục tiêu, trên đầu toán biệt kích, bãi đáp hẹp, rừng rậm nên trực thăng thả dây câu xuống, đem lên trưởng toán biệt kích đã bị thương, chiếc thứ hai bay vào câu lên phần còn lại toán biệt kích. Đã cứu thoát toán biệt kích, vấn đề thứ hai, mặc dầu trực thăng chỉ cách căn cứ hành quân tiền phương đơn vị SOG ở Quảng Trị 19 cây số, nhưng trực thăng (phi cơ) Thái Lan không được xâm phạm chủ quyền miền nam Việt Nam, phải bay trở về Nakhon Phanom.
Khi đưa toán Strata 111 về căn cứ ngoài Đà Nẵng, sĩ quan an ninh (ban 2), ban hành quân (ban 3) điều tra lòi ra sự thật, toán biệt kích báo cáo không đúng, không bị cả tiểu đoàn quân Bắc Việt tấn công. Toán biệt kích Strata 111 bị sa thải (giải tán), mười một nhân viên phi hành đoàn CH-3 phi đoàn 21 được ân thưởng Phi Dũng Bội Tinh. Chương trình Strata tiếp tục phát triển trong mùa hè 1968, lúc đó có mật danh là 34B (34A nằm vùng dài hạn), nhiều toán biệt kích Strata mới được thành lập, tuyển mộ từ sĩ quan cấp bậc nhỏ (ch, th/úy) và hạ sĩ quan trong quân đội VNCH. Mặc dầu nhiều biệt kích quân được tuyển từ đời sống dân sự, nhưng với số quân nhân lấy từ quân đội, khả năng của các toán biệt kích Strata tăng lên.
Trong khi khả năng các toán biệt kích gia tăng, nhưng tin tức tình báo họ đem về vẫn không có gì mới mẻ. Trong sáu chuyến Strata xâm nhập từ cuối tháng Sáu cho đến hết tháng Bẩy, không có tin tức tình báo nào đem về có giá trị. Francoise (Th/Tá Tiên) chỉ huy trưởng Strata Việt Nam than phiền “vẫn cánh rừng đó… con suối đó…”
Đồng thời, quân đội Bắc Việt đã được báo động về sự hiện diện của các toán biệt kích Strata. Con số tổn thất cho các toán biệt kích tăng lên. Trong chuyến xâm nhập lần thứ hai, Strata 115 gồm người Việt gốc Miên, hoạt động trong khu vực được 18 ngày, sau đó bị địch tấn công. Toán biệt kích Strata 115 bỏ chạy bị phân tán, trực thăng vào cứu được ba người, người lính biệt kích thứ tư mất tích.
Chuyến xâm nhập cuối cùng trong tháng Bẩy do toán Strata 119 đảm trách. Toán Strata này rất đặc biệt, đơn vị SOG sắp xếp cho nhân viên VNCH sang thăm nước Lào, bí mật tuyển mộ người thiểu số Tầy, vừa mới bỏ vùng biên gới Lào-Việt chạy sang đất Lào lánh nạn. Kết qủa 13 người Tầy được tuyển mộ, đưa về Long Thành huấn luyện.
Nhóm quân biệt kích dân thiểu số Tầy được huấn luyện qua thời gian còn lại năm 1967, sau đó chia làm hai toán. Toán Qua không đạt kết qủa tốt trong việc huấn luyện nên được đưa trả về Lào. Toán Axe đạt kết qủa tốt, được đưa đi xâm nhập nằm vùng dài hạn trong khu vực đông dân thiểu số Tầy hướng tây bắc miền bắc Việt Nam.
Trưởng toán Axe là Lò Văn Thông, đã có kinh nghiệm chiến đấu. Sinh quán trong tỉnh Lai Châu, gia nhập liên đoàn cảm Tử Lưu Động GCMA của Pháp, chiến đấu chống cộng sản trên những ngọn đồi quê hương của ông ta. Sau mấy tháng huấn luyện cam go, toán Axe còn lại năm biệt kích quân. Một người trong nhóm là con trai trưởng toán biệt kích Thông tên là Lò Văn On. Trong tháng Tư năm 1968, toán biệt kích Axe được cho biết, kế hoạch nằm vùng dài hạn của họ bị hủy bỏ và toán biệt kích của họ (Axe) được chuyển qua chương trình Strata (34B). Qua Strata, toán Axe được tăng cường hai nhân viên truyền tin người Việt, đổi tên Strata 119.
Ngày 29 tháng Bẩy, Strata 119 được trực thăng đưa vào xâm nhập nơi phiá nam làng Mõ. Toán biệt kích di chuyển trong khu vực cả tuần lễ không thấy dấu vết hoạt động của địch. Sau đó đi đâu họ cũng nhận thấy có sự hiện diện của quân đội Bắc Việt. Ngày 10 tháng Tám, còn hai ngày được triệt xuất, toán biệt kích trông thấy một đơn vị địch đang càn quét trong khu vực. Strata 119 nằm im đợi cho toán quân Bắc Việt đi qua, gọi phi cơ quan sát O-2 (FAC) đang bao vùng. Phi cơ FAC hỏi điểm đứng (vị trí) của toán biệt kích.
Xem lại tấm bản đồ, Strata 119 mới chới với, cánh rừng rậm làm cho họ không định hướng được vị trí. Cùng với một biệt kích, hai người leo lên một ngọn cây cao quan sát, rồi thì tiếng súng nổ vang dội ở dưới… Hai người trốn trên cây cả tiếng đồng hồ sau leo xống, di chuyển về hướng tây sang Lào. Họ bị bắt trên đường đi.
XX. ĐOẠN KẾT CỦA MỘT VỞ KỊCH
So sánh chương trình thả điệp viên, biệt kích nằm vùng dài hạn (34A), chương trình Strata (34B) được xem như thành công. Đến cuối năm 1967, chính quyền Hà Nội tuần tự thông báo cho quần chúng biết việc bắt giữ các toán biệt kích SOG nằm vùng dài hạn còn lại. Trong tháng Ba năm 1968, Đại Tá Singlaub chỉ huy trưởng đơn vị SOG ra lệnh thẩm định, xét lại chương trình 34A để xem “còn lại những gì?” Ông ta ra lệnh cho sĩ quan SOG lập bảng lịch sử của từng toán biệt kích 34A, theo sau là phần xét lại vấn đề an ninh của toán biệt kích.
Khi sĩ quan SOG nghiên cứu về các toán biệt kích dài hạn (34A), ông ta khám phá ra một bí mật phũ phàng. Toán biệt kích “thành công nhất” của đơn vị SOG Remus nằm trong tay địch quân. Trên thực tế, Hà Nội đã bắt được toán Remus khoảng hai tháng sau khi Remus nhẩy dù xuống miền bắc, tháng Tư năm 1962. Chuyện đánh lừa (SOG) không khó thực hiện vì cả ba người, hai nhân viên truyền tin và trưởng toán biệt kích Remus bị ép buộc làm việc trong thời gian bị giam cầm.
Chính quyền Hà Nội cũng chịu tổn thất để giữ toán Remus không bị đơn vị SOG nghi ngờ. Thí dụ, trong mùa thu năm 1963, Remus được lệnh gài mìn một con đường đi đến Điện Biên Phủ, và miền bắc phải cho mìn nổ gây nạn xe cộ bị kẹt trên con đường một thời gian. Trong tháng Tám năm 1964, đơn vị SOG ra lệnh cho Remus gài mìn phá một chiếc cầu, Bắc Việt phải làm cho chân chiếc cầu có vết nứt lớn, hy vọng phi cơ thám thính Hoa Kỳ chụp ảnh được (người Hoa Kỳ thực sự cho phi cơ thám thính chụp ảnh gửi về cho đơn vị SOG.).
Chương trình “hai mang” của toán biệt kích Remus gia tăng cường độ trong năm 1965. Tháng Giêng, Remus được thả dù xuống tăng cường bốn chuyên viên phá hoại, đem theo hỏa tiễn 4.5 inches để bắn phá phi trường Điện Biên Phủ. Toán biệt kích bốn người nhẩy dù xuống đất bị bắt ngay tức khắc, lính Bắc Việt đem mấy qủa hỏa tiễn lên trên một ngọn đồi nhìn xuống thung lũng Điện Biên Phủ nhưng bắn vào một nông trại nuôi gia súc gần đó. Sau đó họ rải xác, bộ phận phi cơ rải rác trên phi đạo cho phi cơ do thám Hoa Kỳ chụp ảnh.
Cho đến giữa năm 1965, đơn vị SOG ra lệnh cho Remus chuẩn bị cho năm biệt kích quân nguyên thủy sửa soạn để triệt xuất qua trung gian nước Lào. Cũng như trường hợp toán Tourbillon trước đó, toán Remus báo cáo một loạt những chuyện rủi ro gây khó khăn cho việc triệt xuất. Họ báo cáo một người bị bệnh và thêm một người nữa phải ở lại để lo cho anh bạn cùng toán biệt kích của mình…. Hai tháng sau họ không lên máy liên lạc về Saigon nữa!
Câu hỏi về toán biệt kích Remus càng to lớn hơn nữa, cuối tháng đó đơn vị SOG báo cho Remus biết sẽ thả dù tiếp tế cho Remus. Marc (Th/Úy Lò Ngân Dung?) viên sĩ quan VNCH vừa được trao nhiệm vụ điều hành Remus đi Nha Trang đóng kiện hàng đồ tiếp tế cho toán biệt kích. Sáng hôm sau, Marc trở lại phi trường hỏi một nhân viên đã đi theo phi cơ C-123 thả dù kiện hàng. “Tôi hỏi anh ta việc thả dù như thế nào? Anh ta trả lời rằng rất ngạc nhiên. Bình thường, phi hành đoàn rất khó nhìn thấy dấu hiệu trên mặt đất vì các toán biệt kích ít người. Nhưng lần này, dấu hiệu rất to lớn và rất rõ gần như đèn điện. Anh ta nói thêm, toán biệt kích Remus rất xem thường vấn đề an ninh bị địch phát hiện.”
Tin tức tình báo tiếp tục nhận được, đơn vị SOG phải coi lại “vấn đề” Remus. Trong tháng Mười Một, Remus báo cáo đã phục kích mấy xe quân sự gần biên giới, đồng thời gửi tin tức gía trị các hoạt động công binh Bắc Việt làm đường sang đất Lào, báo cáo kết qủa phi cơ Hoa Kỳ oanh kích phi trường Điện Biên Phủ.
Đến năm 1967, đơn vị SOG xếp hạng toán biệt kích Remus là toán đạt nhiều thành tích nhất. Mùa hè năm đó, Remus báo cáo khám phá đường dây điện thoại đi vào thung lũng Điện Biên Phủ. Đơn vị SOG chọn hai nhân viên truyền tin trong số biệt kích quân đang được huấn luyện ở Long Thành, huấn luyện thêm về xử dụng máy nghe lén điện thoại. Trước khi đưa hai nhân viên truyền tin đi làm nhiệm vụ “Kinh Kha”, họ được huấn luyện thêm hai điều. Thứ nhất, nhớ vụ nhân viên truyền tin toán Tourbillon gửi tín hiệu “lo lắng” về cho đơn vị SOG, do đó hai nhân viên truyền tin được “dặn dò” kỹ hơn về chuyện này. Thứ hai, cả hai được huấn luyện xử dụng kỹ thuật triệt xuất “cấp cứu” Fulton (phi cơ C-130 dùng 2 râu câu toán biệt kích lên). Theo kế hoạch, sau khi hết dụng cụ nghe lén điện thoại (dự trù trong vòng 30 ngày), họ sẽ được triệt xuất bằng dây Fulton. Kỹ thuật triệt xuất Fulton së cho đơn vị SOG biết tình trạng Remus.
Ngày 22 tháng Tám, hai biệt kích Đỗ Văn Tâm và Trương Tuấn Hoàng (nhân viên truyền tin) lên phi cơ MC-130 cùng với dụng cụ đặt máy nghe lén. Khi chiếc phi cơ đến gần bãi thả dù, viên phi công nhìn thấy dấu hiệu đã sắp xếp đúng như kế hoạch trên mặt đất. Ba kiện hàng tiếp vận đẩy ra cửa sau và hai người lính biệt kích nhẩy dù ra.
Họ sẽ (hai người lính biệt kích) biết sự thật sớm khi đáp xuống bãi thả dù. Khi họ đang gấp dù, toán Remus từ trong rặng cây bước lại chỗ hai người lính biệt kích. “Chúng tôi có mật danh (để nhận diện)” Đỗ Văn Tâm kể lại “Họ sẽ nói 1 con số (từ 0 đến 9) và chúng tôi sẽ trả lời một con số khác để có tổng số là 10”. Một người trong bóng tối nói “bẩy”, Tâm trả lời “ba”. Rồi thì mọi người đều mỉm cười, bắt tay nhau. Nhưng, chỉ vài giây phút sau nụ cười thay bằng mũi súng và hai ngời lính biệt kích mới nhẩy dù xuống trở thành tù binh. “Tôi đã được huấn luyện hai năm trời ròng rã, và chuyến xâm nhập của tôi chỉ kéo dài 20 giây.”
Có lẽ, lo ngại hai nhân viên truyền tin vừa nhẩy dù xuống sẽ báo động cho đơn vị SOG, Hà Nội dàn dựng vở kịch mới lạ. Đầu tiên, thông báo cho Saigon biết, kiện hàng chứa dụng cụ cấp cứu (triệt xuất) Fulton đã bị một toán tuần tiễu Bắc Việt khám phá (hai người lính biệt kích mới nhẩy dù xuống… hết về). Tiếp theo, trước khi một trong hai người lính biệt kích có thể gửi tín hiệu “lo lắng” về cho đơn vị SOG, họ thông báo cho Saigon biết Trương Tuấn Hoàng đã chết vì tai nạn lúc nhẩy dù xuống (bị cây rừng đâm vào người?), Đỗ Văn Tâm chết vì bị rắn độc cắn.
Đơn vị SOG nghi ngờ, sao lại có một chuỗi chuyện khác thường xẩy ra, ra lệnh ban An Ninh Nội Bộ điều tra, xem lại các toán biệt kích, có xẩy ra chuyện tương tự như kể trên. Kết qủa cuộc điều tra không chắc chắn (không rõ), nên SOG tiếp tục đặt sự tin tưởng nơi Remus…
Trận Mậu Thân xẩy ra, quân cộng sản tổng tấn công trên khắp miền nam Việt Nam, kéo dài liên tục hơn tháng trời. Quân đội VNCH bắt sống được nhiều tù binh Việt Cộng lẫn Bắc Việt. Một trong những cuộc thẩm vấn tù binh trong tháng Tư làm cho đơn vị SOG nhận cú “sửng sốt” lớn. Một Thiếu Úy quân đội Bắc Việt tên là Võ Công bị bắt gần Huế khai rằng, được biết có một toán biệt kích bị bắt trong khu vực Điện Biên Phủ năm 1962.
Để biết chi tiết rõ hơn, sĩ quan điều hành toán Remus, Marc đích thân vào trại tù binh thẩm vấn viên sĩ quan Bắc Việt. Những gì ông ta được biết thật “không ngờ!”. Nếu viên sĩ quan Bắc Việt khai đúng sự thật, toán Remus phạm nhiều lỗi lầm nhỏ. Trong mùa hè 1962, mấy trẻ em tìm thấy bếp lò “dã chiến” (Remus không phá, bỏ lại), và lon đồ hộp không chôn dấu sau khi ăn, trong một cánh rừng gần Điện Biên Phủ. Khi quân biên phòng miền bắc đến bao vây, đúng lúc toán biệt kích Remus đang chuẩn bị nhận kiện hàng thả dù tái tiếp tế đầu tiên. Trông thấy dấu hiệu bãi thả dù, nghe tiếng động cơ máy bay, đơn vị biên phòng gọi về đồn biên phòng xin tăng cường, bắt sống cả toán biệt kích Remus. Tháng sau Remus báo cáo về đơn vị SOG.
Marc tin rằng lời khai của viên sĩ quan Bắc Việt đúng sự thật. Vị trí của toán biệt kích Remus và thời gian hoạt động trong khu vực (Điện Biên Phủ) đúng như trong hồ sơ của toán. Ngay cả thời gian lần đầu tiên Remus lên máy báo cáo đều ăn khớp. Để xác định sự lo âu của mình, Marc quay trở lại trại tù binh với mấy tấm ảnh của toán biệt kích. Không ngần ngại, viên sĩ quan Bắc Việt chỉ đúng người nhân viên truyền tin của toán biệt kích.
Vừa tức giận vừa mất mặt, Marc báo cáo những gì mình biết về căn cứ huấn luyện biệt kích ở Long Thành. Trong buổi họp có năm sĩ quan SOG, một người đại diện cơ quan CIA, Đại Tá Trần Văn Hổ, giám đốc Nha Kỹ Thuật (đối tác VNCH của đơn vị SOG), và Thiếu Tá Hà Ngọc Oanh, người điều hành toán người nhái Vulcan năm 1962, lúc đó nắm quyền điều hành chương trình nằm
vùng dài hạn (34A). tất cả đều sửng sốt vì bị ngành phản gián miền bắc xử dụng toán biệt kích Remus đóng vai trò “hai mang” Để trả thù, họ thảo kế hoạch tái tiếp tế cho toán biệt kích, những ai chờ chuyến tiếp tế, sẽ bị không quân Hoa Kỳ oanh kích.
Vụ oanh kích trả đũa dự trù vào ngày 15 tháng Năm, nhưng trước đó hai ngày, đài phát thanh Hà Nội loan tin bắt được toán biệt kích Remus. Chuyện mới nhất này chứng tỏ, miền bắc lúc nào cũng đi trước đơn vị SOG một bước.
Chuyện này liên quan đến vấn đề an ninh trong đơn vị (hoạt động). Để cân bằng phần phê phán, lỗi không phải do một mình đơn vị SOG. Từ nhiều năm trước, cơ quan CIA vẫn xử dụng mấy căn nhà an toàn chứa các toán biệt kích để huấn luyện và nhân viên CIA, sĩ quan SOG cũng như VNCH không sống trong các căn nhà đó, do đó không kiểm soát quân biệt kích buổi tối… họ có thể ra ngoài la cà những nơi ăn nhậu…
Khi đơn vị SOG nhận bàn giao từ cơ quan CIA, vấn đề an ninh nội bộ trở nên bết hơn. Trong căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành, biệt kích quân trong các toán nằm vùng dài hạn (34A), xen lẫn với nhau, sau đó đến cuối năm 1965, họ liên lạc, kết bạn với quân biệt kích chương trình (hành quân) Shining Brass (xâm nhập sang Lào). Sau này sĩ quan SOG được biết, sĩ quan VNCH cho quân biệt kích nghỉ phép cuối tuần về Saigon. Và tại Nha Trang, nơi đóng kiện hàng tái tiếp tế cho các toán biệt kích không được canh gác cẩn thận. Tên các toán biệt kích cùng với tin tức về họ để trong tủ với tên của từng toán biệt kích phơi bầy ra rõ ràng.
Tuy nhiên, cấn đề an ninh vẫn không phải là nguyên nhân chính cho sự thất bại chương trình 34A. Vấn đề ngay từ toán biệt kích đầu tiên thời CIA, Castor bị bắt nhanh chóng rồi bị ép buộc
đóng vai trò “hai mang”, mở rộng cánh cửa sổ cho Hà Nội thấy được chương trình thả dù biệt kích nằm vùng dài hạn (34A) ngay từ lúc sơ khai. Thứ hai, được Trung Cộng cố vấn kinh nghiệm đối đầu với quân biệt kích, điệp viên xâm nhập vào Hoa Lục từ đầu thập niên 1950, do đó Hà Nội đối phó với các toán biệt kích rất hiệu qủa. Thứ ba, phương pháp thả dù quân biệt kích thiếu chính xác và có thể tiên đoán trước. Không cần phải có nhiều tin tức tình báo, nghe tếng động cơ máy bay và những cánh dù từ từ rơi xuống là đủ. Thứ tư, những toán biệt kích thoát được lúc nhẩy dù xuống, cũng không tồn tại lâu vì hệ thống an ninh miền bắc rất chặt chẽ. Thứ năm, đến cuối năm 1965, Bắc Việt đã có máy định hướng (bay của phi cơ) giúp họ tìm ra bãi thả dù quân biệt kích dễ dàng, nhanh chóng. Với năm yếu tố bất lợi kể trên, các toán biệt kích nhẩy dù xuống miền bắc Việt Nam không có nhiều cơ hội… Ban điều tra an ninh nội bộ trình lên Đại Tá Singlaub tháng Tư năm 1968, kết luận chương trình 34A hoàn toàn thất bại. Ngoại trừ toán Easy hoạt động trong tỉnh Sơn La, tất cả các toán biệt kích khác đều nằm trong tay địch quân.
Nhìn lại vấn đề, kết luận của ban điều tra an ninh nội bộ đơn vị SOG cũng không lấy làm ngạc nhiên. Ngoài toán biệt kích Easy, đơn vị SOG chỉ có năm toán biệt kích và một điệp viên đơn phương liên lạc vô tuyến. Ba trong số năm toán biệt kích đã được biết làm việc “hai mang” leo lệnh phản gián Bắc Việt: Hadley, Romeo, và Tourbillon. Không được tin tưởng, toán Eagle vẫn tiếp tục nói mình chưa bị lộ, mặc dầu hoạt động trong tỉnh sầm uất, đông dân cư hơn bốn năm. Toán Red Dragon có lẽ cũng đã năm trong tay địch quân mặc dầu báo cáo di chuyển khắp nơi trong tỉnh, sau khi xâm nhập.
Cuối cùng chỉ còn lại điệp viên đơn phương Ares… hoạt động lâu dài nhất. Ares đã bị bắt trong vòng một tháng kể từ lúc xâm nhập trong tháng Tư năm 1961. Nhìn lại câu chuyện Ares, có nhiều lý do để nghi ngờ anh ta “xấu” (bị bắt, làm việc “hai mang”). Một tầu ngụy trang đánh cá (Nautilus) bị mất tích khi chở đồ tái tiếp tế cho Ares trong tháng Giêng năm 1962. Nhóm đem hàng lên một đảo dấu đồ tiếp tế cho Ares cũng mất tích trong tháng Tám năm 1963. SOG coi hai chuyện “mất tích” như rủi ro, không nghi ngờ, nhưng những tin tức Ares gửi về rất ít. “Anh ta thường nói về thời tiết…” Marc, sĩ quan nắm đường dây Ares năm 1966 kể lại. Trong một trưòng hợp, Ares nói về trận thả bom miền bắc, trúng trường học, bệnh viện, nghe như tuyên truyền cho cộng sản.
Đầu năm 1967, Saigon biểu lộ sự mất tin tưởng đối với Ares. Và cũng như những lần khác, Ares luôn có lý do, anh ta than phiền máy truyền tin RS-1 đã cũ, mỗi lần xử dụng phải nhờ người em trai quay tay phát điện. Để sửa chữa khuyết điểm này, Marc sắp xếp nhờ Không Quân Hoa Kỳ cho một phản lực F-4C Phantom thả bom Napalm giả tiếp tế cho Ares. Chuyện này dễ, lúc đó không quân Hoa Kỳ đang thả bom, đánh phá hải cảng Hải Phòng, không ai nghi ngờ một chiếc Phantom bí mật thả dù bom Napalm giả chứa đồ tiếp tế cho điệp viên Ares.
Xế chiều ngày 1 tháng Năm, trận không tập và tái tiếp tế đúng như dự định, bay ngang qua không phận tỉnh Quảng Ninh, viên phi công lái F-4C nhìn thấy dấu hiệu trên mặt đất, bấm nút thả qủa bom Napalm giả xuống. Sau đó, Ares báo cáo đã thâu hồi được “qủa bom” (Napalm), bên trong có 10 chiếc nhẫn vàng để Ares “chi tiêu”, và một máy truyền tin Delco 5300 cùng với bình accuy để không phải nhờ người em quay máy (phát điện) nữa.
Trong qủa bom giả còn có ba lá thư, người điệp viên phải gửi đi (điạ chỉ) bên Thái Lan. Đơn vị SOG đã nghi ngờ Ares từ lâu nhưng chưa có phương tiện để kiểm chứng (hành vi đương sự). SOG nhờ cơ quan CIA, rồi được ý kiến ra lệnh cho Ares gửi ba bức thư đó sang Thái Lan (nhân viên CIA ở Thái Lan sẽ thâu hồi nhũng bức thư đó). Tất cả những bức thư đó phải có dấu đóng mộc từ Hà Nội và một trong những bức thư đó được viết bằng loại mực “vô hình”
Ba tuần lễ sau, hai trong số ba bức thư (CIA) đến Bangkok. Lá thư thứ ba viết bằng mực “vô hình” không đến. Khi bị chất vấn về lá thư đó, Ares trả lời, trên đường ra bưu điện, phi cơ Hoa Kỳ oanh kích, anh ta phải nhẩy xuống hố tránh bom làm cho lá thư bị lem luốc, không gửi đi được. Đơn vị SOG “nuốt” không trôi câu trả lời của điệp viên Ares.
Trong tháng Mười Hai, Ares được lệnh chuẩn bị bãi thả dù “tốc độ nhanh” (phản lực thả bom Napalm giả). Nhưng Ares không đồng ý, yêu cầu SOG dùng phương tiện khác. Rõ ràng lực lượng an ninh miền bắc muốn biết thêm khả năng của người Hoa Kỳ, đơn vị SOG đang đối đầu với Bắc Việt qua trung gian điệp viên “hai mang” Ares. SOG hủy bỏ chuyến tái tiếp tế.
Đến tháng Tư năm 1968, đơn vị SOG được lệnh Đại Tá Singlaub xem xét vấn đề an ninh đối với các toán biệt kích, điệp viên chương trình 34A. Sau đó, SOG cho rằng hầu hết các toán biệt kích đều “sứt mẻ” (không hoạt động tốt, nằm trong tay địch quân). Kết qủa làm mất mặt sĩ quan, cấp chỉ huy đơn vị SOG. Để chắc chắn hơn, Singlaub nhờ ban tình báo cơ quan CIA và MACV điều tra, nghiên cứu chương trình 34A của đơn vị SOG. Kết qủa họ đưa ra trong tháng Sáu còn “bi đát” hơn. Tất cả các toán biệt kích, kể cả toán Easy có lẽ “xấu”.
Việc nghi ngờ toán biệt kích Easy (xấu, làm việc “hai mang” cho địch) được kiểm chứng. Xâm nhập trong tháng Tám năm 1963, toán biệt kích nhanh chóng thiết lập sự liên lạc với Saigon. Một điều Saigon không biết, hai biệt kích nhẩy dù xuống tăng cường cho toán Remus đi cùng chuyến bay bị bắt ở Lai Châu. Sau khi bị bắt họ khai, đi cùng chuyến bay có một toán biệt kích khác nhẩy dù xuống Sơn La. Ba tuần lễ sau, toán biệt kích Easy bẩy người bị bắt, sáu ngày sau người cuối cùng bị bắn chết.
Xử dụng nhân viên truyền tin của toán biệt kích Easy, an ninh miền bắc tiếp tục liên lạc với Saigon mà không bị nghi ngờ. Được cơ quan CIA bàn giao, đơn vị SOG tiếp tục liên lạc với toán biệt kích Easy. Trong tháng Bẩy năm 1964, đơn vị SOG cho năm biệt kích quân nhẩy dù xuống tăng cường cho Easy. Toán biệt kích tiếp tục liên lạc vô tuyến với Saigon trong năm kế tiếp, và được tăng cường thêm quân biệt kích nhẩy dù xuống ba lần. Tổng cộng 35 biệt kích quân được gửi ra tăng cường cho toán Easy, toán biệt kích đông người nhất trong chương trình 34A.
Cuối cùng, người Hoa Kỳ tập trung nghi ngờ toán biệt kích Easy. Đơn vị SOG được (Bắc Việt) mong đợi tin rằng toán biệt kích Easy quân số hơn một trung đội đang ẩn náu trong vùng rừng núi tỉnh Sơn La, và còn phát triển hệ thống kháng chiến, chính quyền Hà Nội không biết. Trong tháng Giêng năm 1964, Easy báo cáo đã bắt liên lạc với họ hàng của mấy quân nhân biệt kích sắc tộc Hmong (Mèo). Sau đó trong tháng Sáu Easy báo cáo đã tuyẻn mộ vài người (Hmong) và trang bị súng đạn cho họ. Với “khả năng” xuất chúng như thế không sợ bị địch phát giác, đúng ra đơn vị SOG nên nghi ngờ toán biệt kích Easy từ lâu.
Để xác nhận sự nghi ngờ (Easy), trong tháng Ba năm 1968, đơn vị SOG ra lệnh cho Easy chuẩn bị bốn biệt kích quân để triệt xuất. Biết rằng trò chơi đã đến lúc kết thúc, toán biệt kích không liên lạc nữa. Ngày 7 tháng Tám, Hà Nội hạ bức màn che mặt những người tù binh cuối cùng (Easy) và chương trình 34A của đơn vị SOG kết thúc có hiệu lực từ đó. Clark M. Clifford, bộ trưởng Quốc Phòng mới của Tổng Thống Johnson hỏi các vị Tham Mưu Trưởng “Mình có thể làm được gì, trường hợp việc đàm phán với Hà Nội ở Paris không đem lại kết qủa hòa bình mong muốn”. Ngày 4 tháng Sáu Tướng Earle Wheeler, Tổng Tham Mưu Trưởng trả lời với đề nghị, nếu việc thương thuyết ở Paris đổ vỡ, quân đội có thể trả đũa bằng cách mở lại chương trình 34A (đánh phá miền bắc)…
XXI. QUÂN DU KÍCH TRONG NỘI BỘ
Đơn vị SOG học hỏi thất bại từ chương trình 34A. Trong mùa thu năm 1967, SOG thảo kế hoạch cho 18 toán biệt kích xâm nhập trong năm sắp đến. Nhưng chỉ khác một điều, 18 toán biệt kích mới là những toán biệt kích “ma” (Phantom, không có thật). Đó là đòn “chiến tranh cân não” đơn vị SOG hy vọng sẽ làm cho Hà Nội điên đầu, sao vẫn còn những toán biệt kích tung hoành trên đất bắc chưa bị bắt giữ!
Vấn đề chiến tranh tâm lý đối với miền bắc Việt Nam có từ đầu năm 1961, với truyền đơn và những kế hoạch đài phát thanh “xám” (gray) chống đối chế độ miền bắc. Những đài phát thanh này cùng những tin tức (thực / giả) gây hoang mang người nghe về chế độ cộng sản. Hai năm sau, Hebert Weisshart cùng với các chuyên gia xây dựng phong trào kháng chiến Gươm Thiêng Ái Quốc (GTAQ). Cùng năm đó, cơ quan CIA thả dù những thùng hàng đồ tiếp liệu giả trên những khu vực rừng núi, hẻo lánh miền bắc Việt Nam, làm cho chính quyền Hà Nội nghĩ rằng đồ tiếp tế cho quân biệt kích. Trong khi toán biệt kích thật sẽ nhẩy dù xuống một khu vực khác. Tất cả mười chuyến thả dù giả xuống miền bắc kéo dài đến tháng Mười Hai năm 1963, chuyến cuối cùng thả gói chứa pháo nổ giả như có trận trạm súng trên mặt đất.
Một chương trình khác được thực hiện năm 1963 là chiến dịch “lá thư đen”. Hàng chục lá thư đen gửi đến miền bắc Việt Nam từ một quốc gia đệ tam, đa số từ Hong Kong. Có thư gây rắc rối, thư khác tuyên truyền chống chế độ, trong khi những thư khác gửi cho giới chức có thẩm quyền trong chế độ Hà Nội, tố cáo (tham nhũng, lợi dụng quyền hành làm chuyện xấu xa…) và hy vọng sẽ bị nhân viên an ninh miền bắc kiểm duyệt. Có thư gửi cho một nhóm viên chức có cảm tình với miền nam Việt Nam…
Sau khi đơn vị SOG được thành lập (để cơ quan CIA bàn giao các hoạt động đánh phá miền bắc Việt Nam) trong tháng Giêng năm 1964, Ngũ Giác Đài (bộ Quốc Phòng / bộ TTM quân đội HK) dự trù phải gánh vác trách nhiệm Chiến Tranh Tâm Lý. Tuy nhiên, mặc dầu đơn vị SOG có một vị Thiếu Tá chỉ huy, điều hành chương trình Tâm Lý Chiến, nhưng “sở trường chuyên môn” vẫn trong tay cơ quan CIA (nghề của chàng…). Do đó, Weisshart (CIA) được được phong chức phụ tá đặc biệt và điều hành “viên đạn tâm lý” bắn ra miền bắc Việt Nam.
Tiếp tục như trước (thời CIA), các phi vụ thả truyền đơn gần Hà Nội do phi cơ C-123 đơn vị SOG đảm trách trong đêm 18 và 31 tháng Năm, trùng hợp với ngày sinh nhật của HCM và Phật Đản. Các phi vụ thả dù giả (đồ tiếp liệu) bắt đầu trở lại ngày 27 tháng Sáu khi một toán biệt kích giả (ma – không có thật) nhận đồ tiếp tế, cùng lúc toán biệt kích Eagle xâm nhập ở một nơi khác. Chiến dịch “lá thư đen” gia tăng với khoảng 100 lá thư mỗi tuần, gửi qua ngã Hong Kong cho đến tháng Mười Một. Các chương trình phát thanh “đen” (black) chống đối chế độ miền bắc cũng trên đà gia tăng, lên đến 10 giờ mỗi tuần. Trong khi đó, đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do (Voice Of Freedom –VOF), một đài phát thanh “xám” do đơn vị SOG điều hành có thê phát thanh 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Trong hai năm kế tiếp, ban Chiến Tranh Tâm Lý đơn vị SOG với sự trợ giúp từ cơ quan CIA, tiếp tục phát triển, mở rộng tầm hoạt động. Chiến dịch “lá thư đen” tiếp tục qua năm 1966, nhấn mạnh việc xử dụng số tù binh quân đội Bắc Việt bị bắt càng ngày càng gia tang. Một chương trình có tên là Candy (viên kẹo) xử dụng tù binh Bắc Việt “biết điều” viết thư về thăm nhà (gia đình), ca tụng nếp sống phồn thịnh trong miền nam Việt Nam. Những chưong trình khác nhấn mạnh việc tự hủy hoại chế độ Hà Nội vì cuộc chiến tranh do chính họ gây ra. Chương trình Mars là một loạt những bức thư gửi về cho thân quyến người lính Bắc Việt chết trận, chết như thế nào, vì sao! Những thư khác kể lại những gian khổ người lính Bắc Việt phải chịu đựng trong miền nam, và sự gia tăng tổn thất trên chiến trường miền nam. Đến cuối năm 1966, chương trình Mars gửi ra ngoài bắc khoảng 5 bức thư mỗi tuần.
Các chương trình phát thanh (xám, đen) cũng gia tăng. Đài Tiếng Nói Tự Do cho thêm vào chương trình phát thanh bằng tiếng Quảng Đông trong năm 1966. Chuyện này được sự trợ giúp của ngành Tâm lý Chiến Taiwan. Cũng năm đó (1966), đài Tiếng Nói Tự Do cho thêm vào chương trình “Lá thư từ miền Bắc”, thân nhân từ miền bắc gửi vào nam cho nguời thương yêu (cán binh Bắc Việt) lấy được trên xác lính Bắc Việt tử trận. Khi những bức thư này đọc trên đài Tiếng Nói Tự Do, đơn vị SOG nhận được báo cáo, những người Mẹ miền bắc khóc lóc trước trụ sở Đảng (CS) ngoài Hà Nội. Khi biết được chương trình “Lá thư từ miền Bắc” có hiệu qủa, đơn vị SOG phát triển ra thêm che dấu, đánh lạc hướng: mỗi tuần đọc 5 lá thư (từ biền bắc), trong đó có hai lá thư giả, chứa công điện đã mã hóa (mật mã) gửi cho các toán biệt kích. Ngoài đài Tiếng Nói Tự Do đưa ra thêm phó bản (Lá thư từ miền Bắc), “Nhịp Cẩu ra miền Bắc”, danh sách những quân nhân Bắc Việt đã tử trận trên chiến trường. Đồng thời đọc tài liệu tịch thâu được tên điạ danh vị trí các nghĩa trang (chôn cất lính Bắc Việt) sâu trong rừng.
Ngoài chiến tranh truyền đơn, đài phát thanh xám, đen, vài loại truyền đơn trong nhóm có hình dáng đặc biệt để gió cuốn đi xa hơn. Truyền đơn được phi cơ SOG thả xuống miền bắc hoặc do súng cối 81 ly trên chiến đỉnh Nasty bắn vào bờ. Đơn vị SOG cũng thả dù qùa tặng ra miền bắc gồm có: đồ y khoa, thuốc men, thực thẩm, đồ chơi trẻ em, giấy thông hành (hồi chánh), máy phát thanh (radio) đã được điều chỉnh để bắt đài phát thanh (xám, đen) của đơn vị SOG. Những qùa tặng tương tự được quân Biệt Hải trao tay cho dân đánh cá miền bắc.
Trong tháng Bẩy năm 1966, Chuẩn Tướng Joseph A. McChristian phụ tá về tình báo thuết trình kín cho các tướng lãnh Ngũ Giác Đài. Một trong những kế hoạch McChristian đưa ra là xử dụng vài người Việt Nam tỵ nạn sống trong khu vực đông bắc Thái Lan, lấy tin tức về miền bắc Việt Nam. McChristian dự trù xây căn cứ huấn luyện trên một hòn đảo không người ở, đảo Cua cách Saigon 240 cây số về hướng nam. Trên đảo, sĩ quan phòng Nhì cơ quan MACV sẽ huấn luyện điệp viên, quân biệt kích. Cuối cùng ông ta đưa ra ý kiến về việc xử dụng hồi chánh viên làm điệp viên, thành lập toán biệt kích (hồi chánh) nằm vùng miền bắc Việt Nam. Ông ta còn tính chuyện tuyển mộ điệp viên gài trong trại tù binh, trường hợp trao trả tù binh.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, đơn vị SOG có phải là một cơ quan, tổ chức để thực hiện các chuyện đó (điệp viên, biệt kích). Kết qủa chương trình thả dù các toán biệt kích nằm vùng dài hạn nơi miền bắc Việt Nam cho biết đơn vị SOG đã thất bại hoàn toàn (thảm họa). Tướng Westmoreland tư lệnh cơ quan MACV là người hiểu rõ đơn vị SOG hơn ai hết. Chiến tranh Việt Nam vào đầu năm 1964 (đơn vị SOG được thành lập), khác xa năm 1967, khi cuộc chiến bùng nổ, nhiệm vụ cho đơn vị SOG vẫn không thay đổi!
Ngày 16 tháng Mười, Westmoreland yêu cầu Washington gửi một toán (chuyên viên) hỗn hợp sang Việt Nam thẩm định những thành qủa của đơn vị SOG, đặc biệt chương trình đánh phá miền bắc (34A). Ngày 1 tháng Mười Một toán chuyên viên gồm 15 người thuộc các cơ quan CIA, DIA (Tình Báo Quốc Phòng), SACSA (Phòng Phụ Tá Đặc Biệt), và CINCPAC (bộ tư lệnh Thái Bình Dương) đến Saigon. Toán chuyên viên được thuyết trình về đơn vị SOG trong sáu ngày, họ đưa ra hai điểm quan trọng. Thứ nhất, đơn vị SOG biết phải đối phó vấn đề quan trọng. Thứ hai, SOG đã chuyển hướng chương trình đánh phá miền bắc bằng tâm lý chiến.
Những thay đổi của đơn vị SOG sau khi hai sĩ quan then chốt đến Việt Nam. Trong tháng Tám, Trung Tá Thomas Bowen lên nắm quyền điều hành ban Chiến Tranh Tâm Lý. Ông ta không xa lạ, một trong hai năm phục vụ cơ quan MACV đảm nhiệm chức vụ sĩ quan tâm lý chiến trong ban Chiến Tranh Đặc Biệt. Tháng sau, ban Hoạt Động Nhẩy Dù bàn giao cho Trung Tá Jonathon Carney, một cựu chiến binh qua hai trận chiến tranh, Carney là một người đặc biệt. Không như quân Mũ Xanh, nắm quyền điều hành từ trước, Trung Tá Carney phục vụ trong ngành tình báo, và ông ta đưa sĩ quan tình báo vào thay sĩ quan LLĐB điều hành các toán biệt kích, điệp viên nằm vùng.
Hợp tác, hai cấp chỉ huy làm việc với nhau, xem xét lại các hoạt đồng từ lúc đầu. Những gì họ khám phá ra không được tốt cho lắm. Phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc, trên lý thuyết là trọng tâm chương trình chiến tranh tâm lý chống Hà Nội, nhưng họ (GTAQ) làm việc rất ít, ngoài chuyện điều hành đài phát thanh, bắt cóc ngư dân miền bắc. Họ đã cảnh cáo chính quyền cộng sản miền bắc, sẽ thúc đẩy dân chúng “hành động trực tiếp chống lại chính quyền, biểu dương sức mạnh tập thể” nếu chính quyền Hà Nội cũng như Đảng không thay đổi chính sách. Nhưng bốn năm đã trôi qua kể từ khi thành lập phong trào GTAQ, cũng không có hành động nào cụ thể yểm trợ cho lời nói của mình (GTAQ).
Hành quân nhẩy dù xâm nhập, không có phương thức nào để thành công, sau khi đã hoạt động được ba năm “Chúng ta đều là tài tử (không chuyên nghiệp)” Carney nhớ lại “Và chúng ta không có lý do để trao những người trẻ tuổi, can đảm (biệt kích) nhiệm vụ mà gần như không có cơ hội thành công.”
Với Bowen và Carney nắm quyền, đơn vị SOG không cần phải lo thả dù giả để đánh lạc hướng địch che dấu cho toán biệt kích thật. Chương trình “đánh lừa địch” đóng vai trò quan trọng với 18 toán biệt kích “ma” (phantom, không có thật), bắt đầu hoạt động trong tháng Chín năm đó.
Được sự chấp thuận của ông Trùm (CHT) SOG, chương trình 34A bắt đầu thay đổi toàn diện. Việc đầu tiên, ba toán biệt kích “ma” sẽ thiết lập một đường dây (liên lạc) nơi hướng đông tỉnh Lai Châu. Mỗi toán được đánh dấu vị trí bằng kiện hàng đồ tiếp liệu thả dù xuống, nhưng không có quân biệt kích (ma, Phantom).
Đêm 29 tháng Mười Hai, một phi cơ MC-130 chứa đồ tiếp liệu “ma” rời Nha Trang bay lên Lai Châu miền bắc Việt Nam. Đến mục tiêu, chiếc phi cơ hạ thấp cao độ bay lên biên giới phiá bắc vào thung lũng sông Đà. Phiá sau bên trong phi cơ, nhân viên SOG cùng với phi hành đoàn đẩy kiện hàng đồ tiếp liệu “ma” ra cửa sau (đuôi) phi cơ. Đúng 4:30 phút sáng, phi hành đoàn báo cáo nhiệm vụ hoàn tất.
Trong Saigon, đơn vị SOG đợi thêm báo cáo từ chiếc phi cơ. Không có gì thêm. Sợ chuyện rủi ro xẩy ra, SOG nhờ Không Lực Hoa Kỳ cho phi cơ thám thính chụp ảnh bay lên khu vực rừng núi tỉnh Lai Châu. Khu vực tìm kiếm tập trung cách thủ phủ tỉnh Lai Châu 20 cây số về hướng đông bắc, nơi chiếc MC-130 liên lạc lần cuối cùng. Toán quân Mũ Xanh Hoa Kỳ đang huấn luyện quân biệt kích trong căn cứ Long Thành được báo động, sẵn sàng nhẩy dù xuống miền bắc Việt Nam để thâu hồi máy truyền tin bảo mật (từ chiếc MC-130 lâm nạn). Tuy nhiên không tìm thấy xác chiếc phi cơ.
Mặc dầu mất chiếc phi cơ MC-130, các hoạt động tâm lý chiến vẫn là phương thức tốt nhất để chống lại miền bắc Việt Nam. Để có thêm ý kiến, Tướng Westmoreland lập một nhóm nghiên cứu, thẩm định các hoạt động và tìm hướng đi cho đơn vị SOG. Trưởng nhóm này là Chuẩn Tướng Albert Brownfield, một cựu sĩ quan Thiêt Giáp trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Brownfield có thời gian làm việc với quân nhẩy dù trong căn cứ Fort Bragg North Carolina (Bộ tư lệnh sư đoàn 82 Nhẩy Dù và LLĐB Hoa Kỳ). Năm 1964 liên hệ với đơn vị SOG trong vai trò phụ tá cho Krulak cơ quan SACSA.
Khi Brownfield sắp sửa đánh giá đơn vị SOG, Ngũ Giác Đài cũng để ý, nhưng không ai chú ý hơn vị trưởng cơ quan SACSA mới, Tướng William E. DePuy. Kể từ khi nhận chức trưởng phòng SACSA trong tháng Ba, DePuy nghi ngờ sự nghịch đảo giữa các hoạt động của đơn vị SOG và kết qủa (càng nhiều hoạt động, kết qủa càng ít). Trên phương diện thâu thập tin tức tình báo và phá hoại, hồ sơ ghi nhận chương trình 34A trở nên bết. Hà Nội phản ứng ngày càng tốt hơn. Ngạc nhiên về chuyện trái ngược, DePuy ra lệnh cho thuộc cấp tìm cách khác để đỡ tốn kém sinh mạng quân biệt kích mà vẫn đạt hiệu qủa.
Tiếp tục tìm cách giúp đơn vị SOG, cuối năm DePuy ra lệnh cho ban Hành Quân Đặc Biệt nghiên cứu hệ thống tuyên truyền Bắc Việt, tìm những yếu điểm để áp dụng chương trình “đánh lừa” Bản báo cáo của SACSA đưa ra trong tháng Ba năm 1968, cho rằng việc kiểm soát dân chúng là điểm khó khăn nhất cho chính quyền Hà Nội.
Ngày 14 tháng Hai, nhóm nghiên cứu, thẩm định dưới quyền Tướng Brownfield đưa ra bản báo cáo cuối cùng, hầu hết tập trung vào hai vấn đề “Ảnh hưởng việc xây dựng chương trình tâm lý chiến và phát triển khả năng tình báo” Ngoài phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc và các toán biệt kích (biệt hải), bản báo cáo đưa thêm ý kiến những phương thức mới khác như xử dụng phi cơ không người lái (drone), bong bóng (loại rất lớn) thả truyền đơn, điều khiển trên tầu Nasty từ biền vào hay từ đất Lào qua. Và xử dụng máy phát thanh nổi trên phao trong vùng biển vịnh Bắc Bộ. Tháng sau, cơ quan MACV đưa ra lời phê bình về những điều bản báo cáo (Brownfield) đưa ra. Đồng ý các hoạt động ra miền bắc nên chuyển hướng sang các hoạt động “đánh lừa địch”. MACV cũng nói rằng, ít nhất phải cho xâm nhập bốn toán biệt kích thật trong năm 1968 tăng cường cho các toán biệt kích “ma” (Phantom). Bản báo cáo cũng đề nghị đơn vị SOG, tìm cách bí mật đưa tài liệu vào trong báo chí quốc gia đệ tam mà miền bắc Việt Nam cho phép. Tìm cơ hội “ám sát viên chức cao cấp Bắc Việt bị ghét bỏ”
Đến mùa thu năm 1967, Hà Nội đã không còn nghi ngờ, ai là người tài trợ cho phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc (GTAQ). Rõ ràng chỉ có phi cơ Hoa Kỳ mới thả truyền đơn cho phong trào GTAQ. Trước năm 1967, đài phát thanh GTAQ phát sóng ra miền bắc từ phiá nam khu phi quân sự, bắt đầu trong tháng Sáu 1967, đài GTAQ được một phi cơ NC-121 Hải Quân Hoa Kỳ bay bao vùng vịnh Bắc Bộ tiếp vận, phát sóng vào miền bắc Việt Nam. Trong tháng Chín, một bài viết đăng trên báo chính quyền Hà Nội “Học Tập” nói rằng phong trào GTAQ “chỉ có trong đầu óc thực dân Hoa Kỳ cùng bọn tôi tớ.” và đài phát thanh chỉ là công cụ “quảng cáo cho sự lường gạt của người Hoa Kỳ về ước nguyện hoà bình”
Trong mùa xuân năm 1968, SOG mở chiến dịch phối hợp các hoạt động tâm lý chiến chống miền bắc. Các chương trình phát thanh “đen” do đài GTAQ thực hiện, thả truyền đơn, lá thư “đen” được gửi đến Hà Nội từ một quốc gia đệ tam. Chương trình lá thư “đen” được mở rộng. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch năm 1964, đơn vị SOG tìm người gốc ngoài bắc viết thư, đến đầu năm 1968, đơn vị SOG tìm người đánh cá Nhật Bản viết thư.
Cả hai, đơn vị SOG lẫn đối tác Nha Kỹ Thuật VNCH bắt đầu tìm cách làm mất uy tín, bôi nhọ sĩ quan trong quân đội Bắc Việt, “chụp mũ” họ bí mật làm việc với Saigon trong chương trình có mật danh Pollack. Nhiều phương pháp được áp dụng bao gồm: lá thư, điện tín, bỏ trong gói qùa tặng “đánh lừa”. Chương trình Pollack chưa được biết thành công tới mức độ nào, đầu năm 1969, ngành kiểm thính truyền tin chận bắt được công điện cho biết, một vị tư lệnh sư đoàn Bắc Việt bị mất chức gọi về trinh diện Hà Nội, nạn nhân của chương trình Pollack.
Nhưng chương trình “đánh lừa” tập trung làm việc với các toán biệt kích “ma” với hai hoạt động nhẩy dù mới nằm trong chương trình 34C (A: nằm vùng dài hạn, B: ngắn hạn Strata, C: các toán biệt kích “ma”, đánh lừa). Hoạt động thứ nhất có mật danh Oodles bắt đầu từ chiếc phi cơ yểu mệnh MC-130 mất tích trong cuối tháng Mười Hai năm trước. Đơn vị SOG vẫn tiếp tục thả những kiện hàng tiếp tế “ma” cho những toán biệt kích “ma”. Trong chuyện này, có thêm những máy phát tín hiệu điều khiển từ xa (remote) tự động gửi đi những công điện từ toán biệt kích “ma” đến trạm tiếp vận viễn thông Bugs của cơ quan CIA bên Philippines. Phiá Saigon, theo thời khóa biểu sắp đặt sẵn, qua trung gian đài phát thanh “đen” gửi cho toán biệt kích lệnh lạc cùng với tin nhắn từ gia đình quân nhân biệt kích “ma”. Một chương trình khác, thả dù tiếp tế để đánh lạc hướng địch quân, cho thêm vào kiện hàng những dụng cụ không cần thiết để gây khó khăn cho chuyên viên, phân tích gia Bắc Việt, có mật danh là Uranolite.
Các phương pháp khác nhằm trợ giúp chương trình Oodles. Thí dụ, đơn vị SOG ra lệnh cho toán biệt kích Tourbillon (một toán biệt kích ‘thật’ trước đó đã bị bắt, làm việc ‘hai mang’ cho địch quân) bắt tay với một trong số toán biệt kích “ma”. Sĩ quan đơn vị SOG đi đến các bệnh viện trong Saigon xin các túi máu đã hết hạn xử dụng. Số lượng máu đã qúa hạn xử dụng này sẽ được trộn lẫn với (nước) đá (khối nước đá, cây nước đá), móc bộ (nhẩy) dù vào. Khi phi cơ MC-130 bay đến vị trí một toán biệt kích “ma” sẽ đẩy các cây nước đá trong đó mấy cây dính máu ra cửa sau phi cơ. Các cây nước đá sẽ tan đi, để lại những cánh dù, có cái dính máu (người). Quân biên phòng miền bắc sẽ tin là toán biệt kích đã nhẩy dù xuống xâm nhập miền bắc và trong số quân biệt kích, có người bị thương, lúc nhẩy dù xuống đất.
Hoạt động nhẩy dù thứ hai rút ra từ quan niệm của Thiếu Tá Bert Spivy, tốt nghiệp trường võ bị West Point, Lực Lượng Đặc Biệt, đến Việt Nam trong mùa xuân, làm việc trong chương trình 34C. Spivy đưa ra ý kiến xử dụng tù binh quân đội Bắc Việt, bị bắt giam trong các trại tù binh sau trận tổng tấn công Tết Mậu Thân. Lúc đầu chương trình này được đặt cho mật danh Mocha, sau đó đổi thành Borden.
Trong tháng Tư, Spivy vùng với nhân viên chương trình 34C bắt đầu tìm (tuyển mộ) những tù binh đầu tiên tình nguyện “hợp tác” làm việc với người Hoa Kỳ (họ chỉ tuyển một những tù binh Bắc Việt quân đội Hoa Kỳ bắt được). Nhân viên SOG vào trại tù binh quân đội Hoa Kỳ cai quản đeo thẻ hành sự có chữ ký của Chuẩn Tướng Pillip Davidson, trưởng phòng nhì cơ quan MACV “Những tù binh được họ (34C) chọn lọc, sẽ được trao cho họ đưa đi…” Xem xét hồ sơ tù binh Bắc Việt, chương trình 34C lựa ra những tù binh: khỏe mạnh, có trình độ văn hóa, và hợp tác. “điệp viên Borden phải thông minh” Đại Úy John Mullins cố vấn Hoa Kỳ trong căn cứ Long Thành thêm vào. “để anh ta có thể qua mặt nhân viên phản gián miền bắc, thay vì đi trình diện khi mớí được đưa trở lại.”
Hơn 20 tù binh Bắc Việt được tuyển chọn, đưa đến khu riêng biệt (khu cấm) trong căn cứ Long Thành. Thiếu Tá Stanley Olchovik chỉ huy căn cứ Long Thành kể lại “Chúng tôi theo dõi họ mọi chuyện, lúc ngủ, lúc ăn uống, tắm rửa, nghe họ nói chuyện… để biết người nào có thể tin tưởng được”
Trong ba tuần lễ, các tù binh Băc Việt được thẩm định và chuyển hướng. Sau khi đơn vị SOG đã tin tưởng sự hợp tác của các tù binh, họ sẽ được đưa đi thăm thành phố Saigon. Điều này gây ấn tượng nhiều tù binh. “Khi họ được nhìn thấy sự phồn thịnh (của miền nam) những điều nghi ngờ trong đầu họ sẽ tan biến đi” Mullins kể lại “nhiều người rất hứng thú”.
Đến cuối giai đoạn, khoảng một nửa số tù binh bị loại vì không thích hợp (với nhiệm vụ). Trước khi đưa họ trở lại trại tù binh, đơn vị SOG “nhồi sọ” họ những tin tức không đúng, sai lạc như hàng trăm tù binh được huấn luyện thi hành các nhiệm vụ bí mật nơi miền bắc. SOG tin rằng những tin tức “vĩ đại” đó cuối cùng sẽ đến tai giới chức thẩm quyền miền bắc Việt Nam, qua mạng lưới gián điệp đã xâm nhập vào các trại tù binh cộng sản trong miền nam.
Những tù binh Bắc Việt còn lại trong căn cứ Long Thành sẽ được huấn luyện hai tuần lễ. Họ được cho biết nhiệm vụ, đầu tiên trở lại đơn vị cũ (SOG cung cấp phương tiện), như một người tù binh trốn trại thành công (với câu chuyện tạo dựng nên để lấy sự tin tưởng cấp chỉ huy cũ). Nếu thành công, họ sẽ thâu thập tin tức tình báo rồi đào ngũ. Mỗi tù binh được cấp phát một ống kem (crème) tỏa ánh sáng hồng ngoại tuyến để nhận diện (khi về đến một đơn vị Hoa Kỳ).
Lẽ dĩ nhiên, đơn vị SOG không mong, không tin tất cả các tù binh Bắc Việt đã được huấn luyện trong chương trình Borden sẽ thi hành nhiệm vụ cho đơn vị SOG. Vài người hoặc đa số, có lẽ sẽ khai tất cả mọi chuyện cho cấp chỉ huy khi trở về đơn vị cũ. Tuy nhiên, những gì họ khai về căn cứ huấn luyện biệt kích ở Long Thành (họ bị nhồi sọ, dàn dựng, rỉ tai những điều sai sự thực) cũng đủ gây nghi ngờ trong hàng ngũ quân đội Bắc Việt.
Đầu tháng Chín, đợt điệp viên Borden (tù binh Bắc Việt) đầu tiên đã sẵn sàng. Trước khi lên đường, họ được đãi một bữa ăn thịnh soạn trong Saigon. Để đạt hiệu qủa tối đa, đa số được thả dù hoặc trực thăng đưa vào khu vực gần đơn vị cũ trong miền nam, Gián Điệp & Biệt Kích Page 243
bên Lào hay Miên trước khi bị bắt làm tù binh. Có bốn người ra miền bắc Việt Nam.
Đến cuối tháng, một nhóm tù binh Bắc Việt khác được đưa vào căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành. Trong khi đó, sĩ quan điều hành Borden bắt đầu thí nghiệm các vở kịch “đánh lừa”. Phụ Tá Thiếu Tá Spivy là Đại Úy David Faughnam nhớ lại: trên lý thuyết, các điệp viên sẽ chờ đợi trong trại tù binh, do đó chúng tôi bôi lên trán người điệp viên vệt ánh sáng hồng ngoại để nhận diện. Sau khi xong nhiệm vụ, người điệp viên sẽ tìm đến một đơn vị Hoa Kỳ nào gần nhất trình diện và chúng tôi sẽ đến đón.
Một sáng kiến nữa kết hợp hai chương trình Borden và Oodles. Trong một chuyến thả dù biệt kích xuống miền bắc, người điệp viên Borden được trao nhiệm vụ hướng dẫn (hướng đạo) cho toán biệt kích. Trước khi lên đường, anh ta được giới thiệu với toán biệt kích VNCH (Thực ra họ là huấn luyện viên Nha Kỹ Thuật – Lôi Hổ), để đóng kịch với người điệp viên Borden. Tất cả lên phi cơ MC-130 bay lên hướng bắc đến không phận tỉnh Nghệ An. Người điệp viên Borden (hướng đạo) sẽ nhẩy dù ra trước, biến mất vào màn đêm, toán biệt kích gỉa VNCH tháo dây móc dù ra ngồi lại xuống ghế, và chiếc phi cơ bay vòng về miền nam. Khi xuống đất anh ta “thề sống chết” với lực lương an ninh miền bắc còn nhiều quân biệt kích nữa…
Đến cuối tháng Chín, sĩ quan điều hành Borden nhận được một điều ngạc nhiên thú vị. Một ít điệp viên tù binh Bắc Việt tìm về được đơn vị đồng minh, và gọi về Long Thành yêu cầu tiếp tế cho họ. Một người trong nhóm có mật danh Kilo đã nhẩy dù xuống đất Lào, trở về đơn vị cũ, sau đó tìm cách chạy đến một đơn vị TQLC Hoa Kỳ gần Huế. Điệp viên Kilo được trao nhiệm vụ thứ hai, nhẩy dù xuống miền bắc tăng cường cho một toán biệt kích nằm vùng dài hạn (34A), họ không nói thật cho người tù binh Bắc Việt biết toán biệt kích đó là (Oodles) toán biệt kích “ma”. Kilo lên chiếc MC-130 bay lên hướng bắc. Kilo được bôi vệt ánh sáng hồng ngoại lên móng tay để nhận diện với toán biệt kích ở dưới đất. Trên không phận tỉnh Nghệ An, Kilo nhẩy dù ra rồi biến mất…
Khó đánh giá kết qủa chương trình” đánh lừa”, Trong tháng Mười Một năm 1968, kết qủa, trong số 18 toán biệt kích Oodles (ma) nhẩy dù xống miền bắc, 14 toán được đài phát thanh GTAQ nhắn tin, 8 toán được thả dù đồ tiếp liệu giả (ma), và hai toán được tăng cường điệp viên Borden. Đơn vị SOG thành công trong chương trình “đánh lừa”
XXII. CHƯƠNG TRÌNH URGENCY
Đã bốn năm thử thách, thất bại, cuối cùng chương trình Hành Quân Nhẩy Dù đã tìm được công thức đạt hiệu qủa. Cũng mất mặt không kém là chương trình Hành Quân Biển. Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) cũng đi tìm công thức để đạt hiệu qủa.
Trong hành quân (chiến dịch) Mint, quân biệt hải trong hành quân biển ngày càng khó gặp tầu địch để ngăn chận, bắn phá. Chiến dịch Sea Dragon do Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện, tuần tiễu dọc theo hải phận miền bắc đã tàn phá bờ biển hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Vùng biển “làm ăn” của đơn vị SOG không còn gì nữa nên phải di chuyển lên hướng bắc trong hải phận tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tìm kiếm mục tiêu để bắn phá. Trong năm 1967, các tầu Nasty của SOG bắn chìm khoảng chín (9) tầu nhỏ miền bắc mỗi tháng.
Cũng như hành quân Mint, chương trình Loki (bắt cóc ngư dân miền bắc) của Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD - đối tác Sở Phòng Vệ Duyên Hải) trở nên nhàm chán. Đà Nẵng vẫn bắt có khoảng 30 ngư dân mỗi tháng, và đã từng phác họa kế hoạch, phối hợp (với Hải Quân Hoa Kỳ) bắt sống phi công phản lực Mig Bắc Việt bị bắn rơi xuống biển.
Số mục tiêu giới hạn, số toán biệt hải cũng giảm theo, đến cuối năm 1967 chỉ còn ba toán. Quân biệt hải được xử dụng trong khoảng 12 trận tấn công bất ngờ CADO (từ biển vào) và trong đó 10 trận không đem lại kết qủa. Ban Cố Vấn Häi Quân (NAD) phải tìm “việc làm” cho ba toán biệt hải để giữ chân họ. Trong tháng Chín 1966, chương trình Huấn Luyện Phương Nam (SOTROPS), quân biệt hải cùng với cố vấn Hoa Kỳ tấn công căn cứ địch (VC) trong nội điạ gần bờ biển Đà Nẵng. Trên thực tế, hành quân CADO (tấn công từ biển vào các mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc) không thành công như các mục tiêu VC trong miền nam. Họ đã chứng minh thành công cho đến đầu năm 1967. Cuối năm đó, NAD tìm cách phát triển về hướng nam nơi đồng bằng sông Cửu Long, hứa hẹn sẽ đóng góp cho lực lượng Hành Quân trên Sông Hải Quân Hoa Kỳ với khả năng tương đương các toán biệt kích SEAL của Hải Quân về kỹ thuật trinh sát, dò thám, tấn công bất ngờ, và bắt tù binh.
Nhiệm vụ dưới đồng bằng Cửu Long được chấp thuận nhanh chóng. Không như “ra ngoài bắc”, căn cứ hành quân dưới đồng bằng Cửu Long trên một “Benewah”, một xà lan sửa sang lại đặt trên sông ở Mỹ Tho (Tiền Giang), căn cứ Đồng Tâm, cũng là bộ chỉ huy của một trung đoàn thuộc sư đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ.
Hai toán biệt hải Nimbus, Romulus được chia cho một vị trí đóng quân bên ngoài căn cứ Đồng Tâm, nhìn ra ngoài khu rừng tràm đầy rắn rết. Chuyện rủi ro, xui xẻo đến với quân biệt hải, họ quen cầm súng thay vì lái xe, một biệt hải toán Romulus de xe đụng phải một viên cố vấn, đưa ông ta vào bệnh viện trước khi bắt đầu hành quân.
Hai toán biệt hải Nimbus, Romulus thay phiên nhau mỗi đêm cùng với cố vấn Hoa Kỳ lên tầu tuần tiễu nơi căn cứ Đồng Tâm chạy dọc theo sông Mỹ Tho (Tiền Giang). Theo sau là một tầu tuần tiễu khác trống rỗng. Khi hai chiếc tầu đến gần điểm xâm nhập, chiếc chạy đầu tắt máy tiếp tục lướt vào bờ sông. Chiếc thứ hai tiếp tục chạy lên, tiếng máy tầu đánh lạc hướng, che dấu toán biệt hải xâm nhập. Sau khi chạy được khoảng hai cây số, chiếc thứ hai sẽ vòng lại để cho chiếc thứ nhất sau khi đổ bộ toán biệt hải, nổ máy tầu rồi cả hai chiếc quay về căn cứ Đồng Tâm.
Điạ thế đồng lầy, lau sậy làm chậm toán biệt hải trên đường di chuyển đến mục tiêu. Khi đến nơi, toán biệt hải có thể biết chắc xóm làng thù địch, làng nào cũng có một VC võ trang canh gác. Tệ hơn nữa, làng VC cũng là khu vực oanh kích, bắn pháo binh tự do vào ban đêm, hơn nữa loại hành quân biệt kích, biệt hải phải giữ bí mật nên đơn vị pháo binh bạn không được thông báo các hoạt động của đơn vị biệt hải.
Trong tháng Mười, toán biệt hải Nimbus được lệnh theo dõi một ngôi làng nằm sâu trong khu vực đồng lầy. Không như các chuyến xâm nhập, bắt sống tù binh khác, toán biệt hải Nimbus sẽ nằm yên lúc ban ngày, quan sát, theo dõi tầu bè di chuyển xung quanh ngôi làng.
Chọn ba người lính biệt hải nhiều kinh nghiệm nhất trong toán, cố vấn trưởng toán Nimbus, Trung Sĩ TQLC Charles Duncan, cùng với một quân nhân SEAL (người nhái biệt kích Hải Quân) rời căn cứ Đồng Tâm lúc 22:00 (10 giờ đêm), theo sông Mỹ Tho.
Quân biệt hải xâm nhập mục tiêu dễ dàng, nhưng khi họ bắt đầu tuần tiễu, cách toán tuần tiễu khoảng 100 m bên trái, một tiếng súng nổ vang lên. Toán tuần tiễu tiếp tục di chuyển và tiếng súng của địch từ hướng bên trái tiếp tục nổ vang dội màn đêm. Quân biệt hải biết bọn VC báo động cho quân bạn biết toán biệt hải di chuyển đến đâu.
Trước khi trời sáng, Duncan đến gần ngôi làng mục tiêu. Di chuyển phiá bên trái ông ta là trưởng toán biệt hải Nimbus, một người theo đạo Công giáo cấp bậc Chuẩn Úy, đã chiến đấu chống cộng từ hai thập niên qua. Một biệt hải đi bên phải ông ta, người nhái Seal cùng biệt hải thứ ba đi phiá sau.
Khi ánh mặt trời bắt đầu lên cao, quân biệt hải có thể trông thấy rõ ngôi làng, và họ biết ngay có điều gì không đúng. Tất cả trẻ em, phụ nữ trong làng đã được báo động, đang lục soát trong khu rừng gần đó. Hiển nhiên họ đã biết trước quân biệt kích chính quyền miền nam đã xâm nhập vào khu vực.
Nghe tiếng động phiá sau, Duncan vạch đám cỏ ra, và trong một giây anh ta nghĩ một biệt hải (Nimbus phe ta) “Nó mặc bà ba đen, chúng tôi cũng bà ba đen” Duncan kể lại “Nhưng nó cầm khẩu Carbin, chúng tôi võ trang AK-47”. Tên VC phản ứng trước, bắn một viên trúng hông anh lính TQLC Mỹ, viên thứ hai trúng vào mông. Nghiêng người cho khẩu AK-47 không bị kẹt, Duncan bắn nửa băng đạn vào bụng tên VC.
Nghe tiếng súng nổ, cả ngôi làng nổ bùng lên. Duncan đứng dậy để chạy nhưng ra máu nhiều chạy không nổi, người trưởng toán biệt hải Nimbus đỡ anh ta, quân biệt hải cố chạy ra bờ sông. Khi ra đến nơi, máy truyền tin trúng đạn VC bị hư không thể liên lạc với căn cứ Đồng Tâm, họ thụp xuống sát mặt nước trốn trong đám bèo lục bình. Việt cộng đuổi theo đến bờ sông, họ trông thấy biệt hải, hai bên bắn nhau dữ dội, tất cả biệt hải đều trúng đạn. Tuyệt vọng, Duncan ra lệnh cho người nhái SEAL (tay bơi lội số 1 trong toán) bơi đi cầu cứu đơn vị bạn. Anh ta được một chiếc tầu đang chạy trên sông cứu.
Trong khi đó Duncan cùng với ba biệt hải VNCH bơi lại một thuyền tam bản leo lên, ép buộc người lái chở họ ra xa khỏi bờ sông… Duncan kể lại “những gì chúng tôi làm được nhờ may mắn thoát chết”.
Toán biệt hải Nimbus tạm thời “dưỡng sức”, Romulus phải tiếp tục làm nhiệm vụ. Một đêm, Romulus tiến gần đến một ngôi làng (VC kiểm soát), Trung Sĩ TQLC/HK Robert “Tony” McMillan, bắt cóc một người đàn ông trung niên, áp tải về một tầu (chiến nhỏ chạy trên sông). Bị thẩm vấn, ông ta khai là một nhân viên tình báo cáo cấp VC, trưởng ban tình báo trong khu vực. Thiếu Tá W.H. “Duff” Rice, trưởng toán Cố Vấn Hải Quân (NAD) trong vùng đồng bằng Cửu Long phát biểu “Toán biệt hải chứng minh họ đóng góp thành qủa tốt”
Tuy nhiên đến cuối năm 1967, khi toán Nghiên Cứu Thẩm Định Hỗn Hợp dưới quyền Tướng Brownfield, xem xét lại các hoạt động của đơn vị SOG, họ báo cáo ban NAD cần phải chuyển hướng hoạt động.
Bị đánh giá thấp, mất mặt, Đà Nẵng chuyển hướng hoạt động, tập trung về tâm lý chiến. Đó là chuyện hợp lý, Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc đã cung cấp (nhiệm vụ) cho các hoạt động bí mật trên biển cho NAD từ những ngày đầu mới thành lập. Nhưng đến năm 1968, phong trào GTAQ “dự trù” đóng đô trên miền bắc Việt Nam. Hải đảo thần tiên (cù lao Chàm) không thể nào lường gạt được ngư dân (miền bắc) vì mùi gió biển, số lượng cát nơi họ bị giam giữ, và tiếng sóng biển (dự trù là một căn cứ kháng chiến ở đâu đó trên miền bắc Việt Nam). Một nhân viên VNCH làm việc trên đảo nói “Hải đảo thần tiên đúng ra là một căn cứ bí mật ngoài miền bắc. Nhưng nhiều dân đánh cá miền bắc rất thông minh… Trong một cuộc thẩm vấn, một ngư dân bước ra nói với chúng tôi rằng ‘Hai mươi năm trước, tôi đã đến hòn đảo này’, ông ta còn biết cả tên hòn đảo, ‘Cù Lao Chàm’. Chúng tôi đặt câu hỏi khác, làm sao ông biết? Khi ông đến, ông bị bịt mắt. Ông ta trả lời, khi đặt chân trên lớp cát biển, ông ta biết ngay đang ở đâu.” Cuối cùng cấp chỉ huy Hoa Kỳ trong phòng SACSA nói “Chuyện Hải đảo thần tiên từ từ phơi bầy ra sự thực… không có ý nghĩa gì cả”
Đương nhiên, Hà Nội ban hành đạo luật đối với hành vi, tội phạm chống lại cách mạng trong tháng Mười năm 1967, án tử hình cho tất cả các hành vi “thứ năm” như giúp người khác trốn (vào miền tự do). Mười chín (19) trong số 21 tội phạm liệt kê có liên quan đến đơn vị SOG, đặc biệt các hoạt động bí mật trên biển.
Khi đạo luật từ miền bắc vào đến cơ quan MACV trong tháng Ba năm 1968, đơn vị SOG đang chuyển hướng chương trình 34A (đánh phá miền bắc) sang chương trình “đánh lừa” Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) cũng đổi hướng theo sau. Cũng như Hành Quân Nhẩy Dù có hai chương trình Oodles và Borden, Hành Quân Biển có chương trình mật danh Urgency (khẩn cấp) làm cho Hà Nội nghĩ rằng “đằng sau nhà” của họ (miền bắc), có nhiều chuyện đang xẩy ra.
Thực ra, NAD đã có chương trình “đánh lừa” địch trong mùa hè năm 1967, khi họ phác họa kế hoạch huấn luyện ngư dân miền bắc tạm giữ trên cù lao Chàm trở thành điệp viên cấp thấp (căn bản). Khi đưa họ trở lại miền bắc, những ngư dân (điệp viên) sẽ thâu thập tin tức tình báo trong thời gian 2, 3 tháng, sau đó ra biển hẹn với tầu Nasty. Cũng như chương trình Borden, đơn vị SOG hy vọng rất ít các ngư dân (điệp viên) sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ hy vọng sẽ làm điên đầu chính quyền miền bắc, buộc họ phải xử dụng phần nào tài nguyên để chống lại (thay vì tất cả cho miền nam). Sau khi được sự chấp thuận của bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ, đơn vị SOG cho xâm nhập hai điệp viên ngày 13 tháng Chín dưới mật danh Pergola và Goldfish bằng tầu Nasty từ biển vào bờ biển tỉnh Thanh Hóa. Cả hai điệp viên biến mất…
Trong tam cá nguyệt đầu tiên năm 1968, hoàn toàn chuyển hướng sang chương trình “đánh lừa”. Có thêm hai tầu (Nasty / Swift) chiến khinh tốc đỉnh, ban NAD có thể hoạt động hàng ngày. Họ tuần tiễu dọc theo bờ biển miền bắc tìm kiếm các “hạm đội” đánh cá (để tuyên truyền hình ảnh Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc, không đánh chìm các tầu đánh cá nhỏ nữa), và các ngư dân bị bắt cóc, bịt mắt đưa ra cù lao Chàm, lúc đó đã được mở rộng thêm để chứa hàng trăm ngư dân miền bắc. Họ sẽ phải trải qua thời gian khoảng hai tháng điều tra (phỏng vấn) và phong trào GTAQ nhồi sọ.
Đa số ngư dân được đưa trở về miền bắc trên những ghe thúng như cái giỏ chứa đầy qùa tặng. Nhiều người được trao cho truyền đơn GTAQ với lời dặn dò dấu gần ngôi làng của họ. Người khác được khuyên tìm hội viên GTAQ gần nhà, trong khu vực, dấu hiệu nhận diện bằng cách gãi trên vai. Nhng chuyện này khai báo cho lực lượng an ninh miền bắc, họ sẽ điên đầu, cố gắng tim bắt hội viên GTAQ nằm vùng.
Vài ngư dân bị giam giữ riêng biệt, như chương trình Borden, những người đó bị khép tội cứng đầu, không thích hợp với chương trình. Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) có kế hoạch đối với những người này, quần áo cấp phát cho họ đã được dấu (bí mật may vào) tiền và những giấy tờ, vật liệu khác, và họ sẽ được đưa trở lại vùng biển xa hơn lên hướng bắc, cách xa làng cũ ở vùng biển thành phố Vinh.
Một người (cứng đầu) gốc Tầu, được cung cấp những tin tức sai lạc rằng Trung Hoa lục điạ đang tính chuyện tranh giành kỹ nghệ đánh cá đối với Bắc Việt. Khi anh ta được đưa trở về miền bắc, quần áo của anh ta đã được may sẵn (bí mật) với tiền bạc củng những thứ giấy tờ khác. Đồng thời tầu Nasty sẽ “pháo kích” đạn súng cối 82 ly chứa truyền đơn GTAQ xuyên tạc Trung Cộng âm mưu tranh giành kỹ nghệ đánh cá miền bắc như anh chàng (cứng đầu) được biết.
Cũng như hai điệp viên Pergola, Goldfish xâm nhập trở lại miền bắc năm trước (biến mất). Trong số 328 ngư dân bị bắt cóc đưa ra cù lao Chàm trong mười tháng đầu năm 1968, mười một (11) người được tuyển chọn để huấn luyện gián điệp trước khi đưa trở ra miền bắc. Không một người nào quay trở về miền nam.
Bắt đầu trong tháng Bẩy năm 1968, đơn vị SOG quyết định “xử dụng tối đa ngư dân miền bắc bị bắt cóc đưa ra cù lao Chàm, làm tăng uy tín phong trào Gươm Thiêng Ái Quốc.”. Một chương trình mật danh Hattori/Parfait, xử dụng ít ngư dân (tuyển chọn) lập tổ ba người trong những cộng đồng (làng) chọn lọc, dọc theo bờ biển. Khi trở về miền bắc, họ sẽ là “cảm tình viên (ngầm) của phong trào GTAQ”. Một chương trình khác Yellow Jacket (Áo khoác vàng), dự trù đưa ngư dân đến khu vực “Thuốc phiện” (narcotic) khu vực biên giới Lào để họ tuyên truyền cho GTAQ, chương trình này không được chấp thuận.
Trước sự gia tăng hoạt động của quân biệt hải trong vịnh Bắc Bộ, Hà Nội thành lập hai ban tác chiến hải quân. Mỗi ban được trang bị một số bè (xuồng tam bản) kết bằng thân cây tre không động cơ. Trông từ xa như nhóm tầu đánh cá “thơ ngây”, lại gần mới biết mỗi chiếc bè được trang bị đại bác 57 ly không dật, súng cối, súng phóng lựu và đại lien. Trường hợp tầu Nasty của đơn vị SOG xuất hiện, có thể sa vào ổ phục kích (bẫy).
Lúc 02:00 (2 giờ sáng) ngày 17 tháng Tám năm 1968, ba chiếc bè rời căn cứ trong tỉnh Nghệ An. Mục tiêu đến là vùng biển cách bờ khoảng 13 cây số, nơi tập trung nhiều tầu đánh cá của ngư dân miền bắc. Gió nhẹ, biển lặng, trời trong xanh, ba tiếng đồng hồ sau ba chiếc bè ra đến mục tiêu, và nằm chờ thời gian còn lại của buổi sáng.
Theo đúng chương trình (lệnh hành quân), ba chiếc bè sẽ nằm yên tại chỗ qua ngày hôm sau. Nhưng họ không phải chờ đợi lâu, lúc 1340 (1:40 phút chiều) radar từ trong bờ báo cho biết, ba tầu Nasty đang trên đường chạy về hướng nam dọc theo bờ biển, có vẻ đang tìm tầu đánh cá, bắt cóc ngư dân.
Ban thứ hai đưa 4 chiếc bè võ trang ra tăng cường. Nhưng chuyến phục kích bắt đầu tan biến đi, bầu trời trở nên đen tối, gió bắt đầu thổi mạnh, mặt biển gợn sóng, đoàn tầu đánh cá của ngư dân bắt đầu chạy vào bờ, ba chiếc bè trở thành mục tiêu tốt cho các tầu Nasty, chạy nhanh, hỏa lực hùng hậu. Vấn đề trở nên bết, nhân viên làm việc trong đài radar hết giờ làm việc, ra về trước khi nhân viện ca kế tiếp đến.
Lúc 1534 (3:34 phút chiều), ba tầu Nasty trông thấy mấy chiếc bè cô đơn ngoài biển. Trước đó mười ngày, một tầu Nasty đụng phải sáu chiếc bè võ trang tương tự, kết qủa 6 biệt hải VNCH tử trận, tất cả 6 chiếc bè đều bị đại bác 40 ly trên tầu Nasty bắn chìm. Trận “hải chiến” này một chiều, ba tầu Nasty gom lại tấn công, kết qủa 4 thủy thủ đoàn tầu Nasty tử trận, phiá Bắc Việt, 7 thủy thủ chết, 9 người bị bắt, hai người bơi thoát.
Đó là trận đánh cuối cùng của tầu Nasty, chính trị chen vào, Washington xính vính vì trận tổng tấn công Tết Mậu Thân. Đến mùa thu năm 1968, ý kiến quần chúng Hoa Kỳ chống lại cuộc chiến Việt Nam. Tổng Thống Johnson ra lệnh ngừng tất cả các hoạt động bí mật chống miền bắc Việt Nam. Hải đảo thần tiên (cù lao Chàm) là nạn nhân cuối cùng, người dân đánh cá miền bắc cuối cùng trên đảo được đưa trở về miền bắc ngày 22 tháng Mười. (cù lao Chàm đóng cửa). Các hoạt động bí mật trên biển của đơn vị SOG chấm dứt. Gián Điệp & Biệt Kích Page 255
XXIII. ĐÓNG CỬA
Một cú điện thoại đến cơ quan MACV sáng ngày 29 tháng Mười năm 1968, Tổng Thống Johnson muốn gặp Tướng Creighton Abrams trong tòa Bạch Ốc ngay tức khắc. Tướng Abrams vừa lên thay Tướng Westmoreland trong tháng Bẩy vừa qua. Ông ta làm phụ tá (phó) cho Westmoreland từ đầu năm 1967 nên rất am hiểu tình hình miền nam Việt Nam.
Tướng Abrams âm thầm bay khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, đến Washington ngày 31 tháng Mười, đúng giờ buổi họp với Tổng Thống Johnson. Vị Tướng chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ biết tin tức có độ mật cao về các phiên họp từ đầu mùa hè, và Tổng Thống Hoa Kỳ nghiêng về việc ngừng thả bom miền bắc Việt Nam, từ khu vực phi quân sự lên hướng bắc để đổi lấy sự hứa hẹn của Hà Nội thưong thuyết chấm dứt chiến tranh.
Không có gì đáng ngạc nhiên, giới quân nhân chống lại việc ngừng thả bom. Vị TTMT quân đội Hoa Kỳ đã cố vấn tổng thống về chuyện đơn phương ngừng thả bom miền bắc. Tướng Abrams nói “không thể tin rằng địch quân (Bắc Việt) sẻ tỏ ‘thiện chí’”
Tổng Thống Johnson cân nhắc lời cố vấn của các vị tướng lãnh, nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam là gánh nặng trên đôi vai, và ông ta mong mỏi một giải pháp nhanh chóng. Trong tháng Ba, Tổng Thống Johnson đã tuyên bố không ra tái tranh cử. Đó là quyết định của ông ta sau khi tình hình miền nam Việt Nam trở nên bết. Bây giờ ngồi trong phòng “Bầu Dục” (Oval Office – phòng làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ bên trong tòa Bạch Ốc) cùng với vị Tướng lãnh chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông ta băn khoăn nếu chuyện ngừng thả bom miền bắc là điều hợp lý? Đặt câu hỏi cho Tướng Abrams “Nếu ông là Tổng Thống, ông có làm chuyện đó không?” (ra lệnh ngừng thả bom miền bắc, đơn phương)
Tối hôm đó, Tổng Thống Johnson tuyên bố cho công chúng Hoa Kỳ biết việc ngừng thả bom miền bắc Việt Nam. Các cuộc thương thuyết ở Paris sẽ đem lại nhiều điều tót đẹp hơn “cũng vì thế, tôi ra lệnh ngừng tất cả các trận thả bom nơi miền bắc Việt Nam do Không Quân, Hải Quân và cả Pháo Binh đảm trách.”
Tướng Abrams trở lại Việt Nam biết rằng cục diện chiến tranh đã thay đổi, ông ta đang chỉ huy một đạo quân rút lui. Trong Saigon, ông ta lập lại chuyện ngừng thả bom miền bắc đã trở thành sự thực cho thuộc cấp.
Việc ngừng thả bom miền bắc Việt Nam được hiểu biết rộng rãi, tất cả mọi hoạt động phiá bắc vĩ tuyến 17 đều phải ngừng lại. Khi được thông báo, đơn vị SOG “không thể tin được”, theo Đại Tá Blackbun (cấp chỉ huy thứ hai của đơn vị SOG), ngừng các hoạt động bí mật cũng là cơ hội để Bắc Việt tuyên truyền… chiến thắng. Trong giữa tháng Mười, cơ quan MACV bắt đầu “siết” lại các hoạt động bí mật (SOG). Ngày 22 tháng Mười, người dân đánh cá miền bắc cuối cùng trên cù lao Chàm được đưa trở về “nhà”. Ngày hôm sau nữa, các trực thăng (CH-3) từ căn cứ không quân Nakhon Phanom bay vào miền bắc triệt xuất hai toán biệt kích Strata còn lại. Năm ngày sau, người điệp viên Borden (tù binh Bắc Việt) được đưa ra miền bắc. Khi mặt trời lên, sáng ngày 1 tháng Mười Một, đơn vị SOG bị “siết chặt” trên giấy tờ cũng như trong tư tưởng.
Không phải tất cả các ban, ngành trong đơn vị SOG đều bị chi phối bởi việc ngừng thả bom miền bắc. Đến cuối năm 1968, đơn vị có quân số đông đảo nhất, trách nhiệm nặng nhất trong đơn vị SOG là các toán biệt kích xâm nhập sang Lào, Cambodia phá hoại đường mòn HCM, tìm mục tiêu cho phi cơ Hoa Kỳ oanh kích (chương trình 35 OP-35 - Vượt Biên Qua Lào-Miên).
Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) chuyển hướng, đưa các toán biệt hải vào miền nam mở các trận tấn công theo khuôn (Cado - từ biển vào bờ) các căn cứ, sào huyệt VC trong miền nam Việt Nam. Chương trình Tâm Lý Chiến GTAQ vẫn làm việc bận rộn, không thay đổi nhiều. Đài Tiếng Nói Tự Do, đài GTAQ vẫn phát thanh “đều đều” ra miền bắc.
Đối với trọng tâm chương trình 34, các hành quân thả dù, có thay đổi. Trước ngày 1 tháng Mười Một, chương trình này phát triển làm ba ban: 34A biệt kích dài hạn, 34B Strata, và 34C Oodles, Borden (đánh lừa xử dụng tù binh Bắc Việt). Do việc ngừng thả bom miền bắc, ngày 8 tháng Mười Hai, chương trình 34 đổi thành 36 (Hành Quân Nhẩy Dù), gồm hai tiểu ban; 36A biệt kích, gián điệp nằm vùng dài hạn và chương trình đánh lừa địch. 36B cho chương trình Strata.
Chương trình 36A, chương trình Oodles (các toán biệt kích “ma”) có 14 toán biệt kích (ma) hoạt động trên những đồi núi miền bắc. Không thể thả dù tiếp tế (hiả) như xưa, nhưng vẫn nhờ đài phát thanh GTAQ nhắn tin, liên lạc, … giữa các toán biệt kích, thân nhân gia đình biệt kích quân.
Chương trình Borden vẫn tiếp tục như trước, tù binh Bắc Việt được tuyển mộ, đưa vào căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành. Đa số “bị” trả về trại tù binh sau khi đã được “bơm” (phóng đại) tin tức về các toán hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam. Những người còn lại được “xâm nhập” trở lại đơn vị cũ trên đất Lào, Miên hay trong miền nam Việt Nam. Lúc thời điểm thuận lợi nửa năm đầu 1969, Chương trình 36A “phóng” ra hơn 10 điệp viên Borden mỗi tháng, trong đó có toán kết hợp hai hoặc ba người. Đến cuối năm, tổng cộng 43 tù binh Bắc Việt được xâm nhập trở lại đơn vị cũ.
Chương trình 36A được thừa hưởng thêm các toán biệt kích vẫn còn nơi miền bắc Việt Nam, tất cả năm toán: Eagle, Hadley, Red Dragon, Tourbillon và điệp viên đơn phương Ares vẫn còn liên lạc với Saigon.
Từ lâu đơn vị SOG đã nghi ngờ tất cả đã bị bắt giữ, bị ép buộc đóng vai “hai mang”. Đầu năm 1969, SOG quyết định xử dụng năm toán biệt kích còn lại cho chương trình “đánh lừa địch”. Cả bốn toán biệt kích được lệnh di chuyển đến một bãi đáp để triệt xuất. Điệp viên Ares được lệnh chuẩn bị kho hàng cho một toán biệt kích “ma” trong khu vực Hải Phòng. Không thể làm theo lệnh của SOG, hai toán biệt kích Red Dragon và Tourbillon không liên lạc nữa. Toán Hadley báo cáo trong tháng Ba, đã băng qua biên giới vào đất Lào, đợi triệt xuất. SOG nghi ngờ nhưng vẫn cứ theo dõi. Thiếu Tá Stanley Olchovik từ trong Saigon bay lên Nakhon Phanom “Tôi bay trên một phi cơ thám thính (quan sát), nhưng chẳng thấy toán biệt kích nào cả” Sau ”vố” đó, toán biệt kích Hadley cũng biến mất không liên lạc về Saigon nữa.
Còn lại hai toán, đơn vị SOG ra lệnh cho họ thảo kế hoạch triệt xuất. Đến tháng Mười Một toán biệt kích Eagle cũng im luôn. Ares người điệp viên đơn phương xâm nhập từ năm 1961 vẫn cố gắng giữ liên lạc với Saigon.
Hai chương trình còn lại trong 36A, mới chưa thử nghiệm. Chương trình đầu có tên là Toán Tình Báo Chiến Lược (Strategic Intelligence Team – SIT), được soạn thảo trong mùa xuân năm 1968, như một thứ Strata thành phố. Trong khi Strata xâm nhập khu vực hẻo lánh, xa thành phố, toán SIT sẽ xâm nhập gần khu vực đông dân cư dọc theo cán chảo miền bắc Việt Nam. Một toán SIT “kiểu mẫu” hoàn toàn sinh quán nơi miền bắc, được tuyển mộ trong mùa hè và bắt dầu huấn luyện trong tháng Mười. Nhưng khi việc thả bom miền bắc chấm dứt, cả chin (9) người biệt kích SIT chuyển qua chương trình Strata đầu năm 1969.
Chương trình thứ hai cũng chưa thực hiện theo quan niệm điệp viên đơn phương xám (gray singleton). Trong chương trình này, tù binh Bắc Việt được huấn luyện, sau đó xâm nhập bằng tầu Nasty vào khu vực bờ biển gần thành phố Vinh, thâu thập tin tức tình báo, rồi di chuyển dần về phiá nam. Trước năm 1964, cơ quan CIA đã làm chuyện này nhưng không thành công. Một cách chính xác, đây là chương trình điệp viên Borden nhưng làm thật không đánh lừa.
Sau khi được bộ tư lệnh Thái Bình Dương chấp thuận trong tháng Chín, hai hồi chánh viên quê quán vùng Vinh, được tuyển chọn làm điệp viên đơn phương xám. Họ được đưa vào Đà Nẵng huấn luyện đổ bộ bằng xuồng cao su. Nhưng cũng như trường hợp toán biệt kích SIT, việc ngừng thả bom miền bắc, chuyến ra bắc của họ bị hủy bỏ. Sĩ quan VNCH, Marc đưa họ về Saigon để xử dụng xâm nhập vào đất Miên.
Ngày 1 tháng Mười Hai, người điệp viên đơn phương đầu tiên, biệt danh Roma đi bộ băng qua biên giới (Việt-Miên). Trong thời gian đó, chính quyền Ông Hoàng Sihanouk trong Phnom Penh (Nam Vang) lúc nào cũng tuyên bố trung lập, nhưng thực ra ông ta để cho quân cộng sản Bắc Việt, Việt Cộng xử dụng vùng biên giới phiá đông giáp Việt Nam làm chốn nương thân, xây binh trạm kho vũ khí, tiếp liệu,…
Một trong những căn cứ lớn của quân cộng sản là căn cứ điạ 350 trong tỉnh Kratie giáp tỉnh Phước Long miền nam Việt Nam. Điệp viên Roma được lệnh xâm nhập vào khu vực căn cứ 305 dò thám… ngưòi điệp viên Roma biến mất.
Sau vụ mất điệp viên Roma, Marc cùng đối tác sĩ quan SOG xử dụng người điệp viên còn lại mật danh Aurora, quê quán ở Vinh, tên thật là Đinh Công Bá. Điệp viên Aurora được đưa đi xâm nhập khu vực Minot, đối nghịch với Tây Ninh qua đường biên giới. Để theo dõi người điệp viên, SOG trao cho anh ta một máy phát tín hiệu ngụy trang như bi-đông nước.
Lên trực thăng cùng với Marc và Thiếu Tá John Carter, điều hành chương trình 36A, điệp viên Aurora được thả xuống gần đường biên giới trên phần đất Việt Nam. Anh ta chạy nhanh ra khỏi bãi đáp, vào một khu vực rậm rạp dấu máy truyền tin PRC-25, sau đó đi bộ 7 cây số đến thị trấn Minot. Nhiệm vụ cho Aurora thâu thập tin tức tình báo, sau đó quay trở lại chỗ dấu máy truyền tin PRC-25 gọi về để được triệt xuất.
Lúc đầu mọi chuyện êm xuôi, trong khi Marc cùng Thiếu Tá Carter “cắm trại” trong một tiền đồn biên phòng, điệp viên Aurora đi bộ đến thị trấn Minot. Năm ngày sau, Aurora trở về bãi đáp trực thăng nơi anh ta xâm nhập, rồi bất ngờ im lặng vô tuyến. Phi cơ quan sát O-2 bay bao vùng cũng không liên lạc được. Marc dùng loa phóng thanh gọi cũng không ai trả lời. Đơn vị kiểm thính sau đó chặn bắt điện đàm của địch biết được, điệp viên Aurora đã bị bắt.
Với hai lần thất bại, chương trình 36A điệp viên đơn phương không tốt hơn thời cơ quan CIA, tuy nhiên đơn vị SOG quyết định thử một lần nữa. Lần này, tìm người theo đạo Cao Đài (Tây Ninh). Sau khi đã tuyển mộ được một điệp viên “Cao Đài”, đơn vị SOG đưa anh ta ến Minot trong tháng Tư năm 1969. Dưới mật danh Diehard, anh ta bị sảnh sát biên phòng bắt giữ, phải hối lộ mới được trả tự do. Khi trở về đơn vị SOG, anh ta xin nghỉ việc… SOG tuyển mộ người Cao Đài khác đưa xâm nhập vào đất Miên cũng với mật danh Diehard. Kết qủa ba điệp viên Diehard hoạt động được một năm, trở về bình an.
Sự thành công của ba điệp viên Diehard cho đơn vị SOG sự tin tưởng, phấn khởi, tuyển mộ người Cao Đài thứ tư, mật danh Fastage. Người điệp viên này sống gần khu chợ trời biên giới Tây Ninh, quen biết nhiều với cấp chỉ huy quân đội Cambodia trong tỉnh Svay Rieng và Kompong Cham. Điệp viên Fastage lấy được nhiều tin tức, kể cả tấm ảnh chụp phái đoàn Cambodia trong đám tang HCM. Đến cuối năm, Fastage lấy được tin tức thi hài phi hành đoàn trực thăng Hoa Kỳ bị rơi trên đất Miên. Dựa vào tin tức lấy được, người Hoa Kỳ thâu hồi được hai xác chết quân nhân Hoa Kỳ chôn ở Svay Rieng trong tháng Hai năm 1970.
Chương trình 36B (Strata) bắt đầu từ năm 1967, bị cho điểm xấu “mỗi lần tôi đưa họ đi xâm nhập, họ tìm được một chỗ nào đó trốn” theo lời Đại Úy Roy Meeks, phụ tá điều hành chương trình Strata. Sự thực không đúng như thế, nếu so sánh rõ ràng, các toán biệt kích Strata hoạt động nơi miền bắc Việt Nam trung bình 13 ngày, trong khi các toán biệt kích do quân Mũ Xanh Hoa Kỳ làm trưởng toán chỉ hoạt động trên đất Lào tính theo giờ đồng hồ. Điều này Trung Tá Ernest T. Hayes cho rằng, biệt kích Strata lo tìm đường sống, trong khi biệt kích Hoa Kỳ chú trọng việc bắt sống tù binh, phục kích địch.
Để giữ các toán biệt kích Strata, chương trình36B đổi hướng hoạt động xuống dưới vĩ tuyến 17. Các toán biệt kích Strata chỉ khác biệt kích do Hoa Kỳ làm trưởng toán (hành quân Shining Brass) là toán Strata có thê chối cãi được, hoàn toàn người Việt, quân phục lính Bắc Việt, trang bị tiểu liên xung kích AK-47.
Ngày 5 tháng Giêng 1969, Strata thực hiện chuyến xâm nhập đầu tiên kể từ khi ngừng thả bom miền bắc Việt Nam. Lên trực thăng CH-3 trong căn cứ Nakhon Phanom bên Thái Lan, xâm nhập trong khu vực cán chảo của nước Lào. Hai ngày sau, một toán Strata khác cũng lên trực thăng CH-3 trong phi trường Nakhon Phanom. Cả hai toán được triệt xuất thành công.
Sau đó, đơn vị SOG quyết định cho quân Mũ Xanh Hoa Kỳ làm trưởng toán biệt kích Strata, thay AK-47 bằng M-16 Hoa Kỳ… Toán biệt kích Strata không khác các toán biệt kích trong hành quân Prairie Fire (đổi tên từ Shining Brass). Ngày 12 tháng Giêng, toán Strata đâu tiên do quân Mũ Xanh Hoa Kÿ làm trưởng toán, xâm nhập vào nước Lào bằng trực thăng UH-1 Lục Quân Hoa Kỳ. Toán biệt kích chạm súng với quân Bắc Việt giết chết 7 địch quân, ba ngày sau toán Strata được triệt xuất về an toàn. Gián Điệp & Biệt Kích Page 263
Các toán biệt kích do Mũ Xanh Hoa Kỳ làm trưởng toán gia tăng hoạt động, lên đến cực điểm đầu tháng Ba, khi bộ chỉ huy SOG dưới chân núi Sơn Trà nhận được báo cáo, một cánh rừng trên đất Lào có giam giữ tù binh Hoa Kỳ. “Chúng tôi có hai nguồn tin tức về trại giam tù binh” theo lời Đại Úy Richard Meadows (từ Thượng Sĩ được Tướng Westmoreland thăng cấp lên Đại Úy”, người quân nhân Mũ Xanh rất nổi tiếng trong binh chủng LLĐB, đã từng lên ằng không mẫu hạm Intrepid (toán biệt kích Iowa) đi cứu phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi nơi miền bắc Việt Nam năm 1966. Trở lại Việt Nam lần thứ hai, Đại Úy Dick Meadows làm sĩ quan hành quân (ban 3) chương trình 36B (Strata). “Tôi đã có một toán Strata sẵn sàng trên căn cứ hành quân tiền phương (phóng), nhưng phút chót được biết ba trung đội (Hornet) Khai Thác đang bị bao vây trên đất Lào, và họ muốn toán biệt kích Strata làm giảm áp lực quân Bắc Việt đỡ cho đơn vị Khai Thác.”
Các trung đội Khai Thác SOG là một phần trong hai cuộc hành quân cấp lớn dọc theo biên giới Lào. Cuộc hành quân thứ nhất có tên là Dewey Canyon, mục tiêu là những ngọn đồi nơi hướng bắc đường 548, một đường chiến lược quân đội Bắc Việt đưa người, chiến cụ từ đường mòn HCM băng qua biên giới vào thung lũng A Shau. Cuộc hành quân thứ hai Massachusetts Striker tấn công thung lũng A Shau từ hướng nam.
Cả hai mũi tấn công đều làm ngạc nhiên quân đội Bắc Việt, đang gia mùa mưa, và Hà Nội không nghĩ người Hoa Kỳ mở trận tấn công lớn vì vấn đề tiếp liệu, không yểm bị chậm lại do thời tiết. Và họ đã tính sai, ngày 22 tháng Giêng, ba tiểu đoàn, trung đoàn 9 TQLC/HK được trực thăng vận đưa vào những ngọn đôi nơi hướng bắc thung lũng A Shau, sau đó tấn công về hướng nam theo ba trục tấn công.
Quân đội Bắc Việt lúc đầu bị bất ngờ nhưng củng cố lại, sau khi TQLC/HK đã khám phá nhiều hầm chứa vũ khí, đạn dược của địch. Ngày 18 tháng Hai, quân đội Bắc Việt phản công nhưng bị đẩy lui. Trong vòng bốn ngày, TQLC/HK đã băng qua biên giới Lào-Việt khám phá thêm hầm chứa vũ khí kể cả dàn phóng hỏa tiễn 122 ly.
Sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ di chuyển vào thung lũng A Shau, thiết lập hai căn cứ hỏa lực. Ngày 1 tháng Ba, quân Nhẩy Dù Hoa Kỳ mở cuộc hành quân tiếp theo Massachusetts Striker. Một phần trong cuộc hành quân thứ hai này, một đại đội Khai Thác hành quân Prairie Fire từ Đà Nẵng được đưa vào khu vực biên giời Lào-Việt.
Khi đại đội Khai Thác đơn vị SOG được trực thăng đưa vào vùng hành quân, quân đội Bắc Việt đưa một đơn vị cấp lớn bao vây đạị đội Khai Thác (xung kích tiếp ứng). Phiá sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ, cũng bị địch tấn công, pháo kích, quấy rối không thể tiếp cứu, do đó đơn vị SOG phải tự lo liệu. Đơn vị SOG phải đưa một toán biệt kích Strata do LLĐB/HK làm trưởng toán xâm nhập xa hơn lên hướng bắc để làm nghi binh, giảm bớt áp lực của địch lên đại đội Khai Thác.
Ngày 7 tháng Ba, một đơn vị SOG được trực thăng đưa vào khu vực hành quân trên đất Lào, được gọi là (không chính thức) Đặc Nhiệm Meadows, Đại Úy Meadows đi cùng toán biệt kích Strata làm hướng đạo cho cả đơn vị. Nhưng khi đơn vị đặc nhiệm đã vào khu vực hành quân, lệnh thay đổi, đại đội Khai Thác đã được cứu, không cần xử dụng kế hoạch nghi binh nữa, đơn vị đặc nhiệm phải tự rút về phần đất VNCH. Đại Úy Meadows kể lại “Cuộc hành quân nghi binh dự trù kéo dài năm ngày, nhưng không có trực thăng để đưa chúng tôi về. Chúng tôi quyết định di chuyển đến một tiền đồn TQLC gần nhất, hy vọng họ có đủ thực phẩm cho chúng tôi.”
Khi đến tiền đồn TQLC, Đại úy Meadows mới biết tình trạng đơn vị TQLC còn bết hơn đơn vị SOG. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 9 TQLC đụng nặng nhất trong hành quân Dewey Canyon, và Đại Úy đại đội trưởng Westley Fox được ân thưởng huy chương Danh Dự Medal of Honor. Quân đội Bắc Việt tiếp tục quấy rối, thời tiết xấu làm cho vấn đề tiếp tế khó khan, TQLC không có dư thực phẩm để chia bớt cho đơn vị SOG.
Đặc nhiệm Meadows được trực thăng đem ra ngày 15 tháng Ba, bốn ngày sau đơn vị TQLC được di tản. Tổng kết hành quân, 1617 binh sĩ Bắc Việt chết, để lại 1461 vũ khí đủ loại. Quân đội Bắc Việt trong thung lũng A Shau bị sứt mẻ, nhưng quân đội Hoa Kỳ không đủ khả năng “quét sạch” quân đội Bắc Việt ra khỏi thung lũng.
Trong thủ đô Washington, chính quyền liên bang Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết giữ lại một đơn vị có khả năng chống nổi loạn, và thực hiện chiến tranh ngoại lệ nơi miền bắc Việt Nam. Trong tháng Giêng, phòng Phụ Tá Chống Nổi Loạn, Chiến Tranh Đặc Biệt (SACSA) đặt vấn đề này cho cơ quan MACV.
Trong Saigon, cơ quan MACV trả lời với một “túi chương trình”, trong đó có Cado (các toán biệt hải tấn công bất ngờ từ biển vào) và hành quân Prairie Fire (các toán biệt kích Lôi Hổ). Hải Quân Đại Tá Bruce Dunning, phòng SACSA cho rằng “Chắc tái diễn các trận tấn công bất ngờ, quấy phá rối rồi bỏ chạy. Bổn cũ từ năm 1964 soạn lại…”
Chương trình Borden (xử dụng tù binh Bắc Việt) của đơn vị SOG (chương trình 36C) có thể xem như thành công. Thực ra ý tưởng này đã có từ trước. Đầu năm 1968, ban hành quân Prairie Fire đã thử nghiệm lập các toán biệt kích “hồi chánh” cho nhiệm vụ dò thám lấy tin tức hoặc bắt cóc tù binh. Dưới mật danh chương trình Thundercloud có ba toán biệt kích “hồi chánh” (từ phiá bên kia trở về với quốc gia). Được mặc quân phục lính Bắc Việt, võ trang tiểu liên xung kích AK-47 hy vọng họ sẽ “sống lâu” trên đường mòn HCM.
Chương trình đạt hiệu qủa, không phân biệt được với lính Bắc Việt, biệt kích (hồi chánh) Thundercloud xâm nhập nhiều chuyến lấy tin tức đem về. Theo lời một sĩ quan SOG “Họ có thể đi thẳng đến một người lính Bắc Việt thuyết phục họ là “chiến hữu” của anh ta rồi bắt cóc người lính Bắc Việt” Nhưng trong những chuyến xâm nhập khác, biệt kích Thundercloud vô kỷ luật, một chuyến thay vì bắt sống địch, họ bắn chết rồi bỏ chạy. Người Hoa Kỳ không chấp nhận chuyện này, đến giữa năm 1968, loại bỏ chương trình Thundercloud, đưa ba toán biệt kích “hồi chánh” vào hành quân Prairie Fire. Chương trình Thundercloud “chết”. Đầu năm 1969, chương trình 36C đưa ra chương trình Earth Angel, được bộ tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) chấp thuận trong tháng Hai. Chương trình Earth Angel cũng có ba toán biệt kích “hồi chánh” nhưng khác Thundercloud ở nhiệm vụ, Earth Angel chỉ dò thám đường, lấy tin tức tình báo. VNCH đặt tên cho chương trình này là Đề Thám, danh nhân nước Việt xử dụng du kích chiến chống người Pháp trước đó.
Ngày 8 tháng Tư, toán Earth Angel đầu tiên được trực thăng đưa đi xâm nhập một bến phà (bốc, rỡ hàng) trên đất Miên. Vì lý do phi công VNCH, Hoa Kỳ rất “e ngại” phải bốc một toán biệt kích ăn mặc, trang bị như lính Bắc Việt / VC, nên toán biệt kích Earth Angel (Đề Thám) được lệnh lội bộ về phần đất VNCH. Sĩ quan đơn vị SOG đợi họ gần đường biên giới, nhưng hai người cựu “hồi chánh viên” không thấy quay trở về. Vấn đề trở nên bết hơn. Ngày 30 tháng Tư, một toán Earth Angel được lệnh xâm nhập mục tiêu gần Khe Sanh dò thám sự hiện diện của sư đoàn 3 Bắc Việt / VC trong khu vực. Nhưng khi trực thăng bay vào gần bãi đáp, súng phòng không địch bắn rơi chiếc trực thăng. Hai toán Earth Angel khác xâm nhập sang Lào, lúc về bị giải tán vì báo cáo (thổi phồng) không đúng.
Chương trình 36C sửa đổi lại trong mùa hè. Đến tháng Bẩy, 10 điệp viên Earth Angel được tuyển mộ, huấn luyện trong căn cứ Long Thành. Kết qủa mỹ mãn, bẩy trong số tám chuyến Earth Angel xâm nhập được xem như thành công.
Với kết qủa tốt, trong tháng Mười Một, điệp viên Earth Angel được trao trách nhiệm khó khăn hơn. Từ ba tháng trước các trại biên phòng Lực Lượng Đặc Biệt (CIDG camps) trên quân đoàn II vùng cao nguyên trung phần VNCH: Bu Prang và Đức Lập, đang chịu áp lực nặng nề của địch. Quân đội cộng sản bắt đầu bao vây trại LLĐB ngày 28 tháng Mười, xử dụng đại bác trên đất Cambodia pháo kích vào căn cứ. Nhiệm vụ trao cho biệt kích Earth Angel là tìm các ổ súng lớn (đại bác) của địch.
Cuối tuần lễ đầu tiên trong tháng Mười Một, một toán hai biệt kích Earth Angel di chuyển về hướng đường biên giới Việt-Miên. Một người theo đạo Công Giáo quê quán trong tỉnh Nghệ An là Lê Thanh Nam, rời miền bắc trong tháng Hai năm 1968, đi bộ trên đường HCM 105 ngày, một chiến sĩ sư đoàn 304 Bắc Việt (sư đoàn này nằm trong quân đoàn 2 Bắc Việt, tham chiến trận mùa hè đỏ lửa 1972 và trận Thường Đức năm 1974). Nam chưa đụng trận nặng cho đến ngày 23 tháng Mười Hai. Anh ta đào ngũ ra hồi chánh ngày hôm đó (23/12). Trong tháng Sáu năm 1969, anh ta trong số 10 người tình nguyện làm việc cho đơn vị SOG rồi được gửi đến căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành. Nam cũng đã xâm nhập hai chuyến thành công
Người kia là Nguyễn Đăng Viên, vào miền nam cuối năm 1967, thuyên chuyển về sư đoàn 2 Bộ Binh Bắc Việt hoạt động trên vùng cao nguyên (năm 1974, sư đoàn 2 BV hoạt động trong tỉnh Quảng Nam, liên khu 5 Cộng sản). Anh ta đào ngũ trong tháng Năm 1969, ở trung tâm Chiêu Hồi 3 ngày, trước khi được đưa đi Long Thành huấn luyện. Đó cũng là chuyến xâm nhập thứ hai của anh ta.
Trong 24 giờ đồng hồ, hai biệt kích Earth Angel di chuyển chậm qua những bụi cây rậm rạp. Sang ngày thứ hai, sự may mắn của họ biến mất, đụng nhằm toán tuần tiễu Bắc Việt, họ bị tước khí giới, giam vào trại tù binh, ngăn bên cạnh có sáu binh sĩ VNCH, một ngăn thứ ba giam hai phi hành đoàn trực thăng Hoa Kỳ. Bên ngoài có hai trung đội lính Bắc Việt canh gác.
Trong ba tuần lễ sau đó, bị tra khảo, họ phải khai thực là hai “hồi chánh viên” và bị đánh đập tàn nhẫn. Đám canh gác tù nói chuyện không giữ kín kế hoạch giết hai “kẻ phản bội” (hồi chánh).
Đến ngày thứ 26 bị bắt, cây tre chận cửa bi hư lỏng lẻo, cùm chân bằng sắt cũng không khóa, chỉ một lính canh ra dấu cho họ đi làm vệ sinh (đi cầu…). Bất ngờ, hai biệt kích Earth Angel đánh gục lính canh rồi tẩu thoát.
Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, ngày 9 tháng Mười Hai, họ đến được một đồn lính VNCH. Khi đơn vị SOG được báo cáo, Thiếu Tá Carter chỉ huy chương trình 36, sáng ngày hôm sau đáp trực thăng xuống đồn lính VNCH. Hai biệt kích Earth Angel cho biết tin tức về hai phi hành đoàn trực thăng Hoa Kỳ, Nam sẵn sàng làm hướng đạo chỉ đường cho quân giải cứu tù binh, Viên bị sốt rét nên ở lại.
Chiều hôm đó, đơn vị cứu tù binh có Nam đi trên trực thăng dẫn đầu tập họp trong tỉnh Phước Long. Đơn vị SOG thả một toán biệt kích xâm nhập trước để dò thám, tìm trại tù binh. Sau khi có người trốn trại, địch quân đã nhanh chóng di chuyển trại tù binh đi nơi khác cùng với hai quân nhân Hoa Kỳ, Trung Sĩ Vernon Shepard và Chuẩn úy Michael Peterson. Nam được thưởng một số tiền lớn.
XXIV. CỬA HẬU (HOẠT ĐỘNG CIA)
Các hoạt động của đơn vị SOG trên miền bắc Việt Nam chấm dứt sau khi Hoa Kỳ ngừng thả bom, nhưng cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA làm việc theo quy luật riêng. Bỗng dưng CIA “trên chân” Ngũ Giác Đài (bộ Quốc Phòng / TTM).
Cuộc tranh chấp đất dụng võ xẩy ra từ năm 1965, khi đơn vị SOG bắt đầu mở rộng vùng hoạt động sang đất Lào, và tiếp tục trong vòng bốn năm. Vụ đụng chạm đầu tiên khi chương trình EWOT dò thám đường trở nên nhiệm vụ then chốt cho chương trình 34A. Biết được chuyện này, trạm CIA ở Vientiane (Vạn Tượng, thủ đô nước Lào) nhanh chóng chống đối, cho rằng các toán biệt kích đơn vị SOG có thể gây rắc rối cho các toán nằm vùng của cơ quan CIA. Có thể nói họ (CIA) không muốn MACV (SOG) làm chuyện dò thám đường (họ đang làm chuyện đó).
Thêm vào chuyện chia rẽ đó, đại sứ Hoa Kỳ ở Lào, William Sullivan lúc nào cũng chống đối tất cả các hoạt động của đơn vị SOG trên đất Lào. Trong một bức thư gửi cho Tướng Westmoreland tư lệnh cơ quan MACV ngày 23 tháng Tư năm 1965, ông ta cho chương trình dò thám trên đất Lào là vô ích. “xâm nhập đường mòn HCM với đám đóng khố (sắc dân thiểu số)”.
Đơn vị SOG không chịu thua (ngài đại sứ), cuộc chiến thầm lặng trong nội bộ người Hoa Kỳ tiếp tục. Đại Sứ Sullivan chấp thuận kế hoạch của cơ quan CIA xử dụng nước Lào như bàn đạp để thâu thập tin tức tình báo về miền bắc Việt Nam. Toán biệt kích đầu tiên người Hmong (cơ quan CIA yểm trợ người Hmong ‘Mèo’ từ nhiều năm qua) phát xuất từ tỉnh Sầm Nứa bên Lào xâm nhập ngắn hạn vào miền bắc trong tỉnh Sơn La. Sau chuyến xâm nhập tỉnh Sơn La, sự liên hệ giữa cơ quan CIA, đơn vị SOG vả đại sứ Sullivan được cải thiện sau việc thành lập Ban Phối Hợp Đông Nam Á châu (SEACORD). Buổi họp trong căn cứ Không Quân Hoàng Gia Thái Lan ở Udorn năm 1966. Trong buổi họp có: đại sứ Sullivan, CHT đơn vị SOG Singlaub, CIA Vientiane Ted Shackley. The lời Đại Tá Singlaub CHT SOG “Sullivan cho chúng tôi (SOG) một đường biên giới để làm việc, cơ quan CIA cho phép SOG trong vài trường hợp”
Một kết qủa của phiên họp SEACORD cho phép đơn vị SOG tuyển mộ giới hạn trên đất Lào. Người thi hành chuyện này là Thiếu Tá Lò Ngân Dung, dân tộc Thổ, cố vấn cho phòng 45 (sở Bắc) từ năm 1961. Lúc đó đang làm việc trong tòa đại sứ VNCH ở Lào (Vientiane), trong tháng Tám năm 1966, Dung chọn 14 người Hmong đưa đi huấn luyện trong căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành. Toán biệt kích người Hmong có mật danh Nansen.
Trong tháng Ba năm 1967, toán biệt kích Nansen (người Hmong) đã sẵn sàng. Trưóc khi lên đường, họ được tăng cường ba nhân viên truyền tin người Việt, cả ba người là anh em, và một người thông ngôn Việt Nam. Ngày 22 tháng Tư, cả toán Nansen được đưa qua phi trường Nakhon Phanom, lên trực thăng CH-3 bay lên hướng bắc. Một CH-3 khác bay theo chở đồ tiếp liệu, thực phẩm cho toán biệt kích xử dụng trong ba tháng. Theo lý thuyết, toán biệt kích Nansen sẽ để đồ tiếp liệu nơi trạm dừng chân an toàn trên đất Lào đề phòng trường hợp phải tái tiếp tế khẩn cấp cho toán biệt kích.
Đáp xuống một bãi đất trống trên đất Lào, trực thăng CH-3 thả xuống toán biệt kích thùng đồ tiếp liệu, thực phẩm rồi nhanh chóng bay về Nakhon Phanom. Chỉ còn lại toán biệt kích Nansen, họ chờ đợi, đợi cho đến khi đơn vị SOG hối thúc họ phải lên đường. Họ băng qua biên giới rồi nhanh chóng chạy trở về đất Lào. Tháng sau, họ băng qua biên giới, đổi sang hướng tây cho đến khi gặp một tiền đồn người Hmong. Bực tức với toán Nansen, SOG sa thải toán biệt kích Nansen, triệu hồi bốn người Việt về Saigon.
Sau vụ tuyển mộ người Hmong thất bại, Thiếu Tá Dung thử lần cuối, tuyển mộ 13 người thiểu số Thái Đen trong tháng Bẩy đưa về căn cứ huấn luyện Long Thành. Kết qủa một nửa thiếu sức khỏe, không có tinh thần, khả năng, đơn vị SOG chấm dứt chương trình.
Trái với đơn vị SOG, cơ quan CIA trên đất Lào tiếp tục thực hiện các hoạt động nơi miền bắc Việt Nam. Năm 1967 là một năm quan trọng, trên khắp nước Lào, cơ quan CIA yểm trợ các lực lượng bán quân sự, đánh chiếm được nhiều đất đai từ cộng sản Pathet Lào, cục diện chiến tranh đã nghiêng về phe chính quyền Hoàng Gia Lào. Đằng sau các hoạt động này, du kích quân đã tiến sát biên giới Bắc Việt và đã đôi lần băng qua.
Lần đầu tiên xẩy ra đầu tháng Sáu khi trực thăng H-34 cơ quan CIA phát xuất từ Luang Prabang (bay hai chuyến) chở toán biệt kích 12 người vào khu vực biên giới giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu để dò thám đường. Điều không hiểu tại sao (CIA) đưa quân biệt kích (có lẽ người Hmong ‘Mèo’) xâm nhập vào cùng khu vực lân cận ba lần! Lẽ dĩ nhiên, quân đội Bắc Việt đã chờ sẵn. Kết qủa trận đánh, chín (9) quân biệt kích tử trận.
Bẩy tháng sau, CIA quay trở lại miền bắc Việt Nam, gần thung lũng nổi tiếng Điện Biên Phủ trong tỉnh lai Châu. Quân đội Bắc Việt thiết lập căn cứ quan trọng để theo dõi, chỉ huy các hoạt động nơi phiá bắc nước Lào. Thung lũng Điện Biên Phủ cũng là khu vực người thiểu số Thái Đen sinh sống. Cơ quan CIA tuyển mộ một toán biệt kích từ những người tỵ nạn Thái Đen sống xung quanh Luang Prabang, huấn luyện họ kỹ thuật trinh sát, dò thám ba tháng. Lúc 10:00 giờ sáng ngày 5 tháng Giêng năm 1968, quân biệt kích (Thái Đen-CIA) được trực thăng CH-3 đưa đến bãi đáp trống phủ cỏ tranh nơi hướng nam thung lũng. Toán biệt kích này hoạt động được một ngày trước khi bị tấn công. Toán biệt kích (người Thái Đen) bỏ chạy bị phân tán, ba người chạy về hướng biên giới Lào-Việt được cứu thoát trước tiếng súng bắn lên của địch, tám người còn lại bị giết hoặc bị bắt sống.
Vẫn còn “say máu” trong thung lũng Điện Biên Phủ, CIA chuẩn bị cho toán biệt kích thứ ba sẵn sàng trong mùa xuân. Toán này trùng hợp với toán biệt kích Earth Angel (hồi chánhviên) của đơn vị SOG. Được trang bị máy nghe lén điện thoại tối tân, toán biệt kích được phi cơ Air America (CIA) đưa xâm nhập ngày 9 tháng Năm, trên đất Lào dọc theo đường biên giới Lào-Việt, sau đó đi bộ đến mục tiêu, quân biệt kích hoạt động được hai tuần lễ, rồi dùng lựu đạn ném xuống hồ nước bắt cá… Nghe tiếng nổ lớn, đơn vị biên phòng Bắc Việt báo động, đem quân đến bao vây. Chỉ một biệt kích chạy thoát về Lào.
Có nhiều mục tiêu trong khu vực cán chảo miền bắc Việt Nam, cơ quan CIA cũng thực hiện chương trình Strata (dò thám tìm mục tiêu ngắn hạn) của đơn vị SOG. Ngày 26 tháng Tư, toán biệt kích dò thám đường CIA, dưới quyền chỉ huy của một người Thái Lan mật danh Sun, được trực thăng CH-3 đưa đi xâm nhập về hướng đông Nakhon Phanom, trong tỉnh Quảng Bình. Từ một đỉnh cao trên núi, toán biệt kích liên lạc trục tiếp với nhân viên CIA cố vấn ở Savannakhet. Toán biệt kích này ở trong mục tiêu lâu hơn tất cả các toán biệt kích Strata của đơn vị SOG, một phần có lẽ họ hoạt động trong khu vực đồi núi, không xuống đồng bằng đặt mìn, thả truyền đơn như các toán Strata.
Các toán biệt kích khác hành quân xâm nhập cho hết phần còn lại năm 1968. Tất cả đều theo một “công thức”: sắc dân thiểu số trong khu vực hành quân, nằm im (thụ động) dò thám. Họ vẫn chưa được trao phó các nhiệm vụ “tấn công”.
Nhiệm vụ này thay đổi trong mùa hè 1969, sau khi một vị đại sứ Hoa Kỳ mới đến Vientiane (thay cho Sullivan). Vị đại sứ mới McMurtrie “Mac” Godley khác hẳn người tiền nhiệm về cá tính lẫn sự làm việc. Godley được chính quyền Tổng Thống Nixon chọn lựa, sau thời gian đã làm đại sứ Hoa Kỳ ở Congo (Phi châu), nơi mà cơ quan CIA mới hoàn tất chiến dịch bán quân sự mới chống lại nhóm cộng sản Simba.
Rất nhanh, chiến tranh trên đất Lào bùng nổ gần như “một nửa” chiến tranh quy ước (toàn diện), quân chính phủ (Hoàng Gia) Lào chống lại quân đội (các sư đoàn bộ binh) Bắc Việt. Với sự gia tăng cường độ chiến tranh, cơ quan CIA cảm thấy rằng, những giới hạn ràng buộc họ trước đó đã “bốc hơi” Theo lời một viên chức cao cấp CIA “Chúng tôi được khuyến khích đưa chiến tranh vào hậu phương địch.”
“Dụng cụ” họ xử dụng trong tình huống mới là các toán “Biệt Kích Tấn Công”, quan niệm này đưa ra vào cuối năm 1968, một loại “siêu du kích” Quân biệt kích tấn công được huấn luyện mấy tháng chiến tranh ngoại lệ do quân Mũ Xanh LLĐB/HK huấn luyện trong căn cứ Phitsanulok ở Thái Lan. Nhóm đầu tiên thụ huấn có 80 người, được tuyển chọn đầy đủ sức khỏe. Khóa huấn luyện hoàn tất vào nửa năm sau 1969 trở về Lào trong mười (10) toán biệt kích, mỗi toán có tám (8) người. Một nửa được đưa về phần nửa cuối của nước Lào, đặt dưới sự chỉ huy của trạm CIA gần Savannakhet. Phần còn lại, sắc dân thiểu số Hmong được đưa đến các tiền đôn biên phòng quân du kích Hmong ở Pha Khao nơi hướng đông bắc.
CIA đặt nhiều tin tưởng, hy vọng nơi các toán biệt kích tấn công, có thể thực nhiện nhiều nhiệm vụ chiến lược, trong đó có những trận đột kích vào miền bắc Việt Nam. Trong đầu năm 1970, quán niệm về các toán biệt kích tấn công được thử nghiệm. Lên trực thăng Air America (CIA) Bell, toán biệt kích ở Savannakhet cùng với năm (5) súng cối 60 ly bay về hướng đông. Bị ngăn cấm không xâm phạm không phận miền bắc, phi hành đoàn Air America thả toán biệt kích tấn công ngay đường biên giới, từ đó họ đi bộ 14 cây số đến tỉnh Hà Tĩnh. Họ ngừng lại trước một căn cứ, doanh trại quân sự, bắn 50 viên đạn sùng cối 60 ly, rồi nhanh chóng chạy trở về Lào.
Sau những trận tấn công chớp nhoáng thành công, CIA tuyển mộ thêm 50 người đưa sang Phitsanulok huấn luyện. Sau khi trở về, quân biệt kích tấn công được đưa xuống khu vực phiá nam, cao nguyên Bolovens. Cùng với Savannakhet, họ mở một loạt các trận tấn công, đột kích chớp nhoáng vào khu vực cán chảo miền bắc Việt Nam trong nửa phần cuối của năm 1970.
Nơi hướng đông bắc, quân biệt kích tấn công phát xuất từ Pha Khao trở lại khu vực thung lũng Điện Biên Phủ nhưng không để dò thám đường. Ngày 22 tháng Hai, hợp đoàn trực thăng Air America chở 32 quân biệt kích cùng với hai dàn phóng hỏa tiễn đến gần biên giới Lào-Việt. Quân biệt kích sẽ đem hai dàn phóng hỏa tiễn lên một đỉnh cao, bắn xuống thung lũng. Điện văn chận bắt được của địch cho biết, quân biệt kích pháo kích trúng một doanh trại lính Bắc Việt.
Trong tháng Năm, quân biệt kích Pha Khao chuẩn bị cho chuyến xâm nhập thứ hai, ngôi làng Mường Sen nằm sâu sáu cây số trong tỉnh Nghệ An. Không phải lo phi cơ Hoa Kỳ thả bom từ năm 1968, Mường Sen phát triển trở nên khu vực chứa đồ tiếp liệu quân đội lớn cho chiến trường phiá đông bắc nước Lào. Tin tình báo mới nhất cho biết, chiến xa đã được vận chuyển đến làng, do đó quân biệt kích sẽ pháo kích bằng súng cối và ống phóng hỏa tiễn M-72.
Ngày 23 tháng Năm, 21 biệt kích lên trực thăng Bell của Air America (CIA) bay đến biên giới Lào-Việt, quân biệt kích băng qua biên giới đến tỉnh Nghệ An, sau đó di chuyển đến bãi đậu chiến xa. Nhưng lần này một đơn vị tuần tiễu Bắc Việt khám phá ra nơi đặt ống nhòm quan sát mục tiêu (làng Mường Sen). Trong một tuần lễ truy kích, 7 biệt kích bị giết, 10 bị bắt sống, chỉ 4 người Hmong chạy thoát trở lại đất Lào. Gián Điệp & Biệt Kích Page 278
XXV. TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ
Sáng sớm ngày 1 tháng Giêng năm 1970, điệp viên đơn phương Ares gọi máy về Saigon chúc mừng năm mới. Rồi im lặng vô tuyến… đơn vị SOG đợi đến tháng Sáu mới “xóa sổ” người điệp viên (các toán biệt kích) cuối cùng nằm vùng dài hạn nơi miền bắc Việt Nam, sau khi chấm dứt chuyến bay hàng ngày của phi cơ Jenny NC-121 trên vịnh bắc bộ, thường dùng để phát đi chương trình đài phát thanh GTAQ, các tin nhắn thân nhân gửi cho các toán biệt kích. Cuối cùng trạm tiếp vận viễn thông (Bugs) của cơ quan CIA bên Philippines cũng đóng cửa.
Mặc dầu đơn vị SOG có bề ngoài như “phủi tay” chuyện làm ăn “điệp viên dài hạn”, Ngũ Giác Đài vẫn muốn SOG giữ phong độ, sẵn sàng trở lại miền bắc Việt Nam, khi cần thiết. Trong tháng Năm, Đô Đốc McCain gửi một công điện với lời lẽ mạnh mẽ về bộ Tổng Tham Mưu đề nghị đơn vị SOG mở lại các hoạt động bí mật trên biển, phiá bắc vùng phi quân sự. Ông ta nói thêm, biệt kích SEALs Hải Quân Hoa Kỳ có thể hoạt động, phát xuất từ tầu ngầm biến cải Grayback tấn công các dàn radar, nhà máy điện và bến cảng (dọc theo bờ biển bắc Việt Nam).
Trước khi tất cả các điều kể trên thành sự thực, cuộc chiến Việt Nam đi một bước dài sang hướng tây. Trong nỗ lực phá hủy các căn cứ cộng sản nơi phiá đông Cambodia, các đơn vị quân đội Hoa Kỳ và VNCH tiến công qua biên giới Việt-Miên. Như trước đây, chiến thắng trên chiến trường đưa đến chiến bại trên mặt trận chính trị nơi quê nhà, chống đối nổi lên khắp Hoa Kỳ, làm cho Tổng Thống Richard Nixon lập lại lời hứa, rút quân đội Hoa Kỳ về nước, chương trình “Việt Nam Hóa (chiến tranh)”
Trong đơn vị SOG có sự thay đổi ngay tức khắc. Trong tháng Bẩy, Đại Tá John F. Sadler lên nắm quyền chỉ huy đơn vị SOG, và Gián Điệp & Biệt Kích Page 279
ông ta biết ngay, đơn vị SOG ông ta đang chỉ huy khác với đơn vị SOG trước đó rất nhiều. Sadler cảm thấy nhiệm vụ của ông ta đòi hỏi “thêm điều kiện, kiểm soát gắt gao hơn, thêm giới hạn trong vài chương trình, vài chuyện tái tổ chức, nhấn mạnh sự phát triển, tối tân hóa đối tác VNCH Nha Kỹ Thuật.”
Tại thời điểm đó, nhân viên không là vấn đề quan trọng, quân đội Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Việt Nam nhanh chóng, nhưng quân số đơn vị SOG chưa bị cắt giảm, khoảng 1600 quân nhân Hoa Kỳ, 8000 người Việt trong năm 1970. Tuy nhiên, như Đại Tá Sadler nói ở trên, nhiệm vụ chính của ông là giúp đỡ Nha Kỹ Thuật phát triển rộng lớn trên vấn đề quân số và khả năng. Trong vài trường hợp, vấn đề dậm chân tại chỗ đưa đến hậu qủa. Trong chương trình Strata, con số 10 toán biệt kích đầu năm 1969, một năm sau, quân số chỉ còn bốn toán. Quân biệt kích còn lại, thiếu khả năng, nhiều người đào ngũ từ quân đội VNCH, và không còn quân Mũ Xanh Hoa Kỳ cố vấn đi theo, tinh thần xuống thấp.
Mặc dầu với những khuyết điểm, đơn vị SOG vẫn muốn tái tổ chức lại quân biệt kích Strata. Đến giữa năm chương trình 36B (Strata) nâng tổng số toán biệt kích Strata lên chín (9) toán, mỗi toán có 12 biệt kích, và được huấn luyện thêm về chất nổ, phục kích, bắt sống tù binh, và gắn máy nghe lén điện thoại.
Kết qủa khả quan. Ngày 2 tháng Mười, một toán biệt kích Strata được trực thăng đưa xâm nhập trong khu vực tận cùng hướng đông bắc Cambodia cho một trận đột kích, tấn công bất ngờ. Khám phá một chiếc cầu, quân biệt kích đặt chất nổ để phá, đúng lúc một người dân Cambodia đang đạp xe trông thấy họ. Một biệt kích chạy lại bắt giữ người dân làng, sau đó gọi trực thăng triệt xuất. Khi trực thăng vào bốc toán biệt kích bay lên cao, chiếc cầu bị nổ tung xập xuống.
Các cơ quan, bộ phận khác trong đơn vị SOG bị ảnh hưởng “Việt Nam hoá”. Trong chương trình 36A, chương trình mới được thêm vào, trong đó có chương trình Earth Angel (xử dụng hồi chánh viên). Lúc mới lập trong năm 1969, đến cuối năm 1970 con số tăng lên 10 toán (biệt kích Earth Angel). Theo lời một cố vấn Hoa Kỳ “Các điệp viên Earth Angel là sản phẩm xã hội miền bắc. Họ sẽ tự kiểm thảo vào buổi tối, cũng như họ vẫn phải làm trong thời gian phục vụ quân đội Bắc Việt. Họ không từ chối nhiệm vụ và rất kỷ luật. Họ rất năng động.”
Ngày 21 tháng Mười Một, quân biệt kích Hoa Kỳ được trực thăng đưa sâu vào miền bắc Việt Nam, tấn công giải cứu tù binh Hoa Kỳ bị giam giữ trong trại tù binh Sơn Tây, cách Hà Nội 37 cây số về hướng tây. Khi hợp đoàn trực thăng đưa quân biệt kích đến trại tù, Bắc Việt đã di chuyển tù binh Hoa Kỳ đi nơi khác.
Đầu tháng Mười Hai năm 1970, Tướng Abrams tư lệnh MACV và Đô Đốc McCain bàn luận về các mục tiêu đơn vị SOG có thể thực hiện được đối với miền bắc Việt Nam nhằm tạo áp lực cho hội đàm Paris. Các hoạt động dự trù gồm có: xử dụng tầu Nasty ngăn chận tầu bè, bắn phá các mục tiêu dọc theo bờ biển miền bắc, xâm nhập từ biển vào bắt cóc ngư dân, và xử dụng biệt kích Strata tấn công khu vực khai thác dầu hỏa nơi phía nam tỉnh Quảng Bình.
Abrams ký thuận ngày 14 tháng Mười Hai. Một trận đột kích do biệt kích Strata đảm trách có mật danh Perry Run, nhẩy dù xuống từ phi cơ MC-130 bay dưới cao độ thấp, quân biệt kích sẽ đáp xuống khu đồi núi cách thị trấn Đồng Hới 20 cây số về hướng nam. Sau đó toán biệt kích sẽ băng qua một giòng sông nhỏ, tấn công phá hủy mục tiêu.
Một sự kiện quan trọng khác, quân đội VNCH trong tháng Mười ra lệnh giải tán Lực Lưọng Đặc Biệt. Một số được thuyên chuyển qua Nha Kỹ Thuật thành lập sở Công Tác, Trung Tá Ngô Thế Linh trước đó làm trưởng phòng 45 (sở Bắc) và sở Phòng Vệ Duyên Hải được đề cử lên làm chỉ huy trưởng.
Bộ Tư Lệnh Quân Viện (MACV) vẫn nhất quyết trở lại miền bắc Việt Nam. Đầu năm 1971, chương trnh “Việt Nam hóa” tiến triển, quân đội VNCH mở cuộc hành quân đánh qua đất Lào danh hiệu Lam Sơn 719, phá hủy các căn cứ binh trạm trên đường mòn HCM. Ngày 8 tháng Hai hành quân Lam Sơn 719 chính thức bắt đầu, hàng ngàn quân VNCH đủ binh chủng: Bộ Binh, Biệt Động Quân, Nhẩy Dù, và Thiết Giáp tiến quân trên đường số 9 qua đât Lào. Dự trù, quân đội Bắc Việt sẽ phản ứng mạnh, đơn vị SOG trợ lực bằng cách thả dù nghi binh đằng trước và sau trục tiến quân chính. Cũng như năm 1968, cơ quan MACV được chấp thuận, (đơn vị SOG) mở các trận tấn công giới hạn dọc theo bờ biển miền bắc.
Đêm 10 tháng Hai, ba tầu Nasty rời Đà Nẵng chạy lên hướng bắc vĩ tuyến 17, đến hải phận tỉnh Quảng Bình. Ba tầu Nasty bắn chìm ba tầu miền bắc, bắt sống hai thủy thủ đoàn tầu chở hàng bị thương trôi trên biển.
Tuần sau, cơ quan NAD cho hai tầu Nasty chạy đến hải phận Quảng Bình. Lần này quân Bắc Việt đã đề phòng, thả trôi hai tầu ngụy trang đánh cá làm mồi phục kích tầu Nasty. Sau khi đài radar miền bắc nhận diện được tầu Nasty đang chạy lên hướng bắc vĩ tuyến 17, Bắc Việt cho hai tầu chiến ngụy trang tầu đánh cá chạy ra biển, nhưng hai tầu Nasty không ngừng lại ở Quảng Bình, tiếp tục chạy lên hướng bắc. Trên đường quay về, cuộc chạm súng xẩy ra, hỏa lực trên hai tầu Nasty mạnh hơn gây cho miền bắc tổn thất, bẩy người bị thương. Hai tầu Nasty chạy thoát về Đà Nẵng.
XXVI. NHIỆM VỤ CUỐI CÙNG.
Trong khi cơ quan CIA chuẩn bị chuyến xâm nhập khu vực gần thành phố Vinh, đơn vị SOG thảo kế hoạch trở lại miền bắc Việt Nam. Khả năng đối với miền bắc của đơn vị SOG đã lên tới cực điểm vào giữa năm 1971 (lấy quân LLĐB thành lập các đoàn cho sở Công Tác). Trong chương trình 36A, chương trình Earth Angel đã chứng tỏ khả năng tốt, đến mùa hè người Hoa Kỳ thành lập toán biệt kích Earth Angel 16 người, huấn luyện trong căn cứ Long Thành. Trong chuyến nhẩy dù xâm nhập đầu tiên, toán biệt kích “hồi chánh” (Earth Angel) đã đặt mìn trên những con đường trong khu vực đông bắc Cambodia 21 ngày mới triệt xuất.
Chương trình Strata cũng mở rộng thêm, trong mùa hè các toán biệt kích Strata tập bắn súng phóng hỏa tiễn M-72, để bắn các mục tiêu chạy trên sông qua đất Miên. Tập nhẩy dù dưới cao độ thấp xâm nhập vào đất Miên.
Có lẽ việc phát triển quan trọng nhất đối với Nha Kỹ Thuật là sự thành lập sở Công Tác, đơn vị có nhiệm vụ đánh phá miền bắc Việt Nam, chính thức được thành lập ngày 1 tháng Giêng năm 1971, được huấn luyện chiến tranh ngoại lệ ở Nha Trang. Được chấp thuận thành lập năm (5) đoàn, mỗi đoàn có 9 toán biệt kích 12 người. Nhóm đầu tiên đặt tên là đoàn 71, nhóm thứ hai bắt đầu việc huấn luyện cuối tháng Ba, nhóm thứ ba bắt đầu trong tháng Sáu. Đoàn 71 xong việc huấn luyện, bắt đầu hành quân từ tháng Mười Một năm 1972.
Trên phương diện tâm lý chiến, đơn vị SOG tiếp tục tìm cách làm xuống tinh thần Hà Nội, mặc dầu cho đến năm 1971, hầu hết các cố gắng của đơn vị SOG tập trung trên đường mòn HCM (Lào) hoặc trong miền nam. Một trong những chương trình mới ngay hướng bắc vùng phi quân sự bắt đầu từ tháng Mười Một năm 1971, theo lệnh của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (Hoa Kỳ). Trước đó một tháng, nhiều truyền đơn được thả xuống Hà Nội và ba thành phố gần đó và phát thanh trên đài GTAQ, cho phép sĩ quan, binh sĩ quân đội Bắc Việt trở về làng xưa để trợ giúp công việc tái thiết. Lệnh “cho phép trở về nguyên quán” được bộ trưởng Quốc Phòng Võ Nguyên Giáp ký tên.
Đó là những hoạt động phấn khởi, nhưng qúa ít và cũng đã quá trễ. Theo Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon trong vấn đề “Việt Nam hóa”, hàng ngàn quân nhân, cố vấn Hoa Kỳ được trở về sum họp gia đình. Ngày 1 tháng Mười, chương trình 36 (đánh phá miền bắc) ngừng hoạt động, nhập vào chương trình Các Hoạt Động Trên Bộ, tập trung các hoạt động trên đất Lào và Miên (chương trình 35). Chương trình 36A (dài hạn) thâu gọn, đổi tên Ban Hành Quân Đặc Biệt, 36B cũng thâu gọn đổi tên Ban B
Cũng trong tháng đó, sở Công Tác cũng thay đổi nhiệm vụ, hướng qua nước Lào dò thám lấy tin tức tình báo thay vì miền bắc Việt Nam. Ngày 18 tháng Mười, đoàn 71 được đưa về Long Thành huấn luyện kỹ thuật dò thám lấy tin tức, hai đoàn mới 72 và 75 theo sau vê Long Thành huấn luyện trong mùa xuân.
Ngày 30 tháng Ba năm 1972, Hà Nội mở trận tấn công lớn, quy mô trong dịp lễ Phục Sinh, ngưòi Việt Nam gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Ba mũi dùi tiến công xuyên qua vùng phi quân sự và từ bên Lào sang. Quân đội Bắc Việt / VC tấn công tỉnh Bình Long gần biên giới Việt-Miên, thành phố An Lộc bị bao vây hơn hai tháng. Trên vùng cao nguyên, quân đội Bắc Việt tấn công bao vây thành phố Kontum, đe dọa cắt miền nam ra làm hai. Đến cuối tháng Tư, ba sư đoàn bộ binh VNCH gần như “bất khiển dụng”, và Quảng Trị thành phố xa nhất của miền nam thất thủ. Lúc đó quân đội VNCH cần quân để phòng thủ, giữ đất, chuyện đưa quân biệt kích đánh phá miền bắc trở nên xa vời…
Trong khi quân đội VNCH phải lo chống đỡ trận Mùa Hè Đỏ Lửa, chương trình Việt Nam hoá vẫn tiếp tục. Ngày 30 tháng Tư đơn vị SOG giải thể, thay thế bằng Toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật 158. Trong toán 158 có 7 người làm việc cho ban Hành Quân Đặc Biệt, 7 người khác cố vấn Ban B. Cả hai được lệnh đổi hướng các hoạt động về miền nam, chống lại quân đội Bắc Việt. Ngày 23 tháng Năm, Ban B bàn giao các toán biệt kích Strata cho sở Công Tác (đoàn 11), bộ chỉ huy (SCT) di chuyển ra Huế. Hai ngày sau, vài nhân viên Ban Hành Quân Đặc Biệt, cùng với 12 nhân viên (sĩ quan) Việt Nam, hơn một chục biệt kích “hồi chánh” Earth Angel cũng di chuyển ra Huế nhập vào sở Công Tác. Cùng với biệt kích Strata (đoàn 11), biệt kích Earth Angel xâm nhập lấy tin tức về các hoạt động của quân đội Bắc Việt ngoài Quảng Trị.
Không phải tất cả Ban Hành Quân Đặc Biệt đều tập trung các hoạt động dò thám, lấy tin tức. Trong những ngày cuối tháng Năm, cơ quan MACV chấp thuận cho đơn vị SOG thực hiện các hoạt động đánh lừa (nghi binh) trong tỉnh Quảng Trị. Thiếu Tá Nguyễn Phan Tựu, một sĩ quan trong chương trình Borden (xử dụng tù binh Bắc Việt) được chọn để chỉ huy điều hành chương trình. “Chúng tôi đã không hoạt động chương trình Borden gần một năm” Ông Tựu nói “Tôi vào trong khách sạn Thanh Hoa ở Huế làm bộ chỉ huy, có hai người tù binh mới bị bắt tình nguyện. Và tôi chỉ có một tuần để huấn luyện họ.”
Ban Hành Quân Đặc Biệt lấy kinh nghiệm đánh lừa quân đội Đức Quốc Xã trong trận Đệ Nhị Thế Chiến thành công, làm cho người Đức tin rằng quân đồng minh sẽ đổ bộ vào Hy Lạp thay vì đảo Sicily của Italy. Một cố vấn Hoa Kỳ đã đọc sách về chiến dịch đánh lừa đó và muốn áp dụng đối với quân đội miền bắc.
Để thực hiện điều này, Nha Kỹ Thuật tìm một xác chết lính Bắc Việt vừa mới tử trận. mặc quân phục VNCH, mang dù bị hỏng không mở được. Trong túi áo có giấy tờ chứng minh anh ta là trưởng toán biệt kích, đặc lệnh truyền tin, … Đầu tuần lễ thứ hai trong tháng Sáu, phi cơ C-47 VNCH thả rơi xác chết này trong thung lũng A Shau (căn cứ điạ của quân đội Bắc Việt).
Vài ngày sau, hai biệt kích Borden được trực thăng đưa vào khu vực (thả rơi xác chết người lính Bắc Việt) với nhiệm vụ bắt tay với một toán biệt kích đã xâm nhập từ trước. Thực sự không có, theo chương trình Oodles cũ thả dù những tảng nước đá, và kiện hàng đồ tiếp liệu giả.
Ngày 11 tháng Sáu, một toán tuần tiễu Bắc Việt khám phá một xác chết biệt kích đã trương sình lên. Tám ngày sau, quân Bắc Việt khám phá hai biệt kích Borden cùng với ít đồ tiếp liệu. Dựa theo đặc lệnh truyền tin, quân đội Bắc Việt chặn bắt làn sóng quân đội VNCH và được biết có hai toán biệt kích khác đang hoạt động gần khu vực phi quân sự. Ngày 25 tháng Sáu, điện văn (giả) ra lệnh cho hai toán biệt kích yểm trợ một cuộc hành quân phối hợp trực thăng vận và đổ bộ trong hai ngày sau. Quân đội Bắc Việt vội vã phản ứng bằng cách rút bớt quân từ Quảng Trị về đối phó với chuyện “sắp xẩy ra” trong khu vực họ đã lấy được của miền nam Việt Nam.
Rồi thì, nam Việt Nam được “tiếp viện”. Trong tháng Năm, chính quyền Tổng Thống Nixon hủy bỏ lệnh ngừng thả bom miền bắc trong tháng Mười Một năm 1968. Phi cơ Hải, Không quân Hoa Kỳ oanh kích các mục tiêu trên miền bắc Việt Nam, thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng. Về các hoạt động bí mật, bộ Tổng Tham Mưu cùng với bộ tư lệnh Thái Bình Dương thảo chương trình đánh lừa mật danh Contigency Plan (Conplan) 5108.
Conplan 5108 đến toán Cố Vấn 158 ngày 25 tháng Năm. Mặc dầu Nha Kỹ Thuật VNCH đã phải trải mỏng ra đến Huế, ban Hành Quân Đặc Biệt và ban B ngay tức khăc soạn thảo kế hoạch. Họ được lệnh, cho nhiều toán biệt kích chương trình Earth Angel (hồi chánh viên), Borden (tù binh Bắc Việt), và thả tiền giả xuống khu vực Bắc Việt kiểm soát, để đánh lạc hương, đánh lừa địch quân. Trọng tâm của chương trình, xử dụng đơn vị cấp đại đội chuyên phá hoại. Nhưng lúc đó không có đơn vị cấp đại đội (Haymaker, Khai Thác, quân đội Hoa Kỳ đang rút bớt quân). Các toán biệt kích Strata có khả năng phá hoại lúc đó đang bận rộn hành quân xâm nhập trong tỉnh Quảng Trị. Các toán biệt kích sở Công Tác cũng bận rộn hành quân trong nội điạ.
Saigon (Nha Kỹ Thuật) quyết định thành lập một chương trình biệt kích mới Thăng Long, tên cũ của Hà Hội, tuyển mộ trong một số đơn vị VNCH. Một biệt kích trả lời là trưởng toán Strata ở Huế, Thiếu Úy Trần Việt Huệ “Tôi được đọc tuyển mộ quân ‘xâm lăng miền bắc’”, trả lời “Thích qúa, tôi cùng với một Thiếu Úy Strata, ba hạ sĩ quan khác về Long Thành trình diện. Có thêm mấy người đoàn 71, 72 sở Công Tác trong đó có ba người Miên”.
Ngày 4 tháng Sáu, chương trình Thăng Long có 69 người tình nguyện. Họ được ở một góc trong căn cứ Long Thành, trước đó dành cho quân biệt kích, điệp viên người Miên. Trung Tá Nguyễn Văn Hy trước đó là CHT căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành, được đề cử điều hành chương trình Thăng Long. Cố vấn trưởng ban Hành Quân Đặc Biệt đối tác cho Tr/Tá Hy, than phiền chương trình Thăng Long, vô kỷ luật “Họ tập họp hôm Chủ Nhật, sau đó trốn về Saigon, vắng mặt bất hợp pháp. Nhiều người không đủ tiêu chuẩn, 15 người chưa học nhẩy dù, và căn cứ Long Thành rất chật chội, thiếu vệ sinh… xem chừng (cấp chỉ huy) Nha Kỹ Thuật xem thường những chuyện đó…
Thêm vấn đề cho chương trình Conplan 5108, mấy toán biệt kích Earth Angel (hồi chánh viên) vẫn phải đi hành quân xâm nhập trong tỉnh Quảng Trị. Họ cần được huấn luyện xử dụng mìn để phá hoại ngay tức khắc. Ban Hành Quân Đặc Biệt khuyến cáo (SCT/NKT) đưa họ về căn cứ Long Thành đề huấn luyện, thay bằng những toán biệt kích Miên chuyên dò thám lấy tin tức, đang ngồi chơi trong căn cứ. Đến cuối tháng, Nha Kỹ Thuật vẫn chưa có quyết định, và các toán Earth Angel vẫn… đâu đó ở Huế.
Chuyện chậm chạp lan sang căn cứ bên Thái Lan, ban Hành Quân Đặc Biệt đã cho người qua từ ngày 20 tháng Sáu phối hợp. Các hoạt động đánh lừa địch hầu hết qua chương trình phát thanh, ra lệnh cho các toán biệt kích “ma” phóng đi từ căn cứ “ma” Nam Phong, phiá nam Udorn. Phương tiện trực thăng đưa quân biệt kích xâm nhập, gặp phải khó khăn với vị Tướng Không Quân ở Udorn, họ miễn cưõng cho xử dụng trực thăng khi chiến dịch bắt đầu.
Trong khi ban Hành Quân Đặc Biệt gặp khó khăn gom lại các khả năng “hành quân nhẩy dù” cho chương trình Conplan 5108, ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) cũng gặp trở ngại tương tự. Trong tháng Tư, tất cả tầu chiến Nasty đã trả lại cho Hải Quân Hoa Kỳ. Cùng tháng đó, một nửa trong số bốn toán biệt hải chuyển giao cho Lực Lượng Cấp Cứu Biển, một đơn vị mới thành lập để cứu phi công bị bắn rơi trên hải phận miền bắc Việt Nam.
Đến tháng Năm 1972, sở Phòng Vệ Duyên Hải chỉ còn lại hai tấu Swift và hai toán biệt hải, chưa từng ra ngoài bắc bắn phá kể từ năm 1968. Ban Cố Vấn Hải Quân (NAD) đã thâu gọn, chỉ còn bốn cố vấn Người Nhái SEAL. Khi bộ tư lệnh Thái Bình Dương khuyến cáo bô sung chương trình Conplan 5108 với lực lượng tấn công biển bằng tầu, trực thăng và cả tầu ngầm. Điều này rõ ràng vượt xa khả năng VNCH. Biết khuyết điểm này, 31 quân nhân biệt hải được gửi sang Subic Bay ngày 10 tháng S`áu thụ huấn khóa huấn luyện chiến tranh đặc biệt, do toán phá hoại dưới nước Hải Quân Hoa Kỳ huấn luyện. Trong chín (9) tuần lễ quân Việt Nam được huấn luyện, lặn scuba, phá hủy và tán công bất ngờ. Họ cũng thực tập kỹ thuật xâm nhập (ra khỏi) tầu ngầm Grayback.
Đến giữa tháng Tám, đơn vị biệt hải mới đã trở về Đà Nẵng sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Trong khi đó, ở Long Thành, mọi việc vẫn chậm chạp. Ma túy là một vấn đề lớn cho chương trình Thăng Long. Ban Hành Quân Đặc Biệt tập trung chú trọng các toán biệt kích Earth Angel (hồi chánh). Ba mục tiêu nơi miền bắc Việt Nam đã được lựa chọn cho các toán biệt kích “hồi chánh”, bao gồm ống dẫn dầu hướng đông bắc Hà Nội gần ranh giới hai tỉnh Hà Bắc, Lạng Sơn. Gián Điệp & Biệt Kích Page 289
Đưa toán biệt kích Earth Angel đến ống dẫn dầu và thâu hồi (triệt xuất) không phải chuyện dễ. Để xâm nhập, sẽ dùng phương tiện phi cơ MC-130 (thả dù). Mặc dầu được trang bị máy móc điện tử tối tân định hướng, phi cơ MC-130 vẫn phải đối phó với hỏa lực phòng không mạnh mẽ Bắc Việt có cả các dàn hỏa tiễn điạ không tầm nhiệt. Vì là loại phi cơ chở hàng quân đội, MC-130 không được trang bị chống lại hỏa lực phòng không. Ngoài ra không quân miền bắc có một lực lượng phi công Mig đầy kinh nghiệm trong khối cộng sản.
Cuối cùng, Conplam 5108 không thực hiện được. Ngày 31 tháng Mười, tất cả mọi yểm trợ (NAD) cho sở Phòng Vệ Duyên Hải chấm dứt. Cũng trong tháng đó, chương trình Thăng Long giải tán, chỉ giữ lại 30 quân biệt kích có khả năng. Ban B cũng chấm dứt nhiệm vụ, ban Hành Quân Đặc Biệt chỉ còn lại hai cố vấn Hoa Kỳ ngày 25 tháng Mười Một.
Đến giữa tháng Giêng năm 1973, Hà Nội sắp ký vào bản hiệp định đình chiến Paris. Ngày 18 tháng Giêng, bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ ra lệnh chấm dứt chương trình Conplan 5108. Một điện văn tương tự gửi đi từ bộ tư lệnh Thái Bình Dương ngày 27 tháng Giêng. Chiến tranh Việt Nam (đối với người Hoa Kỳ) kết thúc.
XXVII. THẤT BẠI
Ngày 9 tháng Hai năm 1973, phái đoàn sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ đến bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH trong Saigon để gặp các tướng lãnh, sĩ quan cao cấp VNCH. Lần này, thay vì họp hành quân, họ bàn về ngân sách quốc phòng, sự viện trợ cho miền nam Việt Nam. Sự viện trợ của người Hoa Kỳ sắp chấm dứt, và 1,1 triệu quân miền nam sẽ phải đứng vững trên đôi chân của mình, chiến đấu trong cô đơn.
Họ sẽ “đi trước” một bước, tuy nhiên. Chỉ mới một năm trước đó, Washington đã hứa hẹn Saigon với quân dụng mới, một phần trong kế hoạch “Bổ Sung”. Đó là một nghĩa cử tái trang bị cho quân đội VNCH sau trận tấn công lễ Phục Sinh năm 1972 (mùa hè đỏ lửa), đồng thời chuẩn bị cho Saigon một trận đánh, mà chắc chắn sẽ tổn thất nặng nề hơn khi người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam. Chiến xa, tầu chiến, phi cơ đến Việt Nam hàng trăm chiếc… Khoảng 685 phi cơ, trực thăng đưa qua Việt Nam chỉ trong vòng ba tháng cuối của năm 1972.
Về yểm trợ chiến thuật, hơn thập niên, các cố vấn Hoa Kỳ được đưa xuống cấp sư đoàn, trung đoàn, và tiểu đoàn, phi cơ Hoa Kỳ đã giúp đỡ trong việc chuyển quân, oanh kích. Tuy nhiên, hiệp định ngừng bắn Paris đã bắt đầu cho giai đoạn mới. Bản hiệp định ký ngày 27 tháng Giêng năm 1973, giải tán cơ quan MACV, trung tâm quân viện Hoa Kỳ cho Việt Nam, thay thế bằng Phòng Tùy Viên Quân Sự (DAO). Chỉ có 50 quân nhân Hoa Kỳ và vài thường dân được phép làm việc cho cơ quan DAO. Cuộc chiến Việt Nam hoàn toàn do miền nam đảm trách.
Đó là sự thực mà các tướng lãnh VNCH được nghe trong buổi họp. Trong bầu không khí buồn bã, hai bên lọc ra những gì cần giữ, những gì có thể cắt giảm trong những ngày sắp tới. Bộ máy quân sự Hà Nội đe dọa gia tăng cường độ trong những năm vừa qua, do đó phi cơ, chiến xa nằm trong danh sách những chiến cụ rất cần thiết cho VNCH. Xếp hạng gần chót là các hoạt động bí mật (chiến tranh ngoại lệ). Chương trình “Việt Nam hóa” đã làm yếu đi phần nào Nha Kỹ Thuật, nhưng lúc này, rất khó khăn để giữ lại chương trình. Theo lời một trưởng toán biệt kích sở Công Tác:
“Khi người Hoa Kỳ yểm trợ Nha Kỹ Thuật, chúng tôi có thể tin tưởng nơi các chiến đấu cơ yểm trợ và nhiều trực thăng ứng chiến. Đến năm 1972, chúng tôi phải dựa vào trực thăng của Không Quân VNCH, đôi khi không thể có hơn một chiếc trực thăng đi hành quân. Trong sở Công Tác, chúng tôi phải giảm bớt số biệt kích trong các toán từ 12 người xuống còn 6 người, bởi vì 6 là con số tối đa chúng tôi có thể được triệt xuất bằng dây, một chiếc trực thăng có thể đem ra trong trường hợp khẩn cấp. Đến đầu năm 1973, chúng tôi không hy vọng có trực thăng, phải xâm nhập vùng hành quân bằng cách lội bộ.”
Ngay cả các toán biệt kích Nha Kỹ Thuật gặp khó khăn hành quân trong nội điạ miền nam Việt Nam, các hoạt động bí mật nơi miền bắc Việt Nam trở thành truyện thần tiên. Ngân khoản tài trợ cho các đơn vị chiến tranh ngoại lệ phải chấm dứt. Các vị tướng lãnh VNCH đồng ý. Đoàn 68, phần còn lại của những hoạt động nơi miền bắc Việt Nam giải tán.
Trong tháng Hai, Ba, Hoa Kỳ, Bắc Việt và VNCH trao trả tù binh. một phần trong hiệp định ngừng bắn Paris, tất cả tù binh Hoa Kỳ và đồng minh quân đội cũng như dân sự được trả tự do trong vòng 90 ngày. Đến cuối tháng Ba, tuân hành theo hiệp định, miền bắc trao trả 591 ngưòi Hoa Kỳ, mấy trăm người miền nam (VNCH). Đặc biệt trong số đó, không một quân nhân biệt kích nào được trao trả. Hà Nội đã khép họ vào tội gián điệp, không phải tù binh quân đội. Bản hiệp định không nói rỏ về trường hợp các quân nhân biệt kích, Bắc Việt quyết định, quân biệt kích không đủ điều kiện để được trao trả (tù binh). Điều ngạc nhiên hơn nữa, cả Hoa Kỳ lẫn VNCH không ai lên tiếng can thiệp hay áp lực Bắc Việt trao trả các tù binh biệt kích VNCH (quân biệt kích Hoa Kỳ vẫn được trao trả). Cả hai đều chối, không có các hoạt động bí mật…
Quân biệt kích bị bắt nơi miền bắc Việt Nam, không phải là nhóm người duy nhất bị giam giữ, quân biệt kích Lôi Hổ (NKT) bị bắt trên đất Lào hay Miên, khoảng mấy chục người cũng không được trao trả tù binh. Vẫn có người may mắn, trường hợp đặc biệt, Thiếu Úy Trần Hồng trưởng toán Strata bị bắt nơi phiá nam nước Lào đầu năm 1971 (có lẽ trận Lam Sơn 719), là một trong hai biệt kích Strata được “về nhà” trong năm 1973. Thiếu Úy Hồng cho biết, miền bắc biết rất nhiều về các hoạt động bí mật.
“Khi Hồng bị an ninh miền bắc tra khảo, họ cho anh ta xem một số ảnh rất rõ các sĩ quan Strata chụp từ tháp nước trên cao trong doanh trại Strata dưới chân núi Sơn Trà.” Hồng nói tiếp “Hiển nhiên họ có điệp viên trong căn cứ, giả bộ làm việc nơi tháp nước”
Sự kiện Bắc Việt có người (gián điệp) gài trong căn cứ dưới chân núi Sơn Trà không đáng ngạc nhiên. Theo lời một Thiếu Tá Nha Kỹ Thuật “Có hàng chục nếu không nói hàng trăm nhân viên người dân điạ phương làm việc trong nhà bếp, quét dọn, hay tài xế trong các căn cứ Nha Kỹ Thuật. Vài người có vấn đề điều chuẩn an ninh. Họ làm việc trong căn cứ, lau chùi, dọn dẹp phòng ngủ quân biệt kích cho đến phòng thuyết trình. Nhiều người khai không biết chữ, nhưng nào ai biết họ làm nội tuyến cho cộng sản?”
Saigon có thể truy lục ra các điệp viên làm việc cho cộng sản, nhưng điều đó đã quá trễ. Đầu năm 1974, quân cộng sản càng lấn chiếm được nhiểu đất đai. Trong tháng Mười Hai, quân Bắc Việt bao vây Phước Long, cách Saigon 120 cây số về hướng bắc. Tháng sau họ tấn công chiếm Phước Long, chiến thắng lớn nhất của quân Bắc Việt kể từ sau hiệp định Paris.
Bên kia nửa vòng trái đất, Washington phản ứng lấy lệ lên án “hành động quá khích”. Phản ứng của người Hoa Kỳ “khuyến khích” Hà Nội đẩy mạnh kế hoạch thôn tính miền nam của họ. Ngày 8 tháng Ba năm 1975, quân đội Bắc Việt bắt đầu chiến dịch HCM bằng những trận tấn công phối hợp trong miền nam Việt Nam
Bộ máy chiến tranh của miền nam khủng hoảng về chiến thuật, chiến lược bắt đầu tan vỡ. Bắt đầu từ miền cao nguyên, cuộc di tản về miền duyên hải để tái phối trí lực lượng trở thành rối loạn. Quân đội Bắc Việt cùng với chiến xa đuổi theo phiá sau, miền nam Việt Nam như bị cắt làm đôi.
Nơi phiá bắc, quân đội VNCH được lệnh bảo vệ “túi phòng ngự” (enclave) Huế và Đà Nẵng bằng mọi giá. Bốn sư đoàn còn nguyên vẹn trong đó sư đoàn 1 Bộ Binh và sư đoàn TQLC được xem như hàng đầu của quân đội VNCH. Nhưng vùng cao nguyên tan rã, tinh thần chiến đấu ngay cả những đơn vị thiện chiến xuống thấp. Tuần lễ thứ ba trong tháng Ba, binh sĩ rã ngũ cùng với thường dân từ Huế đổ xô về Đà Nẵng.
Khi vòng vây quân đội Bắc Việt bắt đầu siết lại xung quanh Đà Nẵng, hai đơn vị Nha Kỹ Thuật, một đoàn sở Công Tác và đoàn Strata vẫn tiếp tục hành quân xâm nhập dò thám. Ba toán biệt kích sở Công Tác vẫn dò thám nơi tuyến đầu, hy vọng tìm ra yếu điểm của địch. Nhiệm vụ gần như tự sát!
“Ngày 23 tháng Ba, chúng tôi được lệnh đi cùng với một trung đội TQLC nơi hưóng tây bắc Đà Nẵng, đặt mìn trên xa lộ đi vào thành phố.” Thiếu Úy Nguyễn Công Thế trưởng toán biệt kích kể lại “Nhưng khi chúng tôi đến nơi, được cho biết không có trực thăng di tản (triệt xuất). Toán biệt kích bị cắt đứt, bao vây, ba ngày sau đầu hàng.”
Ở Đà Nẵng, TQLC cùng với đủ loại sắc lính tìm cách bơi ra tầu lớn để được di tản. Bộ chỉ huy sở Công Tác, cũng tìm cách di tản về Saigon, bỏ lại ba toán biệt kích. Tại chân núi Sơn Trà, Thiếu Tá Lê Hữu Minh, chỉ huy trưởng Strata nhìn thấy sự hỗn loạn. Ông Minh cựu CHT chương trình Earth Angel (hồi chánh viên), vừa lên nắm quyền chỉ huy chương trình Strata cuối năm 1974. “TQLC chạy ra núi Sơn Trà, rồi lên tầu nhỏ chạy ra biển” Ông ta kể tiếp “Các toán biệt kích của tôi vẫn đang hành quân, tôi lên máy truyền tin ban ‘lệnh đỏ’ có nghĩa tìm mọi cách về Saigon”
Đến đêm ngày 30 tháng Ba, Đà Nẵng nằm trong tay địch quân. Ngày hôm sau, bộ Tổng Tham Mưu quân đội VNCH lập kế hoạch phòng thủ phần đất còn lại của miền nam. Phòng Tùy Viên Quân Sự DAO trong Saigon không tin tưởng, tiên đoán VNCH sẽ thất thủ trong vòng ba tháng. Cơ quan tình báo bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, sau khi đánh giá tình hình ngày 2 tháng Tư, cho rằng VNCH chỉ có 30 ngày (chính xác).
Sự bi quan được bảo đảm hoàn toàn (100%). Đến tuần lễ thứ ba trong tháng Tư, mười sáu (16) sư đoàn Bắc Việt đã vào đến vị trí bao vây, chuẩn bị ba mũi tấn công vào thủ đô Saigon. Không còn kế hoạch nào khác, bộ TTM đưa tất cả các đơn vị có trong tay vào tuyến phòng thủ cuối cùng. Tất cả các đơn vị VNCH còn lại vào chiến trường, kể cả phần còn lại của Nha Kỹ Thuật. Nơi hướng đông Saigon có phần còn lại của sở Công Tác. Mười cây số lên hướng bắc có Thiếu Tá Minh cùng ít quân biệt kích Strata, đã thoát chết về đến Saigon. Nơi hướng tây căn cứ huấn luyện biệt kích Long Thành có đoàn 68, lúc đó vẫn chưa theo lệnh bộ TTM giải Gián Điệp & Biệt Kích Page 295
tán. Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của đoàn 68, Trung tá Trương Duy Tài đã từng chỉ huy nhiều năm các đơn vị biệt hải ngoài Đà Nẵng.
“Đoàn 68 có khoảng 150 người từ nhiều toán biệt kích” Ông Tài kể lại “Nhiệm vụ dành cho chúng tôi hành quân ngoại biên, hoặc miền bắc Việt Nam, nhưng không ai nhắc đến chuyện đó nữa. Nhiều quân nhân xuất sắc người Việt gốc Miên vẫn còn ở lại cho đến giờ phút cuối cùng.”
Nhưng không phải ai cũng ỏ lại chiến đấu đến cùng. Ngày 21 tháng Tư, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức rồi ra ngoại quốc. Đại Tướng Cao Văn Viên TTMT cũng thế. Theo dõi phi cơ riêng của Đại Tướng Viên đậu trong phi trường Tân Sơn Nhất, Chỉ Huy Trưởng Nha Kỹ Thuật, Đại Tá Đoàn Văn Nu, cùng gia đình lên phi cơ rời Việt Nam ngày 28 tháng Tư.
Sáng hôm sau, Thiếu Tá Minh CHT Strata gọi bộ chỉ huy NKT báo cáo, xin lệnh, nhưng không ai trả lời. Ông Minh tập họp quân biệt kích Strata lại rồi di chuyển về Saigon. Ông Minh kể lại “Khi chúng tôi vào đến nơi, cấp chỉ huy Nha Kỹ Thuật đã bỏ đi, (biệt kích) sở Công Tác lên một xà lan để di tản. Tôi nói với thuộc cấp đi theo họ.”
Buổi sáng ngày 1 tháng Năm, cuộc chiến Việt Nam hoàn toàn chấm dứt, một bầu không khí nặng nề bao trùm Saigon khi quân đội miền bắc, Việt Cộng tràn vào đường phố Saigon. Tổng Thống mới nhậm chức Dương Văn Minh đã chấp nhận đầu hàng vô điều kiện từ ngày hôm qua, chiến xa Bắc Việt ủi vào cổng dinh Độc Lập.
Chiếm đóng đài phát thanh, phát ngôn viên quân cộng sản ra lệnh sĩ quan quân đội VNCH trở về đơn vị cũ. Theo lệnh của họ, mấy sĩ quan then chốt Nha Kỹ Thuật trở lại văn phòng gần cổng chính phi trường Tân Sơn Nhất. Trong đó có Francoise cựu CHT Strata, người tuyển mộ điệp viên đơn phương Ares.
Cùng với Francoise là Marc chức vụ cuối cùng trong Nha Kỹ Thuật là trưởng ban tiếp liệu. Có thêm Jacques, chức vụ cuối cùng Thiếu Tá trưởng ban2 (an ninh tình báo). Thiếu Tá Minh CHT Strata cùng với Trung Tá Tài CHT đoàn 68 cũng ra trình diện.
Lính Bắc Việt bao vây năm sĩ quan “Lôi Hổ” (NKT) đưa họ đi cải tạo. Francoise được tự do năm 1978… Marc ở tù hơn 12 năm, Minh và Tài không được thở bầu không khi tự do trong 16 năm dài. Người kém may mắn nhất là Jacques chết trong trại cải tạo.
XXVIII. ĐOẠN KẾT - NGƯỜI CỦA MUÔN NĂM CŨ
“Kẻ chiến thắng có một trăm người cha, kẻ chiến bại là con mồ côi” Tổng Thống Kennedy than thở sau thất bại Vịnh Con Heo năm 1961. Lẽ dĩ nhiên, có nhiều con mồ côi sau trận chiến Việt Nam. Quân biệt kích chương trình 34A (nằm vùng dài hạn nơi miền bắc Việt Nam) chắc chắn trong số con mồ côi, mặc dầu tiếng ca thán của họ không đau thương hơn hàng triệu quân nhân, thường dân phải rời bỏ nhà cửa, xóm làng vì cuộc chiến. Tuy nhiên vẫn có một sự khác biệt, họ là những “Kinh Kha” đi vào lòng địch, do đó họ là nạn nhân cho chế độ mới (cộng sản) trả thù… Danh từ “biệt kích” gần như đồng nghĩa với “phản bội” Kết qủa dành cho các cựu biệt kích quân dưới chế độ mới (cộng sản) là sự kỳ thị, nghi ngờ, không có công ăn việc làm, nghèo túng.
Chính quyền Hoa Kỳ chỉ giúp đỡ chút đỉnh cho những người tận tâm phục vụ trước đây. Trong thập niên 1980, Hà Nội nói rõ sẵn sàng để cho họ (quân biệt kích) ra đi, nhưng chính quyền Hoa Kỳ không nhận. Những năm đầu sau khi Saigon mới thất thủ, nhiều người trốn tránh chế động sản, vượt biển thành công đã được nhận vào Hoa Kỳ. Nhưng đến năm 1982, vấn đề nhập cảnh Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn, kể cả đến từ các quốc gia đồng minh. Mặc dầu cựu biệt kích chương trình 34A chỉ còn sống sót một nhóm người, nhưng họ cũng bị khước từ, không được vào Hoa Kỳ.
Chuyện này do sở Di Trú (INS) Hoa Kỳ đặt ra điều lệ. Từ tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bangkok bên Thái Lan, một đại diện sở Di Trú cứu xét giấy tờ, hồ sơ xin nhập cảnh của các cựu biệt kích quân rất chậm chạp. Hồ sơ, đơn xin tỵ nạn được các cựu biệt kích gửi đi từ Việt Nam cùng với giấy tờ chứng minh làm việc cho đơn vị SOG, giấy tờ chứng minh được trả về nguyên quán sau thời gian tù đầy… Sau thời gian một năm hay lâu hơn nữa, số phận của họ sẽ được quyết định, đa số bị từ chối. (điều đau thương nhất, buồn nhất cho một biệt kích quân, sau những năm dài tù đầy nơi miền bắc Việt Nam).
Theo “luật” của sở Di Trú, để đủ điều kiện chương trình định cư, quân biệt kích (và tất cả cựu quân nhân VNCH) phải đi tù cải tạo ít nhất ba năm, sau khi Saigon sụp đổ năm 1975. Mặc dầu nhiều biệt kích chương trình 34A bị bắt giam cầm hơn 10 năm, sở Di Trú Hoa Kỳ vẫn cho rằng họ không phải là những người bị chế độ cộng sản “bạc đãi” chính trị, bắt đầu khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Một cách đơn giản, trước đó, quân biệt kích chỉ là tù binh.
Vấn đề trở nên bết, vì trong sở Di Trú, không ai có chút kiến thức, hiểu biết về chương trình 34A. Khi một biệt kích nộp đơn xin quy chế tỵ nạn, nói rằng anh ta nhẩy dù xuống miền bắc Việt Nam trong một nhiệm vụ bí mật, không ai tin tưởng anh ta… thật sự, chỉ cần xem giấy tờ trong hồ sơ, tìm hiểu thêm chút sẽ biết những điều người biệt kích khai là câu chuyện có thật.
Những câu chuyện về cách làm việc sở Di Trú càng nhiều hơn, Nguyễn Văn Ngọ, một biệt kích 34A trong toán Tellus bị bắt ngày 7 tháng Sáu năm 1963, được trả tự do ngày 15 tháng Tư năm 1978, chỉ 15 ngày trước ngày 30 tháng Tư, 1975. Mặc dầu có nhiều bạn tù biệt kích 34A đã được đnh cư ở Hoa Kỳ, ông Ngọ vẫn bị từ chối.
Dương Long Sang, một biệt hải trong toán Cancer, bị bắt ngày 7 tháng Sáu năm 1963, bị cầm tù cho đến ngày 12 tháng Năm 1982. Hai người cùng toán Cancer đã được sang Hoa Kỳ định cư, nhưng ông Sang bị từ chối vì không có giấy tờ chứng minh làm việc cho đơn vị SOG. Mặc dầu Sang đã cung cấp hình ảnh của mình chụp với hai bạn cùng toán biệt kích, cùng với giấy tờ do trại tù binh, cải tạo cấp cho. Ngô Quốc Chung, trưởng toán biệt kích Packer, bị bắt trong một chuyến xâm nhập ngày 4 tháng Bẩy năm 1963. Ông Chung một cựu chiến binh Điện Biên Phủ, nổi tiếng trong trại tù binh là ngoan cố, cứng đầu. Cuối cùng ông Chung được trả tự do trong tháng Mười năm 1987, tuy nhiên để gây khó khăn cho người biệt kích ngoan cố, họ không cấp giấy tờ ra trại cho ông Chung. Sở Di Trú từ chối hồ sơ của ông mặc dầu có nhiều tài liệu giấy tờ liên hệ với cơ quan CIA (trước năm 1964, chương trình 34A do cơ quan CIA chỉ huy, điều hành).
Danh sách này tiếp tục dài ra mãi, nhưng chỉ một số rất ít người bên ngoài Việt Nam theo dõi câu chuyện biệt kích 34A. Rồi thì trong tháng Tư năm 1995, vị đại sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan, David F. Lambertson, gửi một công điện đi Washington, đề nghị sở Di Trú tái xét lại nhiều trường hợp biệt kích 34A bị từ chối. “Chúng ta tin rằng, họ (biệt kích 34A) đủ tiêu chuẩn” theo bức công điện “dựa trên sự liên hệ với chính sách, chương trình của chính quyền Hoa Kỳ và thời gian cầm tù lâu dài của họ.” Vị Đại Sứ công nhận quân biệt kích bị bắt “trong khi thi hành nhiệm vụ theo lệnh Hoa Kỳ, lấy tin tức tình báo, các hoạt động tâm lý chiến, cứu phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi nơi miền bắc Việt Nam.”
Công điện của Đại Sứ Lambertson được phổ biến trong quần chúng nhanh chóng làm cho sở Di Trú (INS) phải xét lại, thủ tục nhập cảnh cho các biệt kích chương trình 34A, đặc biệt những người trước đó bị từ chối. Kết qủa gần hết hồ sô biệt kích 34A được phép nhập cảnh Hoa Kỳ.
Cùng lúc đó, “thảm kịch” 34A ra tòa ngày 20 tháng Tư năm 1995, văn phòng luật sư John C. Mattes ở Miami, Florida đại diện cho 281 biệt kích quân 34A đưa đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ trước tòa án Liên Bang trong thủ đô Washington D.C., đòi chính quyền Hoa Kỳ trả lương còn thiếu (kể từ lúc bị bắt ngoài miền bắc Việt Nam), số tiền tổng cộng 11.240.000 USD. Luật sư Mattes ước tính lương trả cho mỗi biệt kích quân là 2.000 USD một năm nhân cho số năm bị tù đầy ngoài miền bắc.
Trong một cuộc phỏng vấn ghi nhận trong hồ sơ đơn vị SOG, Đại Tá TQLC John J. Windsor, sĩ quan hành quân (trưởng ban 3) đơn vị SOG từ năm 1965 đến 1966 trả lời, cấp chỉ huy của ông ta (CHT) cảm thấy “tiền lương hàng tháng của các biệt kích quân nên ngừng lại”. Windsor nhìn nhận, điều này được thực hiện bằng cách “báo cáo họ tử trận hàng tháng, cho đến khi hoàn tất, rồi chấm dứt việc trả lương hàng tháng.”
Hồ sơ ngân sách (tài chánh) trong ngân khố quốc gia cho biết, đơn vị SOG trả “tiền tử” cho các biệt kích quân, mặc dầu biết họ bị bắt, giam cầm nơi miền bắc Việt Nam. Vài toán biệt kích bị báo cáo tử trận mặc dầu Bắc Việt đưa họ ra tòa lãnh án.
Ngày 19 tháng Sáu năm 1996, hơn một chục cựu biệt kích 34A vào hội trường để nghe mấy Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ trút cơn tức giận lên chính quyền Hoa Kỳ và hứa sẽ làm rõ mọi chuyện.
“Sự thực là chúng ta đã đưa những quân nhân biệt kích anh hùng VNCH xâm nhập vào miền bắc Việt Nam, hoạt động cho người Hoa Kỳ.” Thượng Nghị Sĩ John Kerry đảng Dân Chủ tiểu bang Massachusett nói tiếp “Chúng ta không thể nào bồi thường xứng đáng cho sự chịu đựng to lớn đó, trong những năm tháng tù đầy. Nhưng chúng ta có thể trả lại danh dự cho họ, cho những điều họ đã làm cho chúng ta. Họ là những người đứng chung chiến tuyến với chúng ta, chiến đấu cho tự do, cho dân chủ. Chúng ta phải nhìn nhận lỗi lầm và sửa đổi” Sau đó Thượng Nghị Sĩ John Kerry rời hội trường, giới thiệu chi phiếu được bộ Quốc Phòng chấp thuận năm 1997 hơn 20 triệu đô la trả cho các quân nhân biệt kích 34A, mỗi người được hưởng số tiền bồi thường khoảng 40 ngàn đô la.
Thượng Nghị Sĩ Bob Kerry, đảng Dân Chủ tiểu bang Nebraska, một cựu quân nhân Người Nhái SEAL, được ân thưởng huy chương Danh Dự (cao qúy nhất của Hoa Kỳ) phát biểu “Theo sự hiểu biết của tôi, chính quyền Hoa Kỳ mắc nợ họ. Điều đó hiển nhiên, tôi không cần phải tham dự buổi họp này mới biết”
Những lời nói đanh thép nhất đến từ Thượng Nghị Sĩ Arlen Specter, đảng Dân Chủ tiểu bang Pennsylvania, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện “Chính quyền Hoa Kỳ cố tình ‘xóa xổ’ họ” Thượng Nghị Sĩ Specter cho những việc làm của chính quyền Hoa Kỳ đối với các biệt kích 34A là “Ác độc, vô lương tâm… Những chuyện này là tội phạm. Bỏ rơi họ, đó là cố tình giết người” Specter cho rằng bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ làm chuyện “khôi hài”
Đến hôm nay, các biệt kích 34A đã được bồi thường xứng đáng. Áp lực Quốc Hội buộc bộ Quốc Phòng lập ủy ban cứu xét việc bồi thường. Cho đến tháng Năm 1999, họ nhận được 1200 lá đơn và khoảng 332 trường hợp được chấp thuận, số tiền bồi thường cho các biệt kích 34A lên đến 13.5 triệu đô la.
Theo tác phẩm: “Spies & Commandos”, tác giả Kenneth Conboy & Dale Andradé
Fort Hays State University
Department of Computer Science
Dallas, Texas Nov. 08, 2021
vđh